LẠI NÓI VỀ TÍNH XÁC THỰC VÀ HIỆU ỨNG NGÔI SAO.
Bài viết hôm trước của mình có chỉ ra vài sai sót và sự trùng hợp trong Muôn kiếp nhân sinh liên quan đến Louis XIV, lịch sử Ai Cập và Kinh Thánh. Mình có đăng bài đó lên vài group đọc sách và thấy vài bạn bình luận rằng “Bạn trích dẫn lịch sử để làm gì? Ngay đến lịch sử còn không chính xác ở nhiều điểm…” rồi “Mình không quan trọng lịch sử vì câu chuyện. Đọc và ngẫm thôi sao chúng ta có thể biết được sự thật nào là đúng hay sai mà cho rằng nhầm lẫn hay không. Chính bản thân chúng ta ở mỗi thời điểm khác nhau nhìn nhận cùng một vấn đề đôi khi đúng sai cũng thay đổi mà…”
Vậy trong 1 cuốn sách như Muôn kiếp nhân sinh có số lượng in đến 10.000 bản, đã tái bản hai lần, được viết bởi 1 nhân vật được công nhận trên bình diện Quốc tế và được 1 nhà sách biên tập lại mà có những lỗi mà các bạn cho rằng “đọc và ngẫm thôi sao có thể biết được sai hay đúng được?”. Tất nhiên đọc và ngẫm không thể biết được nhưng ai cũng có khả năng đi sâu, tìm hiểu cặn kẽ một thông tin, một câu chuyện lịch sử bằng các nguồn khác nhau.
Trong Muôn kiếp nhân sinh thì trường hợp ở đây là Nguyên Phong – John Vu ở trang 193-194 đề cập đến viết Louis XIV chết vì đội vương miện có gắn viên kim cương Hope mà mình chỉ ra sự sai sót này (Đối với mình là nghiêm trọng) vì nó vừa là lỗ hổng nghiêm trọng trong kiến thức đồng thời bóp méo sự thật để nâng cao quan điểm của tác giả để khi truyền đạt đến người đọc.
Có những bạn nói rằng lịch sử có thể sai thì mình rất mong muốn các bạn trước khi viết bình luận kiểu này thì hãy vào Google gõ LOUIS XIV để biết đó là ai, đã ảnh hưởng đến lịch sử thế giới như thế nào trước khi đặt câu hỏi về sự sai lầm của lịch sử, một điều mà chính các bạn còn không biết nó là gì nhưng cũng bình luận về nó.
Nhân tiện mình xin kể thêm rằng Louis XIV cũng là người cho xây dựng cung điện Versailles . Và nếu các bạn cũng không biết “Versailles” là gì thì hãy xem lại kiến thức của chính mình trước khi bàn về tính đúng sai của lịch sử. Thực tế là khi mình xem lại thì có nhiều website Việt Nam, thế giới thậm chí là các video dưới dạng kể chuyện bằng hình ảnh trên Youtube cũng đăng tải thông tin sai lầm về Louis XIV trong vụ viên kim cương.
Nhưng nói đi cũng phải nói lại. Ngay đến người viết là bác Nguyên Phong – John Vu cùng các biên tập viên khi đọc lại cũng không phát hiện ra sự sai sót này thì này thì lỗi thuộc về họ. Và sự sai sót, nhầm lẫn này khi đến với người đọc thì lại bị “Hiệu ứng ngôi sao” – là khái niệm được viết trong cuốn Think fast and slow – suy nghĩ nhanh và chậm đưa ra kết luận dựa trên chứng minh sự sai lầm khi nhận định 1 cá nhân giỏi về chuyên môn nhất định nào đó có thể sẽ làm người khác nghĩ cá nhân đó cũng sẽ giỏi ở các lĩnh vực khác. Ngoài ra trong cuốn sách về khoa học tâm lý và hành vi đó cũng chỉ ra rằng một chuyên gia trong nhiều việc cũng chẳng hơn gì một người bình thường.
Trong số những sự kiện lịch sử được Muôn kiếp nhân sinh mình đề cập đến có nhiều cái vẫn còn đang gây tranh cãi nhưng lại được tác giả đưa vào trong nội dung để gia tăng lòng tin của người đọc về những cái mình muốn hướng tới như sự tồn tại của Atlantis, những cái chết bí ẩn khi khai quật mộ Tutankhamun…
Đổi lại trong tất cả những sự phóng tác mà Muôn kiếp nhân sinh viết, nó vẫn có những giá trị mình thừa nhận liên quan đến tâm linh, tính thiện và sự lo ngại về một tương lai xấu nếu không có những sự thay đổi cho dù Nguyên Phong viết dựa trên một câu chuyện kể lại hay do chính ông sáng tạo ra câu chuyện đó thì nó vẫn mang giá trị nhất định. Đối với mình, có hai giá trị mình nhìn nhận nó là lý do đáng để đọc Muôn kiếp nhân sinh dù tính xác thực của ít nhiều đã được phóng tác và thay đổi.
DÙNG CÂU CHUYỆN NGÀY XƯA ĐỂ CẢNH BÁO THỜI NAY VÀ SỰ LẶP LẠI CỦA THÀNH – TRỤ – HOẠI – DIỆT.
Một trong số những tiền kiếp trước của Thomas, nhân vật chính trong Muôn kiếp nhân sinh kể rằng mình đã từng sống ở lục địa Atlantis, nơi con người là á thần và cả những con người được lai tạo với các loài dã thú. Đó là một mở đầu hấp dẫn, và câu chuyện tiếp tục kể về một trong ba quốc gia coi trọng tôn trọng tâm linh, giới luật và sở hữu một sự tiên tiến mà trong thời đại này coi đó là phép lạ.
Nhưng con người ở Atlantis lại không có tình thương và sự đồng cảm với nhau. Họ còn thèm khát và bị dâm dục điều khiển trong mọi hành động. Cuối cùng các quốc gia trong Atlantis gây chiến với nhau và tất cả bị xoá sổ bởi một trận động đất chôn vùi nền văn minh Atlantis. Tuy nhiên một số người đã được chọn để đưa tới một số vùng đất khác để tái thiết lại từ đầu dựa trên tôn giáo, sự tiến bộ về tâm linh và văn minh của mình. Ai Cập “may mắn” được những người Atlantis sống sót chọn lựa.
Nhưng Ai Cập lại mắc phải những sai lầm của Atlantis như việc theo đuổi chiến tranh, xây dựng các đền thờ, lăng mộ, lợi dụng tôn giáo và phổ biến sự mê tín để điều khiển các Pharaoh và cưỡng đoạt của cải lẫn sức lực của dân chúng. Tuy nhiên, trong những lỗi lầm đó một số cá nhân Ai Cập đã học hỏi và tiến bộ hơn con người Atlantis đó là sự can đảm, đồng cảm và yêu thương. Đây không phải là cái kết có hậu trong câu chuyện vượt thời gian và trải dải vô số kiếp này. Con người trong thời hiện đại đã lại mắc lại sai lầm từ hàng nghìn năm trước.
Nguyên Phong – John Vu vốn là một nhà khoa học máy tính đã khéo léo lồng ghép hình ảnh những sinh vật nửa người nửa thú ở Atlantis với trào lưu Cyborg – con người được gắn với các thiết bị công nghệ để gia tăng tuổi thọ và tối ưu hoá các kĩ năng vật lý. Cùng với ẩn dụ rằng “Người Atlantis có thể thay thế bộ não con người bằng những dụng cụ khác biến con người trở nên khờ dại, chịu sự sai khiến trong sự vô thức” ám chỉ đến internet và các thiết bị điện tử và di động, vốn đang thay thế khả năng tư duy và biến con người trở thành một sinh vật mất sự tự chủ trong hành vi và suy nghĩ.
Ngoài ra con người cũng đang vô cùng mạo hiểm khi tiến sâu vào lĩnh vực trí tuệ nhân tạo và máy học, mà theo Nguyên Phong – John Vu với tư cách là chuyên gia về máy tính cho biết “máy học và trí tuệ nhân tạo đã biết cách tự lừa lẫn nhau để dành chiến thắng trong một ván cờ. Điều này các nhà lập trình chưa bao giờ cài đặt cho chúng và không thể ngờ đến”. Đây là sự cảnh báo nhưng hiện tại hậu quả vẫn chưa đến mức độ để đại đa số lo sợ, nhưng thông qua bối cảnh chính trị, chiến tranh và sụp đổ của Atlantis đã cho người đọc thấy sự đáng sợ thế nào khi con người đặt mình vào tình tế tự diệt vong bằng chính sự văn minh và tiến bộ của mình.
Trong dòng thời gian của lịch sử, bất cứ một nền văn minh, đế quốc hay vùng đất nào đều trải qua quá trình sáng tạo, phát triển, suy vong và sụp đổ được gọi là Thành – Trụ – Hoại – Diệt. Nghe có vẻ đáng lo sợ và hứa hẹn về một sự u ám, nhưng quá trình này lại chính là vô thường, luân hồi, nhân quả của các tôn giáo và mình gọi đó là “Hợp tự nhiên”. Trên hết, qua quá trình Thành – Trụ – Hoại – Diệt đó con người sẽ học hỏi được gì và tiến bộ như thế nào hay sẽ lập lại một chu kì luẩn quẩn của luân hồi và nhân quả. Nói như cái nhìn của Phật giáo gọi đó là nghiệp quả và nếu đã giao nhân nào thì cuối cùng qua bao nhiêu kiếp sẽ phải lãnh kết quả và hậu quả do nghiệp nhân tạo ra vì “Bất cứ động lực nào phát ra cũng có một lực phản ngược lại và một hành động xảy ra sẽ đem lại kết quả”.
KHOA HỌC LUÔN ĐI CÙNG VỚI TÔN GIÁO VÀ
TÌNH YÊU THƯƠNG, THỰC HÀNH THIỀN ĐỊNH SẼ DẪN TỚI ĐIỀU THIÊNG LIÊNG.
Muôn kiếp nhân sinh chính là cái nhìn của một nhà khoa học máy tính với chuyên môn cao mà Nguyên Phong – John Vu muốn truyền đạt cái nhìn của mình về việc tôn giáo có vai trò đồng hành với khoa học thế nào trong việc tìm hiểu và khám phá những kiến thức mới trong vũ trụ và tâm linh. Với cái nhìn của riêng ông, một người được công nhận là xuất chúng trong chuyên môn khoa học và máy tính, nhưng lại ngầm đồng ý rằng giá trị của tôn giáo trong việc khám phá vũ trụ là không thể không suy xét kĩ.
Nếu đây là một cuốn sách dựa trên sự phóng tác hay là sự thật thì nó cũng đã đem tới giá trị không phủ nhận được là rất hấp dẫn thông qua câu chuyện về Atlanti, Ai Cập cùng triết lý nền tảng của các tôn giáo dù khó hiểu với đa số. Chuyện lấp lửng giữa sự thật, phóng tác hay những vấn đề chưa có lời giải trong Muôn kiếp nhân sinh lại càng làm người đọc tò mò hơn. Mấu chốt ở đây là Nguyên Phong – John Vu đã đưa ra hai lời phải có lòng yêu thương với sự quán chiếu tìm kiếm Thần Thái Dương, Chúa, Phật qua nội tâm của chính mình.
Trong giáo lý của Thiên Chúa giáo “Kính Chúa và thương người” là hai điều răn quan trọng nhất vượt trên mọi điều răn. Còn trong Phật giáo, sự yêu thương chính là Tứ tâm vô lượng đến với tất cả chúng sinh không phân biệt.
Vậy tại sao lại là sự yêu thương chứ không phải điều gì khác? Vì nếu lấy yêu thương làm nhân, thì gặt hái những quả, những hoa đem đến một cuộc sống tốt đẹp hơn dù trong bất cứ tình cảnh nào. Việc phát sinh lòng yêu thương ở những giai đoạn quan trọng nhất trong câu chuyện luân hồi của Muôn kiến nhân sinh đã trả lời cho giá trị của hành động này. Sự yêu thương vượt trên quyền lực, văn minh, cấp bậc và trí thông minh nữa. Trên hết, họ đã biết giá trị của sự yêu thương có ý nghĩa thế nào. Nó là bước đầu để phát triển trí thông minh, khi có thông minh sẽ có trí tuệ và trí tuệ sẽ tới sự thiêng liêng kết nối con người với Thần Thái Dương, Chúa, Phật, Đại ngã tuỳ theo cái nhìn của mỗi tôn giáo.
Và việc để phát khởi lòng từ bi thì Muôn kiếp nhân sinh có chỉ ra một cách là thông qua con đường hành động thiền định. Qua thiền định sẽ tạo ra suy nghĩ đúng đắn, qua suy nghĩ đúng sẽ có hành động đúng và sự yêu thương chính là hành động đúng. Trên thực tế, thiền định là hành động đơn giản nhất mà 1 con người có thể phát triển trí tuệ và xoá bỏ bản ngã.
Thiền định sâu xa sẽ giúp bạn hiểu được và thấy rõ mọi sự, mọi vật như nó là và vượt qua cái tướng bên ngoài để thấy rõ cái bên trong. Trong sự thiền định, con người sẽ hướng động lực của mình lên trên để kiểm soát nội tâm thay vì hướng xuống để dục vọng làm chủ bản thân.
SỰ NHẬN BIẾT LÀ ĐÔI CÁNH DẪN TỚI THIÊN ĐƯỜNG
Sau cùng, dù nội dung trong Muôn kiếp nhân sinh khá rời rạc, phân mảnh và thiếu một câu trả lời rốt ráo vì chính câu chuyện tiền kiếp của nhân vật chính cũng… kết thúc giữa chừng vì người viết không đề cập nữa. Bù lại giá trị mình thích nhất trong Muôn kiếp nhân sinh là sự ý thức được chính mình. Đó là điều căn bản mà mọi truyền thống tâm linh.
Có 1 câu chuyện của Plato được nhắc đến trong sách là Con người trước đây có cánh và sống với thần linh trên thiên giới. Nhưng không biết vì lý do gì họ đã từ bỏ đôi cánh đó và quên đi bản chất thực sự của mình. Tuy nhiên con người vẫn là thần linh, và việc quan trọng của cuộc đời họ là tìm lại đôi cánh để quay về thiên giới. Vậy có cách nào để biết đôi cánh đó ở đâu không?
Trước tiên hay quay vào bên trong chứ không phải hướng ra bên ngoài để tìm kiếm câu trả lời. Vì biết mình là biết được nguồn gốc thiêng liêng của mình. Một khi ý thức về nguồn gốc thiêng liêng của mình thì tất cả sẽ được giải đáp.