NẾU BẠN MUỐN GIỎI VÀ GIÀU, HÃY ĐỌC ĐA THỂ LOẠI VÀ GHI CHÉP NHỮNG GÌ BẠN ĐỌC

ĐỌC VÀ GHI CHÉP ĐÃ TẠO NÊN TỔNG THỐNG VĨ ĐẠI NHẤT HOA KỲ

Một trong những tổng thống vĩ đại nhất lịch sử Mỹ, thật ra thì đối với mình người đàn ông này chính là tổng thống vĩ đại nhất Hoa Kỳ – Abraham Lincoln nổi tiếng với tuyên ngôn giải phóng nô lệ cho người da đen và chấm dứt nội chiến Mỹ.

Trước khi trở thành tổng thống, Lincoln đã tự học mọi thứ, từ ngành luật, toán học Euclid (Thời đó bạn phải tới Havard hay các trường đại học hàng đầu để học luật và toán học), triết học và kỹ năng hùng biện trước đám đông. Trong bản lý lịch yêu cầu ghi rõ về học vấn của mình, Lincoln chỉ viết ngắn gọn rằng “Còn thiếu sót” để mô tả trình độ học vấn của bản thân.

Lincoln là tổng thống không xuất phát từ chủ nô, tướng lĩnh, con ông cháu cha,hay nhà tư bản như các tổng thống khác, mà tới từ dưới đáy xã hội Mỹ thời điềm đó. Lincoln cũng là tổng thống duy nhất (theo như mình biết) có bằng sáng chế (Số 6469 được cấp năm 1849) trong lịch sử Mỹ dù ông không học qua bất cứ trường đại học nào.

Sinh ra trong cảnh nghèo khổ với căn nhà là túp lều rách nát ở Kentucky, mẹ Lincoln mất sớm còn cha lười biếng và thờ ơ nhưng tất cả mọi lý do đều không ngăn cản được sự ham hỏi học. Lúc nhỏ, Abraham Lincoln đã có lần phải đi tới hơn 20 cây số để mượn một cuốn sách để đọc và đọc xong ngay ngày hôm đó. Khi trưởng thành, ông liên tục đọc và tự học gần như trong suốt cuộc đời mình, ngay cả vào thời điểm nội chiến Mỹ đang diễn ra đẫm máu nhất, Lincoln vẫn bố trí thời gian đọc và viết dù cả ngày ông phải xử lý hàng trăm vấn đề cùng một lúc.

TẠI SAO PHẢI ĐỌC ĐA THỂ LOẠI ?

Lincoln biết rõ và đã chứng thực rằng ngay cả khi cuộc đời ném bạn vào một điểm xuất phát tồi tệ nhật, thì đọc sách là một lựa chọn gần như là tối ưu và tiện lợi nhất sẽ giúp bạn gia tăng trình độ, kiến thức và mài giũa tư duy để bạn có thể thay đổi số phận của mình.

Thực chất, sự giàu có bền vững đến từ trí tuệ, kiến thức bạn học hỏi trong suốt cuộc đời này chứ không chỉ là do vận may,đúng lúc đúng thời điểm cả. Bạn đừng chơi trò quay ru lét hay ném xúc xắc với cuộc đời mình, mà hãy xây dựng trên nền tảng là những kỹ năng và thói quen của bạn.

Tuy nhiên giữa việc đọc sách bạn thích như tiểu thuyết, sách kỹ năng với việc đọc được đa thể loại sách lại không đơn giản. Giống như món ăn hay trang phục, sách được chia thành nhiều thể loại, có loại bạn thích và không thích, có loại dễ đọc và có loại bạn đọc hai trang đã buồn ngủ dù rằng bạn vẫn hay đọc sách thường xuyên.

Đọc sách là tốt, dù đó là bất cứ thể loại nào, nhưng nếu chỉ đọc thể loại bạn thích thì đó cũng giống như bạn đã giới hạn khả năng của bản thân vào một cái mỏ neo. Tất nhiên đọc tiểu thuyết sẽ hấp dẫn hơn là sách khoa học, triết học, tâm lý học… vốn khô khan hơn, nhưng những kiến thức trong đó sẽ đem tới cho bạn hai lợi ích:

1. Bạn hiểu được những quy luật đang vận hành trong thế giới này.
2. Bạn có thể vận dụng những kiến thức đó vào cuộc sống cũng như công việc của mình. Giống như việc bạn có thể viết tiểu thuyết khi đã đọc rất nhiều tiểu thuyết.

Đối với một người viết không bị bó buộc vào truyện ngắn hay tiểu thuyết dù rằng đây là những gì mình muốn viết nhất trong cuộc đời này. Nhưng để cân bằng được đam mê và nhu cầu cuộc sống (Vâng, mình vẫn cần tiền để uống cà phê và để viết mỗi ngày mà) thì mình cũng phải viết được nhiều cái khác để kiếm ra tiền (Các bài báo, dự án viết mình nhận được cho đến bây giờ đều không liên quan tới văn học mà dàn trải trên nhiều lĩnh vực khác). Và để viết được những thể loại mình không biết hoặc từng nghĩ rằng mình không thể viết được thì cách nhanh nhất là mình tìm đọc về những thể loại sách khác ngoài văn học.

Và đây là cách mình áp dụng và đã cho thấy hiệu quả : Đọc song song thể loại sách mình thích và sách mình không thích trong cùng một ngày. Ví dụ sáng đọc tiểu thuyết, chiều thì lại đọc sách khoa học.

Mình đoán nhiều bạn sẽ thắc mắc “Thế thì làm sao mà tập trung hay hiểu được nếu đọc kiểu dở dở ương ương, sách này lộn sách kia như vậy?”.

Ban đầu mình cũng nghĩ như vậy, nhưng vấn đề này có điểm đúng mà lại có điểm không đúng. Trong những năm tháng đi học, tại sao trong một buổi sáng bạn có thể học 3,4 môn cùng một lúc thì được mà đọc hai cuốn sách khác nhau lại không được?.

Bây giờ mình sẽ phân tích điểm xung đột nhất và cũng là khó nhất để đọc được đa thể loại – Đó là đọc ít nhất 2 cuốn sách một lúc liệu có gây cản trở hay không hiệu quả bằng việc tập trung đọc 1 cuốn duy nhất trong một thời điểm không?

Câu trả lời là có và cả không.

Việc đọc song song hai cuốn sách cùng một lúc sẽ không hiệu quả, trái lại còn mất thời gian khi các bạn không áp dụng những phương thức phù hợp để giúp cho việc đọc song song trở nên dễ dàng hơn. Mấu chốt nằm ở đây là bạn phải ước tính, xác định thời gian tập trung của mình và công cụ để ghi nhớ những kiến thức mới, đồng thời triển khai thói quen lập lại mỗi ngày thì mới tạo ra được một thứ vũ khí siêu công phá cho chính mình.

Mình sẽ liệt kê 4 điều bạn phải biết trước thì mới thực hiện được thói quen đọc sách đa thể loại một cách thành công và nhanh chóng nhất có thể.

4 BƯỚC ĐỂ ĐỌC ĐƯỢC ĐA THỂ LOẠI

Thứ nhất là Bạn không thể đọc hay tiếp thu kiến thức mới quá 25 phút mỗi ngày. Tất nhiên khoảng thời gian nay tập trung sẽ dần dần được nâng cao nếu như bạn thực hành mỗi ngày. Vì thế hãy bắt đầu với 25 phút mỗi ngày – khoảng thời gian này không là gì so với việc bạn chơi game, lướt fb đâu. Đừng ép bản thân phải đánh vật mỗi ngày với 1 tiếng đọc, và nếu đọc chỉ trong 25 phút thì cũng đừng do dự khi nghĩ đọc ít thế thì có thể vào đầu được chữ nào không?

Nếu bạn đã từng chơi game Hay day hay Clash of clans thì sẽ biết rằng để xây dựng một nông trại hay một căn cứ thì phải trải qua nhiều ngày chơi với những quá trình chơi được kết nối với nhau. Trừ phi bạn bỏ tiền ra chơi game còn không thì một nông trại đẹp đẽ, một toà thành kiên cố sẽ không thể xuất hiện được ngay ngày mai đâu. Và việc đọc đa thể loại sách cũng vậy.

Việc rút ngắn thời gian học kỹ năng đọc được đa thể loại còn tuỳ thuộc ở năng lực của mỗi người. Có người sẽ cần hơn 1 tháng, có người cần vài tháng để nhận được giá trị từ việc đọc 25 phút mỗi ngày. Não bộ cần thời gian để rèn luyện trước những kiến thức mới và thể loại sách mới.

Khi bạn đọc một cuốn về chứng khoán thì một loạt các thuật ngũ như quỹ tương hỗ, quỹ phòng hộ sẽ ập xuống đầu bạn và bạn gần như chỉ hiểu cỡ 5% hoặc 0,5% về những khái niệm này. Như vậy thì chắc chắn trong 25 phút ngày hôm nay bạn sẽ phải đánh vật để hiểu được ý nghĩa của nó, nhưng nhiều khả năng ngày mai bạn sẽ bạn quên ngay lập tức các khái niệm bạn đã cố gắng nhồi vào đầu. Đừng nản chí, vì bất cứ ai cũng sẽ trải qua giống như bạn kể cả đó là thiên tài tự học Abraham Lincoln nếu không có những công cụ hỗ trợ trong việc đọc và ghi nhớ.

Điều thứ hai là hãy chuẩn bị sổ, bút màu, giấy nhớ bên cạnh cuốn sách thuộc thể loại bạn chưa đọc bao giờ. Mình hiểu đây là những bước chuẩn bị rất lạ lẫm và không cần thiết nếu bạn chỉ đọc tiểu thuyết hay thơ ca. Nhưng với các thể loại sách khác, kể cả đó là cuốn sách đơn giản nhất bạn vẫn phải chuẩn bị những công cụ để ghi nhớ vì :

1. Trong khoảng thời gian 25 phút mỗi ngày thì cứ yên trí rằng bạn sẽ phải trải qua hàng trăm lần 25 phút không thể ý niệm về những gì mình đọc. Vì thế ghi chép mọi thông tin, kiến thức bạn chưa hiểu sẽ giúp bạn lưu lại tất cả để có thể tìm kiếm, mở rộng, làm rõ thêm qua google, youtube, website sau quá trình đọc.

2. Việc ghi chép giúp não bạn ghi nhớ tốt và lâu hơn những gì bạn muốn ghi nhớ. Ngoài ra ghi chép còn giúp bạn xây dựng được kỹ năng phản biện ngay chính nội dung cuốn sách bạn đọc. Từ việc ghi chép thường xuyên sẽ tạo ra cho bạn khả năng chắp nối, phân loại dữ liệu,bạn sẽ chắt lọc những thông tin giá trị hơn để hình thành nên kiến thức vững chắc của riêng mình. Đó là cũng là những gì Abraham Lincoln đã làm thông qua đọc và ghi chép từ sách rồi vượt qua hoàn cảnh, số phận và các đối thủ của mình.

3. Giấy nhớ giúp bạn thoả sức sáng tạo trong việc đặt câu hỏi lẫn ghi chép ngay lập tức mà không cần phải giở sổ và sắp xếp sự ngẫu hứng này sao cho hợp lý. Đôi khi một ý tưởng, một khoảnh khắc xuất thần ập đến bạn và trôi qua rất nhanh nếu không lưu lại ngay tức khắc. Lúc đó giấy nhớ là một cứu cánh của cuộc đời bạn. Thậm chí bạn chỉ cần viết “Tại sao lại khó như vậy?” lên giấy nhớ thì cũng là cách giúp bạn thoải mái hơn rất nhiều trong quá trình xây dựng thói quen đọc đa thể loại.

Leonardo Da Vinci có hàng chục cuốn sổ tay ghi chép và tất cả đều viết lại một câu “Nói ta nghe, nói ta nghe ngươi đã làm được những gì?”. Não bộ rất thích các câu hỏi, kể cả đó là một câu hỏi lại được lặp lại nhiều lần. Bạn nghĩ Albert Einstein tài giỏi phải không? Vấn đề là ông ấy ở lại với những câu hỏi và vấn đề lâu hơn mọi người thôi.

4. Sử dụng nhiều bút màu cũng giúp não bộ học hỏi và ghi nhớ tốt hơn. Nghe quen thuộc phải không nào, Bản đồ tư duy của Mindmap do Tony Buzan tạo ra cũng dựa trên nghiên cứu này của não bộ và đã đem tới gần 300 triệu đôla tiền bản quyền từ hàng chục cuốn sách liên quan đến Mindmap của ông. Bạn cũng hãy áp dụng như thế bằng những chiếc bút màu của mình để tạo ra tương lai cho bạn.

Điều thứ ba là việc đọc thể loại sẽ khiến não bộ luôn luôn cảm thấy mới mẻ, tò mò và có hứng thú, từ đó giúp cho việc hấp thu, học hỏi kiến thức mới dễ dàng và nhanh chóng hơn khi bạn hình thành thói quen đọc đa thể loại.

Thực tế rằng bạn không thể duy trì một nhịp độ ổn định và hiệu quả ngay cả khi đọc thể loại mình yêu thích trong hàng tiếng đồng hồ vì não bộ sẽ rơi vào việc mất hứng thú và khó tập trung sau một thời gian nhất định. Trong khoảng thời gian này bạn hãy chuyển tiếp sang một cuốn sách khác thể loại để khởi động lại sự hứng thú và tò mò của não bộ. Hãy chọn những cuốn sách khác thể loại với nội dung đơn giản để não bộ bắt đầu làm quen với các kiến thức và khái niệm mới.

Ban đầu việc chuyển tiếp này sẽ khiến cơ thể và bộ não của bạn phản ứng lại và nó đòi hỏi được thư giãn bởi game hay fb. Bạn có thể vào mạng 5-10 phút rồi sau đó giở sách ra đọc cũng được. Nhưng cách này là con dao hai lưỡi, bạn có thể bị 5,10 phút chơi game sẽ biến thành 1-2 tiếng đồng hồ và kéo theo một hệ quả là não bộ không còn tập trung được nữa. Cách giải quyết vấn đề để đi vào ngay bước chuyển đổi trong việc đọc, là hãy viết ra những việc bạn phải làm trong ngày, và mỗi khi mất tập trung hãy xem lại danh sách đó để lại đưa mình vào kỷ luật.

Điều thứ tư là tất cả mọi thứ sẽ bị phá sản hoàn toàn nếu bạn không thực hiện mỗi ngày để hình thành thói quen đọc đa thể loại. 25 phút tưởng như là một thời gian ngắn ngủi, nhưng 1 tháng đầu tiên sẽ là khoảng thời gian chẳng khác gì tra tấn sự kiên nhẫn của bạn. Nếu bạn vượt qua được, cuộc đời bạn thay đổi, còn không thì cứ tận hưởng 25 phút lướt fb và chơi game và chẳng có điều gì xảy ra cả.

Chúc các bạn sớm hình thành thói quen đọc đa thể loại và gặt hái được những kết quả đầu tiên.

P/s :Ngay trước khi viết xong bài chia sẻ này mình đọc liền 3 cuốn có độ khó xếp theo thứ tự

– Chân dung chàng nghệ sỹ của James Joyce.
– 50 ý tưởng triết học.
– Mặt trời vẫn mọc của Ernest Hemingway.

Photo : Clumsy.word

Lan tỏa nếu thấy hay nhé:

Viết một bình luận