Tôi không nhớ đã bao lâu sau khi thức dậy là bản thân vẫn còn nhớ về ký ức của đêm qua, mà không biến mất ngay trước khi tôi mới cảm nhận là đã từng trải qua.
Ký ức đó đơn giản thôi, chỉ là tôi đã tắm lúc mấy giờ, phân vân sẽ dùng gội đầu nào và nhớ chính xác giờ mình ngủ 2 giờ 5 phút sáng. Mới hôm qua tôi quên ngay lập tức những gì mình làm chỉ trong vài phút. Tôi nhận một tin nhắn, đọc rồi sau đó tôi quên mất nội dung của tin nhắn đó là gì khi đọc một tin nhắn khác gửi đến, và ngỡ tin nhắn đầu tiên chính là tin nhắn tiếp theo mình đọc.
Triệu chứng này có thể là căn bệnh mà y học hiếm gặp. Nó đến với tôi âm thầm, lặng lẽ như một khúc suối hoà vào dòng chảy theo cách êm ái, nhẹ nhàng đến mức hậu quả của nó chỉ giống như thói quen dậy muộn hay đi sai tất mỗi khi thức dậy.
Nhưng sáng hôm nay thì lại khác, tôi nhớ về lý do mình phải thức dậy, tôi nhớ về tin nhắn chính là lý do khiến mình dậy và nhận thức rõ rằng trí nhớ đã quay trở lại sau một thời gian dạo chơi ở đâu đó. Tuy nhiên, mọi thứ chỉ dừng lại ở đó, nhưng ít nhất là tôi vẫn nhớ về nó đã xảy ra như thế nào.
8 giờ, tôi mở mắt đón chào những tia nắng êm dịu đầu tiên trong tiếng nhạc thánh ca mà ông tôi vẫn nghe theo thói thường mỗi khi ăn sáng xong. Tôi tự hỏi mình thức dậy là bởi vòng quay đồng hồ sinh học của bản thân, hay là do điệp khúc Ave Maria khẽ thủ thỉ vào tai gọi tôi rời khỏi giấc mộng.
Ông tôi 85 tuổi, người tầm thước, tóc đã rụng gần hết, ông hay cáu gắt giờ giấc thất thường của tôi khi đi sớm về muộn. Cách đây 10 năm ông bị tai biến nên đi lại rất khó khăn, lúc đó tôi hay đỡ ông đi quanh nhà. Ông có thói quen lúc nào cũng đeo đồng hồ và luôn luôn có khăn mù soa trong túi, như việc thanh niên bao giờ cũng mang theo thiết bị di động.
Khi thấy tôi xuống nhà ông hắng giọng hỏi. “Mày và con bé đó thế nào rồi?”. Tôi tái mặt và bối rối khi ông hỏi như vậy. Có hai vấn đề xảy ra vào lúc này. Tôi nhớ về ký ức trước đây (Về việc ông thích nghe nhạc khi thức dậy, đeo đồng hồ và mang khăn mù sao), nhưng ký ức nằm giữa trước đây (Về một cô bạn gái nào trước đây) và bây giờ lại là một khoảng trắng không màu và không mùi. Nhưng điều thứ hai khiến tôi lo sợ hơn cả nỗi nghi ngờ về trí nhớ, mà tôi cảm thấy đã quay lại hay hiện thực rất sống động này, chỉ là một cảnh quay trong giấc mơ mà khi thức giấc tôi sẽ quên ngay lập tức.
Lưng tôi lấm tấm những giọt mồ hôi sợ hãi. Việc mất trí nhớ không giết chết hay làm tôi nhỏ dù chỉ một giọt máu, nhưng cái cảm giác luôn bế tắc trong việc nhìn vào bản thân tự hỏi “tại sao lại như vậy” và “vì sao mình lại có thể quên ngay được như vậy?” khiến tôi rối bời khi không nhận ra đường những gì đã và đang diễn ra. Tôi gật đầu như một cái máy được lập trình đáp lại ông không chút cảm xúc “Vâng”. Trước khi đi ông dặn tôi mang theo khăn mù soa, ông bảo “mày đừng đụng vào mà hãy đưa cho con bé kia, phụ nữ cần hơn là mày”.
Khi đỡ ông dậy ra giường nằm rồi xỏ giầy chuẩn bị ra ngoài, tôi quên ngay những gì ông dặn dò, như một người xao lãng bỏ qua đoạn hội thoại trong một cảnh phim. Tôi nhìn ông chậm rãi uống chén trà mới rót, lòng trực trào dâng một nỗi niềm cầu xin ông nhắc lại những lời vừa nãy, nhưng không dám cất thành tiếng bởi chính tôi cũng không nhớ trước đó đã diễn ra chuyện gì hay một cuộc đối thoại nào giữa ông và tôi. Như đã nói, khoảng trống mịt mù của đường chân trời nằm giữa nằm giữa trước đây và thời điểm lúc này là một sự mất mát không gì có thể thay thế được nếu như có thể thay thế.
Tôi chào ông ra khỏi nhà, ông hỏi tôi đã lên lấy khăn mù soa chưa và quát tôi mấy câu trước khi ông lật gối dúi vào tay tôi một chiếc khăn mới tinh.
Tôi khẽ mở cửa đi ra ngoài trong tâm trạng dò xét, thận trọng với thế giới bên ngoài. Ngoài phố mọi thứ trôi qua dường như có vẻ chậm rãi hay chính xác vốn là luôn chậm rãi như thế.Tôi thấy lưa thưa người qua lại, toàn là các ông, các bà lớn tuổi như ông tôi, cùng mấy người tỉnh lẻ đạp xe thu mua đồ điện tử hỏng và bán những gói muối mới gói. Mặt trời lấp ló sau những đám mây xám xịt, không một tia nắng càng nhuốm thêm màu ảm đạm cho một ngày sắp mưa.
Tôi rút điện thoại, có một tin nhắn mới gửi tới. Người muốn gặp tôi nói rằng vẫn chưa tôi, mong tôi vui lòng hãy đợi một lát nếu đã đến. Tôi xem ngày giờ hiện rõ trên màn hình, hoá ra hôm nay là chủ nhật. Tôi dắt xe để đến điểm hẹn, những con đường và cách điểu khiển một chiếc xe máy tôi vẫn nhớ ra vì nó thuộc về quá khứ. Vừa nổ máy, tôi ngước mặt nhìn lên trời tự hỏi liệu đâu đó những mẩu ký ức của mình có lẫn trong các đám mây đang trôi trên bầu trời kia ?
Chỗ hẹn là một quán cà phê trên gác hai trong ngôi nhà có cầu thang nhỏ và hẹp hết sức có thể. Quán có ban công nhìn ra hồ nước trong xanh với những gợn sóng nhỏ lặng lẽ khuấy động mặt hồ. Trong trí nhớ thuộc về trước đây, có lẽ tôi đã từng ngồi uống cà phê ở quán này, nhưng tôi không chắc lắm. Bàn ghế gỗ thời Pháp tuy xệp xệ, cũ rích và bạc phếc bởi thời gian cùng cốc cà phê, đậm đà là vài nét đặc trưng đọng lại ở hai khoé mắt tôi lúc này.Chiếc quạt trần quay yếu ớt như một cơ thể già cỗi đang cố gắng lê bước khiến tôi có suy nghĩ liệu trước đây mình đã từng nhìn lên như bây giờ không khi ở đây không, cũng như tự hỏi phải làm sao để xác nhận là đã có hay không?
Chủ quán là một bà lão có lẽ phải nhiều tuổi như ông tôi. Dáng vẻ bà nhỏ nhắn, đôi bàn tay đã nhăn lộ rõ những đường gân cùng mạch máu hằn lên nhưng đôi mắt vẫn sáng và lưng thẳng đầy hiên ngang như thách thức lại tuổi già bệnh tật và thấp thỏm chẳng biết khi cái chết ghé thăm mình.
Tôi hỏi bà nhìn tôi có quen không, có khơi gợi chút ký ức nào của bà về không.
“Quá nhiều người tới rồi quay lại đây cháu ạ”. Bà lắc đầu.
Sau cuộc đối thoại ngắn là khoảnh khắc thưởng thức cà phê trong buổi sáng Chủ Nhật. Lúc tôi tới mới lác đác hai, ba vị khách, còn bây giờ thì gần như không còn một chỗ trống. Khi hai vị khách đứng tuổi đứng dậy rồi khỏi bàn ngồi kê ngay sát ban công, thì tôi ngay lập tức bật dậy tiến vài bước thế chỗ họ. Tôi vừa ngồi xuống thì vài cái nhìn từ người xung quanh chợt hướng về mình, như việc tôi chiếm lĩnh vị trí ngồi đẹp nhất ở quán đánh động sự chú ý của tất cả. Nhưng chỉ sau giây lát, mọi chuyện lại diễn ra bình thường trong bầu không khí đặc quánh khói thuốc lá cùng mùi cà phê rang. Tất cả chỉ muốn xác nhận chỗ ngồi lý tưởng đó đã có người thế vào. Còn tôi tự hỏi tại sao mình lại hành động theo bản năng như thế dù chỗ ngồi ban đầu không tệ, nếu muốn thì cũng có thể đưa mắt ngắm nhìn hồ nước bên ngoài.
“Có thể bởi tư duy đã được định hình trước đây thuộc về ký ức của mình đã đạo diễn hành động này. Trước kia nó biết chỗ ngồi ra ban công là lý tưởng nhất và sau đó những lần tới đây ngoài uống cà phê ra thì phải tranh đấu cho được cả chỗ ngồi nữa”. Tôi kết luận sau khi xâu chuỗi một loạt sự kiện lại với nhau.
Tôi cầm chiếc thìa do Liên Xô sản xuất khuấy đều cốc để cà phê hoà tan với sữa đặc và đá viên rồi đưa lên nhấp một ngụm nhỏ. Sau giây phút cảm nhận vị cà phê trong miệng, tôi đưa mắt đảo quanh căn phòng nhỏ chia làm hai buồng thông nhau, một phòng sáng, phòng còn lại nghi ngút khói hương từ bản thờ đặt ở trên thì lại nhận ra vài người khác cũng ngẩng lên nhìn lại rồi khẽ gật đầu đáp lại, cái chào giữa những kẻ biết nhau tại một điểm quen thuộc và chỉ có vậy. Tôi khẽ nghiêng đầu theo một kịch bản sẵn có trong đầu chứ không xuất phát từ chính mình.
Một lần nữa tôi lại hành động theo tư duy và ký ức trước đây, nó đến dồn dập nhưng tôi lại không hề quên đi việc mình đứng dậy chiếm lấy chỗ ngoài ban công. Tôi ngồi bất động trong tư thế thẳng lưng, hai tay đặt lên bàn chốc chốc lại giật giật ngón tay bởi cố kìm chế cảm xúc đang trào dâng bên trong.
“Những gì đã diễn ra trước đây nếu được lặp lại vào lúc này thì mình sẽ không bao giờ quên được”. Một giọt mồ hôi trượt từ thái dương xuống gò má khi tôi nhận ra cột mốc quan trọng sẽ giúp mình kết nối với quá khứ trước đây. Tôi nhận ra rằng tại sao mình lại không quên về cuộc hẹn ở đây lẫn lý do tại sao hôm nay thức dậy tôi nhớ một chút về hôm qua. Mọi chuyện vẫn tù mù nhưng có chút ánh sáng bên kia con đường.
15, 30 phút, 1 rồi 2 hai giờ đồng hồ trôi qua lúc chậm, lúc nhanh tuỳ thuộc nhịp độ mỗi bản thân con người cảm nhận mà vẫn chưa tới người hẹn tới. Những chỗ ngồi xung quanh tôi trong thời gian đó liên tục thay đổi, hết người này đến người khác, vô số những khuôn mặt tôi thoáng nhìn qua rồi quên ngay sau đó một cách có ý thức chứ không phải bởi căn bệnh đang hành hạ trí nhớ của tôi. Người vẫn chưa thấy đâu nhưng thi thoảng lại có tin nhắn gửi tới, như một sự đảm bảo rằng buổi gặp mặt thực sự tồn tại chứ không phải là sự sắp xếp nhầm lẫn của ký ức chồng chất vào những ngăn kéo trống rỗng.
“Tôi đang đến”
“Nhầm chỗ rồi, chán quá”
“Nhiều hồ nước mà hồ nào cũng la liệt quán xá thế này thì phải làm sao để tìm tới đúng chỗ đây?”
” Vẫn không phải. Xin lỗi”
…
Sau tất cả những những tin nhắn đó tôi đã tổng hợp lại và cho ra một kết luận khó tin. Người đó cũng bị đánh rơi những mẩu ký ức như tôi. Đây là cuộc hẹn của hai kẻ bị mù. Trớ trêu là tôi lại hi vọng người đó sẽ lần mò được đến đây vì hai lý do. Người đó biết về tôi và ký ức của người này cũng rơi rụng và phân tán khắp nơi như tôi. Tôi nhắn tin mô tả chỗ hẹn, nhắn tin liên tục bởi chốc chốc người này lại hỏi lại cùng một câu hỏi liên quan đến địa điểm.
Cuối cùng chúng tôi cũng gặp được nhau sau bao nhiêu giây, bao nhiêu phút tôi cũng không buồn ước lượng nữa. Thời gian dù trôi qua nhanh hay chậm, méo mó hay hiện hữu dưới bất cứ hình thức nào thì đối với một kẻ đánh rơi ký ức như tôi thì chỉ đơn giản là tiếng tích tắc phát ra từ tháp đồng hồ đang rọi bóng xuống mặt hồ. Trên đầu mặt trời đã lên cao nhưng ánh nắng yếu ớt không phá tan nổi sự âm u do những đám mây xám xịt tạo nên.
Cả quán xì xào khi một con chó Husky chạy một mạch từ chân cầu thang tới ban công nơi tôi ngồi. Nó biết tôi và ký ức trước đây của tôi cũng chào lại nó bằng cách ra lệnh cho tay tôi xoa nhẹ bộ lông mềm mại của nó. Mọi người lại xôn xao khi chủ nhân của con chó xuất hiện, một cô gái hội tụ những đặc điểm không thể bỏ qua và cũng là người hẹn tôi tới đây.
“Xin lỗi vì nhiều lý do, mà anh… cũng biết rồi đấy nên tôi không thể tới đúng hẹn được”. Cô tiến về phía tôi đầy hậu đậu khi va hết người này đến người khác, còn suýt làm đổ khay cà phê đặt ở cái ghế gỗ thấp ba chân vốn đã xiêu vẹo nói nhỏ hết mức có thể. Tôi đứng dậy kéo ghế mời cô ngồi xuống nhận ra cô không nói dối. Mồ hôi làm bết mấy lọn tóc đang rủ xuống mặt cô.
“Tôi hiểu,cô đến được đây cũng là tốt lắm rồi”. Tôi nói giọng đầy cảm thông. Cảm giác chỉ có tôi và cô gái này là hai kẻ đánh rơi ký ức duy nhất trên thế giới này thật trơ trọi và chẳng còn lựa chọn nào khác là dựa vào nhau.
Giống như mọi người đang tròn mắt vì vài đặc điểm chỉ-thấy-ở-cô, tôi cũng vận dụng tư duy của mình gắn kết lại những gì mình thấy để hình dung ra được vì lý do gì cô có thể ra đường trong bộ dạng này.
Cô mặc một chiếc áo gió có mũ rộng thùng thình che kín chân váy xoè ngắn bên dưới đủ sức chống chọi với không khí lạnh tăng cường trong khi thời tiết lúc này mới chỉ chớm thu. Chiếc áo sơ mi trắng in hoạ tiết hoa bên ngực trái cài cúc áo lên tới tận cổ, và điểm nhấn cuối cùng là một đôi giầy vài kiểu Converse in cờ Hoa Kỳ nhưng đế dày gần mười phân và chiếc balo cỡ lớn giả da màu đen bóng.
Chiếc áo sơmi dường như là một sự lựa chọn miễn cưỡng của cô. Áo khá bó nên nhìn rõ áo lót màu đen bên trong, nó khiến cô không thoải mái khi liên tục đưa tay hết kéo dây áo lót ở vai, rồi chỉnh cúp ngực một cách kín đáo mỗi khi quay người đi hoặc lựa lúc tôi ngoảnh ra nhìn về phía hồ nước. Cô có đôi môi đỏ tuyệt đẹp cùng mái tóc ngắn kiểu Nhật Bản nữ tính, trẻ trung mà tôi chưa từng thấy ai để hợp như vậy. Cô trẻ hơn tôi ít nhất 3 tuổi và cũng trẻ hơn tuổi thật của chính mình. Tôi cũng đưa cô khăn tay để cô lau mồ hôi, ký ức trước đây lại ào về như lá thư muộn nhắc tôi nhớ rằng trước đây tôi cũng đưa cho ai đó khăn của mình như thế này. Tôi đã đưa cho cô gái này một lần rồi, là một ngày nào đó trước đây.
Buổi hẹn hò bắt đầu bằng một vài lời nhắc nhở về lý do tại sao lại có cuộc hẹn này, cô là ai và mối quan hệ giữa tôi và cô là bạn bè, nhân tình hay là gì có thể mô tả và diễn giải được.
Cô không đáp chỉ tập trung vào viêc quan sát
màu sắc và nếm thử mùi vị của cốc cà phê, rồi quay ra ngắm nhìn hồ nước tựa như dưới đáy hồ mà vào cuối năm người ta hay phóng sinh cá chép kia cất giấu một bí mật, trong khi những ngón tay vẫn liên tục kéo dây áo lót.
“Cô gái này còn nghiêm trọng hơn cả mình”. Tôi bĩu môi nghĩ rồi bỗng giật mình khi kẻ đánh rơi ký ức cất tiếng.
“Tôi biết về anh, nhưng lại quên sạch những thứ liên quan đến mình. Tuy nhiên may mắn là những gì tôi biết về anh cũng liên quan đến tôi”. Cô nhìn thẳng vào tôi nói nhanh như sợ những gì đã nói sẽ nhanh chóng lãng quên mất.”Anh và tôi liên quan đến nhau như thứ ánh sáng tạo nên câu chuyện này “Cô vội nói trước khi tôi kịp đặt ra bất cứ câu hỏi nào rồi lấy ra trong túi áo khoác chiếc điện thoại đưa cho tôi xem.
Có rất nhiều hình ảnh tôi và cô chụp với nhau ở trung tâm thương mại, rạp chiếu phim, phố cổ và dĩ nhiên là cả quán cà phê này. Tôi không nhớ những chuyện này là như thế nào, nhưng rõ ràng là tôi xuất hiện lù lù bên cạnh cô trong mọi hình ảnh tôi xem trên điện thoại của cô. Đúng như cô nói, tôi và cô là hai phần không thể tách rời trong chuyện này.
Khi tôi xem xong loạt hình thì cô nhẹ nhàng kể cho tôi nghe những gì mà giữa chúng tôi đã chia sẻ cho nhau.
“Chuyện của hai đứa rất dài nên cứ cuối tuần chúng ta lại gặp nhau để kể từng chút một về bản thân cho nhau biết”. Cô mỉm cười cứ như ký ức trước đó là ánh sáng đang soi vào con đường mù mờ lúc này. “Lúc ấy chỉ có tôi là người quên đi ngay những chuyện vừa diễn ra, còn anh là người lắng nghe và giúp tôi trở lại như trước đây sau khi tôi chia tay bạn trai”. Cô nhấn mạnh rằng ký ức về gã nào đó trước đây mình từng yêu giờ đã nhạt nhoà như khuôn mặt trắng bệch của con ma nơ canh chẳng gợi nhớ được dù chỉ một chút.
Tôi ngắt quãng câu chuyện khi thắc mắc tại sao cô nhớ được toàn bộ những chuyện đó mà vẫn mắc chứng lãng quên ngay lập tức.
Cô đưa tay gãi đầu, tủm tỉm cười kéo khoá ba lô lấy ra một cuốn sổ tay dày như tiểu thuyết. “Chính anh đã giúp tôi hình thành thói quen ghi chép toàn bộ mọi việc vào sổ. Anh nói rằng nếu không nhớ được thì hãy viết lại vào bất cứ đâu”.
Cô ấy nói đúng. Chính tôi đã nói như thế. Tôi nhớ ra ngay sau khi cô lấy cuốn sổ đặt lên bàn. Cô tiếp tục bằng việc bỗng nhiên một Chủ Nhật trước đây khi gặp nhau tôi nói rằng tối nay có một việc quan trọng phải làm rồi kể từ hôm đó tôi biến mất, không một cú điện, một mẩu tin nhắn để thông báo chuyện đó.
“Anh biết không, tôi đang nghĩ đến khả năng căn bệnh lãng quên này cũng lây được đấy”. Cô đổ người về phía tôi thì thào như sợ người khác nghe thấy.
“Vì sao cô lại nghĩ như thế?”.
Cô bỗng nhiên đỏ mặt giọng lí nhí “Tôi với anh đã từng ngủ với nhau nhưng không theo cách anh đang nghĩ đâu”.
“Vậy theo cách nào”. Tôi hỏi gấp trong lòng trào tất cả nỗi tò mò khó tả
“Chúng ta ngủ quên trong phòng chiếu phim, tựa vào nhau mà ngủ, sát đến nỗi nhân viên soát vé vào gọi còn nghĩ tôi với anh cố ý ở lại làm mấy chuyện lăng nhăng”. Cô kể với giọng tỉnh bơ như đọc lại bài kiểm tra
“Sao cô lại nhớ rõ như vậy”. Tôi hồ nghi hỏi.
Cô khẽ nhoẻn cười rồi gõ nhẹ cuốn sổ đặt tren chiếc bàn gỗ còn nhiều tuổi hơn hai đứa cộng lại nói “Nhờ cái này. Những gì tôi không thể nhớ thì việc ghi chép lại chính là ký ức của tôi”.
Mất trí nhớ có thể lây qua giấc ngủ sao? Tôi khẽ nhún vai khi nghi việc mình thành ra thế này bởi một lý do chọc cười cả nghành Y, nhưng rồi thầm nhủ nếu vài hạt sương đọng lại trong động cơ máy bay trở thành lớp băng mỏng khi đi qua vùng lạnh giá có thể khiến máy bay phát nổ, thì chẩn đoán ngủ có thể lây bệnh mất trí nhớ thì cũng có khả năng đấy chứ.
Tôi xin phép cô được đọc những ghi chép đó. Cô gật đầu thúc giục tôi đọc và nhắc đi nhắc lại rằng chỉ khi tôi nhặt lại những mẩu ký ức rơi rụng của mình, thì mới có thể giúp cô tìm lại trí nhớ cô đã từng sở hữu trước khi bị xoá sạch.
Không thể dừng lại là những gì tôi có thể mô tả khi cầm cuốn sổ được viết bằng bút chì, bút mực, bút bi và bất cứ thứ gì có thể viết vào được. Cuốn sổ như một danh mục kiểm tra vậy. Qua mỗi dòng chữ, ngày tháng ghi trong đó tôi tìm lại được từng chút, từng chút một ký ức của mình. Mọi thứ trở lại với tôi như một lẽ tất nhiên, cuốn số là bảng danh sách những gì đã diễn ra và tôi chỉ việc tích dấu xác nhận lại từng sự việc thôi.
Tôi đọc ngấu nghiến, đọc quên cả thời gian, không gian xung quanh như đang tạm thời không tồn tại. Khi tôi gấp cuốn sổ lại thì người cùng bàn với tôi đang gục xuống bàn ngủ ngon lành. Con chó Husky cũng tựa đầu lên chân chủ mơ mộng về một hòn đảo chôn giấu vô số xương ống.
Tôi khẽ gọi cô dậy, tay chạm vào vai nhẹ nhàng nói.
” Đi thôi nào, anh sẽ đưa em tìm lại ký ức của mình”
” Nó ở đâu vậy”
“Ở nơi khởi đầu của chuyện này”. Tôi mỉm cười đáp ” Có thể ký ức trước đây em không đẹp và mộng mơ như Alice ở sứ thần tiên, thì em có muốn nó trở lại không?”. Giọng tôi chất chứa đầy sự thân thuộc với cô, chứ không còn là cô và tôi khô khan như lúc trước nữa
Những lời sau cuối của tôi đã dập tắt nụ cười hân hoan mới chớm xuất hiện trên khuôn mặt cô, nhưng cả đôi chân của cô vẫn bước vô thức theo sau khi tôi đứng dậy. Con chó Husky dẫn đầu chúng tôi rời khỏi quán cà phê ,men xuống cầu thang như ngọn hải đăng dẫn đường cho tàu đang lạc lối giữa đại dương.
…
Rạp chiếu phim là nơi chúng tôi dừng chân, là địa điểm đầu tiên cô viết vào cuốn sổ và chính tại chỗ này chúng tôi gặp nhau đầu tiên, cùng ngồi ở hàng ghế chở bên ngoài được sắp xếp giống như một quán cà phê đẹp đẽ.
Sắp tới giờ ăn trưa, rạp chiếu phim trên tầng 6 là thời điểm vãn khách nhất trong ngày. Ở đây có bán bỏng ngô vị phô mai với nước ngọt nhưng chẳng ai ăn bỏng cho bữa trưa cả. Vài người ngồi tản mát xung quanh chăm chú nghe nhạc hoặc đọc sách như đang chờ đợi một bước ngoặt nào đó sẽ xảy ra ở đây giống như chúng tôi vậy. Họ cũng là những người mắc phải triệu chứng ký ức rơi rụng.
“Đây là nơi khởi đầu và cũng là kết thúc mỗi khi xem xong một bộ phim”. Tôi chầm chậm nói trong khi cô vuốt ve con chó dỗ dành,tiếng sủa của nó có thể khiến chúng tôi gặp rắc rối”. Và cũng là nơi sự việc này sẽ được chấm dứt ở đây”. Rồi tôi bắt đầu lại câu chuyện dựa trên ký ức vừa trở lại.
Tôi và cô đến rạp chiếu phim nhưng không vào xem phim bởi cả hai người hẹn của bọn tôi đều không tới. Có dấu hiệu chỉ rõ ràng việc này là cố ý chứ chẳng phải là vô tình hay có việc đột xuất xảy ra. Hai kẻ đó lại là người chúng tôi yêu và ngấm ngầm sử dụng buổi xem phim này đưa ra lời chia tay và chúc anh/em tìm được người xứng đáng hơn anh/em.
Cô nhận được lời chúc đó trước, còn tôi là một sự trì hoãn lâu hơn thế. Cô vào xem một mình rồi ngồi phịch xuống chính cô đang ngồi đây với khuôn mặt thất thần của một bệnh nhận mất trí trốn khỏi bệnh viện với bộ thường phục. Cô khóc và tôi đã làm như lời ông dặn – Đưa chiếc khăn mù soa cho người cần hơn tôi. Cô khóc vì không bởi lý do gì và sau đó lại quên ngay rằng mình đã khóc khi hỏi tôi rằng “Sao mắt tôi lại ướt như khóc vậy?”. Sau đó tôi mua cho cô một cuốn sổ kèm theo bút và nói rằng ” Nếu không thể nhớ thì hãy viết ra đây nhé”. Mọi chuyện sau đó đã được viết lại rất chi tiết trong cuốn sổ.
Lúc này cô đã nhớ ra, dù không phải là tất cả khi mọi chuyện được tái hiện nguyên vẹn, chỉ thiếu xót là về việc cô bị 1 gã phũ phàng gạt bỏ.
Trí nhớ của cô khôi phục một cách nhanh chóng đến ngạc nhiên. Chính cô đã tìm ra câu trả lời cho lý do tôi bị đánh rơi mất ký ức.
“Anh đã dẫn em đi xem phim lại chính bộ phim mà em xem vào lần đầu tiên chúng ta gặp nhau, rồi ngủ quên trong đấy và khi thức dậy anh trở thành người giống như em. Anh đã tái hiện toàn bộ những gì em đã làm, chỉ khác đóng lại vai diễn của em”. Cô cũng biết rằng hôm đó tôi chính thức nhận được tin nhắn chia tay sau bao nhiêu lần trì hoãn, và cô lúc đó là người thế vai hoàn hảo cho chỗ ngồi thiếu vắng sự có mặt của bạn gái tôi.
Tôi gật đầu công nhận. Thời điểm mà chúng ta rơi rụng ký ức thì không gian hay thời gian đã xảy ra một điều gì đó rồi tác động lên hai chúng ta theo cách nó muốn. Một hiện tượng không thể lý giải cũng như bao sự việc khác không lý giải được.
“Trước đó anh nói rằng trong hôm nay anh có một việc quan trọng phải làm”. Cô cười “nhưng em ko đảm bảo ký ức đó lạc quan đâu nhé”. Nói rồi cô bấm cây bút bi, viết điều tôi đã quên đi mất vào cuốn sổ rồi đặt vào tay tôi.
“Mọi sự bây giờ là tuỳ ở anh”. Cô mỉm cười. “Còn bây giờ em ra mua vé xem phim đây. Em chợt nhớ ra là lúc này đang chiếu phim Siêu Nhân đại chiến Người Dơi hay lắm đó nhé”.
Nhìn theo bóng dáng cô rảo bước tới quầy bán vé còn con chó theo sát góc mà chỉ thầm cười. Cả tôi và cô đều giữ lại cho nhau vài mẩu ký ức rơi rụng, rồi cảnh báo nhau rằng tốt nhất là đừng tìm lại nữa.
Cầm trong tay cuốn sổ cô đưa vẫn đóng lại sau khi cô viết vào đó mấy chữ, rồi chạy đi mua vé xem Siêu Nhân và Người Dơi đánh nhau với sự hồ hởi đánh động sự thích thú muốn xem phum hơn là nỗi tò mò muốn biết mở sổ ra xem cô đã viết cái gì.
Cảm giác trước khi ký ức cuối cùng bị cuốn đi trong lần trước xem phim thật không có gì thú vị cả. Nó lạnh ngắt như bánh mỳ không hơ qua lửa nóng, khó chịu như cơn khát chỉ được thoả mãn bằng vài giọt nước, và quan trọng nhất là cái cảm giác đó chỉ muốn nó trôi đi, biến mất hoàn toàn ngay lập tức. Chẳng khác gì một tế bào ung thư đang trực chờ di căn khắp cơ thể, và có lẽ ký ức cô không muốn tôi nhớ đến đó lại chính mầm mống gây nên tai hoạ thì sao.
Tiếng cô lớn giọng gọi tôi làm tôi trở lại với hiện tại
Cô không hỏi trước mà đã mua vé, bỏng ngô và nước ngọt cho tôi rồi. Đứng từ xa cô giục giã tôi ra giúp mình một tay trước khi làm đổ tứ tung ra khắp sảnh chờ mất. Tôi vội chạy tới cầm giúp cô, mà quên mất đã để lại cuốn sổ rồi cứ thế thẳng tiến vào phòng chiếu như thể cuốn sổ chứa đựng ký ức sau cùng của tôi chưa từng tồn tại cả.
-Đức Nhân