Dù Triết học Khắc kỷ đã từng biến mất khỏi lịch sử gần 1000 năm, rồi bị quên lãng bởi những tư tưởng, triết học mới của Phương Tây. Nhưng qua thời gian, qua những con người đã thay đổi lối sống và cả sự nghiệp của mình, đã chứng minh được chủ nghĩa Khắc kỷ không chỉ là một giá trị lãng mạn, có phần bi quan và chịu đựng mọi khổ đau.
Và tại sao triết học Khắc kỷ lại là một lối sống tốt, phù hợp và áp dụng được thực tế như vậy, mình sẽ nói đến từng khía cạnh đã tạo dựng nên giá trị của triết học Khắc kỷ và dẫn chứng sự hiệu qua của nó đem lại. Ít nhất đối với những tác giả viết sách và làm việc trong môi trường cần tập trung cao.
KHẮC KỶ KHÔNG CHỈ LÀ TRIẾT HỌC, MÀ CÒN LÀ MỘT TÔN GIÁO.
Nếu bạn phân vân giữa việc chọn lựa một tôn giáo để học hỏi những giá trị tốt đẹp cho nội tâm và hướng tới một cuộc sống an yên, nhưng đồng thời không bị phụ thuộc vào cái lễ nghi, lễ lạy, hành thiền hàng ngày thì triết học Khắc kỷ có thể phù hợp với cùng những tiêu chí trên.
William B. Irvine. tác giả cuốn Chủ nghĩa Khắc Kỷ viết triết học Khắc Kỷ có cả hai yếu tố quan trọng trong Thiên Chúa giáo và Phật Giáo: Thừa nhận thần thánh (như Zeno và Marcus Aurelius) và coi trọng thời khắc hiện tại, ngay bây giờ. Một người Khắc kỷ không phủ nhận những giá trị của tâm linh, đồng thời công nhận từng giờ khắc của hiện tại và suy ngẫm về vô thường có thể xảy ra bất cứ lúc nào – biểu hiện trong tính thiền, đi sâu vào bên trong để nhận biết mọi việc lẫn chính bản thân mình.
Ngoài ra lòng yêu thương nhân loại như Aurelius đã viết nhiều lần trong Suy tưởng và mong muốn đạt được sự bình thản, kiểm soát những gì có thể và hiểu rõ những gì không thể Mà Epictetus tin rằng đó là lối sống quan trọng đối với một người khắc kỷ. Sau này, lời cầu nguyện Bình an của nhà thần học Reinhold Niebuhr cũng lập luận một lần nữa quan điểm của Epictetus:
“Cầu Chúa cho con được thanh thản chấp nhận những điều con không thể thay đổi, cho con can đảm để thay đổi những điều thay đổi được, và cho con khôn ngoan để phân biệt được điều nào có thể và điều nào không thể đổi thay”.
Cuối cùng, sau những năm tháng nghiền ngẫm và thực hành triết học Khắc kỷ, William B. Irvine. đưa ra kết luận rằng ngay cả 1 người vô thần cũng có thể thực hành được lối sống Khắc kỷ vì sự thiết thực và phù hợp của nó.
NHỮNG CON NGƯỜI TỬ ĐẠO VÌ LỐI SỐNG KHẮC KỶ.
Tất nhiên, hành động quả cảm nhất để chứng minh cho giá trị của một tôn giáo là sẵn sàng chết vì đức tin của mình. Triết học Khắc kỷ cũng vậy, cũng có những kẻ tử đạo của nó. Chủ nghĩa Khắc kỷ không chỉ truyền cảm hứng qua văn bản mà còn từ các cá nhân.
Những người Hy Lạp đem đến một tôn giáo, còn những người La Mã đã dùng mạng sống của mình để chứng minh giá trị của lối sống mà triết học Khắc Kỷ đem lại. Họ không phải xuất thân trong giới bình dân, mà là tinh hoa của xã hội La Mã.
Khởi đầu là cái chết Cato Trẻ, người được gọi là Vinh quang của La Mã nổi tiếng với lối sống Khắc kỷ, giản dị trong hành vi, thanh liêm trong chức vụ. Con người này chính là nhân vật mà Seneca coi là biểu tượng cho chủ nghĩa Khắc kỷ của thời đại mình. Cato Trẻ đã đứng về phía Pompey để chống lại Caesar, nhà độc tài vĩ đại của La Mã, người sinh ra trong gia tộc được coi là có dòng máu của thần Vệ Nữ, và là cậu ruột của hoàng đế Augustus sau này.
Cato tự sát khi thua trận trước Caesar không phải bị ép phải chết, nhưng vì muốn bảo toàn danh dự và từ chối trở thành công cụ chính trị của Caesar. Cato Trẻ chính là Thánh Stefano – người tử đạo đầu tiên trong Thiên Chúa giáo. Sự dũng cảm dám chết cho lối sống Khắc Kỷ của Cato đã gây ấn tượng cho những người khác đến mức, họ đã chống lại các hoàng đế tàn bạo và độc đoán nhất La Mã sau này.
Nghị viên La Mã nổi tiếng Publius Clodius Thrasea Paetus, được truyền cảm hứng từ cái chết của Cato Trẻ đã dũng cảm chống lại hoàng đế Nero và phải chết. Nero cũng là người ép thầy tự sát mình đồng thời là một nhân vật Khắc kỷ xuất chúng – Seneca.
Cuộc tử đạo vẫn chưa dừng lại. Con rể Thrasea Paetus là Helvidius Priscus một triết gia Khắc kỷ đồng thời là địa chủ giàu có cũng chống lại hoàng đế Vespasian nổi tiếng độc tài và cứng rắn. Cuộc đối thoại Pricus và hoàng đế La Mã mang đậm chất của một người có lối sống Khắc kỷ và kết quả của nó là ông cũng phải chết như bố vợ mình.
Khi Vespasian cấm Priscus tại thượng viện Lã Mã thì Priscus đáp lại rằng đó là quyền hạn của ngài, còn nghĩa vụ của tôi là bước vào đó.
“Ồ. Vậy ngươi cứ có mặt nhưng đừng nói gì cả”. Vespasian trả lời.
“Ngài đừng hỏi ý kiến của tôi thì tôi sẽ im lặng”.
“Nhưng ta sẽ hỏi ý kiến của ngươi”
“Thì tôi sẽ nói những gì tôi cho là chính trực và đúng đắn”.
“Kể cả điều đó sẽ khiến ngươi phải chết?”
“Vậy sẽ thế nào khi tôi với hoàng đế rằng tôi đã và luôn là 1 người bất tử? Ngài làm việc của ngài là ra lệnh cho tôi phải chết. Còn tôi coi cái chết đó là việc mình đã chọn. Không có gì đáng sợ cả thưa hoàng đế”.
Với những con người quả cảm và coi nhẹ cái chết như vậy, cộng cả danh tiếng lẫy lừng của những tên tuổi như Epictetus, Marcus Aurelius trong việc thực hành lối sống Khắc kỷ. Và cũng không có gì khó hiểu khi im hơi lặng tiếng 1000 năm nhưng triết học Khắc kỷ vẫn ngay lập tức xác lập giá trị khi quay lại trở lại.Thậm chí người ta cho rằng, triết học của Spinoza – một triết gia nổi tiếng thế kỷ 17 có vay mượn nhiều thứ từ chủ nghĩa Khắc kỷ.
Trên hết, việc triết lý và lối sống Khắc kỷ phù hợp như một lựa chọn phù hợp bởi nó đã được áp dụng thành công trong sự nghiệp của các hoàng đế, nhà vua, tổng thống và cả các doanh nhân thời nay.
TRIẾT HỌC TẠO NÊN CÁC HOÀNG ĐẾ VĨ ĐẠI VÀ NHỮNG KẺ XUẤT CHÚNG.
Trong lịch sử, không thiếu các hoàng đế, nhà vua, người chinh phạt lẫy lừng, nhưng vẫn có những cái tên đặc biệt nổi trội trong thời cổ đại, La Mã, hay thời Kì Khai Sáng là Alexander Đại Đế, Marcus Aurelius và Friedrich Sáng suốt của nước Phổ. Những con người này nổi bật không chỉ vì có vương quyền, tài thao lược trong chiến trận mà còn được nuôi dạy trong bầu không khí của triết học nói chung và triết học Khắc kỷ nói riêng.
Khái niệm “Quân vương triết gia” được coi là là kiểu mẫu mà đạo học Phương Đông và triết học phương Tây “cảnh giới tối cao của người làm vua”. Trong Trung Hoa cổ đại, chuyện Nghiêu nhường ngôi cho Thuấn, Thuấn truyền lại cho Vũ dựa trên tài năng, đức độ chứ không phải truyền lại ngôi vương cho con cháu. Thời hoàng kim của Lã Mã cũng vậy, Bắt đầu từ Nerva, Trajan, Hadrian, Antonius Pius và cuối cùng là Marcus Aurelius. Họ đều là con nuôi, tướng lĩnh chứ không phải trực hệ, nhưng tạo nên thời đại Ngũ đế hiền vương với những bước đi đúng đắn và một lối sống cương trực để duy trì sự ổn định lẫn các kế hoạch mở rộng La Mã.
Trên hết, những cái tên này còn gắn liền với đạo học, triết học và sự ảnh hưởng vô cùng lớn. Sau cái chết của Marcus Aurelius, chủ nghĩa Khắc kỷ ngay lập tức bước vào bóng tối. Điều này cũng xảy ra với Trung Hoa cổ đại, khi thời Tam đế Nghiêu-Thuấn-Vũ kết thúc thì những gì họ đã làm sẽ không còn lập lại.
Khi chủ nghĩa Khắc kỷ quay trở lại, lập tức nó đã trở thành nguồn cảm hứng cho những triết gia và các con người hiểu được giá trị của việc sống “Thuận theo tự nhiên”. Henry David Thoreau với tác phẩm The Walden nói về việc 2 năm trải nghiệm cuộc sống trong thiên nhiên đã đem lại nhiều lợi ích và giá trị như thế nào, cũng như cảm thấy Thoreau có nhiều phần là một nhà Khắc kỷ rõ ràng ra sao. Thậm chí có thể nói rằng, Benjamin Franklin – vĩ nhân của nước Mỹ cũng ít nhiều có lối sống Khắc kỷ thông qua cuốn tiểu sử viết về ông sau này qua việc “Xây dựng thói quen tốt” – tương tự như những gì 1 con người có thể kiểm soát mà Epictetus nói tới.
Chưa hết, những tổng thống Mỹ như Theodore Roosevelt, Bill Clinton, các doanh nhân và tác giả best seller Steve Jobs, Robert Green, Tim Ferrris, Nassim Nicholas Taleb, Cal Newport đều thực hành triết học Khắc kỷ và thành công trong cuộc sống. Tác giả Thiên nga đen – Nassim Taleb trong cuốn “Skin in the game” kể rằng ông dành thời gian 3 năm trong 1 căn hộ ở New York để viết xong bản thảo khó nhất mình từng viết.
“Một con người theo chủ nghĩa khắc kỷ hiện đại là biến lo sợ thành thận trọng, biến nỗi đau thành thông tin, biến sai lầm thành hành động và biến ước mơ thành nhiệm vụ”. Taleb kết luận.
MỘT LỐI SỐNG DÁM ĐỐI MẶT VỚI NỖI ĐAU VÀ CÁI CHẾT.
“Nếu bạn muốn chế ngự nỗi đau
Hãy mở cuốn sách này ra và đọc cho chăm chú
Và sẽ thấy trong đó đầy những kiến thức về mọi sự vật
Đang có, đã có và sẽ có
Rồi bạn cũng sẽ biết rằng niềm vui hay nỗi buồn
Chẳng có gì khác hơn một làn khói sương”.
Đó là lời giới thiệu của 1 nhà tu hành dành cho người bạn của mình khi đề cập đến Suy tưởng của Marcus Aurelius. Một người Khắc kỷ và cũng là hoàng đế nhưng lại nói đến nỗi đau, sự sợ hãi và cái chết nhiều hơn bất cứ ai đã từng nghĩ.
Trong cuộc sống cũng vậy, những nỗi sợ hãi và lo lắng về bất cứ điều gì tồi tệ nhất, tiêu biểu là cái chết luôn là chủ đề được tôn giáo, sách vở và diễn giả nói đến nhiều nhất. Chủ nghĩa Khắc kỷ cũng vậy, nhưng nó còn hướng dẫn cho người ta cách chấp nhận “cái chết là điều làm cho cuộc sống có ý nghĩa”, chứ không phải là chịu đựng hay dùng mọi cách để trốn chạy nó.
Sau cùng, việc là 1 người Khắc kỷ nhiều khả năng sẽ không làm bạn giàu có hơn như các khoá học, diễn giả hứa hẹn. Nhưng mình chắc chắn một điều là mỗi ngày trôi qua, bạn sẽ cảm ơn và trân trọng từng giây phút được sống trong hiện tại, đồng thời biết cách chế ngự được những nỗi đau, kể cả sự sợ hãi về cái chết của chính mình.
Một số tác phẩm Khắc kỷ.
Suy tưởng của Marcus Aurelius
Những lá thư của Seneca
Những bài giảng của Epictetus
Chủ nghĩa Khắc kỷ của William Irvine.
Ảnh tượng David của Michelangelo