NÓI VỀ “ĐỂ THÀNH NHÀ VĂN”.

 

“Đạt đến giản dị và tự nhiên, là đạt đến mức cao nhất của nghệ thuật”.

Thực sự cuốn sách này của cụ Nguyễn Duy Cần đã giúp ích rất nhiều cho mình trong việc viết lách chuyên nghiệp. Văn phong hướng dẫn của cụ Cần rất mạch lạc, đơn giản nhưng hấp dẫn, có chiều sâu, trong nhiều ví dụ luôn có dẫn chứng cụ thể.

Cụ Cần không chỉ nói về cách viết sao cho hay, mà còn hướng dẫn người viết phải biết quan sát, cảm nhận mọi sự vật hết sức tinh tế để tim ra cái khác trong cái quen thuộc. Mình đã đọc nhiều tiểu luận của các tiểu thuyết gia nổi tiếng thế giới viết về nghiệp viết, nhưng ít nhà văn nào lại có cái nhìn về việc trở thành nhà văn đậm chất kỉ luật, kĩ lưỡng và chuyên sâu như cách cụ Cần viết.

Đây chắc chắn vẫn là cuốn sách mình sẽ đọc lại hàng năm. Dù rằng gần 1 nửa cuốn này cụ Cần nói về việc phê bình văn học nữa. Đây là lĩnh vực mình không để ý tới, thành ra mình lại có động lực để đọc lại nhanh và nhiều lần hơn.

Mình trích vài ghi chép cần ghi nhớ và học lại nhiều lần trong cuốn sách chia sẻ với các bạn.

– Đọc sách sẽ giúp ta nảy sinh nhiều ý tưởng bất ngờ, đó là nguồn cảm hứng bất tận. Nhưng cần thiết là phải biết quan sát. Biết quan sát là tất cả bí quyết thành công trong nghề viết.

– Phải biết nhìn kĩ tất cả những gì bạn muốn viết ra. Phải biết nhìn cho lâu và hết sức chăm chú để tìm thấy một khía cạnh đặc biệt mà trước đây chưa ai nhìn thấy và viết ra.

– Trong tất cả mọi sự vật đều có những điểm mà chưa một ai khai thác, vì chúng ta thường có thói quen thấy một việc theo quan điểm của những người đã thấy trước bạn và nói cho bạn nghe. Vì vậy, bất cứ một sự vật nhỏ nào cũng còn vài chỗ chưa ai để ý đến. Bạn hãy tìm ra cho những khía cạnh đặc biệt ấy.

– Muốn tả một ngọn lửa cháy, hay một chiếc cây giữa đồng, hãy nhìn nó đến khi nào không còn giống với một ngọn lửa hay một cái cây nào khác nữa.

– Sự thật ngoài đời là tài liệu bất tận của người viết.

– Bất cứ một tác phẩm nào cũng phải có một ý chính làm cốt tuỷ. Thiếu nó, không một tác phẩm nào có thể đứng vững được.

– Nhắm vào điểm chính yếu, bạn cần phải tiết kiệm các chi tiết và nhất định bỏ đi tất cả những gì thừa thãi.

– Đạo trước sau chỉ có một ý, mà thông suốt tất cả mọi việc.

– Kẻ nào không biết tự hạn chế chữ nghĩa, không bao giờ biết viết văn.

– Một câu văn hay là câu văn ai đọc đến, chỉ thấy cái từ mà không để ý đến hình thức câu văn của nó.

– Kẻ nào muốn viết cho thật hay lại càng viết không hay.

– Đẽo gọt cũng cần đẽo gọt, nhưng đẽo gọt cách nào để đừng cho ai thấy đẽo gọt. Đạt đến giản dị và tự nhiên, là đạt đến mức cao nhất của nghệ thuật.

– Khi bạn cảm nhận được một cái gì hùng vĩ, thì phải viết ra, dù phải trả một cái giá nào và bạn biết chắc rằng chẳng có ai hiểu cho.

Photo : Inspirator by art

Lan tỏa nếu thấy hay nhé:

Viết một bình luận

Trần Đức Nhân