PHẢI LÀM GÌ ĐỂ KHÔNG BỊ SỰ VÔ ĐỊNH DẪN DẮT CUỘC ĐỜI BẠN?

24 tháng Bảy, Hà Nội bắt đầu giãn cách theo chỉ thị 16 cho tới bây giờ, thì mình đã biết được một nỗi đáng sợ có thể so sánh với Covid của những người xung quanh là gì không ngoài sự nhàm chán và vô định khi mọi người không biết phải làm thế nào để sử dụng những khoảng thời gian mỗi ngày để lấp đầy những tuần lễ gò bó trong nhà, trong ngõ và trong phạm vi mình sống.

Nhiều người sử dụng internet nhiều hơn, xem phim nhiều hơn và ngủ cũng nhiều hơn.

Cũng có những người khuấy động sự tĩnh lặng bằng âm nhạc, thứ âm nhạc đa thể loại vang lên hoà vào những bản tuyên truyền từ loa phường tạo thành một thứ âm thanh khiến mình sợ hãi vào buổi sáng.

Một số người khác thì làm những việc lặt vặt như sửa quạt, lắp đèn và bắt đầu tập thể dục nâng cao sức khoẻ.

Và nhiều người còn lại than thở về trạng thái nhàm chán, ì ạch cả thân thể và tinh thần trong những tuần lễ giãn cách cùng nỗi sợ hài về dịch bệnh cả sáng lẫn tối.

Trong hoàn cảnh như thế và sống giữa một nhịp điệu có nhiều nốt trầm như thế thì mình vẫn duy trì những thói quen từ hàng tháng trời trước khi giãn cách như: dậy trước 7 giờ sáng, bắt đầu ngày mới bằng lời cầu nguyện và thiền trước khi đi ra ngoài. Nhưng thay vì lên coffehouse ngồi thì mình qua sân nhà thờ ngay cạnh nhà để đọc, viết, đi dạo cho buổi sáng, buổi chiều thì sẽ chạy và tập, còn buổi tối lại quay lại với viết, đọc và thiền trước khi đi ngủ để ngày mai lại dậy trước 7 giờ sáng.

Có những ngày mọi chuyện không suôn sẻ để bắt đầu mọi thứ một cách êm xuôi và trơn tru, nhưng mình đã học được cách chấp nhận những bất toàn có thể xảy ngay cả lúc tưởng như mọi thứ đang đi vào dòng chảy tập trung.

Có ngày mình đã dậy muộn hơn vì thức khuya hay trằn trọc và mất giấc vì tiếng nhạc tiktok của các video em trai đang xem.

Có ngày đầu mình gần như chỉ muốn vỡ tung trước thứ âm nhạc của hàng xóm bật hết cỡ cùng tiếng loa phường cứ cách 1-2 tiếng lại vang lên như tiếng trống bên tai.

Và có ngày mình năm lần bảy lượt cầm cuốn sách hay bắt đầu gõ vài chữ thì người thân lại có những việc để nhờ, để làm khiến mình mất thời gian để quay lại với trạng thái tập trung. Rất nhiều khó khăn và đòi hỏi ý chí lẫn kỷ luật để đem bản thân trở lại nhịp điệu của mình. Có lúc nhanh, chậm tới rất chậm nhưng mình vẫn chờ đợi khoảnh khắc đó và khi nó đến mình sẽ đốt cháy toàn bộ thông qua những hành động, dù là nhỏ nhất, dù chỉ là một trang sách hay mấy trăm chữ cho một bản thảo. Vì tận dụng từng giây phút mỗi ngày trong những tuần giãn cách như một kẻ khát nước khi đi lang thang trong sa mạc mà mình đã :

– Đọc xong 7 cuốn sách từ ngày 24/7 và sắp đọc xong cuốn thứ 8, tiểu sử về cuộc đời của Van Gogh dài 1212 trang.
– Viết được gần 20 nghìn chữ cho những truyện ngắn đã hoàn thành cũng như đang viết.
– Viết 6 bài bào mà 1 bài dự thi. Tất cả đều chưa có kết quả.
– Chỉnh sửa bản thảo của khách hàng.
– Viết một dựa án mới để có một khoản thu nhập.
– Mỗi ngày đều chia sẻ ít nhất 1 bài lên facebook.

Và mình vẫn chạy mỗi ngày cũng như chỉ nghỉ tập tạ 1ngàytrong tuần vào thứ Bảy hoặc Chủ Nhật. Thực tế, mình còn khoảng 15.000 bước chân nữa là đạt được 400.000 bước trong tháng Tám, điều này đồng nghĩa với việc mình đã chạy hơn cả 10km mỗi ngày, vượt cả kỷ lục cũ của tháng Bảy (372.500 bước) 27.500 bước. Cũng vẫn trong khoảng thời gian đó, cũng với những công việc và thói quen đó, chỉ khác là trong một hoàn cảnh ảm đạm hơn vì dịch bệnh cũng như giới hạn về mặt không gian cũng như nhiều lần bị kéo khỏi sự chú tâm nhưng mình lại có đạt được hiệu suất cao hơn ở một số công việc lẫn thói quen.

Mình không ngạc nhiên trước con số này. Không hề ngạc nhiên nhưng cũng không kiêu căng hay khoe khoang khi chia sẻ với mọi người vì tất cả những gì mình đang làm là: kết quả của việc mình biết điều bản thân muốn trong cuộc đời này là gì và phải làm thế nào để đạt được điều đó.

Mình không thoả mãn trước những truyện ngắn và tiểu thuyết mình đã đọc nên mình phải viết những gì mình muốn. Trong khi viết mình cũng không kiên nhẫn được để đọc những trang tiếp theo, cũng như mình chẳng đoán được kết cục sẽ thế nào và điều này đã thúc đẩy mình viết bấp chấp hoàn cảnh và cảm xúc ra sao. Mọi câu trả lời phụ thuộc vào những gì mình viết, và một truyện ngắn hay mỗi chương tiểu thuyết hoàn thành thì đến từ việc mình phải viết mỗi ngày bất kể lý do nào.

Mình cũng muốn kiếm tiền nữa, một số tiền đủ để mình thấy thoải mái với lối sống hiện tại và để dành cho một đầu tư vào tương lai. Để có thời gian vừa làm thứ mình thích như viết và đọc mỗi ngày đồng phải kiếm được tiền thì mình phải dậy sớm và duy trì những thói quen tốt đồng thời cũng phải chấp nhận từ bỏ kha khá thứ như: cái cảm thích thú như bị nghiện của việc thức muộn hơn, những bộ phim hấp dẫn trên Netflix, không cài Tik Tok trên điện thoại để biết được xem đang có những thứ quỷ quái gì đang diễn ra.

Bạn bè hay trêu mình rằng mình là một đứa khắc kỷ trong cuộc sống đa kết nối bây giờ, nhưng thực ra mình còn kết nối nhiều hơn khi chỉ tập trung vào những gì mình đang làm để có thể viết và chia sẻ những gì chân thực nhất đến từ trải nghiệm của mình. Và từ những chia sẻ ấy đã dẫn mình tới những mối quan hệ mới,những người bạn mới và các công việc kiếm ra tiền dựa trên đam mê viết và đọc của mình. Một vòng tuần hoàn bổ trợ cho nhau.

Rồi để có sức khoẻ và duy trì một tinh thần trước những việc đòi hỏi sự tư duy và tạo ra rất nhiều căng thẳng lẫn bế tắc như đọc và viết hay học một cái gì mới thì mình phải tập luyện mỗi ngày thông qua chạy, những lần chống đẩy 20 cái. một lần và nhiều bài tập tạ tay. Có những ngày rã rời và mệt mỏi đến chóng mặt và buồn nôn, nhưng mình tập trong sự thích thú và thư giãn. Chạy và tập hơn 2 giờ mỗi ngày là cái giá vẫn rẻ cho việc ngồi hơn 12 tiếng một ngày để đọc và viết. Nếu không vận động, mình sẽ tích mỡ nhanh hơn, sẽ bị những cơn đau lưng hành hạ và trì trệ trong cả tinh thần lẫn thể xác.

Còn lý do tại sao mình thiền hai buổi muỗi ngày, mỗi buổi 25 phút vì thiền giúp mình cân bằng tất cả mọi thứ mình đang làm, từ ham muốn cho tới tham vọng và từng ý tưởng liên tục nảy sinh trong tâm trí của mình bằng sự trống rỗng và thinh lặng của thiền. Thiền không chỉ một hoạt động thuộc về tôn giáo hay tâm lĩnh, đó là sự thư giãn và thanh lọc bản thân rất hữu hiệu. Thậm chí ngay cả khi mình không tìm tới thiền để thư giãn, thì những giây phút ngồi thinh lặng trong phòng giúp mình sắp đặt các ý tưởng tốt hơn, tìm ra một câu từ hấp dẫn cho những gì mình viết, hoặc đơn giản là quan sát tất cả những suy nghĩ đang chạy lung tung trong đầu mình. thông qua thiền mình không cần tới những sự giải trí từ internet mà vẫn tìm kiếm được sự nghỉ ngơi và thư giãn đích thực.

Mình không nói internet vô ích hay nhảm nhí, trái lại kể cả người liên tục từ chối những kết nối từ internet thì mình vẫn thừa nhận rằng cuộc sống của chúng ta sẽ mãi mãi không thể bị tách rời khỏi internet vì tiện ích vô hạn nó đem lại. Nhưng internet cũng ẩn chứa nhiều sự độc hại, thậm chí những sự độc hại đó đang được các nhà phát triển chào mời lẫn khuyến cao mọi người tiêu thụ và chia sẻ nó như một món hàng có giá trị cao.

Thay vì phân tán sự tập trung và rời bỏ những gì mình đang làm như internet trong sự mệt mỏi khi chạy theo những giá trị hời hợt, thì thiền giúp mình lấy lại tinh thần và thanh tẩy những mệt mỏi từ tâm trí lẫn thể xác. Thiền còn đưa mình đến việc đối diện với những bế tắc trong mỗi ngày để nhận biết được bản chất thực sự của từng sự việc như nó là, chứ không phải theo những tạp niệm mà tâm trí trong khi rối ren đã gán lên chúng – điều này mình cho là rất gần với Chánh niệm của mà những thiền sư hay giảng dạy – suy nghĩ đúng thì đem tới nhận biết đúng, nhận biết đúng thì tạo ra hành động đúng.

Và suy nghĩ đúng ở đây là mình biết mình phải làm gì để mỗi ngày trở nên có ý nghĩa thay vì nhàm chán. Còn hành động đúng ở đây chính là những gì mình đang làm để không bị lôi kéo vào sự vô định của hoàn cảnh và lạc trôi trong những khoảng thời gian bế tắc.

Tất cả là một vòng tuần hoàn bổ trợ cho nhau. Mình càng làm thì mình càng tiến bộ cũng như nhận được những lợi ích trong mỗi ngày. Nhưng trên hết, mình làm chủ buổi sáng, buổi chiều và cả buổi tối của chính mình chứ không để cho sự vô định cài đặt hay dẫn lối mình đi tới những lựa chọn hời hợt và nhàm chán. Và vì biết mình đang làm gì, biết mình đang tận hưởng thành quả của mỗi ngày ra sao thì mình càng chú tâm vào những gì mình đang làm hơn là các yếu tố bên ngoài như dịch bệnh, tâm lý sợ hãi hay sự ảm đạm của những ngày tiếp theo.

Làm và bỏ qua những cái khác, đơn giản chỉ có vậy nhưng đem lại ý nghĩa và mọi thứ khác cho mình trong lúc này.

Nhưng tại sao sự nhàm chán và vô định vẫn tràn làn khắp nơi thay vì những gì chúng ta muốn làm và phải làm?

Vì chúng ta đã mệt mỏi với những hoá đơn, bổn phận, áp lực và những sự cố gắng nhưng lại chưa được đền đáp xứng đáng. Khi mọi thứ phía trước mù mờ và không rõ ràng chúng ta dễ bị những tác động bên ngoài mà sự vô định đem tới đi chệch khỏi con đường chúng phải đi.

Vì suy nghĩ và hành động đúng theo những gì chúng ta muốn thì lại đem tới sự khó khăn lẫn nghi ngờ về bản thân, còn nhàm chán và vô định lại đưa đẩy chúng ta tới những lựa chọn dễ dàng hơn để đốt cháy hàng những ngày tháng tù túng do dịch bệnh đem lại.

Cũng có nhiều người nói rằng cứ thong thả chờ đợi qua thời điểm này, bảo toàn sức khoẻ đã là tốt lắm rồi chứ đừng động đậy làm gì cả. Cũng là một lý do hợp lý, tuỳ mọi người thôi. Chúng ta đều đã lựa chọn làm theo những gì mình muốn thì mỗi người sẽ nhận được hoa trái được gieo từ hạt giống của mình.

Sự vô định sẽ xuất hiện ngay sau khi chúng ta từ bỏ việc tìm kiếm một điều gì đó có ý nghĩa trong cuộc đời của mình, thấm chí là ngay trong khoảnh khắc này.

Sự vô định xuất hiện khi chúng ta mong muốn những sự dễ dàng hơn là đối mặt với khó khăn.

Sự vô định cũng có mặt ngay trong lúc chúng ta bị bủa vây bởi những lựa chọn hời hợt dẫn tới một con đường không mục đích.

Sự vô định kìm giữ chúng ta trong một thực tại không có nhiều hứa hẹn và phủ nhận mọi cố gắng sẽ là vô ích.

Và đáng sợ nhất là khi sự vô định tích tụ lại sẽ đẩy chúng ta tới việc sẽ sống một cuộc đời vô nghĩa chỉ biết sống nhưng không biết phải sống như thế nào để hạnh phúc và trọn vẹn trong từng giây phút.

Đối ngược lại vô định là chú tâm. Sự chú tâm ở đây là trong mỗi hành vi và hành động nhỏ nhất, từ việc cầm chiếc điện thoại cho tới khi đặt tay viết một bài viết. Tại sao bạn cầm điện thoại? Bạn truy cập mạng để tìm kiếm cái gì? Cái đó có quan trọng không? Thông tin đó dẫn bạn đến một mục đích rõ ràng hay chỉ là bạn đang muốn giết thời gian vì nhàm chán hay do nỗi bất an khi không có những kết nối đó? Mỗi lần chú tâm, bạn sẽ đặt ra những câu hỏi, rồi mỗi câu hỏi sẽ đưa bạn tớ các câu trả lời, từ câu trả lời đúng, bạn biết và hiểu rõ bản chất của sự vô thức trong mỗi hành động trước đây của mình.

Khi bạn chú tâm bạn biết được căn nguyên của vô định, bạn biết được rằng mình có quyền thay đổi và lựa chọn một điều khác tốt hơn cho bản thân mình. Nhưng cả khi hiểu ra thì có thể bạn cũng chưa có những chuyển biến về hành động ngay, vì thói quen cũ vẫn có những tác động lớn hành vi của bạn. Vì thế hãy bắt đầu những bước nhỏ bằng việc hãy đưa vào mỗi ngày những lựa chọn có sự chú tâm hơn vào mỗi ngày của bạn. Có thể chậm một chút, nhưng chậm là trôi chảy và trôi chảy tạo nên tốc độ.

Hãy lướt mạng nhưng ý thức về những gì bạn tìm kiếm. Bạn chủ động với việc dạo chơi trên internet chứ không phải do sự vô định thúc đẩy bạn truy cập. Khi có sự ý thức này, bạn sẽ biết cách kiểm soát nó thay vì thả trôi cả buổi và dìm trong những thông tin tầm phào.

Hãy đối mặt sự khó khăn của những việc mình đang làm như đọc tiếp cuốn sách còn dang dở, quay lại với bài tập đốt cháy calo mà bạn luôn né tránh. Việc chú tâm bao giờ cũng gây ra cảm giác khó chịu và không thoải mái so với vô định, nhưng chú tâm dẫn bạn tới việc nhận biết ý nghĩa của một cuộc đời chất lượng còn vô định sẽ quăng cho bạn bất kể cái gì nó muốn khi bạn quyết định trả trôi bản thân theo dòng đời.

Hãy chấp nhận rằng kể cả việc bạn loại bỏ sự vô định, tìm kiếm được những mục tiêu cho mình trong thời gian tới thì bạn vẫn sẽ là một người bình thường. Nhưng một người bình thường mà có sự nhận biết được từng niềm vui lẫn sự tiến bộ nhỏ bé mỗi ngày vẫn có giá trị hơn sự hời hợt của một cuộc đời vô định không có gì phấn đấu.

Và làm một người bình thường nhưng tỉnh thức khi biết được mình sẽ phải làm gì, sẽ đi được tới đâu và trở nên như thế nào thông qua mỗi ngày sống và thực hành, thì biết đâu vào một lúc nào đó thì may mắn cùng cơ hội sẽ tới thăm bạn trong một ngày bạn đã sẵn sàng, đã thay đổi để đón nhận thay vì đắm chìm thứ ảo ảnh của vô định.

Sự vô định khiến nhiều người trong chúng ta chấp những sự dễ dãi, nuông chiều tính lười biếng của bản thân và ngăn cản bản thân đạt được những điều lớn lao.

Còn chú tâm là khả năng hướng tâm trí bạn vào những việc phải làm trong bất kể thời điểm, hoàn cảnh, cảm xúc và bỏ qua mọi thứ khác sẽ dẫn tới sự thay đổi vĩnh viễn.

Tương lai của bạn phụ thuộc vào từng ngày trôi qua. Bản thân bạn chính là thứ công cụ tốt nhất để đạt được những gì bạn muốn.

Người nào tập trung và siêng năng trong công việc của mình, người ấy sẽ đứng hiên ngang ngày trước mặt những vị vua.

photo : busybees2

Lan tỏa nếu thấy hay nhé:

2 bình luận về “PHẢI LÀM GÌ ĐỂ KHÔNG BỊ SỰ VÔ ĐỊNH DẪN DẮT CUỘC ĐỜI BẠN?”

Viết một bình luận

Trần Đức Nhân