Đây là cuốn sách với nội dung chính là phân tích, so sánh hiện trạng giáo dục ở Việt nam – Nhật Bàn, cùng mổ xẻ những giải pháp thực tiễn đã được Nhật Bản áp dụng thành công trong môn lịch sử mà anh Nguyễn Quốc Vương – tác giả cuốn sách này muốn chia sẻ với người đọc. Mình phải nói rằng đây không phải là cuốn sách khó đọc vì những lý thuyết, số liệu, giáo án, cách dạy mang tính ví dụ, tham khảo anh Vương đề cập đến có phần khô khan, nghiêm túc đúng kiểu nghiên cứu chuyên sâu (đặc biệt là phần nói về việc thay đổi cách dạy và học lịch sử của Nhật Bản mà Việt Nam có thể áp dụng được) khiến mạch đọc chậm lại và ảnh hưởng đến hứng thứ của người đọc.
Nhưng đổi lại, người đọc chỉ cần kiên nhẫn và tập trung một chút thì sẽ có được một cái nhìn tổng thể về hiện trạng của giáo dục Việt Nam đang đứng ở đâu, đang gặp khúc mắc nào và có thể thay đổi từ đâu trong tương lai. Mình nói tương lai ở đây vì theo sự nhận định của mình chuyện cải cách giáo dục một cách toàn diện ở Việt Nam có những cái khó hơn Nhật Bản và còn liên quan đến cả động lực thúc đẩy nữa.
SỰ KHÁC BIỆT GIỮA GIÁO DỤC VIỆT NAM VÀ NHẬT BẢN
Để các bạn dễ dàng thấy được những điểm khác nhau giữa hai nền giáo dục Việt Nam – Nhật Bản thì mình sẽ so sánh song song hai nền giáo dục với nhau mà anh Vương đã liệt kê và chỉ ra trong sách.
1. Việt Nam giáo dục từ trên xuống dưới còn Nhật Bản từ dưới lên trên.
Giáo dục từ trên xuống dưới xuất phát từ phía nhà nước – các cơ quan quản lý giáo dục, đứng đầu là Bộ Giáo dục và Đào tạo, thông qua các chính sách và chỉ đạo có tính chất hành chính, bắt buộc. Còn giáo dục từ dưới lên được tiến hành bởi các giáo viên ở các trường học và bằng các “thực tiễn giáo dục”. anh Vương giải thích thực tiễn giáo dục “là tất cả những gì người giáo viên thiết kế, tiến hành trong một khoảng thời gian ngắn như một vài tiết học khi thực hiện một chủ đề học tập, trong một học kỳ, một năm học hoặc cũng có thể là cả quãng đời dạy học, và thu được ở hiện trường giáo dục. Các thực tiễn giáo dục là kết quả tự chủ và sáng tạo của giáo viên trên cơ sở nghiên cứu mục tiêu giáo dục, chương trình khung, SGK, tình hình thực tế của nhà trường, học sinh. Thực tiễn giáo dục có thể không hoàn toàn trùng khớp hay chỉ là sự minh họa, diễn giải những gì được trình bày trong SGK, nó là sản phẩm của sự sáng tạo mang đậm dấu ấn của giáo viên, của ngôi trường họ đang dạy học”.
Kết luận của anh Vương rằng với hướng đi từ dưới lên trên đến từ hoàn cảnh thực tiễn, khả năng sáng tạo của rất nhiều giáo viên sẽ đem tới những cách dạy, phương pháp và tài liệu dạy học thiết thực hơn đối với học sinh hơn là đi theo một hướng đi bắt buộc và cứng nhắc. Trước năm 1945, Nhật Bản cũng đi theo cách giáo dục từ trên xuống dưới, đã phải nhận hậu quả của nó và từ đấy bước vào một cuộc cải cách giáo dục triệt để.
2. Sách giáo khoa ở Việt Nam là Quốc định còn Nhật Bản là kiểm định
Anh Vương có phân tích sách giáo khoa – SGK ở các nền giáo dục trên thế giới chia thành ba dạng :
– SGK Quốc định : Việt Nam, Triều Tiên…
– SGK kiểm định: Nhật Bản, Trung Quốc….
– SGK tự do : các nước Bắc Âu.
Ở Nhật Bản, cơ chế SGK kiểm định được thực hiện từ năm 1947 đến nay còn được gọi là “một chương trình – nhiều sách giáo khoa”. Nếu như trong cơ chế “quốc định” như Việt Nam đang áp dụng các tác giả thường là viên chức nhà nước, được lựa chọn trong phạm vi hẹp và ít thay đổi thì với “kiểm định”, các tác giả rất đa dạng, bao gồm cả những người có kinh nghiệm thực tiễn giáo dục và có sự liên kết giữa nhiều tác giả xuất thân, chuyên môn khác nhau. Sự phong phú về tác giả cùng sự cạnh tranh bình đẳng tạo ra sức mạnh thúc đẩy nâng cao chất lượng SGK. Dĩ nhiên khi có sự cạnh tranh, công nhận kiến thức của các tác giả thì việc nền giáo dục có được những bộ SGK sáng tạo và thực tiễn là thành quả sớm muộn sẽ nhận được.
Mình có đọc thêm trên 1-2 trang web phản hồi với ý kiến SGK kiểm định cho từng vùng miền, địa phương ở Việt Nam sẽ rất khó và không thể triển khai. Với cá nhân mình khi nhìn xa ra sẽ thấy Việt Nam có sự đa dạng về cộng đồng dân tộc, văn hoá nhỏ xung quanh văn hoá của người Kinh chứ không gần như đồng nhất như ở Nhật. Nhưng việc tạo ra những bộ SGK phù hợp với từng địa phương, vùng miền anh Vương cũng thừa nhận rằng :
“… Trên thực tế, sự cân nhắc này không phải được thể hiện trong bản thân nội dung SGK, mà nó được thể hiện trong việc thực hiện cơ chế một chương trình – nhiều SGK. Bản chất của việc thực hiện cơ chế này là mềm hóa tính đúng đắn tuyệt đối của SGK và nhấn mạnh vai trò tự chủ của giáo viên trong lựa chọn, biên soạn nội dung giáo dục.
Không bao giờ có các bộ SGK hoàn hảo ngay cả ở các nước dẫn đầu thế giới về giáo dục hiện nay. SGK, trong quan niệm của các nhà giáo dục hiện đại, sẽ chỉ là tài liệu tham khảo quan trọng dành cho cả giáo viên và học sinh. Việc hướng dẫn học sinh học gì, học như thế nào là do giáo viên và học sinh quyết định…
… Vì vậy, trong cơ chế này, để làm tốt công việc của mình, giáo viên sẽ phải lao động trí tuệ thật sự, điều tra thực tế, nghiên cứu tài liệu để hiểu về không gian xã hội địa phương mà học sinh đang sống, phải hiểu được mối quan tâm, hứng thú của học sinh, các trải nghiệm trong đời sống thường ngày của các em từ đó mà thiết kế, biên soạn nên chương trình giáo dục của riêng mình”.
Hiểu theo suy nghĩ của mình thì anh Vương cho rằng “một chương trình – nhiều SGK” sẽ đem tới nhiều lựa chọn đa dạng hơn trong việc học đối với học sinh và cũng là cách thúc đẩy giáo viên tìm tòi, sáng tạo hơn trong phương pháp học. Đối chiếu với quy luật thị trường, nhiều mặt hàng đa dạng (SGK) hơn sẽ tạo ra được các giao dịch buôn bán (Kết quả giáo dục) sẽ nhiều và tốt hơn. Ít nhất điều này đã được Nhật Bản áp dụng thành công trong quá quá khứ và đến tận bây giờ.
3. Giáo dục Nhật Bản không đánh giá hạnh kiểm hay quan trọng điểm số như Việt Nam
Tất cả những người đã và đang học đều trải qua việc vui buồn về điểm số, học lực và hạnh kiểm từ giáo viên rồi cả các phản ứng của gia đình khi nhận được đánh giá từ trường học. Nói gì thì nói, việc quan trọng hoá điểm sổ ở trường lớp là một suy nghĩ rất khó thay đổi trong não trạng người Việt.
Mình quan sát thấy rằng đối với rất rất nhiều gia đình Việt Nam, con cái còn là sĩ diện, thể diện của bố mẹ và chuyện điểm cao, điểm thấp nó không còn chỉ là vấn đề giáo dục nữa mà còn về mặt danh dự. Vì thế, khi đối chiếu với một nền giáo dục khác, cụ thể ở đây là Nhật Bản, anh Vương đã phải mô tả là “bất thường” trong thế giới quan của người Việt
– Thứ nhất, giáo viên ở Nhật không tiến hành đánh giá, xếp loại hạnh kiểm (đạo đức) học sinh. Đối với người Nhật, chuyện đánh giá đạo đức người khác là nhạy cảm và trong trường học, nơi học sinh được học tập để trở thành công dân dân chủ, chuyện giáo viên – người nắm quyền lực trong tay – đánh giá đạo đức học sinh là điều khủng khiếp khó có thể tưởng tượng. Đơn giản vì họ quan niệm đạo đức hay nhân cách con người khó có thể được đoán định, đánh giá chỉ thông qua học lực và các hành vi tuân thủ hay không tuân thủ nội quy của trường học. Thay vào đó, giáo viên sẽ thường xuyên có những nhận xét và trao đổi với gia đình học sinh về những điểm bất thường cần chú ý, giáo viên sẽ gặp riêng học sinh hoặc phụ huynh để đưa ra lời khuyên. Đương nhiên những nhận xét của giáo viên dành cho học sinh ở đây sẽ không phải là “hạnh kiểm tốt/khá/trung bình/yếu/kém”, mà sẽ là “tuân thủ nội quy” hay “vi phạm nội quy”, “lạc quan vui vẻ”, “cô đơn, không có bạn”, “hướng nội” hay “hướng ngoại”…
– Thứ hai, ở Nhật Bản không có thi học sinh giỏi và thông thường cũng không công bố công khai thành tích học tập của học sinh trước toàn bộ lớp và xếp thứ tự học sinh theo điểm số trung bình. Thành tích học tập được coi là một dạng thông tin cá nhân và được tôn trọng. Các kỳ thi có tính chất cạnh tranh ở Nhật Bản thường là thi đấu thể thao, sáng tạo nghệ thuật hay nghiên cứu khoa học thay vì thi kiểm tra kiến thức các môn giáo khoa như thường thấy ở Việt Nam.
– Thứ ba, giáo viên đánh giá sự tiến bộ của học sinh không chỉ dựa vào điểm số thu được từ các bài kiểm tra, bài tập. Lý do nằm ở chỗ mục tiêu mà giáo dục phổ thông Nhật Bản theo đuổi là giáo dục nên công dân có phẩm chất, năng lực phù hợp với xã hội “hòa bình”, “dân chủ” và “tôn trọng con người”. Vì vậy khi đánh giá giáo viên phải chú ý tới cả thái độ, mối quan tâm hứng thú và các kỹ năng của học sinh.
Nếu bạn nào đặt câu hỏi về việc thi cử đại học ở Nhật có lấy điểm số hay quan trọng điểm số không, thì anh Vương cũng đã phân tích và lý giải đầy đủ trong cuốn sách này, các bạn có thể tham khảo kĩ hơn và có cái nhìn rộng hơn khi đọc trực tiếp. Trong review này mình chỉ điểm qua những điểm nổi bật nhất của sách mà thôi.
SỰ KHÁC BIỆT GIỮA DẠY LỊCH SỬ Ở NHẬT BẢN VÀ VIỆT NAM
Mấy năm trước dư luận trong nước bùng lên về việc nhiều điểm 0 lịch sử, học sinh không thích chọn môn sử, xé đề cương sử nghiêm trọng đến mức dẫn đến việc giáo dục Việt nam phải nhìn nhận lại vấn đề dạy và đặt câu hỏi cho việc tại sao học sinh lại không thích học sử.
Vì đây là review sách nói về cách dạy học của Nhật Bản nên mình sẽ đi sâu vào chi tiết về vấn đề chán ghét môn sử vì anh Vương đã phân tích chi tiết trong sách, đồng thời mình cũng khuyên các bạn đọc trực tiếp để có cái nhìn khách quan hơn. Thay vì thế mình sẽ phân tích về cách dạy sử ở Nhật Bản mà anh Vương đã nghiên cứu và nói rằng Việt Nam có thể áp dụng được.
Giáo dục lịch sử ở Nhật Bản dạy theo ba hình thái:
– Thông sử: là cách dạy sử theo đúng thời gian, trật tự của thời điểm và sự kiện của Quốc gia và thế giới. Cách này giáo dục Việt Nam đã và đang làm và cho thấy sự không hiệu quả.
– Lịch sử theo chuyên đề : là hình thái ở đó người giáo viên bằng việc thiết lập các chủ đề nhất định có thể phân chia nhỏ hơn thành “lịch sử phụ nữ”, “lịch sử trường học”, “lịch sử địa phương”…
– Lịch sử lội ngược dòng”. Hình thái này cũng có thể được coi như nằm trong “lịch sử theo chuyên đề”. “Lịch sử lội ngược dòng” lấy điểm xuất phát là các chủ đề (vấn đề) hiện tại và giáo viên cùng học sinh sẽ tiến hành lội ngược dòng thời gian để phân tích, lý giải nó.
“Ở Việt Nam trong chương trình giáo dục lịch sử ở trường phổ thông hiện hành xét về tổng thể hình thái giáo dục “thông sử” vẫn là chủ yếu. Ưu điểm của hình thái này là giúp học sinh có được một hệ thống tri thức lịch sử theo trình tự thời gian tuy nhiên việc thực hiện đơn điệu một hình thái này sẽ làm cho việc học lịch sử trở nên nặng nề, không hấp dẫn. Học sinh không có cơ hội đi sâu tìm hiểu những vấn đề, chủ đề lịch sử mình yêu thích, quan tâm hay những vấn đề mà xã hội đương đại đang đặt ra và cần phải được cần lý giải dưới góc độ lịch sử. Việc đa dạng hóa các hình thái giáo dục lịch sử trong trường phổ thông theo hướng bổ sung “lịch sử theo chuyên đề” và “lịch sử lội ngược dòng” theo tôi là một hướng đi góp phần nâng cao chất lượng dạy và học lịch sử trong bối cảnh hiện nay” Trích dẫn lời anh Vương.
Lý do tại sao mình lại muốn trích dẫn nhiều đoạn trong sách và nhiều câu nói của anh Vương vì bản thân anh là một nhà giáo, một người được sang Nhật để học và nghiên cứu kĩ lưỡng cũng như có cái nhìn trung dung khi nói về một chủ đề rộng lớn như giáo dục hơn là một đứa học hành dở dang như mình. Vì thế trong việc nhìn nhận những vấn đề học thuật về việc cải cách và thay đổi giáo dục mình sẽ không ý kiến và đưa ra nhận định chủ quan khi anh Vương mong muốn giáo dục Việt nam học hỏi từ giáo dục Nhật Bản trong vấn đề dạy lịch sử. Nhưng mình sẽ nói về quan điểm và suy nghĩ của mình ở mục cuối cùng trong review này.
VIỆT NAM CẦN MỘT LÝ DO VÀ ĐỘNG LỰC MẠNH MẼ ĐỂ TIẾN HÀNH CẢI CÁCH NHƯ NHẬT BẢN
Ở đoạn đầu review, mình có viết rằng “theo sự nhận định của mình chuyện cải cách giáo dục một cách toàn diện ở Việt Nam có những cái khó hơn Nhật Bản và còn liên quan đến cả động lực thúc đẩy nữa” và trong mục này mình xin được chia sẻ từ việc tại sao Nhật Bản lại có thể đẩy mạnh cải cách giáo dục đến như vậy. Thực ra điều này anh Vương cũng đã đề cập đến trong sách về hai thời điểm chấn động đã khiến Nhật Bản phải cải cách giáo dục, nhưng mình vẫn muốn nói về nó trên cái nhìn của mình.
1. Cải cách Minh Trị đến năm 1945
Thời điểm đầu tiên là cuộc cải cách toàn diện trong thời đại của Thiên Hoàng Minh Trị – Mutsuhito “Meiji”. Trong thời điểm đó, Nhật Bản ý thức được sức mạnh của phương Tây đến từ giáo dục và khoa học. Nếu Nhật Bản không thay đổi, thì sớm muộn cũng bị lệ thuộc hay trở thành thuộc địa của phương Tây. Vì thế Nhật Bản trong thời trị vì của Minh Trị đã cải cách triệt để từ văn hoá – xã hội, chính trị – đối ngoại và quan trọng nhất là cải cách giáo dục theo kiểu phương Tây cụ thể chấm dứt sự cầm quyền của Mạc phủ Tokugawa, ban hành luật “Phế đao” cấm người dân mang kiếm ra đường, rồi công bố tinh thần “Phú quốc, Cường binh” thúc đẩy dân tộc canh tân để tránh bị lệ thuộc vào các nước Châu Âu…
Nhật Bản thời điểm đó không chỉ nói suông mà còn hành động triệt để hơn như thuê hàng nghìn chuyên gia nước ngoài và giảng viên huấn luyện quân đội và dạy học dù mức lương trả cho họ là một gánh nặng với Nhật Bản lúc đó. Song song đó Nhật Bản cũng tuyển chọn và đưa rất nhiều con người của mình đi học tập và làm việc ở nước ngoài. Dần dần Nhật Bản bước ra khỏi việc thuê giáo viên, chuyên gia nước ngoài khi những nhân tài quay trở về. Ngay lập tức Nhật Bản đã thu được thành quả đáng kinh ngạc như số lượng tri thức đông đảo giúp vận hành bộ máy mới hiệu quả trong tất cả lĩnh vực chứ không chỉ giáo dục. Thậm chí nhanh đến mức giáo dục ở Nhật Bản trong và sau thời Minh Trị đã gần như bắt kịp với giáo dục phương Tây. Quân đội Nhật Bản cũng là đất nước đầu tiên trong lịch sử Châu Á đánh bại được phương Tây trong lịch sử cận đại trong chiến tranh Nhật-Nga, xâm chiếm Trung Quốc và Triều Tiên, điều mà không một Shogun nào trong thời Mạc phủ trước đây từng làm được. Nhưng cũng chính vì việc đạt được nhiều thành quả sớm như thế, Nhật Bản trong thời Minh Trị đến sau năm 1945 đã lợi dụng đòn bẩy từ việc cải cách giáo dục và xã hội đã bành trường thành chủ nghĩa quân phiệt, đế quốc mang tính dân tộc cực đoan rồi dẫn đến kết cục thảm bại và phải bắt đầu từ đầu.
2. Cải cách sau 1945 đến bây giờ
Sau khi thua trận, Nhật Bản từ một cường quốc số một Châu Á thì phải lệ thuộc và nằm trong việc kiểm soát của Mỹ. Nhưng trong cái rủi lại có cái may, chính từ đây Nhật Bản lại có một cơ hội để cải cách đất nước nói chung và giáo dục nói riêng. Từ thời điểm này Nhật Bản chuyển từ chủ nghĩa quân phiệt, phát xít sang dân chủ tự do. Tất nhiên là có sự giúp đỡ của Mỹ trong cả nhân lực lẫn tài lực. Lúc này những nhà giáo dục với tư tưởng mà trước đây trong thời quân phiệt bị cấm đoán đã trở thành nòng cốt cùng với các chuyên gia nước ngoài thay đổi giáo dục Nhật Bản một cách toàn diện. Toàn diện cũng như hiệu quả như thế nào thì anh Vương đã trình bày rất chi tiết trong các cuốn sách của mình khi viết về giáo dục Nhật Bản, nên mình không đề cập sâu tới nữa. Đặc biệt là Nhật Bản đã có bài học phải trả bằng rất nhiều máu và sinh mạng từ cải cách thứ nhất, nên càng nhận thấy sự quan trọng trong lần cải cách thứ hai đến từ Con người, Tự do và ý thức được giá trị của Hoà bình là nền tảng cốt lõi trong việc theo đổi xã hội và giáo dục.
Cuối cùng điều mình muốn nói ở đây khi dẫn chứng hai thời điểm quan trọng của Nhật Bản để có thể tiến hành cải cách triệt để được trong thời Minh Trị lẫn sau năm 1945 vì người Nhật không còn lựa chọn nào ngoài cải cách để có thể nắm giữ vận mệnh của chính mình. Đó vừa là động lực thúc đẩy nhưng cũng không phủ nhận trong mỗi con người Nhật Bản cũng ý thức được sự tự tôn và kiêu hãnh của dân tộc và Quốc gia họ.
Theo suy nghĩ của một đứa nông cạn bỏ học giữa chừng như mình thì nhìn đi nhìn lại, Việt Nam cũng cần một động lực tương tự như thế để tiến hành cải cách sâu rộng và triệt để. Từ từ năm 1945 cho đến bây giờ, Nhật Bản đã có 75 năm cải cách giáo dục toàn diện và cứ 10 năm lại chỉnh sửa bổ sung. Việt Nam thực sự phải tăng tốc để bắt kịp giáo dục Nhật Bản nói riêng và thế giới nói chung.
Nhưng cũng phải thành thật rằng có những điểm khó nhất định như đào tạo nhân lực giảng dạy theo phương thức mới, cũng như sự đãi ngộ thích hợp mới hấp dẫn sinh viên gắn bó với nghề dạy học. Đồng thời riêng với môn lịch sử ở Việt Nam khi nhìn trên góc độ lợi ích thì đúng là quá ít đầu ra cho ai đấy chuyên tâm với lịch sử khi chỉ có con đường khả thi nhất là trở thành giáo viên, và điều bất hợp lý ở đây những giáo viên dạy sử lại ít nhiều thiệt thòi so với các đồng nghiệp của mình. Việc trả lương thích hợp và được tôn trọng cũng là một điều được ghi rõ trong bộ luật giáo dục của Nhật Bản mà anh Vương đã ghi rõ trong phần phụ lục của cuốn sách.
Thay đổi cần thời gian, nhưng đã đến lúc phải tăng tốc rồi nếu không muốn bị bỏ lại.