SIÊU TRÍ TUỆ – SUPERINTELLIGENCE : HIỆN TẠI, TƯƠNG LAI CỦA CON NGƯỜI ĐÃ VÀ SẼ CHỊU ẢNH HƯỞNG CỦA TRÍ TUỆ NHÂN TẠO NHƯ THẾ NÀO?

TẠI SAO MÌNH BIẾT VÀ ĐỌC SIÊU TRÍ TUỆ?

Mình biết Siêu trí tuệ – Superintelligence này từ năm 2014 (Việt Nam năm 2020 mới có bản dịch) qua một tweet của Elon Musk trên Twitter cảnh báo rằng : AI – trí tuệ nhân tạo còn nguy hiểm hơn cả bom hạt nhân.

Sau đó Elon Musk cùng các cá nhân khác đã thành lập công ty phi lợi nhuận OpenAI để nghiên cứu về AI cũng như tìm ra cách kiểm soát nó. Công ty này đã đạt được rất nhiều thành tựu trong việc chế tạo AI, cũng như củng cố thêm mối lo sợ của Musk về AI. Đáng tiếc là năm 2018, Elon Musk rời khỏi OpenAI vì lý do cá nhân, thì OpenAi đã trở thành công ty thương mại khi Microsoft rót tiền đầu tư vào.

Elon Musk không phải là người đầu tiên hồ nghi về những lợi ích mà AI đem lại Khi bạn đã ở trong thế giới công nghệ đủ lâu, thì chuyện bạn quan tâm đến việc AI tốt hay xấu, có ích hay mang tới sự đe doạ thì chỉ là chuyện sớm muộn và câu hỏi cuối cùng là bạn sẽ chọn phe nào giữa đôi luồng quan điểm mà thôi.

Và đó chính là lý do tại sao mình cần phải biết nâng cao hiểu biết thật rộng về AI đề có cái nhìn tốt hơn về hiện tại và tương lai trong thời đại công nghệ bùng nổ.

Qua tin nhắn cảnh báo cùng hành động chớp nhoáng của Elon Musk thì AI – trí tuệ nhân tạo có thể nguy hiểm hơn rất nhiều so với những gì mà phim ảnh có thể lên kịch bản. Nhiều người nghĩ rằng AI nguy hiểm phải có hình dạng như những con robot đại sứ kiểu Asimo hay bọn người máy trong Kẻ huỷ diệt.

Thực tế thì chúng chỉ là những phiên bản cơ bản của một AI. Còn AI thực sự là một trí tuệ nhân tạo dù được con người tạo ra nhưng bản thân nó lại chứa đựng sự vượt trội về mọi mặt. Vì thế AI đã xuất hiện trong ngành nghề thuộc những lĩnh vực chủ chốt như công nghệ, công nghiệp và cả quốc phòng. Chúng vô hình nhưng thao túng giá cả thị trường, hành vi con người, thay đồi các chiến lược đàm phán giữa các quốc gia và đẩy con người vào tình thế phòng thủ.

Như Nick Bostrom nhận xét “Con người không phải là những kẻ sinh ra để thống trị thế giới trong nền văn minh công nghệ. Chúng ta chỉ đến trước chứ không phải là sự phù hợp tối ưu”.

Để hiểu tại sao con người không phải là sự lựa chọn tối ưu trong tương lai, thì ở hiện tại mình phải biết được cái gì đang chuyển động và trở nên phù hợp hơn là con người chúng ta.

Thế giới càng sử dụng sức mạnh của phần cứng và mạng internet thì đa số con người sẽ trở nên vô dụng vì cho rằng đó là những tiện ích để chúng ta hưởng thụ, mà không để ý đến một sự thay đổi mang tính bước ngoặt đang đến: kỷ nguyên của công nghệ thì cũng đồng thời tạo ra sự trỗi dậy của AI mà mấy chục năm trước chúng chỉ là những cỗ máy công kềnh biết chơi cờ vua. Còn giờ đây, AI đã ở một vị thế khác, nó xứng đáng được coi là mối quan tâm của chúng ta.

SIÊU TRÍ TUỆ LÀ MỘT CUỐN SÁCH VÔ CÙNG HẤP DẪN NHƯNG RẤT KHÓ ĐỌC

Không phải vì Elon Musk đã từng đọc Siêu trí tuệ và hết lời khen ngợi thì có thể che phủ một sự thật đây vẫn là một cuốn sách rất rất khó đọc.

Trong khoảng 100 cuốn gần đây mình đọc thì Siêu trí tuệ – một cuốn sách dài 559 trang (Mình cũng đọc tới từng ghi chú và từng thuật ngữ ở phần phụ lục) khổ 16x24cm này nó thực sự không dễ đọc, ngay cả đối với một người có kỹ năng và tu duy đọc đa thể loại như mình.

Siêu trí tuệ khó đọc đến mức một ngày mình chỉ có thể đọc 2 tiếng, tương đương 50 trang.Trong khi với hai tiếng đó thì một cuốn tiểu thuyết hay tiểu sử mình đọc được xấp xỉ 200 trang. Mình đọc song song Siêu trí tuệ với những cuốn khác, và mình đã đọc xong 4 cuốn sách trước khi đi tới trang cuối cùng của Siêu Trí tuệ.

Cuốn sách này là sự tổng hợp của lịch sử, các quá trình đang diễn ra, lẫn những tiên đoán được viết trên lập luận triết học (Nick Bostrom là một triết gia và cũng là chuyên gia về AI) về một thế giới ảm đạm khi Ai đạt được Siêu trí tuệ. Không chỉ dừng lại đó mà còn rất nhiều biểu đồ, sơ đồ, các trang chia ô – kẻ cột cùng nhiều công thức toán học mà chỉ có các chuyên gia mới hiểu (May mà Nick cũng đã giải thích kỹ lưỡng).

Siêu trí tuệ gồm 15 chương, mỗi chương lại đề cập tới 1 vấn đề hay lĩnh vực đầy học thuật và rắc rối đến mức khiến người đọc kiên nhẫn nhất cũng khóc thét. Trong mỗi chương lại kể và diễn tả về lý do, động lực, hoài nghi và cả nỗi sợ khi AI càng trở nên thông minh hơn qua sự giúp đỡ của con người bằng phần cứng máy tính, mạng internet và chính tham vọng của chúng ta. Con người sẵn sàng mạo hiểm với tương lai của chính mình để chấp nhận rủi ro khi phát triển AI. Lợi ích mà AI đem lại đến mức con người cố tình quên đi sự vượt trội của nó đang ở mức đáng ngạc nhiên.

Trong Siêu chí tuệ cũng đề cập tới những giải pháp tối ưu và an toàn nhất để kiểm toả AI. Hiện tại những cách đó hiệu quả nhưng chưa biết được là sẽ duy trì được bao lâu nếu AI càng ngày càng được gia tăng trí tuệ thông qua thuật toán, phần cứng và dữ liệu của chính chúng ta.

Nhưng AI không phải là nhân vật chính trong Siêu trí tuệ, mà còn có chúng ta nữa, khi trên thế giới đang phát triển lĩnh vực “Tăng cường trí tuệ của con người” bằng sinh học, bằng công nghệ tăng cường giả lập để chạy đua với AI xem ai sẽ đạt được Siêu trí tuệ trước tiên.

Tuy nhiên Nick Bostrom khá bi quan khi cho rằng kể cả chúng ta có trở nên thông minh hơn thông qua những viên thuốc, con chíp hay được kết nối trực tiếp với máy tính thì cũng không thể ngăn cản được AI mỗi ngày càng trở nên đáng sợ hơn.

AI đáng sợ không phải vì nó sẽ huỷ diệt con người, mà nó biến chúng ta trở nên vô dụng và phụ thuộc vào nó hơn.

CHÚNG TA SẼ SỐNG VÀ TRỞ NÊN NHƯ THẾ NÀO NẾU AI THỐNG TRỊ THẾ GIỚI TRONG TƯƠNG LAI?

Đừng phủ nhận và cũng đừng trốn chạy khi thời điểm đó đến.

Vì chúng ta có chạy đến đâu cũng không thể có được sự an toàn nếu AI trở thành Siêu trí tuệ.

Hiện tại thì thời điểm đó chưa đến, vì AI giờ vẫn đang là công cụ để một số cá nhân và tập đoàn của họ thao túng hành vi con người, trong cả cuộc sống lẫn trên internet.

Nhưng trong Tương lai thì mọi thứ đều trở nên mạnh mẽ hơn. Phần cứng mạnh hơn. Dữ liệu còn nhiều hơn bây giờ hàng trăm lần. AI theo đó cũng có thể trở nên nên thông minh hơn. Ngược lại Con người lại sẽ dần dần bị chi phối bởi mạng máy tính hơn là tự mình định đoạt số phận.

Ở trang cuối cùng, Nick Bostrom đưa ra kết luận đẩy lùi và kiểm soát AI bằng cách siết chặt các biện pháp an toàn hơn, con người trở nên biết cách chia sẻ thông tin, kiến thức hơn và đặc biệt là thận trọng trước những bước tiến đột phá trong sự phát triển Ai.

Đối với mình thì thấy thật khó để đảo ngược quá trình này. AI có thể bị ngăn chặn phát triển, nhưng chỉ là chậm hơn chứ không phải là AI sẽ biến mất. Công bằng mà nói thì AI đang giải quyết rất nhiều vấn đề cho chúng ta. Việc chúng ta từ chối nó thì không khác nào từ bỏ chính tương lai của mình vậy.

Trong tương lai đó có thể tốt hoặc tồi tệ khi AI trở nên thông minh hơn. Nhưng trong hiện tại chúng ta lại có quyền để tận dụng và thay đổi AI theo cách tốt nhất để biến nó thành trợ thủ thay vì đe doạ tới con người.

Và bây giờ chính là lúc để thực hiện điều đó, khi Trí tuệ nhân tạo vẫn đang nằm trong chiếc hộp Pandora, dưới sự kiểm soát của nhân loại.

Lan tỏa nếu thấy hay nhé:

Viết một bình luận

Trần Đức Nhân