REVIEW TÀN NGÀY ĐỂ LẠI – SAU KHI TẤT CẢ NĂM THÁNG QUA ĐI, CHÚNG TA SẼ CÒN LẠI ĐIỀU Gì?

Điều đầu tiên phải thừa nhận rằng bìa sách của Tàn ngày để lại rất đẹp, cầm sách mà mình tưởng như đang đặt tay lên một bức tranh sơn dầu. Bìa bên ngoài đẹp hơn rất nhiều so với ảnh chụp bằng điện thoại.

Điều ấn tượng thứ hai là sau khi đọc xong Ngày tàn để lại, cũng như ba tiểu thuyết trước đây mình đã đọc của Kazuo Ishiguro là Dạ khúc, Mãi đừng xa tôi và Người khổng lồ ngủ quên, thì tất cả đều mang một bầu không khí đậm chất phương Tây, thậm chí có thể nói rằng hoàn toàn là phương Tây nhưng người viết lại là một người Nhật Bản.

Kazuo Ishiguro là một người viết vô cùng tài năng, thì mới có thể hiện thực hoá Tàn ngày để lại bằng một ý tưởng và chất liệu về cuộc đời, sự kiện và biến cố của một người quản gia phục vụ trong dinh thự một nhà quý tộc và cũng chính khách. Một ý tưởng nếu nhìn bên ngoài sẽ cảm thấy khá khô khan và không có gì để chú ý, ngoài ra xuyên suốt Tàn ngày để lại là những sự kiện lịch sử, chính trị ở Châu Âu những năm 1920-1940. Một điểm nhấn quan trọng nâng tầm tác phẩm này nhưng lại khá khô khan với những ai không quan tâm đến lịch sử Châu Âu và Thế giới. Tuy nhiên, Kazuo đã sắp xếp, lồng ghép và xử lý mượt mà để người đọc dễ hiểu, dễ nắm bắt đến mức khó tin các sự kiện có thật đó trong Tàn ngày để lại.

Tàn ngày để lại kể về chuyến đi mấy ngày của quản gia Stevens đi về thôn quê nước Anh để
gặp một người quen cũ – cô Kenton vốn là đồng nghiệp với ông cách cùng phục vụ trong dinh thự của Huân tước Darlington mấy chục năm trước. Giờ cả hai đều đã già, một người đã có gia đình và con gái, người còn lại được coi là một trong những quản gia giỏi nhất Anh quốc còn sống. Xuyên suốt chuyến đi, Stevens dừng lại ở những thị trấn, thắng cảnh đẹp nhất nước Anh, cùng với đó là những suy nghĩ về sự nghiệp, cuộc đời, những biến cố quan trọng cũng như sự phân tích về phẩm cách và tinh hoa của con người qua công việc và thái độ của họ.

Trong suốt chuyến đi trên chiếc Ford của ông chủ mới, một nhà tư bản Mỹ đã mua lại dinh thự Darlington của người chủ trước đây Stevens phục vụ, ông nghĩ về việc thời thế đã thay đổi bất ngờ ra sao. Điều trớ trêu trong quá khứ của ông, đã xảy ra một sự việc đã tạo ra ấn tượng rất xấu với Stevens về người Mỹ. Đó là những kẻ mới giàu, chơi ngông và dối trá, chứ không hề có phẩm cách và sự ưu tú như tầng lớp quý tộc Stevens luôn kính nể. Còn bây giờ, sau khi chủ cũ của Stevens chết, ông đã phải phục vụ chính những con người mà mình không thích, với một sự thay đổi rất lớn từ suy nghĩ lần cách nhìn nhận. Đồng thời Stevens cũng nhận ra người Mỹ đã không giống như mấy kẻ mới giàu, và người Anh chỉ còn là những con người sống trong vinh quang của quá khứ, của những gì sót lại sau khi một ngày sắp lụi tàn.

Chuyến đi mấy ngày đã đưa Stevens gặp gỡ nhiều con người Anh khác. Qua phong thái, lời ăn tiếng nói và trí tuệ của mình, Stevens khiến ai cũng nghĩ ông là quý tộc hay một quan chức quan trọng. Tàn ngày để lại liên tục đưa người đọc đến với những sự kiện quan trọng trong cuộc đời Stevens, cho biết ông đã liên tục học hỏi, cố gắng và hy sinh rất nhiều thứ khác để đạt được cái gọi là phẩm cách và tinh hoa trong nghề. Ngay cả nghề quản gia, một công việc với bản chất là phục vụ người khác, nhưng mỗi cá nhân sẽ đạt tới một vị trí rất cao bằng sự nỗ lực, với phần thưởng đi kèm với đó là danh tiếng, sự công nhận và niềm vinh dự khi túc trực bên cạnh số ít con người có quyền lực và tiếng nói cho số phận của nhân loại – Những quý tộc Anh và cũng là các nhà chính trị trong nhà nước Anh.Stevens tin rằng khi ông chu toàn với bổn phận của mình ở đẳng cấp cao nhất, thì ông cũng được dự phần vào việc đã đem tới những điều tốt đẹp cho thế giới – thông qua nghề quản gia.

Trái với Stevens, đồng nghiệp cũng như cấp dưới của ông là cô Kenton lại không theo đuổi những giá trị đó, cũng như trong công việc không đi theo một hướng cứng nhắc và tôn thờ những giá trị cũ kĩ như Stevens. Kenton không cần tới một hình mẫu quản gia thành công trong quá khứ để đi theo như Stevens (chính là cha ông). Cô làm việc bằng cách quan tâm đến những con người xung quanh mình, giúp đỡ họ, tìm ra vấn đề của họ bằng trái tim chứ không phải lý trí. Kenton luôn bỏ qua những phép tắc thông thường, cô lúc nào cũng cố gắng lan toả sự vui vẻ và hào hứng khi làm việc.

Với cách làm này, Kenton đã liên tục va chạm với Kenton trong công việc chung. Ông nhiều lần nói rằng cô còn lâu mới trở thành một nữ quản gia tài giỏi. Nhưng chính Kenton lại là người phát hiện ra những sai sót rất nhỏ trong công việc chung để nói với Stevens. Cũng chính cô phát hiện ra cha Stevens đang là một gia nhân trong dinh thự, nhưng ở tuổi 72 ông đã trở nên rất chậm chạp, nhầm lẫn và có bệnh. Cũng chính Kenton là người bên cạnh cha Stevens và vuốt mắt khi ông qua đời trong khi Stevens phải túc trực bên những con người tinh hoa, dù rất đau khổ.

“Tôi tin rằng với tư cách của một người quản gia, bố tôi cũng không muốn tôi chạy tới bên mình trong khi bỏ bê phận sự của bản thân”. Stevens nói khi Kenton báo tin cha ông chết.

Một thời gian sau, Kenton theo chồng bỏ cuộc chơi. Trước khi ra đi, cô có hỏi Stevens có gì muốn nói với cô không, nhưng ông không trả lời dù mấy chục năm sau ông thừa nhận mình cũng yêu Kenton như cô yêu ông. Tuy nhiên, mọi thứ đã muộn màng và đổi thay. Stevens chỉ có thể nhận ra mình đã đánh đổi những gì để trở thành một quản gia có phẩm cách và tài giỏi, nhưng rồi cũng có lúc lụi tàn như một ngày qua đi, khi ông đã già ở thời điểm gặp Kenton.

Mình có đọc một bài báo mà Kazuo Ishiguro trả lời một cuộc phỏng vấn rằng một trong những ý tưởng ban đầu để viết Tàn ngày để lại trong 4 tuần, là khi ông đọc một bài báo có tiêu đề “Một lối sống quân tử có còn phù hợp trong thế giới này?”.

Từ đó, thông qua Tàn ngày để lại, Kazuo phác hoạ một cách tuyệt vời về những quý tộc Anh quốc với sự tự tôn cao nhất, luôn coi mình là đại diện cho tiếng nói của hàng triệu người, cũng như một phẩm cách không thể mua được bằng tiền, như đám nhà giàu mới nổi Mỹ đang thể hiện. Những con người này chính là lý tưởng và niềm tự hào của Stevens và rất nhiều quản gia khác. Nhưng cuối cùng, mọi thứ đã lùi xa và trở thành một cái gì đó cũ kĩ và không còn phù hợp trong thế giới này.

Tàn ngày để lại dài 342 trang, nhưng được viết bằng thứ văn phong rất hay, rất trôi chảy, nhẹ nhàng, dễ hiểu dù ở những tình huống kịch tính và triết lý nhất. Thông qua câu chuyện quản gia, phẩm cách và tinh hoa thì mình cũng thấy phản ánh một chút về cái nhìn về việc viết và là một tiểu thuyết gia của Kazuo Ishiguro. Đối mình, Kazuo ít nhiều cũng truyền đạt phần nào tính cách, nội tâm và giá trị của bản thân mình qua những suy nghĩ của quản gia Stevens. Thực sự đây là một tiểu thuyết rất đáng đọc.

Lan tỏa nếu thấy hay nhé:

2 bình luận về “REVIEW TÀN NGÀY ĐỂ LẠI – SAU KHI TẤT CẢ NĂM THÁNG QUA ĐI, CHÚNG TA SẼ CÒN LẠI ĐIỀU Gì?”

Viết một bình luận

Trần Đức Nhân