TENET – SÁNG TẠO LÀ CẦN RẤT NHIỀU SỰ DŨNG CẢM

ĐỪNG CỐ HIỂU HÃY CẢM NHẬN

Review này mình sẽ dẹp bỏ những định luật, những giả thuyết hay nguyên tắc vật lý mà nhiều người khác đã viết, đã bàn như nghịch lý ông nội, định luật Entrophy… được đề cập trong phim. Thay vì thế mình sẽ tập trung vào vài tình tiết và ý nghĩa của riêng mình khi cảm nhận về bộ phim mới nhất của Christopher Nolan.

Điều đầu tiên mình muốn nói ở đây là Nolan đã truyền tải rất nhiều hình ảnh gợi nhớ đến các phim khác của ông trong các phân cảnh Tenet, từ Dark Knight, Inception, Interstella và Dunkirk. Điều này có thể hiểu khi Nolan muốn truyền tải một ý tưởng quá mới mẻ và mạo hiểm – Nghịch đảo thời gian đến với người xem qua những thước phim có phần quen thuộc. Trước khi xem và viết review, mình có đọc và nghe nhiều thông tin Quốc tế lẫn trong nước nói rằng Tenet là một thất bại của Nolan vì sự mạo hiểm của ông trong việc thể hiện ý tưởng Nghịch đảo thời gian, khi thay nhau chỉ ra những điểm yếu trong Tenet từ diễn viên cho đến cảnh đánh đấm. Nhưng mình cho rằng tất cả đã quá vội vàng khi đánh giá Tenet là một dự án chẳng đi đến đâu của Nolan và ông đã ném đi toàn bộ danh tiếng lẫy lừng của mình. Theo cảm nhận của mình, Nolan không quan tâm đến cảnh đánh đấm hay phải thể hiện sự ác liệt của chiến trường trong 30 phút cuối. Thay vì thế Nolan muốn tập trung vào Đảo ngược thời gian – xương sống của bộ phim và việc để người xem nhận biết đâu là đảo ngược, đâu là hiện tại sao quan trọng hơn cảnh bắn nhau hoành tráng. Tất nhiên khi có một lựa chọn dễ chịu hơn như đấu súng thì người xem sẽ khó mà tập trung vào chi tiết khác.

Điều thứ hai mình muốn chia sẻ sau khi xem xong, thì Tenet không phải là một bộ phim khó xem. Ngay từ lần đầu tiên xem, mình đã được 8,9 phần các chi tiết đặc biệt của Tenet. Những tình tiết đối thoại giữa các nhân vật với nhau chính là chìa khoá dẫn tới sự sáng tỏ trong các sự việc xảy ra tiếp theo trong Tenet. Vì thế để theo dõi và chìm vào không gian của Tenet thì bắt buộc người xem phải hết sức tập trung mới cảm nhận được hết sự thú vị và tính nghệ thuật của nó. Mình xem Tenet hai lần, lần thứ hai thực sự đã cho mình thấy được lý do tại sao Nolan chỉ tập trung vào các phân cảnh Đảo ngược và sử dụng lời thoại của các nhân vật để giải thích và hé lộ tình tiết, các mấu chốt và nút thắt của phim. Ngay từ khi The Protagonist – Nhân vật chính đến gặp một nữ khoa học để tìm hiểu về Đảo ngược thì Nolan đã cài một câu nói có lẽ sẽ trở thành kinh điển như trong Kinh Thánh “Đừng cứng lòng, nhưng hãy tin” là “Đừng cố hiểu, hãy cảm nhận” khi The Protagonist hỏi cô khởi nguồn của Đảo ngược để nhắn nhủ người xem hãy thôi nghĩ đến các định lý và những thuyết vật lý đi. Mọi thứ diễn ra trong Tenet mộng mị chẳng kém gì Inception, đã có sự Đảo ngược ngay từ đầu và nghĩ xuôi hay dọc thì bất mọi logic phân tích đều đúng và có thể sai trong Tenet. Và mình dám cá rằng Nolan cũng tính đến việc sẽ làm khán giả quay lại rạp phim ít nhất một lần nữa để cảm nhận tác phẩm mới nhất cũng như đột phá nhất này của mình.

Điều thứ ba tạo ra sự hấp dẫn trong Tenet ngoài Đảo ngược thời gian ra thì các nhân vật chính là đại diện cho ý niệm, quan điểm, lý tưởng và cả tương lai trong cuộc sống mà nỗi lo chiến tranh hạt nhân hay một sự đột phá trong công nghệ sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ sự sống trên Trái đất. Ngoài ra, một điều thú vị nữa là Nolan đã tái hiện sự căng thẳng tột độ về một cuộc chiến tranh thế giới thứ 3 có thể xảy ra được lấy cảm hứng từ những sự kiện lịch sử trong quá khứ như dự án Manhattan – dự án chế tạo bom nguyên tử, Khủng hoảng tên lửa ở Cuba, chiến tranh Lạnh giữa Mỹ và Liên Xô, các vụ thử hạt nhân ở những địa điểm bí mật, hoạt động tình báo và điệp viên, gián điệp trong cuộc chiến… Ngay từ đoạn đầu Tenet, khi The Protagonist tỉnh dậy và có cuộc hội thoại với một viên chức CIA là ở trên một khu trục hạm đang chạy trên biển, rõ ràng có liên quan đến thời điểm khủng hoảng hạt nhân giữa Mỹ và Liên Xô. Suy ra cũng không phải ngẫu nhiên khi chính diện và phản diện trong Tenet là 1 người Mỹ và 1 gã buôn vũ khí sinh ra trong khối Liên Xô cũ.

Điều thứ tư thì Nolan thực sự không muốn tạo nên một siêu anh hùng với quyền năng vô hạn, đấm phát chết luôn, mà ông muốn truyền tải một anh hùng được tạo nên từ những sai lầm của con người và thời đại. Một anh hùng có điểm xuất phát bình thường như bất cứ ai, vị anh hùng này còn chẳng biết được tại sao mình được chọn và trở thành… anh hùng, trở thành đấng cứu tinh sau những lần thử và sai. Trong Tenet, The Protagonist không phải là một điệp viên siêu phàm và có một trí thông minh xuất chúng. Anh có những hành động cảm tính, những suy nghĩ dễ đoán, những sự chần chừ trước những điều không chắc chắn , nhưng bù lại The Protagonist có “sự tươi mới”, có sự nhất quán của một con người ngây thơ đúng theo bản chất cái tên của mình: The Protagonist – Chính diện. The Protagonist được Tương lai chọn vì sự nhất quán trong lý tưởng – làm việc mình phải làm, và anh cho thấy sự tiến bộ của bản thân xuyên suốt bộ phim. Một nhân vật chính với xuất phát điểm chẳng khác gì đám đông.

ĐI THEO NHỮNG LỜI THOẠI CÙNG TÌNH TIẾT NHỎ SẼ KHÁM PHÁ ĐƯỢC BÍ MẬT CỦA TENET

Như mình đã chia sẻ, rất nhiều tình tiết trong Tenet được hé lộ trong các hội thoại giữa những nhân vật với nhau. Cái tài của Nolan là đã lồng ghép và xâu chuỗi những gì đã và sẽ diễn ra trong những lời nói tưởng chừng như rất phù hợp ở hoàn cảnh hiện tại. Sau đây mình sẽ phân tích những câu thoại trong phim mà Nolan đã tài tình cài vào để người xem có thể đoán được rất nhiều tình tiết bất ngờ của Tenet. Mình tin rằng nếu xem lại một lần nữa mình cũng lại tìm ra được những mấu chốt khác, nhưng với những tình tiết sau đây cũng đủ để thấy Tenet là một tác phẩm Nolan đã phải sắp xếp kỳ công đến thế nào.

“Sự thật là Cậu đã chết rồi”.

Đó là lời của một quan chức CIA nói với The Protagonist khi anh tỉnh dậy sau khi nuốt viên thuốc độc mà không chết. Theo mình thì đó là viên thuốc thật, nhưng trước thời điểm The Protagonist bị bắt đã xuất hiện tình tiết Đảo ngược và được cứu đưa về thuyền trước khi chết. Một bài test tuyệt vời trong bối cảnh thật khi tranh giành thuật toán để chọn ra được anh hùng nhưng với sự rủi ro cao. Và một chi tiết mình thích dù lướt qua và có lời giải thích rằng “chúng tôi đã tái tạo hàm của cậu” vì trước đó The Protagonist đã bị vặn mất mấy chiếc răng bằng kìm, nhưng khi tỉnh lại thì khung cảnh lại không giống trong một bệnh viện hay phòng điều trị cho lắm, và xuyên suốt bộ phim The Protagonist cười nói mà chẳng thiếu cái răng nào. Điều này đưa mình đến lập luận ban đầu – có sự tác động của Đảo ngược thời gian.

Giống trong inception, bạn không hiểu giấc mơ bắt đầu ở đâu nhưng bạn biết mình đang mơ thì mở đầu Tenet với sự hỗn loạn trong nhà hát ở Kiev để dành lấy thuật toán, thì The Protagonist xuất hiện cũng không cần một lý do và bắt đầu cụ thể để dấn thân vào việc truy tìm Đảo ngược. Và mình cũng có suy luận rằng, ngay từ đầu phim thì Tenet đã là Đảo ngược thời gian, không biết bắt đầu từ đâu nhưng vẫn dẫn tới kết thúc.

“Đừng cố hiểu, hãy cảm nhận”.

Đó là lời giải thích ngắn gọn của nữ khoa học gia khi The Protagonist ngạc nhiên trước hiện tượng Đảo ngược. Ở trong phân cảnh và hội thoại này Nolan đã cố gắng giải thích khái niệm Đảo ngược thời gian một cách dễ hiểu đi kèm hình ảnh minh hoạ nhất có thể. Và ngay chính trong phân cảnh này cũng đã Đảo ngược khi cô tiết lộ rằng các mẫu vật được thu thập từ một cuốn chiến trong tương lai, nhưng chưa xảy ra trong thực tại. Theo mình đây chính là các mẫu vật thu được ở trận chiến cuối cùng ở một thành phố thuộc Liên Xô có tên là Stick12 sẽ diễn ra ở phần cuối của phim. Nhưng người sẽ thắc mắc là tại sao lại Đảo ngược một diễn biến “nhảy cóc” và bất hợp lý đến như vậy, và sau đó mọi thứ dần sáng tỏ hơn Đảo ngược thời gian có thể chồng lên nhau khi Neil cố gắng giải thích cho The Protagonist về quy luật Đảo ngược thời gian. Điểm bất ngờ mà Nolan không nói trước đó đấy là các tình tiết Đảo ngược có thể xảy ra bất cứ lúc nào trong Tenet. Và mình cũng rất nghi ngờ, nữ khoa học gia này trong tương lai sẽ tạo Thuật toán để Đảo ngược thời gian.

“Một năm chồng tôi tới Oslo 4-5 lần để ngó nghiêng tài sản của hắn”

Đó là lời giải thích của Kat khi kể cho The Protagonist Olso có thể là nơi chồng cô Andrei Sator – kẻ phản diện trong Tenet cất giấu bức tranh giả mà Sator dùng nó để uy hiếp mình. Và sau khi xem một nửa phim, nhiều người cũng sẽ đoán ra được lý do thật sự Sator – Chồng của Kat thường xuyên ghé thăm Olso để sử dụng cỗ máy Đảo ngược để quay lại quay lại quá khứ truy tìm các mảnh Thuật toán. Đây cũng là sự giải thích tại sao Sator biết mọi nước đi của vợ mình, biết được tại sao bức tranh giả, biết được sẽ có kẻ đột nhập và giấu bức tranh đi chỗ khác rồi đẩy Kat vào tình cảnh tuyệt vọng không bao giờ thoát ra khỏi hắn. Khi Kat bí mật gặp The Protagonist và quay trở về du thuyền thì cô biết tin con trai mình đã lên bờ đi chơi mà không đợi mình vì Sator chỉ giải thích đơn giản “Tôi đã nói với con trai rằng cô đi gặp bạn của cô nên không đưa nó đi được”. Nghe rất vu vơ nhưng lại đầy ám chỉ rằng Sator đã biết rõ từ trước. Tiếp theo Sator cũng bắt bài Kat khi cô chĩa súng vào hắn mà không dám bắn trong một nhà kho. Có thể Sator quá rõ con người của vợ mình nhưng cũng có thể nhờ Đảo ngược hắn đã biết trước hành động đó.

“Cô tưởng cô đã giết tôi rồi à? Chính tôi đã để cho điều đó xảy ra”.

“Tao là tương lai/ tương lai ủng hộ tao”

Có lẽ đoạn gây mâu thuẫn nhất trong Tenet khi The Protagonist cứu Sator sau hành động tháo khoá dây an toàn của hắn trên thuyền buồm. Về phía The Protagonist thì dễ hiểu rồi, anh ta muốn Sator sống để truy tìm nguồn gốc Đảo ngược thời gian và nỗi lo huỷ diệt thế giới. Nhưng sự phức tạp xuất hiện khi Sator và Kat nói chuyện trong phòng riêng. Sator nói như thể hắn đã biết trước Kat sẽ hành động mà ngó lơ. Có lẽ lý do nằm ở việc Sator muốn biết ý đồ của The Protagonist là gì? Khử hắn hay thực sự muốn hợp tác thực hiện một vụ làm ăn. Sau sự việc đó, The Protagonist được Sator mời ở lại du thuyền một đêm và như thể chính gã muốn anh nhìn thấy những gì anh muốn rồi bắt quả tang The Protagonist làm anh không kịp trở tay.

Ở đoạn này tất cả có thể không chú ý rằng vàng trong hòm bị hút vào tay Sator – hiện tượng chỉ xuất hiện khi có Đảo ngược thời gian. Vậy nên điều mà Sator nói với vợ và biết trước The Protagonist nấp ở trong phòng máy cũng phải quá ngạc nhiên.

“Có ai đang ở đây”

“Tôi có bằng tiến sĩ vật lý đấy”

“Tôi và anh trong tương lai có giao tình rất sâu đậm. Chúng ta đã chiến đấu cùng nhau và chính anh là người khởi xướng tất cả”

Câu nói đầu tiên là khi Neil cảnh báo The Protagonist chuẩn bị mở cánh cửa cuối cùng bước vào căn phòng bên trong có máy Đảo ngược thời gian. Đối với một điệp viên được huấn luyện kĩ lưỡng như The Protagonist cũng không biết được sau cánh cửa thì có người đợi sẵn ở đó. Chính ánh mắt của Neil nhìn The Protagonist trong phân cảnh đó ngay từ lần đầu tiên đã làm mình có suy nghĩ như kiểu anh ấy biết trước rồi. Việc Neil biết cả mật khẩu để mở cửa và đứng ở phía bên cánh cửa cần phải đứng để đảm bảo cho các tình tiết xuất hiện sau đó đều không phải là ngẫu nhiên. Tiếp theo đó là Neil nói rằng trước đây chuyên ngành của mình liên quan đến vật lý nên anh chẳng ngạc nhiên khi The Protagonist tiết lộ về Đảo ngược thời gian – Đây rõ ràng là những mấu chốt mà Nolan đã sắp đặt sẵn để mọi người có thể đoán và nắm bắt tình tiết trong phim nhưng phải hết sức chú ý.

Còn câu nói cùng cuối ở đoạt kết phim của Neil đã mở khoá tất cả những thắc mắc và nghi ngờ của The Protagonist. Neil đến từ tương lai, Neil luôn xuất hiện đúng lúc, đúng chỗ trong những thời điểm dường như đã biết trước, Neil cũng là người cứu The Protagonist ở đoạn đầu và đỡ cho anh 1 viên đạn ở đoạn cuối vì trong quá khứ của The Protagonist đã cứu anh và mẹ khỏi sự truy sát của kẻ khác. Vâng, mình muốn nói rằng Neil chính mà Max, con trai của Kat và Sator. Điều này nghe có vẻ rất sai lầm và nghịch lý, đồng thời mâu thuẫn với lý thuyết ông nội “bạn sẽ không có mặt trên đời khi bạn quay lại quá khứ giết ông nội bạn lúc nhỏ”. Nhưng trong Tenet, trên đường quay lại Oslo để cứu Kat, Neil đã giải thích rằng ngụ ý rằng “Tương lai vẫn xảy ra nếu tác động khác đi”. Anh quay lại quá khứ giúp The Protagonist và mẹ mình – Kat giống bố anh – Sator khi anh đã sinh trước vài năm.

Và một chi tiết khác ám chỉ Neil là con trai của Kat – chuỗi dây đồng tiền anh đeo trên balo. Bạn cùng xem với mình nói rằng chuỗi dây đồng tiền đó có thể Kat và Max đã mua nó khi du lịch ở Việt Nam. Một suy nghĩ đơn giản nhưng ngạc nhiên và có lý! Còn đối với mình, người duy nhất biết được bí mật về Đảo ngược thời gian, về tương lai, về những gì không được biết và là người ngoài cuộc duy nhất chỉ có Kat. Đó cũng là lý do tại sao có kẻ muốn Kat và Max chết để che giấu bí mật. Mình suy ra rằng sau này Kat có nói hoặc The Protagonist gặp lại cô và con trai mới dẫn đến việc Neil xuất hiện trong quá khứ, nhưng là hiện tại của The Protagonist.

NHỮNG ĐIỀU THÚ VỊ TRONG TENET

Cánh cửa xoay để Đảo ngược thời gian đối với bạn cùng xem với mình cho rằng nó tượng trưng cho một đường tròn gồm hai điểm Bắt đầu và Kết thúc, nhưng nếu hai điểm gặp nhau và đảo ngược cho nhau thì thực sự không biết đâu là Bắt đầu hay Kết thúc nữa – đây cũng chính là ý tưởng chính xuyên suốt Tenet. Còn đối với mình, cánh cửa xoay ẩn dụ cho thế giới song song- những thực tại khác xảy ra cùng một lúc với thế giới này cùng những kết quả khác nhau.

“Điều gì xảy ra sẽ xảy ra” – câu nói được nhắc đi nhắc lại trong Tenet có vẻ như lấy cảm hứng hoặc tương đồng với câu nói của nhà văn Nga Chekhov “một khi xuất hiện súng thì sẽ có người bóp cò”, cả hai đều ám chỉ rằng “Dù thế nào, có chuyện gì đi nữa thì khoảnh khắc đó vẫn sẽ diễn ra”. Nghe mệt mỏi nhỉ? Nhưng mình cho rằng không phải ngẫu nhiên khi vết đạn và viên đạn được đem ra làm ví dụ Đảo ngược thời gian trong Tenet và xuất hiện gần như trong tất cả các tình huống Đảo ngược. Có lẽ Nolan cũng đọc truyện ngắn của Chekhov thì sao?

Và bây giờ là nói về những chiếc mặt nạ dưỡng khí. Ngoài Các tình tiết ai đó đeo mặt nạ khi ngồi trong xe, khi đứng trong góc tối nhưng xuất hiện nhanh hơn cả chớp mắt như là dấu hiệu Nolan muốn gửi đến người xem “Bắt đầu chú ý đi nhé” khi xem Tenet, cùng lời giải thích rằng khi Đảo ngược thì phải đeo mặt nạ mới thở được thì những chiếc mặt nạ cũng chính là cách để nhận dạng thương hiệu của Nolan. Gần như các tác phẩm của Nolan đều có xuất hiện nhân vật đeo mặt nạ để chống khí độc, để hoá trang, để đoạ chơi, để lên vũ trụ và để làm siêu anh hùng. Tất tần tật nhân vật chính diện hay phản diện đều phải đeo mặt nạ mới được xuất hiện trong phim của Nolan. Đối với mình đây có lẽ không phải là vô tình, nhưng dù thế nào cũng rất thú vị

Tenet mới công chiếu chưa được 1 tuần, nhưng dù bất luận mọi người có nhìn nhận đây là sự thất bại của Nolan trên khía cạnh doanh thu và nghệ thuật, thì đối với mình Tenet là bộ phim sáng tạo và mạo hiểm nhất mà Nolan đã làm. Cá nhân mình rất thích sự mới mẻ trong bất cứ lĩnh vực và loại hình nghệ thuật nào. Mình cũng cảm kích trước sự dũng cảm của Nolan khi quyết định đi đến tận cùng của sự sáng tạo khi thực hiện Tenet. Mình rất vui nếu ai đó lại rủ mình đi xem Tenet một lần nữa để tận hưởng và chìm đắm trọn vẹn trong MỘT BỘ PHIM CỦA CHRISTOPHER NOLAN.

P/s : Ghi chép bên dưới không liên quan đến review này, nhưng mình tình cờ đọc thì lại cảm thấy có cái gì đó thúc đẩy mình viết và chia sẻ.

“Cái gọi là thời gian ảo thực tế là thời gian thật, còn cái gọi là thời gian thực thì lại là sản phẩm của trí tưởng tượng của chúng ta. Trong thời gian thực, vũ trụ có một điểm đầu và một điểm cuối. Tại các kỳ dị là biên của không – thời gian. Tại biên đó các định luật khoa học không còn đúng nữa. Song thời gian ảo thì không còn là kỳ dị, không còn gọi là biên. Như thế rất có thể là cơ bản hơn, và cái mà ta gọi là thời gian thực thì chỉ là một ý niệm ta bày đặt ra để mô tả cái mà ta tưởng là vũ trụ”

Lan tỏa nếu thấy hay nhé:

Viết một bình luận

Trần Đức Nhân