Đây là review mình viết dựa trên cảm nhận về khía cạnh tôn giáo và luân lý trong Platform của riêng cá nhân mình.
THE PLATFORM KHÔNG PHẢI LÀ HỐ SÂU ĐÓI KHÁT, MÀ LÀ MÓN QUÀ CỦA THIÊN ĐƯỜNG.
The Platform với cái tên dịch ra tiếng Việt là Hố sâu đói khát, rất gây tò mò và làm người xem liên tưởng đến yếu tố kinh dị. Nhưng với mình thì Hố sâu đói khát nó chẳng thể nào nói lên hết mọi vấn đề, ẩn dụ trong phim so với Platform – là Nền tảng, là một cái bục có thể di chuyển lên xuống theo đúng nghĩa đen.
Và trên cái bục đó bày biện rất nhiều cao lương, mỹ vị do các đầu bếp chế biến với sự giám sát kĩ lưỡng của bếp trưởng. Bếp trưởng chính là hình ảnh ẩn dụ của Chúa Trời. Các đầu bếp là những thiên thần đang cụ thể hoá những mong muốn của người phàm, được hình tượng bằng các món ăn ngon khi viết vào bản yêu cầu gửi đến Thiên đường. Và trong phim, Goreng đã chọn món ốc sên. Sự nổi giận của Chúa – Bếp trưởng khi có sai sót, dù chỉ là một sợi tóc rơi vào món panna cotta đã nói lên việc Chúa quan tâm đến con người thế nào trong từng món ăn – mong muốn của con người trước khi gửi đến họ.
“Ngay đến tóc trên đầu anh em, Người cũng đếm cả rồi”. Matthew 10,30.
Cái bục bằng bê tông hoặc đá trong Platform cũng tượng trưng cho bàn thờ dâng lễ vật trong các tôn giáo thời cổ đại, nhất là người Do Thái luôn dâng lễ vật xuyên suốt trong Cựu Ước, nhất là sách Lê Vi có đề cập rất chi tiết.
Sau khi dâng lễ xong, toàn phần hoặc một phần của lễ sẽ chia cho những người tham gia cùng ăn. Còn trong các nhà thờ Công Giáo, bàn thờ bằng đá luôn được đặt chính diện để cử hành thánh lễ. Vì thế Platform – cái bục – bàn thờ chính là kết nối giữa Chúa và con người để dâng tiến và trao tặng.
Tầng 0 trong Platform là Thiên đường thì 333 tầng còn lại chính là Địa ngục. 3 lần 3 là 9 tương ứng với 9 tầng địa ngục được Dante Alighieri mô tả trong Địa ngục, một trong ba phần thuộc Thần Khúc. The Platform và Địa ngục trong Thần Khúc đều đề cập đến 7 mối tội đầu trong Kitô Giáo là kiêu ngạo, tham lam, dâm dục, phẫn nộ, phàm ăn, đố kỵ và lười biếng. Goreng trong phim gần như đã gặp những nhân vật tồn tại 1 hoặc 2 đặc trưng của 7 mối tội đầu.
Platform – Địa Ngục đó lại có tính luân hồi khi mỗi tháng các tù nhân được thay đổi số tầng, tuỳ theo sự ngẫu nhiên. Nhưng 1 thứ sẽ không bao giờ đổi là bục đồ ăn bao giờ cũng đầy tràn các loại cao lương mỹ vị và ai ở tầng trên sẽ luôn nốc đầy hết sức có thể. Thậm chí làm dơ bẩn đồ ăn trước khi cái bục di chuyển xuống tầng dưới.
Kết cấu của Platform đầy bạo lực qua các trường đoạn mô tả tù nhân tranh giành, chém giết, dùng đủ mưu mô để sống cho bằng được. Đồ ăn trước khi Goreng hành động không bao giờ đến những tầng cuối cùng, dù Goreng, Imoguiri hay cả Baharat đều cho rằng sẽ có đủ cho tất cả nếu phân chia công bằng bằng ý thức chung.
Chúa – Bếp trưởng đã cụ thể hoá lời cầu nguyện – mong muốn của con người, nhưng chính con người lại ích kỷ và kiêu ngạo, khi ai cũng chỉ muốn giữ lại cho riêng mình nhiều nhất có thể, chứ không bao giờ muốn cho đi. Vì thế, Platform đáng ra đã trở thành một hệ thống phân chia món quà của thượng giới, thì lại trở nên địa ngục hay Hố sâu đói khát.
“Của thánh chớ liệng cho chó, ngọc trai đừng ném cho lợn kẻo chúng quay lại cắn xé anh em”. Đó là lời cảnh báo của Chúa Jesus tới các môn đệ ngụ ý nói về việc hãy cẩn thận trước tâm địa con người.
Trong Platform việc ai cũng tranh giành, dẫm lên đồ ăn, làm dơ bẩn, rồi cắn xé chém giết nhau vì bục đồ ăn là có ý này đến việc con người đã đố kỵ, tham lam và tàn bạo với nhau thế nào vì món quà của Chúa. Dĩ nhiễn là với cái nhìn của mình.
TẠI SAO MỖI TẦNG LẠI CÓ HAI NGƯỜI?
Mỗi tầng trong Platfrom đều chỉ có hai chứ không phải 1 hay 3 vì con số 2 đại điện tính nhị nguyên của mọi vấn đề, triết lý, đạo đức hay hành vi của con người và xã hội. Nhị nguyên là thiện và ác, cá nhân và cộng đồng, yêu và ghét, tha thứ và oán hận. Mỗi tầng của Platform mà Goreng được đổi là để bộ phim diễn giải từng vấn đề một.
Trong Kinh Thánh, Adam và Eva đại diện cho Nam và Nữ. Adam đã đổ lỗi Eva đã dụ dỗ mình ăn trái cấm. Đến lượt Eva lại đổ lỗi cho con rắn -Satan. Sau đó đến chuyện Cain và Abel dâng lễ vật, Cain đã giết em mình vì của lễ của Abel làm đẹp lòng Đức Chúa. Tiếp theo Jacob cướp quyền trưởng nam của anh mình là Esau bằng bát cháo đậu. Nhưng chưa hết, Jacob cũng đoạt luôn lời chúc phúc của cha mình là Isaac bằng món thịt nướng. Lời chúc đó Isaac định dành cho Esau. Tất cả những chuyện này xuất hiện trong sách Sáng thế và đều có liên quan đến đồ ăn. Cốt lõi của Platform xoay quanh giữa đồ ăn và giữa hai người đại diện cho tính Nhị nguyên. Và bế tắc bắt đầu từ đó.
Mỗi khi chuyển tầng mà mình gọi đó là tái luân hồi, Goreng luôn gặp 1 con người mới và vấn đề mới. Đầu tiên Goreng gặp lão Trimagasi, một con người hết sức đặc trưng của đám đông. Trimagasi nói rằng cuộc đời lão rất thích xem quảng cáo, chính con dao của lão mua là nhờ quảng cáo, rồi lão nổi điên khi biết bị lừa rồi liệng cái tivi xuống tầng trúng đầu 1 ai đó làm lão được đưa đến Platform. Trimagasi đại diện cho tính lười biếng, có xu hướng nhận định theo cái nhìn chung, cái nhìn của xã hội cùng một tính cách vị kỷ, nhỏ nhen, đầy mưu mô.
Lão nói tại sao lão lại phải vào đây chỉ vì cái tivi vô tình rơi trúng đầu một người nhập cư trái phép. Lão có thể chung sống hoà thuận khi mọi chuyện tốt đẹp. Còn lúc bị đổi xuống tầng 171, Trimagasi lựa chọn quyết định sẽ ăn thịt Goreng để tồn tại và lão đã hành động trước. Lão không tin người khác có thể đối xử tốt với mình nên thà phụ người trước khi người phụ mình. Lão chọn con dao Samurai Plus để tăng thêm khả năng tự quyết của mình.
Sau Trimagasi, Goreng ở chung tầng với Imoguiri. Một người làm việc trong Platfrom nhưng lại không hề biết Platform hoạt động thế nào. Cô khẳng định không có một ai dưới 16 tuổi ở đó và cũng không biết cấu trúc của Platform thực sự là gì. Imoguiri không nói dối vì công việc của cô chỉ là lấy mẫu đơn phỏng vấn mà thôi. Cô chỉ biết có công việc của mình, không cần quan tâm đến những người trong Platform thế nào hay ý Chúa trên cao ra sao. Cô sống không vị kỷ nhưng cũng không quan tâm đến người khác quá nhiều. Cho đến khi có chuyện xảy ra, khi Imoguiri biết mình ung thư. Biết mình sắp chết, cô tự nguyện vào Platfrom để thúc đẩy sự đoàn kết tự phát và tính ý thức về cộng đồng của mỗi người trong việc chia sẻ thức ăn. Nhưng cách của cô vô dụng trong 15 ngày liên tiếp.
Imoguiri giống lão Trimagasi ở hai điểm- Lựa chọn sai cách và cùng thất bại rồi trả giá bằng mạng sống. Một người vị kỉ, còn một người chỉ trở nên có tính cộng đồng khi nhận ra mình phải làm gì đó trước khi chết. Cả hai đều không hiểu Luật của Platform và cũng chẳng hiểu con người ở đó.
Platform vốn đã là một thế giới vô luật, mọi triết lý hay sự cải cách dù tốt đẹp đến đâu sẽ không bao giờ cải tạo được địa ngục này. Chỉ có hành động mới có thể tạo ra một điều gì đó, nhưng sẽ là ai và làm thế nào. Câu trả lời đó dành cho Đấng Cứu thế của Platform.
NHỮNG NGƯỜI BÊN CẠNH ĐẤNG CỨU THẾ.
Himaru là người mẹ tìm con trong Platform với sự cuồng sát không thể ngăn cản. Nhưng những kẻ cô giết luôn là đàn ông. Trong Platform, nhiều kẻ không chỉ đói khát, mà còn thèm muốn sự thoả mãn dục vọng nữa. Tất cả đều nói rằng Himaru tìm con mình, nhưng chính cô lại chưa bao giờ nói ra điều đó. Cô xuống hết tầng này đến tầng nọ, trong vai trò Thế thiên hành đạo, giết bất cứ ai chạm đến mình nhưng vẫn không tìm được con gái. Sau đó chính cô cũng đã chết dưới tay kẻ khác. “Kẻ nào dùng đao kiếm sẽ chết vì đao kiếm”. Platform đã truyền tải lời Chúa Jesus rất rõ ràng qua hình ảnh Himaru.
Tuy nhiên cũng chính Himaru là người đã cứu Goreng khỏi bị Trimagasi ăn thịt. Và cũng chính cô đã cứa cổ Trimagasi trước khi Goreng đâm lão. Lão đã chết vì Himaru chứ không phải Goreng. Trong Kinh Thánh, hình ảnh người phụ nữ luôn bị thiệt thòi, o ép và lăng nhục. Nhưng chính những người phụ nữ đã luôn ở bên cạnh Chúa Jesus, ngay trong những giờ phút cuối cùng. Khoảnh khắc Himaru chăm sóc cho Goreng là sự ẩn dụ của Chúa Jesus khi được người một người phụ nữ tội lỗi lấy dầu thơm rửa chân và lấy tóc của mình lau sạch. Himaru đã nhìn thấy ở Goreng sự nhân từ, mấu chốt để sau đó Goreng phá vỡ được tái diễn một chu kỳ luân hồi của bạo lực và tội lỗi trong Platform. Cô giúp Goreng cũng chính là giúp chính mình.
Baharat thì là một con người đức độ và vô tư nhất có mặt trong Platform. Chính Barahat đã nói Chúa ở trên tầng cao nhất và cũng là Chúa nói với anh rằng “sẽ có hai người” đưa anh đến gặp Người. Tất nhiên là không phải đôi vợ chồng ở tầng 5. Ý của Barahat rất đơn giản : anh muốn lên tầng cao nhất để gặp Chúa.
Trong cuộc hành trình dài đi đến tầng 333, Baharat đã bảo vệ thành công món panna cotta được thầy anh khai sáng gọi là “Thông điệp gửi tới Thiên đường”. Sau đó Baharat đã cứu Goreng khỏi cái chết. Anh cũng bảo vệ panna cotta thành công trước khi gửi món qua của thiên đường cho đứa trẻ. Anh đã chết, đã đi gặp Chúa khi qua “hai người” anh giúp. Khác với Himaru dù Baharat cũng hạ sát vài người, nhưng cái chết của anh là “Dám chết cho người mình tin”. Đó cũng là thứ tình yêu cao cả nhất.
KHÔNG PHẢI ĐẤNG CỨU THẾ NHƯNG CŨNG LÀ ĐẤNG CỨU THẾ.
Goreng đã chọn cuốn Donkihote để mang vào Platform chứ không phải đao kiếm hay chó mèo.
Donkihote đại diện cho hình ảnh một người ngây thơ tin vào những giá trị hào hiệp, quân tử, nhân đạo và lãng mạn của một hiệp sĩ thời trung cổ nhưng không đúng thời. Donkihote chỉ nhận ra những điều đó trước khi chết. Goreng với ngoại hình và tính cách giống hệt như Donkihote vậy. Anh ngây thơ đến mức ban đầu khi vào Platform luôn kinh ngạc trước bản chất của con người, mà thực ra tất cả chỉ là điều rất bình thường trong xã hội, trong Platform. Anh cũng thật thà khi nói rằng mình thích ăn ốc sên, rồi rất bất ngờ khi điều đó trở thành hiện thực.
Món ốc sên ấy dù nhỏ bé nhưng vẫn được Thiên đường chuẩn bị hết sức cầu kì và đặt lên một chiếc đĩa pha lê rất đẹp. Dù là điều ước nhỏ bé nhất, Chúa sẽ làm nó tốt nhất để gửi xuống cho con người. Mong muốn của Goreng đơn giản đến mức 32 tầng đầu không buồn động vào món ốc sên đó.
Khác với những lời kêu gọi sự đoàn kết tự phát của Imoguiri, Goreng đã trải qua biến động quá lớn để giúp cho mình không bị chết vô nghĩa như Donkihote. Nhưng anh cũng không phải là con người vị kỷ như Trimagasi. Goreng doạ sẽ bôi phân lên tất cả đồ ăn nếu tầng dưới không làm theo cách của Imoguiri. Nó hiệu quả nhưng vẫn chưa đủ để thay đổi Platform cho đến khi cái chết của Imoguiri và sự giúp đỡ của Baharat. Lúc này Goreng đã trở thành Đấng Cứu thế sau những lời nói của hai kẻ đã chết thì thầm với anh trong đêm :
“…Thật,nếu các ông không ăn thịt và uống máu Tôi các ông không có sự sống nơi mình. Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho người ấy sống lại vào ngày sau hết, vì thịt tôi thật là của ăn, và máu tôi thật là của uống. Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì ở lại trong tôi, và tôi ở lại trong người ấy…”.
Những lời ẩn dụ này là Chúa Jesus nói về việc mình sẽ chết, nhưng cái chết của mình sẽ là sự cứu độ với tất cả con người. Chúa cứu chuộc con người thông qua cái chết của mình. Còn trong Platform, Những điều của hai kẻ mà có thể Goreng đã ăn thịt kia ngụ ý nói rằng anh cũng xấu xa và có cùng bản chất như họ và những kẻ khác ở 333 tầng. Điều đó đúng, nhưng Goreng đã đưa ra lựa chọn cho riêng mình. Anh sẵn sàng đánh cược mạng sống của mình để đưa đồ ăn xuống tầng cuối cùng. Bất chấp mọi lý do, cái giả phải trả cũng phải xuống tới đó để gửi một thông điệp lên Thiên đường. Goreng từ việc không phải là Đấng Cứu thế, nhưng anh đã trở thành Đấng Cứu thế của Platform.
“Ta không muốn kẻ tội lỗi phải chết, ta muốn nó ăn năn, sám hối và sống”.
Goreng đã là một con người mới, là Đấng Cứu thế nhưng không phải sinh ra đã là vậy. Anh chọn mình phải trở nên như thế, thông qua các biến cố, sự kiện và tội lỗi vì ngay tới những kẻ tha hoá nhất cũng mong muốn một Đức Chúa của mình. Và Goreng lấy mạng sống của mình để phá vỡ sự luân hồi trong Platform và cứu tất cả mọi người bằng cách gửi một thông điệp lên Chúa.
Ban đầu là panna cotta.
Sau đó là một đứa trẻ.
Chi tiết hai tầng cuối cùng Goreng được chuyển đến mang những con số ám chỉ anh là Đấng Cứu thế. Tầng 33 đại diện cho số tuổi của Chúa Jesus tại trần thế và tầng 6 – ngày thứ 6 Chúa chịu chết.
ĐỨA TRẺ LÀ AI.
“Hãy để trẻ thơ đến với ta, vì Nước Trời thuộc về chúng”.
Đứa trẻ ở tầng 333 hiện thân cho những gì tốt đẹp nhất trong Platform. Hơn nữa là niềm tin. Sở dĩ Goreng tìm được đứa trẻ chứ không phải Miharu vì trong anh luôn có tính thiện và niềm tin chứ không chỉ có hận thù. Có thể Miharu đã từng xuống tận tầng 333 nhưng không gặp con mình – hiện thân của tính thiện. Đứa trẻ chỉ xuất hiện khi hội tụ đủ hai yếu tố :Sự hi sinh và chia sẻ. Và Goreng đã làm được.
Goreng đã để cho đứa trẻ lên tầng 0 gặp Chúa còn mình ở lại một không gian đen tối. Một nơi còn dưới cả tầng 333. Đó là nơi của sự chết.
Nhưng mình không cho rằng Goreng sẽ chết. Đối với niềm tin về cái chết và tình yêu “Không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của người dám chết cho người mình yêu” mà Goreng đã gửi gắm vào đứa trẻ đưa lên Chúa, mong Người sẽ phá bỏ Platform để tất cả được đi ra khỏi đấy, thì chắc chắn anh sẽ chưa chết để chứng kiến điều Chúa sẽ làm, như Chúa đã chọn anh đến với Platform.
Phim kết thúc ở đoạn mở để tất cả có thể suy diễn mọi thứ tiếp theo sẽ thế nào tuỳ từng mỗi người. Tất cả mọi điều trên chỉ là sự nhận định của cá nhân mình thông qua cái nhìn của một người có đạo. Việc của mình là viết ra suy nghĩ và chia sẻ nó đến với mọi người.
bài phân tích hay quá, mình chưa đọc Kinh Thánh nhưng cũng thấy hấp dẫn ở các sự kiện liên quan,
Tuy nhiên mình cho là Miharu ko phải ko tìm thấy con mà chính cô ấy đã giấu con ở dưới đó, và mỗi lần đi xuống là cô ấy gom thức ăn để dành cho con ăn dần, nếu ko thì đứa trẻ làm sao sống lâu như vậy ở tầng cuối ko hề có thức ăn xuống tới,
Miharu đã giấu con ở tầng dưới và đi xuống đem theo đủ thức ăn rồi ở cùng con tới lúc đổi tầng, tầng dưới cùng đó ko bị thay đổi nhiệt độ khi giấu thức ăn nên mới có thể ở lâu được,
có điều chắc vào ngày cuối cô ấy phải đi lên lại để hôm sau đổi tầng thì con mới ko bị phát hiện, vì ko ai nghĩ tầng dưới cùng đó lại có người, trong khi rất nhiều tầng trên đều đã chết do ko có đồ ăn,
Cảm ơn bạn. Một chia sẻ và phân tích rất hay <3