28/10/2021

5 GHI CHÉP MỖI NGÀY 28/10/2021
 
1671-1675
 
1671. 1 đứa trẻ khi còn bé nghĩ rằng không đâu có giới hạn cả, rằng nó là tất cả. Nó nặn ra ý nghĩ đó, phản xạ đó, ảo tưởng đó. Chúng ta không biết liệu điều đó có phản ánh một cái gì thực hay không. Cái quan trọng ở đây là việc một phản xạ được thiết lập, nói rằng: “tôi đây”. Khó có thể hình thành một nhân dạng nếu không làm điều đó. Nó cũng còn phụ thuộc vào những người khác bảo cho nó biết nó là ai, là cái gì. Tuy nhiên, cái thực thể vĩ đại, huy hoàng và chói lọi mà nó nhìn thấy ở bên trong, không phải luôn luôn thấy được từ bên ngoài. Những người khác không khuyến khích điều này. Họ có thể đối xử với đứa bé như Thượng Đế khi nó còn bé tí, nhưng rồi bỗng tới một lúc nào đó họ không làm thế nữa.
 
1672. Khi mình tạo ra trong trí tưởng tượng của mình cái hình ảnh của bản ngã đó, thì rồi nó sẽ trở thành cái mà mình ao ước. Và rồi ta tự bảo: “Nó ở kia, còn xa tôi, tôi phải cố đến được với nó.” Nhưng đó lại là một ảo tưởng khác, một hình bóng khác. Và nó tạo ra cái cảm giác “tôi cần phải có nó”.
 
Cảm giác về sự thiết yếu tạo ra sức mạnh và quyền lực lớn nhất trong đời sống con người. Bạn không thể hóa giải được nó. Và đứa trẻ không bao giờ thật sự nhận biết điều này – không chỉ trong xã hội hiện nay của chúng ta mà có lẽ trong mọi xã hội mà chúng ta từng biết đến..
 
1673. Thực sự không ai biết mỗi cá nhân được xây dựng trên nền tảng nào. Có khi nó là tổng của toàn bộ tất cả những gì tồn tại – toàn bộ vật chất, thậm chí vượt ra ngoài vật chất. Bản thân ta là vật chất kết tụ lại từ khắp mọi cõi. Carbon trong chúng ta không biết chừng có xuất xứ từ khí carbonic có trong khắp bầu khí quyển. Nó có thể đã từng ở một phía bên kia nào đó của thế giới, rồi luồn vào cây cỏ, vào muông thú, vân vân, và sau đó nó nhập vào ta. Với ôxy, với nước, với tất cả có lẽ đều vậy.
 
Tức là nói cho hết nhẽ thì ta được xây dựng trên nền tảng của toàn bộ vũ trụ. Vậy là bạn có thể đi xuyên suốt theo hướng này một cách khoa học để nói rằng ta sinh ra từ đất, trái đất lại được hình thành nên từ chất khí nóng đến từ những ngôi sao hay từ đâu đó, rồi những cái này lại đến từ bụi vũ trụ giữa các hành tinh… ngược tới tận Vụ Nổ Lớn và thậm chí còn từ trước đâu đấy xa hơn nữa. Do đó, ta có quyền nói rằng tất cả những thứ ấy đã hiệp lực tạo ra chúng ta – tạo ra những cấu trúc vật chất chính là chúng ta đây. Vậy là theo một nghĩa nào đó ta buộc phải công nhận rằng vật chất là có thật.
 
Nhưng những gì ta tư duy về nó lại không thật. Chúng là những sự biểu hiện, chúng chứa những hình hài, mô thức. Tư duy về cái bàn chứa đựng một hình hài. Nhưng thực sự ra thì cái bàn đâu có dừng lại ở cái cách mà ta nhìn thấy nó – nó bị phần nào nhòe đi ở cấp độ nguyên tử.
 
1674. Trong vật lí học hiện đại, một trong những điều người ta nói, đó là không gian trống rỗng đầy ắp năng lượng, một lượng năng lượng khổng lồ. Mỗi sóng trong không gian trống rỗng có một lượng năng lượng cực tiểu nhất định nào đó, thậm chí khi nó là chân không, và nếu cộng gộp tất cả các sóng lại thì nó là vô tận.
 
Nhưng gộp tổng các sóng lại mà độ dài nhỏ hơn cái gọi là độ dài Planck (10⁻³³ cm – một khoảng cách cực ngắn mà vượt khỏi khuôn khổ đó thì người ta cho rằng những định luật vật lí hiện hành không còn đúng nữa) thì tổng năng lượng trong 1 cm khối sẽ có thể còn lớn hơn năng lượng của toàn bộ vật chất trong vũ trụ. Vậy ý tưởng ở đây là, không gian hầu như đầy ắp, còn vật chất là một gợn sóng lăn tăn nổi lên trên đó.
 
1675. Chúng ta cũng có thể nói rằng bất cứ điều gì nằm đằng sau tâm trí, ý thức hay bất cứ tên nào mà bạn muốn dùng để gọi nó – là một dòng chảy mênh mông và trên mặt nó là những gợn sóng lăn tăn, chính là tư duy của chúng ta. Đây dường như là một sự tương tự. Thậm chí khi chúng ta nói về những sự việc “ở đây”. Chúng thật ra là những gợn sóng nhỏ trên một bề mặt có năng lượng to lớn nào đó đang vận động. Lí do duy nhất năng lượng này không hiện ra là bởi vì vật chất và ánh sáng đi thẳng qua nó mà không bị lệch đi. Những gì chúng ta cảm nghiệm là khoảng không trống rỗng. Nhưng nó cũng có thể được coi là tính đầy đặn của không gian, nó là cơ sở của mọi sự tồn tại. Như vậy vật chất là một dao động xét trên cơ sở này.
 
Tuy nhiên bây giờ chúng ta bắt đầu nghĩ về các hình thức trong tư duy, nhờ có chúng mà chúng ta có thể biểu hiện được vật chất. “hững hình thức đó trừu tượng hơn vật chất nhiều. Chúng ta có thể tạo ra các hình thức ấy bằng đủ mọi cách – làm ra những bức tranh trông rất thật, vân vân, nhưng bản thân chúng không phải là vật chất. Giống như các bản đồ, những hình thức ấy có thể giúp định hướng và đưa ta tới với những hành động phù hợp, mạch lạc, nếu chúng là những miêu tả đúng. Ngược lại chúng sẽ dẫn đến sự không mạch lạc và mọi vấn đề sẽ sinh ra từ đó.
Lan tỏa nếu thấy hay nhé:

Viết một bình luận