CUỘC CÁCH MẠNG XANH (META) CỦA FACEBOOK – LÀ TƯƠNG LAI HAY THẢM HOẠ VỚI NGƯỜI DÙNG?

9 giờ 20 phút sáng nay, một người bạn của mình ới nhau trong group chat trên fb messeger hỏi rằng có ai biết tìm đâu bài dịch thông báo về Meta của Mark Zuckerberg không. Mấy ngày trước thì cả thế giới công nghệ đều xôn xao vụ Facebook sẽ đổi tên một cách ồn ào hơn cả Google chuyển sang cái tên Alphabet. Và đêm qua, theo giờ Việt Nam thì Lúc đó mình không biết rằng Mark đang đưa ra một thông báo có tính cách mạng về Meta và Metaverse (vũ trụ meta) sẽ là định hướng phát triển trong 10 năm tới Mark, của Facebook và Meta nói chung.

Mình đã đọc bản thông báo đã được dịch đó khi bạn tìm share trong group chat. Về cơ bản có vài điểm quan trọng mà Mark thông báo gồm:

1. Mark công nhận rằng Facebook sẽ không còn chiếm lợi thế và là nền tảng quan trọng trong tương lai nếu trải nghiệm chẳng có gì thay đổi. Vì thế Metaverse là quân át chủ bài trong chiến lược phát triển và trải nghiệm mới của Facebook hay Meta.

2. Metaverse là một hệ sinh thái thực tế ảo hứa hẹn sẽ đem tới những trải nghiệm NHƯ THẬT HAY CÒN HƠN THẾ nhờ phần cứng và phần mềm được đóng góp từ rất nhiều nhà phát triển bên thứ ba hứa hẹn sẽ là một thị trường trị giá hàng trăm tỷ đôla trong thời gian tới.

3. Mark cam kết rằng Facebook và Meta “không xây dựng dịch vụ để kiếm tiền, mà kiếm tiền để xây dựng các dịch vụ tốt hơn”, đồng thời sẽ bảo mật tối đa thông tin cá nhân và quyền riêng tư của người dùng.

4. Mark dự đoán có phần tự tin rằng Metaverse sẽ đạt hơn tỷ người dùng trong 10 năm tới.

5. Cái này thì do mình bổ sung thôi. Đó là trong một tuyên ngôn và thông báo có tính chất quan trọng như thế này thì Mark Zuckerberg không hề nhắc tới bất cứ một sai lầm hay lời xin lỗi với cả tỷ người dùng về những gì mà Facebook gây ra. Mark vô tư đến mức nhấn mạnh rằng “Chúng tôi đã và đang làm những điều tốt đẹp cho thế giới này” như thể mình là Đấng cứu thế trên internet.

TẠI SAO FACEBOOK LẠI TẠO RA METAVERSE VÀ METAVERSE LÀ CÁI GÌ?

Dù Mark không thừa nhận nhưng hiện nay có vô số người, kể cả những ai không quá quan tâm về công nghệ cũng nhận thấy rằng Facebook giờ đây không phải là lựa chọn của đa số người dùng, hoặc nghiện mạng xã hội nhất. Nó thất thế trước TikTok và chính nền tảng mà nó mua lại với giá rẻ mạt là Instagram.

Thậm chí ngay trên ứng dụng nhắn tin thì Messenger cũng đang bị uy hiếp nghiêm trọng trước các ứng dụng có tính bảo mật hơn như Telegram hay Signal – những nền tảng được Iron Man phiên bản thực là Elon Musk cổ động người dùng nên sử dụng thay vì Messenger của Facebook.

Vì thế Mark đang hướng đến một trải nghiệm mới mà anh mô tả là “Trải nghiệm đích thực hơn chỉ là nhìn – vốn là cách chúng ta đang tương tác với các nền tảng và ứng dụng”. Điều này thì Mark đúng. Sự phát triển của phần cứng, phần mềm cùng các thuật toán thì sớm hay muộn thì công nghệ phổ quát sẽ phát triển tới mức có thể đem tới trải nghiệm khi chơi game và giống như trong bộ phim Ready Player One – Đấu trường ảo vốn gây sốt ba năm về trước.

Tất nhiên việc phát triển một công nghệ mới không chỉ là tiền, mà là rất nhiều tiền, nhưng Mark và Facebook không thiếu tiền khi đã làm mọi cách kiếm lợi nhuận tối đa từ người dùng trong những năm trở lại đây. Về mặt công nghệ thực tế ảo – thứ cốt lõi trong việc tạo ra trải nghiệm mới cho cuộc cách mạng Metaverse, thì sự thật là Mark Zuckerberg và Facebook cũng đã sở hữu từ năm 2014. Chỉ khác là lúc đó công nghệ lõi này có một cái tên khác là Oculus.

Vào ngày 23 tháng 1 năm 2014, Mark Zuckerberg bị chấn động trước những gì mà công nghệ thực tế ảo đem lại. Khi đeo thiết bị trải nghiệm thực tế ảo do Oculus tạo ra, Mark dù đang ngồi ở văn phòng của mình tại California nhưng anh lại có cảm giác vô cùng THẬT khi có mặt ở trong một biệt thự ở vùng Tuscany ở Ý, anh còn thấy cả những con người đi đi lại lại xung quanh mình, dù cho thời điểm đó Mark vẫn ý thức rằng mình chỉ đi lại loanh quanh trong văn phòng ở Mỹ mà thôi.

Năm ngày sau, Mark Zuckerberg đã đích thân bay đến trụ sở của Oculus để trải nghiệm lần thứ hai và nói rằng ĐÂY CHÍNH LÀ NỀN TẢNG TIẾP THEO. Mark biết nếu bỏ qua công nghệ này thì Facebook sẽ lại bỏ lỡ một cơ hội không thể nào tốt hơn. Thậm chí nó có thể gây ra cái chết cho đế chế công nghệ màu xanh này. Nhưng Mark cũng rất thực tế khi dự đoán rằng cần ít nhất 10 năm nữa để công nghệ thực tế ảo thực sự phát triển đến mức đại trà.

Vì thế nếu Facebook đòn đầu làn sóng tiếp theo này, nó không chỉ làm tiếp bước trong thời đại mà còn thống trị cả tương lai của chính thời đại đó. Nếu làm chủ trải nghiệm không chỉ là NHÌN mà còn CẢM NHẬN và CHIA SẺ được thì sẽ không có một công ty nào có thể cạnh tranh được Facebook trong khả năng mang lại trải nghiệm và tương tác cho người dùng. Giống như đa số những lần thâu tóm khác, cái giá phải trả cho Oculus là 2,7 tỷ đôla cùng hàng tỷ đô phát triển trong những năm tiếp theo.

LỢI ÍCH ĐEM LẠI VÀ ĐIỀU ĐÁNG SỢ MÀ THỰC TẾ ẢO CÓ THỂ GÂY RA

7 năm trước, thời điểm Facebook thâu tóm Oculus thì thực tế ảo đúng là trò chơi xa xỉ khi những thiết bị phục vụ cho trải nghiệm này có giá lên tới cả nghìn đô, nhưng ứng dụng vẫn còn hạn chế và thị trường vô cùng nhỏ.

Giờ đây, khi Oculus trở thành Metaverse sau khi Facebook đổ cả đống tiền vào phát triển cũng như giá thành chế tạo phần cứng đã rẻ hơn và chắc chắn sẽ rẻ hơn trong những năm tới thì việc Virtual Reality – công nghệ thực tế ảo từ xa xỉ và xa lạ rồi sẽ trở thành một trải nghiệm phổ biến của đại đa số người dùng như smartphone và các ứng dụng di động vậy.

Việc Mark Zuckerberg đánh giá trải nghiệm thực tế ảo đến như vậy không phải là sự bốc đồng mà là nó thực sự có tiềm năng to lớn và ứng dụng được trong mõi lĩnh vực. Thực tế ảo trong tương lai khi trở nên giá rẻ và tạo ra được hệ sinh thái và thị trường riêng thì nó sẽ là đột phá tiếp theo sau Internet of things, nền kinh tế chia sẻ chung mà Uber, Airbnb là đại diện điển hình cũng như xe điện mà Tesla đã làm được.

Ví dụ trong những năm tới, khi học online thì bạn không chỉ giới hạn trong trường lớp ở một Quốc gia nào đó mà la đa Quốc gia cùng học tập, tương tác và trao đổi với nhau thông qua một trường Quốc tế đa kết nối mà thực tế ảo đem lại. Ngôn ngữ cũng không phải là rào cản, vì trong thực tế ảo này sẽ tích hợp khả năng nhận diện lời nói, cử chỉ và hành vi của học sinh lẫn giáo viên rồi hiển thị theo cách thức bằng ngôn ngữ mẹ đẻ của mỗi người. Ngược lại khi mỗi học sinh thuộc các chủng tộc khác nhau, thực tế ảo cũng sẽ đọc rồi dịch hay mã hoá nó thành thứ các ngôn ngữ khác để chuyển tới từng học sinh cũng không có khả năng đọc viết tiếng Anh tốt.

Không chỉ dừng lại ở mức độ giao tiếp mà trao đổi mà thực tế ảo còn đem lại cảm giác trải nghiệm – vốn là thế mạnh của nó ở mức chân thực tới mức vượt xa cả “cái gọi là chân thực”. Hãy tưởng tượng khi bạn đọc một cuốn sách có đề cập tới sư tử Châu Phi thì chỉ cần bật và đeo thiết bị phát thực tế ảo thì ngay tức khắc bạn có thể biết được một con sư tử và đồng cỏ Châu Phi là như thế nào. Từ màu sắc, âm thanh cho tới chuyển động khiến đều hoàn hảo đến mức não bộ cũng không thể phân biệt được đó là thật hay giả, nếu như bạn không ý thức được những gì mình đang trải nghiệm là đến từ đâu.

Nhưng chắc chắn 10 năm sau, nếu công nghệ thực tế ảo phổ biến đến mức Mark dự đoán thì văn phòng hay căn nhà không phải là giới hạn cuối cùng của thực tế ảo. Khi đó các thiết bị thu phát thực tế ảo sẽ được gắn ở ngoài đường, các nơi công cộng, quán cà phê và cả trên các phương tiện đi lại để người dùng không bao giờ phải trì hoãn trải nghiệm trong thế giới mà thực tế ảo đem lại.

Thử nghĩ xem, nếu bạn đang xem một bộ phim bom tấn nhưng vì việc này việc kia mà phải ấn stop để làm thì có mất hứng không? Nhưng khi thực tế ảo đã phủ kín như bộ phát internet thì dù ở đâu, đang làm gì, bạn sẽ không bị cắt đứt khỏi những gì mình đang trải nghiệm.

Tuy nhiên đó chỉ là những điều rất cơ bản và hiển nhiên sẽ đến khi thực tế ảo trở nên phổ biến. Trong tương lai việc trải nghiệm game, nghe nhạc hay bất cứ hình thức giải trí nào cũng rất khác với việc chỉ NHÌN như bây giờ. Bạn sẽ trở thành một nhân vật chính trong chính game mình chơi với cảm giác chặt chém như một chính binh thực thụ.

Bạn sẽ là một ca sĩ, một diễn viên với vô vàn hình thể, khuôn mặt và sở hữu bất cứ tông giọng nào để hát từ hiphop cho tới opera. Còn về việc hẹn hò thông qua thực tế ảo thì có lẽ sẽ còn hấp dẫn hơn nữa đấy.

Bạn có thể có một nhân dạng khác, có thể hẹn hò với bất cứ ai trên thế giới trong bất cứ thế giới nào mình muốn mà thực tế ảo tạo ra. Thậm chí cả những trải nghiệm ham muốn như đụng chạm hay sex thì thực tế ảo cũng dễ dàng đáp ứng điều đó, bằng thuật toán và việc người dùng dâng hiến thời gian và trải nghiệm của mình cho khái niệm mới này tới đâu.

Tất nhiên điều này cũng đem tới rất nhiều cơ hội cho các nhà phát triển, là những bên thứ ba cung cấp các ứng dụng, nền tảng dành riêng cho hệ sinh thái của thực tế ảo đến với người dùng. Cái thị trường mà Mark Zuckerberg dự đoán sẽ đạt tới hàng trăm tỷ đôla trong những năm tới đến từ nguồn thu tính phí trải nghiệm, bán quảng cáo, bán sản phẩm, thậm chí là người dùng sẽ phải thực hiện giao dịch đổi chác như bán thông tin cá nhân của mình để lấy sự trải nghiệm mới trong thực tế ảo. Nhưng Mark và Facebook không làm điều này vì người dùng và các nhà phát triển mà chính là sự tồn vong của mình.

Khi công nghệ càng phát triển, từ việc chuyển sang NHÌN (Smartphone và ứng dụng trong hiện tại) sáng TRẢI NGHIỆM ( Thực tế ảo hay cái chết tiệt gì nữa sẽ xuấy hiện trong tương lại) thì chúng ta, những người dùng sẽ bị đẩy vào tình thế bần cùng hoá tư duy và nghèo nản về trải nghiệm hơn bao giờ hết. Nếu điều đó xảy ra, chúng ta sẽ trở nên thụ động và hời hợi tiếp nhận hoặc cự tuyệt các trải nghiệm bên ngoài vì chúng không CHÂN THẬT và ĐẸP ĐẼ như trong thực tế ảo.

Tình trạng này chắc chắn sẽ xảy ra vì với thực tế ảo bạn dễ dàng trộn lẫn không gian, khung cảnh, màu sắc TUYỆT VỜI hơn bất cứ trải nghiệm nào bên ngoài với sự vô hạn mà công nghệ đem lại. Nó đẹp đến mức sẽ thay thế luôn cái thật, sẽ biến đổi cách thức trải nghiệm về tự nhiên và nhân tạo ở mức độ sẽ dìm chúng ta trong thực tế ảo cho đến chết thì thôi. Và đây chính là điều mà Mark muốn, Metaserve muốn. Bạn càng lệ thuộc vào thực tế ảo thì nó càng kiếm được nhiều tiền và chi phối mọi hành vi, thói quen của bạn.

Nếu điều này xảy ra, con người sẽ bước vào một kỷ nguyên mới. Kỷ nguyên trở thành giống loại phụ thuộc vào thực tế ảo, vào trí tuệ nhân tạo, vào những thứ được tạo ra bởi thuật toán và mã lệnh.
Lúc ấy con người chỉ là một sinh vật của quá khứ, nghèo nàn trong trải nghiệm lẫn tư duy và trở thành một cỗ máy chịu sự chi phối của những cỗ máy.

CUỘC CÁCH MẠNG XANH CỦA MARK ZUCKERBERG

Hiện tại Facebook đang gặp rất nhiều khó khăn khi nó đập tơi bời trên mọi chiến tuyến.

Facebook không chỉ bị chững tăng trưởng người dùng cũng như bị tụt lại phía sau các nền tảng khác mà nó còn gặp cả khó khăn trong việc tìm kiếm lợi nhuận.

Apple đã đâm hai phát trí mạng vào Facebook khi thu phí 30% các khoản thanh toán đến từ ứng dụng Facebook trên appstore, cũng như cập nhập tính năng cho phép người dùng từ chối cho Facebook thu thập thông tin của mình. Nếu không có thông tin về thói quen tiêu dùng và hành vi mới của người sử dụng, Facebook sẽ không thể đưa ra các thuật toán gợi ý chính xác hòng dụ dỗ người dùng bỏ ra tiền ra mua hay bán các quảng cáo cho những khách hàng của chính nó.

Về bản chất, Metaverse không chỉ là một hệ sinh thái dành cho thực tế ảo mà nó còn là một cái chợ mua bán như App Store của Apple hay Google Play của GG. Khi Metaverse trở thành như vậy, thì nó không chỉ là một hệ sinh thái mà còn là kim bài nắm quyền sinh sát ứng dụng nào được chấp nhận hay loại bỏ cũng như có thể áp đặt lên cả người dùng lẫn nhà phát triển phải tuân thủ luật lệ hay chấp nhận chi trả một vài khoản phí.

Hiện tại vì chưa có được hệ sinh thái riêng như Apple và Google nên Facebook rất dễ bị tổn thương khi nó có thể bị loại bỏ ra khỏi iOS và Android trong một cuộc tổng lực giữa các con rồng công nghệ. Vì thế, dù sớm hay muộn thì Mark và Facebook bắt buộc phải xây dựng một hệ sinh thái cho riêng mình, và Metaserve có thể chính là bước đầu tiên trong quá trình đó.

10 năm sau, khi thực tế ảo đã trở nên phổ biến như trong tầm nhìn của Mark thì không có một hệ sinh thái nào có thể cạnh tranh và đầy quyền lực như Metaverse. Nó không chỉ đem đến một trải nghiệm mới, mà còn tạo ra một thế giới mới cả theo nghĩa đen lẫn nghĩa bóng.

Cuối cùng lời phát biểu trong thông báo của Zuckerberg “không xây dựng dịch vụ để kiếm tiền, mà kiếm tiền để xây dựng các dịch vụ tốt hơn” chỉ là một lời hứa hẹn nước đôi không không kém. Trước đây Mark đã hứa hẹn với đồng sáng lập Instagram là Kevin Systrom và Milkey khi muốn hai người ở lại làm việc sau khi bán ứng dụng này cho mình rằng: sẽ không sử Instagram như một công cụ kiếm tiền và thu thập thông tin người dùng.

Cả hai đã tin tưởng và nghĩ rằng mình sẽ cống hiến cho Facebook và Instagram ít nhất 20 năm nữa. Nhưng khi Mark nuốt lời và triển khai việc cho đăng quảng cáo trên Instagram những gì mình muốn thì anh đã âm thầm loại bỏ hai sáng lập viên. Milkey ra đi trước, còn Systrom lấy cớ là phải chăm con nhỏ và từ đó không bao giờ quay trở lại làm việc.

Sau này khi được phỏng vấn, dù né tránh câu hỏi nhưng Systrom nhún vai thừa nhận “Bạn sẽ không bỏ đi nếu mọi thứ vẫn tuyệt vời”.

Tương tự như thế là với hai đồng sáng lập WhatsApp là Brian Acton và Jan Koum. Cả hai đều khó chịu trước gợi ý của Mark về việc WhatsApp nên đăng quảng cáo và thu thập thông tin người dùng giống Facebook và Instagram. Acton nổi cơn thịnh nộ xin nghỉ việc khi hàng tháng trời Zuckerberg lờ đi việc đã cam kết là không dùng WhatsApp để kiếm đến mức mà cứ thẳng tay hành động. 8 tháng sau, Koum cũng rời khỏi Facebook và WhatsApp nhưng theo cách âm thầm hơn.

“Ở đây là một nơi chó chết, mớ quảng cáo của Mark khiến tôi phát điên”. Acton trả lời phỏng vấn sau này đã gầm lên như thế. năm 2018, khi Facebook dính phốt rò rì dữ liệu người dùng, Acton khi đó đã nghỉ việc được gần 2 năm liền đăng lên twitter dòng chữ “#deletefacebook”. Ngay sau đó Elon Musk cũng nhảy vào tweet “Facebook là cái gì?”.

Sau đó Acton đã bỏ ra 50 triệu đôla để tạo ra một ứng dụng nhắn tin không thể bẻ khoá để bảo mật thông tin của người dùng như một sự chuộc lỗi cho sai lầm bán WhatsApp cho Facebook. Ứng dụng đó tên Signal và nhờ Elon Musk quảng cáo nó đang phát triển rất mạnh. Đây quả là tai ương với Mark và Facebook khi người bị loại bỏ cũng đang quay lại đâm một nhát đau vào bắp tay mình.

Sau suốt những gì Mark Zuckerberg hành động thì chúng ta Đừng nghe Mark nói mà hãy nhìn Mark làm. Mọi thứ tốt đẹp mà Mark hứa hẹn về Metaserve có thể chỉ là một lời tuyên truyền dối trá giống cái cách mà những kẻ độc tài đã làm trước đây.

Vào năm 1966, Trung Quốc dưới thời Mao Trạch Đông đã khởi xướng Cuộc cách mạng Văn hoá với lực lượng nòng cốt là Hồng vệ binh đã ra tay loại bỏ cái gọi là “thói tư sản, bọn phản cách mạng và đập phá, đốt sạch những gì thuộc văn hoá, tôn giáo Trung Quốc nhưng không còn phù hợp”.

Trung Quốc trong thời điểm đó đã trải qua 10 năm tai hoạ đến mức năm 1981 đảng Cộng sản Trung Quốc đã chính thức phê binh Mao Trạch Đông và Cách mạng văn hoá đã gây ra thảm hoạ và hỗn loạn nghiêm trong cho Quốc gia.

Thật tình cờ là Mark Zuckerberg cũng lấy mốc 10 năm làm tầm nhìn và phá triển của thực tế ảo nói chung và Metaverse nói riêng. Đó là một khoảng không hề ngắn khi tốc độ phát triển của công nghệ kinh khủng đến mức chỉ cần 2 hoặc 3 năm sẽ xuất hiện một hiện tượng, sự kiện hay startup Kỳ lân gây ảnh hưởng lên thế giới.

Nếu may mắn, biết đâu trong 10 năm tới sẽ xuất hiện một ứng dụng hay nền tảng công nghệ không phải là thực tế ảo nhưng đủ hất cẳng Facebook hay TikTok và cứu rỗi thế giới này thì cũng không phải là điều quá ngạc nhiên.

Nhưng cuộc cách mạng Xanh mà Mark đã khởi xướng rồi. Hiện giờ chỉ có định mệnh mới trả lời được đó là tiện ích hay là thảm hoạ với chúng ta

Lan tỏa nếu thấy hay nhé:

Viết một bình luận