Có một điều mọi người luôn thắc mắc và tò mò về mình từ 3,4 năm trước cho đến tận bây giờ là: Mình đã sống như thế nào khi không có một công việc toàn thời gian,một khoản thu nhập cố định để theo đuổi những gì mình muốn làm.
Cũng có không ít các bạn, các anh chị đưa ra lời khuyên là mình có thể làm fulltime ở một chỗ cố định – một lựa chọn mà mọi người cho rằng hợp lý và an toàn đồng thời loại bỏ tối đa rủi ro chẳng may mọi thứ mình theo đuổi không êm xuôi tốt đẹp, rồi sau khoảng thời gian 8 tiếng làm việc như hàng triệu thanh niên khác ở Việt Nam thì mình thích làm gì thì tuỳ ý trong khung giờ còn lại trong ngày mà không phải lo lắng về cốc cà phê hay bữa ăn mỗi ngày. Có người bạn rất thân thiết năm nào cũng khuyên mình vài lần, cũng có bạn chỉ quen nhau trên fb đều nói với mình điều đó là là đúng đắn và cần thiết.
Mình luôn cảm ơn tất cả vì lời khuyên ấy cũng như đáp lại rằng sẽ suy nghĩ và cân nhắc, nhưng rồi mình vẫn cứ làm theo cách của mình dù rằng rất nhiều lúc mọi việc không hề êm xuôi tốt đẹp. Vậy mình có hối hận vì sự cứng đầu và ngu ngốc của bản thân không?
Không hề hối hận dù chỉ một chút. Mình nhắc lại là mình chưa bao giờ hối hận với quyết định này nó đã nhiều lần đẩy mình vào rất nhiều sự khó khăn. Mình rất xin lỗi những ai đã cho mình lời khuyên chân thành cũng như nhiệt tình giới thiệu về một công việc fulltime khi mình sống nhởn nhơ.
Nhưng sau những gì mình được trải nghiệm đúng nghĩa một công việc fulltime như bao người khác trong 3 ngày gần đây, càng khiến mình thấy là mình đã đúng khi tin vào lựa chọn của bản thân, dù cho lựa chọn này – không làm cố định một chỗ song song với những gì mình muốn làm đã nhiều lần dìm mình vào sự khó khăn và bế tắc. Mình yêu thích cảm giác mỗi ngày được làm những gì mình muốn, mà không bị ai đó thúc ép hay đánh giá dựa trên năng suất phiếu đánh giá năng lực, và chấp nhận không có nhiều tiền bạc còn hơn là có một con số nhất định cũng như đánh đổi lối sống của chính bản thân mình mong muốn được sống trong cuộc đời này .
Chi tiết hơn thì các bạn tiếp tục đọc nhé.
SỰ BỨC TỬ CỦA VĂN HOÁ TẬP THỂ VÀ PHI CÁ NHÂN HOÁ VỚI SỰ ĐỘC NHẤT
Sau 3 ngày tham dự một khoá học của bên công ty mình đang hợp tác dự án viết mới, mình đã trải qua những điều mệt mỏi nhất mà một cá nhân phải chịu đựng trong cuộc sống bây giờ như dậy sớm mà vẫn bị tắc đường từ nhà cho tới tận cửa công ty, đau đầu và mệt mỏi vì tiếng còi xe kêu inh ỏi dù đã ách tắc cục bộ, 5 phút chỉ nhích không quá một bánh xe, xếp hàng hơn 20 phút chờ thang máy…
Nhưng chưa hết, điều đáng sợ và gây khủng hoảng đối với mình hơn là các tác động bên ngoài kia không bằng những cái bên trong khi đặt chân vào văn phòng công ty, thì mình ngay lập tức bị ném vào một môi trường phi cá nhân hoá và đậm đặc cái gọi là sự vô thức tập thể của văn hoá doanh nghiệp, văn hoá công sở.
Ở trong môi trường liên tục đòi hỏi và thúc đẩy gần như là ép buộc mỗi cá nhân phải tham gia vào những hoạt động hướng ngoại như tập thể dục, hát hò, trao nhau những cái ôm giữa các con người mới gặp nhau được 30 phút mà còn chưa biết tên của người mình ôm. Nhưng mà các bạn ạ, thực tế có những mối quan hệ thân thiết 12-15 năm của chúng ta còn chưa chắc đã có những cái ôm như thế, và cũng chẳng cần một cái ôm gượng ép để chứng tỏ thiện tình với nhau cả.
Ngoài ra trong môi trưởng tập thể phi cá nhân hoá cũng liên tục đòi hỏi bạn phải nhiệt tình giao lưu, hăng hái góp ý hay phát biểu trong buổi họp tập thể hay nhóm với sự khuyến khích là đừng quan trọng đúng – sai, thì thực sự là một thảm hoạ với một đứa có tính cách hướng nội như mình với cả người xung quanh. Điều này gây khó chịu cho những người bạn và đồng nghiệp mới khi mọi người sẽ nghĩ mình chảnh, lạnh lùng hay không có sự tôn trọng với mọi người hay văn hoá công ty, từ đây dẫn tới hệ quả sẽ kéo theo sự đi xuống của doanh thu hay tinh thần trong công ty.
Mình phải nói rằng, đa số đang nhầm lẫn khi cho rằng năng suất làm việc được quyết định dựa trên tinh thần làm việc nhóm hay tham gia các hoạt động tập thể, mà chính xác rằng là sự hỗ trợ và bù đắp cho nhau giữa những người có tính cách hướng ngoại và hướng nội. Nói dễ hiểu là giữa một đứa lầm lỳ, mặt vô cảm nhưng năng suất làm việc siêu hạng với một con bạn thân có tín cách sôi nổi, uống rượu bia như nước lã trong những buổi gặp gỡ đối tác mới tạo ra nhiều giá trị và thành quả chứ không phải là tất cả đều phải cảm thấy happy và nhiều năng lượng trước các hoạt động hướng ngoại tập thể đầy sôi nổi.
Nhưng những công ty và môi trường hoà hợp được các hai phong cách làm việc giữa hướng nội và hướng ngoại là rất ít, kể cả trên bình diện toàn cầu. Trong các khoá học kỹ năng hay sách selfhelp tiêu biểu như Tony Robbin nào đó luôn hét vào mặt chúng ta rằng MÀY PHẢI ĂN TO NÓI LỚN VÀ TRÀN ĐẦY SỰ TỰ TIN KỂ CẢ KHI ĐI ĐỔ RÁC các bạn ạ.
Điều này dẫn tới việc mẫu người hướng ngoại đầy sôi nổi và hoạt bát luôn được các công ty đánh giá cao cũng như cho rằng mẫu người hướng ngoại có nhiều năng lực hơn những ai ít nói và ngần ngại với các hoạt động tập thể. Từ đấy thay vì bạn được đánh giá bởi những biểu hiện của bạn (Đôi khi là bạn phải cố tình tỏ ra như thế để được tuyển dụng) thay vì những gì bạn có thể làm.
Điều này tiếp tục dẫn tới việc chính bạn sẽ bức tử con người thật của mình và thay thế bằng sự phi cá nhân hoá mà bạn không muốn nhưng buộc phải trở nên như vậy ở môi trường làm việc hiện nay. Nếu không làm như thế, bạn sẽ cảm thấy mình bị tổn thương khi ai đó nói kháy “Sao kiêu kì thế, sao chảnh choẹ thế” blah blah hoặc đơn giản là như mình thì “Sao mày không kiếm chỗ nào mà làm đi chứ suốt ngày lang thang thế sao được?”.
Và nếu bạn chấp nhận sự phi cá nhân hoá hay đồng ý với tư duy và cách sống vô thức của tập thể để đổi lấy sự an toàn, ổn định, khoản lương hàng tháng thì đổi lại bạn cũng sẽ đánh mất những giá trị khác của mình. Chúng ta hay nói rằng bản thân mỗi con người luôn là độc nhất, thật ra sự độc nhất này là không có và không tồn tại khi bạn đã chấp nhận hoà lẫn vào tập thể, vào một văn hoá chung rồi.
Bạn luôn dùng những lý do mà một công việc toàn thời gian đem tới như mọi người đều thế, cuộc sống là thế, văn hoá xã hội hay công ty cũng là thế để trốn tránh những khó khăn và đau khổ của sự độc nhất của mình rồi. Nhưng để là chính mình trong thế giới này thì sự cô độc chỉ là ít hay nhiều thôi.
CÓ MỘT CÔNG VIỆC LÀ TỐT NHƯNG ĐƯỢC LÀM NHỮNG GÌ BẠN MUỐN CÒN TỐT HƠN
Việc trở nên độc nhất và tin vào kỹ năng của mình dù xa cách với tập thể đâu có nghĩa rằng bạn là đứa vô giá trị hay vứt đi trong cuộc đời này.
Bạn có thể chọn những cách khác phù hợp hơn với mình để tạo ra được giá trị cho xã hội và thế giới xung quanh công nhận, chứ không phải chấp nhận những gì mình chẳng thích để làm vừa lòng người khác.
Đối với cá nhân mình, sau 3 ngày nhập vai vào một công việc fulltime và xa rời những thói quen và cách thực làm việc của bản thân, thì mình chỉ có thể mô tả rằng mình đã sống 3 ngày RẤT KHÔNG HIỆU QUẢ.
Mình tin rằng mình có thể tới công ty mỗi ngày nhưng chỉ đứng nhìn và quan sát mọi người từ xa để tìm kiếm những cách tiếp cận, làm quen với các đồng nghiệp mới còn hiệu quả và dễ hoà hợp hơn là tham gia các hoạt đông vô thức tập thể. Nói chính xác hơn, mình sẽ trở nên dễ dàng thấu hiểu và dễ chia sẻ hơn khi được là chính mình chứ không phải theo hình mẫu nào cả.
Tuy nhiên bây giờ mình chưa tìm thấy một nơi, một môi trường nào như thế cả. Vì thế thay vì mất công tìm một nơi như vậy thì mình cứ sống theo cách phù hợp nhất với bản thân đã. Cuộc sống luôn chứa đựng những điều bất ngờ và không loại trừ bất cứ khả năng nào. Nhưng trước khi điều đó xảy ra, nếu có thể, hãy sống theo cách mà bạn muốn trước đã.