Chiều Chủ Nhật vừa rồi, khi chạy được 8613 bước – tương đương 6,5km thì mình bước hụt khiến hông bên phải bị đau tới mức mình không thể chạy được nữa, cố thêm một bước cũng thấy đau kinh khủng.
Do có kinh nghiệm từ những lần chấn thương vì không tập trung trong khi chạy,mình đã dừng lại, về nhà ngồi nghỉ rồi viết lách. Nằm viết trên iphone khoảng hơn 1 tiếng sau thì mình cảm thấy đỡ đau hơn liền ngồi dậy tiếp tục chống đẩy 100 cái như mọi ngày, mình chia thành 5 hiệp, mỗi hiệp 20 lần.
Khi chống đẩy tới lần hiệp thứ 5, lần 94,95 do vội vàng và cơn đau ở hông khiến mình đặt tay nhầm tư thế nên cả vai bên phải cũng bị đau. Mình cố đến cái 100 thì buốt đến mức phải bôi gel salonpas cho dễ chịu.
9 giờ tối, sau khi ăn uống ở nhà họ hàng về thì chú hàng xóm thấy mình liền nhờ bê một chậu cây cỡ 40-50kg dịch chuyển sang một đoạn ngõ cách nhà chú 30 met. Khổ một cái chú ấy yếu quá nên khi bị lực nặng chuyển hết sang mình, thành ra khi đặt chậu cây xuống thì vai mình cứng đờ luôn. Không đau nhưng tê buốt rất khó chịu. Do đau hông với đau vai nên tố hôm kia mình không thiền được như mọi ngày nên đi nằm sớm.
Đến đêm,tự nhủ rằng ngủ một giấc đến mai chắc sẽ đỡ. Nhưng không, vai lẫn hông mình khi dậy thức dậy vào ngày thứ Hai (tức hôm qua) đau đến mức mình không tập trung để có thể làm được gì hết. Mọi cố gắng chỉ là đi bộ 30 phút xung quanh sân nhà thờ.
Lúc đó mình cảm thấy khá vui khi tự nhiên có một ngày lười thoát khỏi những thói quen hàng ngày. Từ 9 giờ sáng đến 4 giờ 30 chiều hôm qua mình chỉ đọc và viết đúng 90 phút, chia thành 3 lần, mỗi lần 30 phút vì hông và vai ngồi lâu rất đau và khó chịu dù công việc đang nợ 1 kế hoạch viết lách cũng như sửa bài trên web mình nhận làm. Sau đó mình chỉ lướt mạng và nằm.
Nhưng sau 4 giờ 30 chiều, mình nhận ra một vấn đề : Bản thân mình cảm thấy mâu thuẫn, tâm trí mình muốn nghỉ ngơi với lý do đau đớn nhưng những thói quen đã trở thành bản năng thì không. Những thói quen như muốn nói với mình rằng : Nhấc mông lên mà chạy đi, mày không đau đến mức đó đâu, càng nằm thì mày càng lười thôi. Nếu đau qua thì chia nhỏ 5-10 phút chạy rồi đi bộ cũng không chết được đâu.
Okay, mình đồng ý và nhận biết rõ về việc chia nhỏ vấn đề và xử lý từng phần một, vì thế đã ngồi dậy đắn đo trong 3 phút để thuyết phục cơ thể rằng : ĐI BỘ 5 PHÚT RỒI ĐI VỀ. Mày không đau đớn đến độ không đi được 5 phút đâu. Thế là xỏ giầy đi ra sân nhà thờ, ban đầu là đi bộ và rồi mình cứ vô thức chay cho tới khi chạy được 12477 bước xấp xỉ 9km.
Sau đó mình lại về tập tạ và chống đẩy 50 cái dù vẫn còn đau. Tiếp theo viết thêm 1 bài chia sẻ nữa rồi ngồi sửa sản phẩm cho khách tới 9 giờ tối rồi lại đọc và thiền như mọi khi. Đến 11 giờ đêm, khi đã gập laptop lại được một lúc thì bên đối tác alo nhắc mình gửi bản kế hoạch cho dự án tới. Vậy là mình lại ngồi dậy, viết kế hoạch và gửi đi trong khoảng 30 phút mà không thấy bực bội hay phiền hà gì hết.
Hôm nay cũng thế,vai và hông vẫn đau dù đỡ hơn một chút, nhưng mình không lấy đó là cái cớ nữa mà chỉ đơn giản chấp nhận trạng thái đau đớn đó nhưng không để tâm hay gắn bất cứ một ý niệm vào nó như đau thì nghỉ làm, nghỉ đọc… Cuối cùng, mình vẫn đọc, chạy và viết được theo đúng chuỗi thói quen hàng ngày mà không gặp khó khăn gì, chỉ là mình giảm thiểu thời gian xuống cho mỗi đầu việc, cũng như thư giãn nhiều hơn thôi. Ví dụ mình đọc và viết trong 60 phút thì thư giãn 10 phút, còn hôm nay vẫn đau thì chỉ tập trung trong 30 phút và thư giãn 10 phút. Thời gian tập trung ngắn khiến mình không phải chịu đựng những cơn đau do chấn thương khi chạy và tập.
Thực tế, có nhiều vận động viên hay nhà văn, nhà khởi nghiệp thành công đều bất chấp thời gian hay trạng thái để hoàn thành những yêu cầu khắt khe với bản thân mà chẳng cần ai phải nhắc. Elon Musk nổi tiếng với câu nói “có vấn đề gì gọi tôi, 3 giờ sáng cũng được, tôi không quan tâm” trong những năm tháng đầu tiên xây dựng SpaceX. Michael Jordan thì bị chệch cổ tay trong một trận đấu, nhưng ngay ngày hôm sau ông đã có mặt sớm nhất ở phòng tập gầm gừ vài lời “Làm cho xong mấy bài tập khốn kiếp ngày hôm nay thôi” với huấn luyện viên thể lực.
Cuối cùng sau lần chấn thương này thì mình càng củng cố một cách sâu sắc vào những kinh nghiệm rút ra từ chính bản thân mình:
1. Chấn thương hay sự sao nhãng không phải lý do khiến bạn rời khỏi những thói quen của mình dù chỉ một ngày. Thói quen chính là một hành động mà bạn vô thức thực hiện mà chẳng cần đắn đo gì cả. Thậm chí, ngay cả khi nghỉ ngơi, tâm trí vẫn không buông tha bạn khi liên tục gợi ý bạn đang tiêu tốn thời gian một cách vô ích dưới cái cớ là đau đớn.
2. Đừng tin vào cảm xúc, trạng thái của cơ thể. Bản thân não bộ hay tay chân đều chỉ muốn bạn duy trì sự lười biếng để bảo toàn năng lượng. Để chống lại sức ì vào những hôm dậy muộn, tắc đường, cãi nhau với người yêu thì hãy chia nhỏ từng mục tiêu ra đến mức dễ dàng nhất có thể với bạn. Từ động lực nhỏ giống như que diêm cháy trong đêm tối này sẽ khởi động cơ thể và trí não đưa bạn vào dòng chảy của sự tập trung – hiệu ứng Hòn tuyết lăn. Bạn càng thực hiện nhiều bước nhỏ, động lực để bạn dễ dàng làm xong những đầu việc trong ngày càng lớn. Nó sẽ giúp bạn hoàn thành hết công việc trong một ngày mưa gió hay cơ thể không an yên.
3. Hạnh phúc, tự hào và mãn nguyện về bản thân là trạng thái bạn đạt được khi bạn đã làm được những gì mình muốn trong bối cảnh tồi tệ như đau đớn hay mất quá nhiều thời gian sao nhãng. Những cảm giác này khiến bạn nhận ra rằng ý nghĩa lớn lao của việc hoàn thành những gì mình muốn làm mỗi ngày không hề khó khăn như bạn nghĩ. Dù 5 hay 6 đầu việc trong một ngày, nhưng với phương pháp chia nhỏ đến mức dễ dàng nhất thì bạn sẽ hoàn thành được hết mà không rơi vào tình trạng mỗi ngày. Để làm được điều này thì cần những thói quen tốt, mà một thói quen tối cũng hình thành từ những cố gắng nhỏ bé nhất có thể mà bạn thực hiện trong mỗi ngày.
Đừng bao giờ bỏ cuộc.Cũng đừng bao giờ đầu hàng.
Bạn kiểm soát trí não mình. Chứ không phải trí não chi phối bạn.