CĂN BỆNH LẠ

“Kệ anh đấy, tôi ngất đây”.

Dứt lời thì cô gái mặc chiếc áo hai dây mỏng tang màu trắng với cổ áo khoét sâu, nhìn rõ cả đầu vú hiện ra sau lớp áo mỏng tang bỗng lăn đùng ra giữa đường trước sự ngạc nhiên của Milo. Dù đây là một vụ va chạm xe cộ, nhưng không đủ lực khiến cô ả ngã ngửa như thế.

Milo không biết mình may mắn hay xui xẻo nữa khi một cô ả xinh đẹp từ trên trời rơi xuống đâm sầu vào mình. “Kệ anh đấy, tôi ngất đây” là những gì vang vảng trong óc Milo nhiều hơn là tiếng còi xe giục giã ở đằng sau. Milo thấy khôi hài chứ gã chẳng có gì lo lắng khi ở trong tình huống một cô gái nhỏ nhắn, cao cỡ một mét sáu mươi, mặc một chiếc áo hở da hở thịt nằm một đống giữa chiếc xe đạp điện và chiếc Wave đen của Gã.

Hai mắt cô nhắm chặt còn hơn cả phiến đá che lấp lối dẫn vào kho báu trong Alibaba và 40 tên cướp. Đôi mắt to vừa mới hốt hoảng khi cô đâm vào Milo giờ nhỏ như đường kẻ chỉ. Gã suýt bật cười khi nhìn vào mắt nạn nhân, một đứa trẻ con cũng nhận ra cô giả vờ bất tỉnh như một diễn viên nghiệp dư.

Nhưng gã vẫn cười. Milo bật ra một tiếng cười to khi gã cúi xuống đưa tay chạm vào vai cô gái lay nhẹ. Mắt cô càng nhắm tịt lại, tay trái cũng nắm chặt chiếc túi xách màu vàng cứ như đó là một phần cơ thể của mình. Milo nhìn chăm chú từng bộ phận của cô gái, từ khuôn mặt xinh xắn, chiếc mũi cao đến phi lý mà gã tin chắc được can thiệp bởi dao kéo, dây áo lót màu hồng một bên vai thì trễ xuống, nhưng kết cấu của bầu vú chắc chắn là vẫn ổn dù không kiểm tra bằng tay. Phần dưới hông cũng thế, đôi chân thì không một vết trầy xước nào cả. Một vụ tai nạn kết thúc trong tốt đẹp!

Tiếng còi xe ô tô phía sau liên tục kêu inh ỏi, vài người đang đi trên đường dừng lại chỉ trỏ vào hiện trường mà Milo dù muốn hay không thì gã chính hiệu là tay phản diện trong một bộ phim với cái kết có hậu, không chết người, không máu me và cô gái vẫn không chịu dậy.

Vụ va chạm chỉ cách thời gian thực không quá hai,ba phút, nên Milo nhớ rất rõ từng chi tiết. Kể cả đoạn quảng cáo bao bao su hay kẹo cao su đang chạy trên màn hình to tướng của khu trung tâm thương mại nằm cách hiện trường chưa tới chục met. Gã đang chạy xe với tốc độ không tới 15 kilomet trên giờ, một vận tốc đủ để tránh một con chuột nếu vô tình băng qua đường.Gã đi chậm tới mức một đám thiếu niên đang đi chơi trên những chiếc xe điện bấm còi loạn xạ cảnh bão gã đừng bò ra đường nữa.

Tình huống tiếp theo cũng không có gì khó nhớ cả, một chiếc Nissan 7 chỗ màu bạc dù ở làn ngoài đường bên phải phóng nhanh vượt qua gã giống với đám trẻ vừa rồi. Chiếc Nissan vừa mới tăng tốc lên chưa được nóng máy thì bất chợt phanh gấp gây gây ra tiếng “kíííííííít” sởn da gà khi một chiếc xe đạp điện từ chiều bên kia thản nhiên bẻ lái đi vào làn đối diện. Chiếc xe đạp điện do cô gái mặc đồ trắng hiện tại đang nằm ngửa mặt dưới đường vẽ một hình loằng ngoằng làm thất kinh các phương tiện khác trước khi tự mình đâm thẳng vào Milo. Một chi tiết đáng chú ý mà Milo phát hiện ra khi nhớ lại, cô ả vừa đi vừa mút trà sữa trước khi đâm vào gã như có chủ đích.

“Chết người rồi, gọi cấp cứu đi!”. Một ai đó đi qua hét lên rồi lại phóng như điên.
“Đồ ngu! Chết rồi thì gọi cấp cứu làm khỉ gì?”. Milo nhún vai nghĩ thầm.
“Trời ơi máu ra nhiều quá!”. Hai cô gái đeo khẩu trang ré lên rồi đưa mắt nhìn Milo chừng chừng. Sự thật máu mà hai kẻ hoang tưởng kia thấy là cốc trà sữa của cô gái rơi ra đường chảy lênh láng một góc từ ống hút. Đó là điểm nhấn khá nhạt nhoà nên mãi bây giờ gã mới để ý.
“Tôi bị dập ngón chân, xe tôi bị nứt yếm mà tại sao không ai quan tâm vậy?”.

Milo thì thầm trong miệng vì sự bất công đó nhưng mọi chuyện vẫn chưa kết thúc với gã. Một tay trung niên với chiếc bụng thùng phi từ đâu lao ra tóm lấy cổ áo và gào rú vào mặt Milo đòi công lý cho nạn nhân. “Gô cổ thằng giết người này vào đồn thôi!”.

Vụ va chạm lãng xẹt và đậm chất sân khấu đã trở thành cuộc hỗn loạn khi thu hút chú ý của đám đông nhốn nháo. Dù bị bao vây và nhận nhiều lời kết tội từ những người không liên quan, nhưng Milo vẫn bình tĩnh nói bằng lý lẽ và nhẹ nhàng gạt tay vài kẻ đã tóm cổ áo mình. Sự hiên ngang của gã cùng những lời giải thích từ tốn, không lắp bắp hay va vấp đã làm nguội khá nhiều cái đầu. Sau cùng phiên toà tại chỗ lấy danh nghĩa của nhân dân quyết định gọi taxi đưa cô gái vào bệnh viện cách đó không tới một cây số. Đám đông cũng chọn hai người tự nguyện áp tải Milo. Nếu có chuyện gì với cô gái, gã sẽ chịu mọi trách nhiệm mà pháp luật quy định.

“Nhưng cô ta có sao đâu, tôi còn thấy cô ấy mở một mắt đó”. Milo lắc đầu nói với hai người đàn ông khoảng 40 tuổi, khuôn mặt mãn nguyện do đã nốc kha khá bia ở quán nhậu bên đường khi tự nguyện áp tải Milo đang ngồi trên chiếc xe của gã. Nạn nhân ngồi kẹp giữa, ngực cô tì sát vào lưng Milo khiến gã không thoải mái lắm nhưng gã còn may chán vì cô ta còn phải chịu đựng hơi thở nồng nạc bia của tay tình nguyện. gã còn lái sử dụng chiếc xe đạp điện của nạn nhân làm phương tiện trên đường tới bệnh viện.

Dọc đường, điện thoại của nạn nhân để trong túi xách đổ chuông. Tiếng chuông nghe đến váng cả đầu, có thể là người nhà hoặc bạn bè gọi nên tay tình nguyện lấy điện thoại, ấn nút nhận cuộc gọi để chế độ loa ngoài.

“Trắng mày đang ở đâu?”. Một giọng hằn học, khô khốc và đầy nguy hiểm khô khốc vang lên. Gã tình nguyện đớ lưỡi ra không nói một câu nào cả. Trực giác mách bảo gã tốt nhất là đừng thở ra dù chỉ một lời.

“Mày câm à? Mày không trốn được mãi đâu. Tao nhắc lại là tự túc mà qua chỗ tao đi, đừng để tao tìm thấy là xong đấy”. Cuộc gọi đến đây là hết.

“Chắc cô ấy vừa tham gia vào một phi vụ cướp ngân hàng rồi nẫng tay trên hết của đồng bọn”. Milo bông đùa, nhưng gã nhanh chóng cảm thấy lố bịch khi chẳng ai tham gia cùng.

Bệnh viện được chọn đưa nạn nhân vốn là tổ hợp giữa đại học y với bệnh viện điều trị. Sự kết hợp hoàn hảo này đem đến một nguồn nhân lực dồi dào đầy những khuôn mặt búng ra sữa thừa nhiệt tình và yếu chuyên môn len lỏi từ sảnh tiếp nhận cho đến các ngóc ngách các phòng, các ban, các khoa trong bệnh viện giống như mùi sát trùng. Mùi sát trùng là thứ Milo ghét chẳng kém gì mùi thuốc lá, cả hai đều là dấu hiệu đại diện cho bệnh tật. Hơn 9 giờ tối nhưng bệnh viện vẫn đang trong tình trạng quá tải, không đủ xe hay cáng cứu thương để đặt nạn nhân từ taxi xuống.

Hai người đàn ông đi theo áp tải Milo thì thay nhau cõng nạn nhân mà cho đến giường khám trong phòng cấp cứu. Băng qua những con người đang rên rỉ, kêu gào, chảy máu, đứt tay, đứt chân đang được sơ cứu khẩn trương thì mới tìm được giường trống cho cô ả. Hai tay tự nguyện đặt cô ả xuống chiếc giường màu trắng mới được thay ga rồi chuồn thẳng ra ngoài khi y tá đi tới muốn ai đó ký xác nhận và đóng tiền nhập viện cho nạn nhân. Milo ký xác nhận có chút căng thẳng nhưng không phải trách nhiệm hay tiền nong, mà bởi tiếng gào thét vì đau đớn của một thanh niên 21,22 tuổi vẫn mặc nguyên bộ quần áo bảo hộ lao động.

Bàn tay phải của cậu thanh niên này bị kẹt vào một cái máy dập kim loại, giờ chỉ còn là lại ngón út đứng vững trên một bàn tay nham nhở lộ cả thịt và xương dù đã được băng bó. Máu phun thành tia từ bàn tay phải đã trở thành dĩ vãng vung vẩy lên ga giường tạo thành một dải ngân hà màu đỏ. Phòng cấp cứu hiện đang quá tải, nạn nhân chỉ mới được tiêm thuốc giảm đau và sơ cứu qua loa.

“Hoá ra chiếc giường trống là có lý do”. Milo thầm nghĩ. Có thể đối với đa số những người hình ảnh tai nạn kia là một thử thách cao độ với thần kinh, còn gã thì việc phải chứng kiến những vụ tai nạn trên đường quốc lộ, bên cạnh những cánh đồng lúa, nghĩa trang, tiếng chuông nhà thờ ngân vang từ xa hay những chiếc xe khách nêm chật kín qua các chuyến lắp đặt thiết bị phần cứng ở các tỉnh thì chỉ là một phân cảnh ngắn giật gân. Có những hiện trường tai nạn, Milo vô tình nhìn thấy còn ám ảnh gã vài tháng trời và xuất hiện với tần suất liên tục tỉ lệ thuận với các chuyến đi công tác của gã. Người chết, máu me là những gì thuộc về công việc của Milo.

Mùi máu, mùi sát trùng hoặc cả hai đã có tác dụng dựng dậy nạn nhân bên cạnh dậy.Trắng theo bản năng quay sang bên cạnh, cô gần như nấc lên một tiếng, thứ âm thanh diễn tả không khí đi vào trong phổi bị nghẽn lại do tim bất chợt nén lại rồi đập nhanh do chứng kiến một cú sốc. Trắng vùng dậy khỏi giường, nhưng cô chỉ chạy được một đoạn ngắn rồi chậm dần và sau đó gục xuống giữa sảnh cấp cứu. Lần này thì Milo tin chắc rằng Trắng ngất thật sự, gã sải những bước dài ngay phía sau cô.

Đám đông chỉ nhốn nháo trong chốc lát trước khi trật tự được vãn hồi bởi hai nữ y tá đã quá quen với các tình huống bất ngờ nhanh chóng xách nách dìu Trắng vào một phòng trực có giường nằm nằm ở cuối sảnh cấp cứu. Milo đi ngay sau hai y tá, trước khi gã kịp đặt câu hỏi thì một một y tá nói nhanh qua chiếc khẩu trang y tế “Không sao đâu, chỉ là quá căng thẳng và sốc khi chứng kiến cảnh máu me thôi”. “Nằm một lát sẽ ổn”. Y tá còn lại nhanh chóng bổ sung.

Phòng trực chỉ dành cho bác sĩ và y tá nên Milo không bước vào tận trong, gã đứng ngoài, đi ra phía cửa sổ nhìn ra một ngã tư lớn với hai hàng cột đèn cao áp chạy dọc, một chiếc hồ nhỏ im ắng bên cạnh, chốc chốc lại có người đi qua. Ngã tư đang thi công cầu vượt trên cao, những khung thép nặng cả nghìn tấn trông như đoạn trường thành của một pháo đài khổng lồ.

Milo thấy túi quần rung, gã nhận được tin nhắn của tay đồng nghiệp hơn mười tuổi thi thoảng hay đi cùng gã trong các chuyến công tác. Tay này hữu ích bên những cuộc trò chuyện bên bàn rượu với khách hàng loanh quanh về “Giá cả hợp lý, chất lượng vượt trội, bảo hành lâu dài”, trong khi Milo sẽ cảm thấy nhẹ nhõm khi cùng nhóm nhân viên lắp đặt thiết bị.Gã không phải là kẻ ít nói nhưng không muốn vừa nói vừa uống rượu. Tay đồng nghiệp ngỏ ý rủ Milo sáng mai đi với mình trong một chuyến đi lắp đặt ở một địa điểm cách Hà Nội 300 cây số.

Milo chỉ nhắn tin đáp rằng mình đang trông người nhà trong viện nên không đi được. Có một lần gã cùng tay đồng nghiệp đi tới một tỉnhxa gần như thế, một vùng đất có bờ kè bê tông dầy chạy dọc bờ biển, nơi mà sự vắng vẻ, yên lặng do thiếu vắng bóng người đến mức Milo không ngủ được. Gã chạy bộ từ nhà nghỉ ra bờ kè, ngồi nghe sóng biển vỗ vào bờ và thích thú ngắm nhìn mấy con mèo nằm trên đường, trước cửa nhà thi thoảng lướt qua kêu meo meo sau cái ngáp dài.

Nhưng ngay sau đó, những hình ảnh này nhanh chóng trôi dạt trở vào kí ức khi Milo nhìn thấy một cô gái với mái tóc dài buộc cao, mặc bộ đồ tập màu đen với áo ba lỗ hở rốn, quần soóc ngắn ngang đùi như vừa trải qua buổi tập kéo dài hai tiếng hoặc hoàn thành bài chạy mười cây số. người cô mướt mát mồ hôi, những hạt mồ hôi trên tóc, trán, hai thái dương, cổ, ướt sũng ở khuôn ngực hấp dẫn xuống tới vùng bụng phẳng cũng lấm tấm mồ hôi quanh rốn, khoác áo bluse trắng, bước chân nhanh nhẹn đi một vòng kiểm tra các bệnh nhân và dừng lại ở bệnh nhân bị mất các ngón tay do máy dập. Đôi chân thon dài của cô đi tới đâu, thu hút ánh mắt đến đấy. Một nữ bác sĩ chân dài là một điểu hiếm có, điều này gã chỉ thấy trong các bộ phim khiêu dâm của Nhật.

“Nhìn chỉ muốn làm một choác”. Có ai đó nhận xét

“Hay đấy, vậy mình gọi cô ta là Làm Một Choác. Mặc dù hơi dài, ban đầu thú vị nhưng đọc nhiều sẽ nhanh nhàm chán. Có khi mất
thiện cảm”. Milo thầm nghĩ.

Gã luôn phân tích rõ ràng mọi thứ như đang lắp ráp thiết bị. Khi quan sát kĩ hơn, gã thấy ngay phía trên rốn Làm Một Choác có một cái bớt hoặc sẹo màu trắng. Có thể đối với người khác thì đó là một khiếm khuyết, nhưng đối với Milo thì đó là điểm nhấn hấp dẫn và trùng hợp. Bất giác gã đưa tay sờ ra sau lưng, ở dưới cánh vai bên phải. Gã cũng có một vết sẹo.

Như có một lực hấp dẫn, gã từ chỗ cửa sổ lặng lẽ tiến tới gần Làm Một Choác đang càu nhàu vì ai đó cuốn băng sơ cứu không được tốt cho bệnh nhân. Cô định chạy ra chiếc tủ kéo đựng dụng cụ sơ cứu để lấy băng gạc, thì Milo đã nhanh tay lấy băng gạc với túi bông đặt trên tủ kéo đưa cho cô. Làm Một Choác cầm lấy rồi chỉ xuốn ngăn bên dưới “Lấy cho tôi kéo và chai thuốc màu vàng”. Milo gật đầu, cúi xuống lấy kéo và thuốc đưa cho cô. Gã lặng lẽ đứng nhìn Làm Một Choác cắt bỏ lớp băng gạc cũ đã thấm đầy máu của thanh niên trẻ, dùng bông vệ sinh phần còn lại của bàn tay mà ai nhìn vào cũng ngất xỉu.

Làm Một Choác khẽ ngước mắt lên trong giấy lát, thấy Milo vẫn đứng đó trong trạng thái sẵn sàng giúp đỡ dù gã đang bất động như một khúc gỗ chăm chú quan sát cô thay băng. Khi bệnh nhân rên rỉ, cô hỏi han cậu thanh niên mấy y tá đã tiêm hay cho uống thuốc giảm đau chưa, rồi thì được bao lâu rồi, cô nói mình biết sự đau đớn của cậu đang chịu đựng, nhưng sẽ không kéo dài đâu, thuốc giảm đau sắp phát tác rồi.

“Chị làm sao biết được tôi đau thế nào chứ chứ! Ai cũng nói với tôi cái giọng giống chị!”. Cậu thanh niên cáu kỉnh nói to.

“Tôi biết thật đấy giai ạ”. Làm Một Choác khẽ mỉm cười. Milo thoáng thấy rằng nụ cười đó mang một ẩn ý rằng cô ta đã từng chịu đựng sự đau đớn còn ghê gớm hơn thế.

Sau khi xong xuôi với bệnh nhân, Làm Một Choác đứng thẳng người đối diện với Milo, gã mới biết cô cao vượt gã một, hai phân. Khuôn mặt Làm Một Choác vẫn còn nhễ nhại mồ hôi, có chút mệt mỏi sau một buổi tập nặng; nụ cười ban nãy vẫn còn phảng phất trên môi cô như sự tái khẳng định với gã rằng mình thực sự đã từng chịu đau đớn hơn thế. Trước khi Milo cất tiếng thì Làm Một Choác đã chỉ về phòng trực, nơi Trắng đang nằm bất tỉnh hoặc giả vờ bất tỉnh.

“Cô ấy nhiễm bệnh rồi, căn bệnh đó không chữa bằng y học được đâu”.

Milo mở hai mắt to nhìn cô, không chớp nói dằn từng lời. “Cô ta bị bệnh? Bệnh gì, sao cô lại biết”.

Làm Một Choác bật cười, cô không bao giờ quen với việc ai đó cứ thắc mắc mãi về điều mình biết trong khi chính cô cũng không thể giải thích về điều đó được. Cô ôn tồn nói với Milo rằng việc mình biết Trắng thực sự có bệnh giống như một món quà và đừng nhìn mình với mặt như muốn nói “Cô bị điên à?”.

“Đó là một năng khiếu mà không biết tôi may mắn hoặc xui xẻo được ban cho sau một biến cố”. Làm Một Choác giải thích khi cô với Milo cùng đi một vòng quanh phòng cấp cứu. Cô khẽ chào những thực tập sinh khi lướt qua họ, tiếng máy chạy tâm đồ kêu tít tít lạc lõng trong sự hối hả và một bầu không khí đặc quánh mùi sát trùng và vô số âm thanh hỗn tạp.

“Anh quen cô ấy à?”. Làm Một Choác hỏi. “Trông hai người chẳng giống một đôi hay là đối tượng trong tầm ngắm”.

“Vâng, rất may mắn là không phải là một đôi”. Milo nhún vai rồi kể lại tại sao mình lại biết Trắng. Gã nhấn mạnh một lần nữa dù độc thân được một thời gian khá dài nhưng chắc chắn Trắng không phải gu của gã.

“Cô ta đẹp mà. Ăn mặc cũng rất hợp mốt”.
“Tôi không thích vẻ đẹp được tạo nên bởi dao kéo”. Milo sờ lên sống mũi mình ám chỉ đến Trắng.

“Anh đúng là trai già khó chiều”.
“Tôi thích bộ đồ tập của cô hơn và cũng thích cả người mặc bộ đồ nữa”. Milo nhoẻn cười khi Làm Một Choác hơi thè lưỡi ra làm điệu nói cám ơn.

“Cô ấy bị một căn bệnh không tên tấn công. Căn bệnh này không có thuốc điều trị và cũng không thể nhìn thấy qua bất cứ hệ thống chụp chiếu nào”. Làm Một Choác nói, lúc này cô và Milo đang đứng ở bên cửa sổ lúc nãy gã đứng nhìn ra ngoài ngã tư ngổn ngang vì đang thi công cầu vượt. “Căn bệnh này cũng giống như một tế bào ung thư ác tính, ban đầu rất nhỏ có khả năng tự nhân đối chính nó cho đến lúc đạt ngưỡng sẽ chiếm lĩnh và kiểm soát vật chủ. Sự tấn công của nó là không thể ngăn cản và nó xảy ra với tôi, với anh và nhân loại. Sự xảo quyệt của nó ở chỗ nó muốn tấn công vật chủ vào bất cứ thời điểm nào nó muốn. Mọi tác động vật lý, trị liệu, mổ xẻ đều vô ích, hoàn toàn vô ích”.

“Ý cô là ai cũng có nguy cơ bị nhiễm thứ bệnh lạ đó?”. Milo đưa tay gãi gãi sau tai.
“Nó còn nguy hiểm hơn cả bệnh truyền nhiễm, vì truyền nhiễm chỉ là một trong những gạch đầu dòng tạo nên căn bệnh này. Nó luôn ở sẵn trong mỗi người, chỉ chờ đến đúng lúc, đúng thời điểm sẽ bùng phát”. Làm Một Choác nhẹ nhàng nói. Milo đứng tựa vào tường, chân duỗi ra, hai tay đút túi quần đăm chiêu nhìn cô như muốn nói cái gì đó nhưng chưa thể sắp xếp, tập hợp ngôn ngữ lại để nói một cách trôi chảy.

“Một lần nữa phải nói rằng cô trông rất chảnh trong bộ đồ tập”. Gã bâng quơ nói trong khi mắt lén nhìn Làm Một Choác trong giây lát rồi lại quay đi vì sợ thất lễ. Cô nhún vai nói rằng phải cảm ơn bạn cùng lớp do đang hẹn hò mà quên mất giờ trực, nên cô đã phải bỏ dở buổi tập và chạy bán sống bán chết tới bệnh viện thế chỗ bạn.

“Trông anh cũng ra dáng dân thể thao đó”. Làm Một Choác nhoẻn cười khi đưa tay vỗ mạnh ba lần lên vai Milo. Cô nói đùa rằng cô vui khi đứng cạnh những chàng trai thấp hơn mình vì có cảm giác dễ bắt nạt hơn. Gã còn cách nào khác ngoài khẽ cười đáp lại đâu.

Milo chuẩn bị đón sinh nhật 29 tuổi, vóc dáng gã tầm thước, tóc cắt ngắn gần như húi cua phơi bày chiếc đầu tròn hoàn hảo; gã thích đồ màu đen, gã nhớ chính xác mình có sáu chiếc áo màu đen cùng một kiểu trong tủ. Xét về mặt xã hội, Milo là một kẻ nhàm chán, gã không thuốc lá, bia rượu, thỉnh thoảng chơi cần sa, một tuần chạy ba buổi, dù có đi công việc ở các tỉnh thì gã vẫn tuân thủ theo thói quen. Gã tuyệt đối không ăn tiết hệt như một tín đồ Do Thái, coi tiết là thứ dơ bẩn, mang nhiều mầm bệnh và làm con người hung hăng. Milo ghét hung hăng dù trong những năm dậy thì, Milo là một thằng nhóc hung hăng coi trời bằng vung. Gã thích đọc sách, sách đưa gã đến triết học và triết học dẫn lối Milo tới một nhánh của mình là phái Khắc Kỷ. Gã lại vận dụng tư duy mà triết học Khắc Kỷ đem lại để trở thành một kĩ sư công nghệ có chuyên môn trong cả phần cứng và phần mềm.

Gã có một vết sẹo dài hơn một gang tay sau lưng, hậu quả của việc vướng vào một vụ ẩu đả với lũ trẻ lang thang ngoài đường đi trấn lột học sinh khi học cấp 2. Gã cũng là một đứa trấn lột bọn học sinh nhát như cáy, và thế là một vụ tranh chấp với một nhóm trấn lột khác hung hãn hơn nhóm của gã diễn ra có cả mã tấu và dao bổ dưa. Vết sẹo đó đau đớn về thể xác, nhưng lại thức tỉnh một con người khác trong Milo. Nhưng cũng chính nhờ vết sẹo đó đã giúp gã trong tuổi dậy thì đã mơ màng với những câu hỏi “Cứ thế này rồi mình sẽ trở thành những gì? Tỏ ra anh hùng, bất trị để lấy oai với bọn con gái và nhận những vết chém như thế này thì được cái gì nhỉ? Đó là điều mình muốn hay chỉ là điều mình nghĩ rằng mình muốn?…”.

Dần dần, thay vào những lần bỏ học đi đấm đá, trấn lột đám học sinh lớp dưới, Milo tìm đến sách để lấp đầy kiến thức bị hổng và xin xỏ cô bé hàng xóm kèm cặp môn toán. Mấy năm sau, một trong những đứa trong nhóm trấn lột với Milo đi tù 18 năm sau khi đâm chết người trong một vụ ẩu đả.

Sống ẩn dật, kiểm soát bản thân và không ngừng học hỏi trong sự im lặng là những gì mà Milo hấp thu từ triết học Khắc Kỷ. Đám đông, sự ồn ào hay tiền tài bắt đầu vuột khỏi tay gã một cách tự nhiên, nhẹ nhàng và chậm rãi. Lý do tại sao Milo luôn đi công tác xa đơn giản vì cả công ty cả trăm con người nhưng ai cũng lảng tránh, đùn đẩy nhau, nếu phải đi thì đều không vui và thoải mái.

Milo ban đầu cũng vậy, rồi gã nhận ra những chuyến đi xa giúp gã không phải lặp đi lặp lại mỗi một việc và dần dần tách khỏi đám đông và rèn luyện chính mình. Gã hoàn thành tốt những chuyến đi của mình, lẫn những chuyến đi của đồng nghiệp nhờ vả. Cuối cùng chuyện này đến tai giám đốc, sếp quyết định giao hết mọi chuyến công tác vào tay Milo.

“Có cái này thì mới có cái kết, có nhân thì mới quả, nếu không thể có cách chữa trị thì liệu có cách không để bùng phát không?”, Milo nhỏ giọng hỏi, gã nhận ra trong lúc suy nghĩ thì Làm Một Choác cũng đã quan sát mình kỹ lưỡng một cách tinh tế.

“Tôi có nói là không có cách chữa trị đâu”. Làm Một Choác mỉm cười đầy ẩn ý. “Nhưng không phải theo cách này”. Cô đưa ngón tay lên ngực Milo nhẹ nhàng miết dọc xuống điểm giữa ngực và bụng.

“Không phải theo cách mổ xẻ vật lý”. Gã nhắc lại lời ban nãy Làm Một Choác nói. Một y tá tiến lại gần thông báo bệnh nhân tức là Trắng muốn gặp gã có chuyện gì đó liên quan đến gia đình cô và anh. Trông cô y tá vô cùng hớt hải và sợ sệt.

Gia đình?

Milo nhíu mày và tự hỏi chuyện gì đang xảy ra và Trắng với trí tưởng tượng của mình đang dàn dựng một vũ trụ mới với gia đình gồm và cô ả là gì vậy. Gã còn hai câu hỏi dành cho Làm Một Choác nhưng cô đã cất bước đi trước. “Anh lo việc của mình đi, tôi cũng đi đây”. Làm Một Choác nói rồi chỉ về một bệnh nhân mới được đẩy vào phòng cấp cứu. “Hãy nhớ là nó đã thao túng vật chủ rồi, bất cứ sự can thiệp nào cũng là vô ích thôi”. Milo nhẩm đi nhẩm lại từng lời khi nhìn theo từng sải chân của cô. Cô có cặp mông đẹp, dù ẩn sau áo bluse trắng thì đó vẫn là cặp mông hấp dẫn. Ai cùng nhìn Làm Một Choác, ban đầu là ngạc nhiên vì trang phục, nhưng rồi lại thấy dễ chịu vì sự có mặt của cô trong căn phòng vô số những dụng cụ y tế lạnh lẽo, mùi sát trùng đến váng óc và tiếng rên rỉ của các bệnh nhân như một bản giao hưởng đến từ địa ngục.

Giống như một người nhặt được đồ bị rơi chạy theo trả lại khổ chủ, Milo với những sải chân dài bỏ lại y tá đã ú ớ tiến tới trước mặt Làm Một Choác đang đứng nhận chỉ thị của một nam bác sĩ lớn tuổi. Nhận ra Milo, ban đầu cô bặm môi vì bị làm phiền, nhưng ngay lập tức chiếc miệng khiêu khích đó duỗi ra thành một nụ cười. Gã đợi cho cô nhận nhiệm vụ xong thì mới tiến lại nói.

“Khi nào cô xong việc?”. Milo cố nén hơi thở gấp hỏi. Tim gã chợt đập nhanh bất thường.
“Sau 12 giờ đêm, vẫn còn nửa buổi tập dang dở đang đợi tôi”.
“Cô tập ở đâu?”.
“Trong sân của ký túc xá ngay sau bệnh viện.”.
“Tôi sẽ qua đó đợi cô. Ừm… chỉ là có hai điều tôi muốn hỏi thôi”.
Làm Một Choác khoanh tay nhìn Milo dò xét xem liệu cô có thể đoán ra được gã định hỏi gì không. Cô đồng ý với điều kiện gã phải cho cô biết hai câu hỏi đó.
“Vết sẹo đó có ý nghĩa gì với cô không? Và liệu cô và…”. Milo đang nói thì Làm Một Choác đưa tay lên môi ra dấu gã hãy dừng lại. “Tôi biết câu hỏi thứ hai rồi. Lát nữa gặp lại”. Cô nghiêng đầu chào Milo, đi tới bên bệnh vừa chuyển tới với sự tập trung cao độ như thể chưa gã chưa tái xuất hiện vậy.

Milo mang theo sự băn khoăn khoăn đó quay trở lại với y tá ban nãy, cô vẫn đứng đợi gã rồi cả hai đi tới phòng Trắng trực đang nằm. Gã nhận thấy cô khá căng thẳng, len lén nhìn mình làm gã bất giác coi đấy là tín hiệu cho biết có rắc rối gì đó liên quan đến Trắng.

Trong phòng không chỉ có Trắng, mà còn có hai người đàn ông khác. Người đang đứng trên dưới 40 tuổi, khuôn mặt góc cạnh, bấm khuyên hai bên chiếc mặc áo polo đen đội mũ lưỡi trai Adidas, quần jean tối màu, hai tay xăm kín lên tới bắp, cổ và tay đeo trang sức vàng đầy phô trương khoanh tay nhìn Milo đầy thách thức. Người thứ hai mặc sơ mi trắng vải bóng xắn lên tới khuỷu tay, mũi khoằm, mắt thâm quầng sâu lõm vào trong, đầu thì cạo trọc nhắn thín. Dù ngồi nhưng gã không giấu được sự cao lớn, vạm vỡ với hai vai nhô lên của mình. đôi tay người này xăm một rồng, một hổ, cũng mặc quần jean đi giày thể thao, tay đeo đồng hồ Rolex bằng vàng khối đang ngồi trên giường, chân gác lên nhau. Người này lớn tuổi hơn, toát ra vẻ đe doạ, làm Milo liên tưởng ngay đến hình ảnh một đứa trẻ cầm đầu nhóm choai choai, nhưng ở mức độ nguy hiểm hơn nhiều.

Người đàn ông đầu trọc này ngồi bất động, mắt nhìn chằm chằm vào Trắng đang viết gì đó trên tờ giấy kẻ ô li đầy vội vã mà không ngẩng lên nhìn Milo đến một khắc. Gã cảm thấy mình còn chẳng quan trọng bằng tờ giấy đang kê trên hai đùi trắng. Y tá sau khi dẫn Milo tới phòng thì vội đi ngay luôn. Sợ hãi là những gì cô cảm nhận được trong căn phòng.
Chỉ còn lại Milo, hai người đàn ông như bước ra từ một thế giới mà gã suýt nữa gia nhập cùng Trắng, người đã kết nối những mảnh rời rạc giữa những con người hoàn toàn xa lạ với nhau vào một tình cảnh hỗn loạn.

Thinh lặng là những gì đang diễn ra tiếp theo, Milo đứng tựa vào cửa, gã không lảng tránh cái nhìn chòng chọc của người đội mũ lưỡi trai, cũng như chẳng bị tướng tá hộ pháp áp đảo để không quan sát nhất cử nhất động của người đang ngồi. Khi Trắng viết xong thì cô ả bỗng nức nở như một đứa trẻ, nhìn Milo mếu máo nói. “Anh ơi giúp em”.

Trước khi Milo bật ra lời thắc mắc thì mọi thứ thì người đàn ông đầu trọc đã lên tiếng với chất giọng ồm, vang và trong tư thế ngồi vắt chân. Người này giới thiệu mình là T, 45 tuổi, giám đốc một công ty tín dụng và chuyên thu hồi nợ xấu. Trắng có vay một số tiền lớn của một bên T, đã hai tháng mà không trả tiền nợ lẫn lãi. Công ty T nhiều lần liên lạc nhưng không được. Nhưng rồi bất ngờ Trắng chủ động gọi và hẹn tới bệnh viện để giải quyết công việc.

“Thế này thằng em nhé”. T đứng thẳng dậy, một tay giật lấy tờ trên đùi T chìa ra trước mặt Milo. “Bọn anh với mày và con này cầm giấy nợ này đến nhà nó. Trong này nó đã viết nó nần mày từng này tiền, nợ lâu ngày chưa trả nên tối nay mày phải đến tận nơi đòi. Chú mày chỉ cần nói đúng theo những gì anh bảo là được. Có gì phát sinh bọn anh sẽ vào hỗ trợ”.

Giọng của T không mang tính chất doạ nạt hay côn đồ mà giống như giải quyết một công việc mà mình thành thạo đến mức nhàm chán.
Milo nhìn liếc vào nợ giấy và ngạc nhiên vì chữ viết đẹp chỉ thấy ở bàn tay của những học sinh ưu tú nhất. Để viết chữ đẹp như thế này thì không chỉ nằm ở rèn luyện mà còn cả tài năng nữa. Còn chuyện Trắng vướng vào nợ tín dụng lâm vào tình cảnh này thì Milo chẳng thấy làm lạ. Gã biết hoặc nghe nói về những chuyện xung quanh có liên quan đến chi tiêu tín dụng vượt khỏi khả năng chi trả. Cả những con người có vị trí cao trong công ty hay thành công trong sự nghiệp cũng vướng vào tín dụng, vì muốn huy động một số tiền lớn để làm ăn hoặc mua nhà.

Đối với nhiều người trạc tuổi với gã, đó không phải chuyện quá to tát hay quá xấu mặt với bạn bè. Chỉ là trả nợ chậm hơn ngày hạn chứ không phải là không trả. Nợ tín dụng chẳng khác gì một căn bệnh, càng để lâu thì số nợ càng lớn giống như một tế bào ung thư ác tính vậy. Không một ai miễn nhiễm với nó cả, trừ phi có thể bước qua hết những cám dỗ mà tín dụng phô bày trước mắt.

Sau khi nghe giám đốc T trình bày kế hoạch của mình, tới lượt Milo nói ngắn gọn và chậm rãi rằng việc này không liên quan đến gã, cũng như gã với Trắng cũng chẳng có liên quan gì đến nhau huống hồ sự việc còn dây dưa đến tiền bạc và các bên lằng nhằng khác nữa.

“Coi như chú mày giúp anh đi”. T xoa xoa cái đầu trọc lóc buông ra những lời có trọng lượng hơn, trong khi tay đội mũ cũng thêm thắt mấy lời vào. “Yên trí, xong xuôi chú mày cũng có phần”.

“Anh là dân chuyên nghiệp, thì anh hiểu cái thế của em không cho phép mình làm như thế dù dưới danh nghĩa là giúp đỡ đi nữa”. Milo nhún vai “Em đứng ra giúp anh thì sau này nếu như gia đình cô ta đâm đơn tố cáo em giả mạo giấy nợ để tống tiền, thì pháp luật sẽ tìm đến em chứ không phải anh”.

“Không có chuyện đó đâu. Có cho tiền thì cũng không dám, anh đảm bảo đấy”. T cười lớn tiếng vang vọc khắp phòng trực trước lý lẽ Milo đưa ra.

“Không đâu anh ơi! Bố mẹ em lành như đất ấy, sẽ không dám làm như anh nói đâu”. Trắng nhào tới nắm lấy cánh tay Milo sụt sịt nói, đôi mắt ướt sũng vì nước mắt.

Milo lặng thinh trước đề nghị lẫn van nài của những con người đang có mặt trong phòng. Trái lại thì T với tác phong của dân chuyên liên tiếp bơm thêm áp lực vào quả bóng vốn đã căng hết cỡ.

“Tuỳ chú mày thôi. Còn về phần con bé này thì một khi nó bước ra khỏi chỗ này anh sẽ không đảm bảo rằng liệu nó lại bị xe đâm, hay tự dưng gạch rơi xuống đầu đâu”. T nghiêm giọng cảnh báo. “Có vay thì phải có trả, còn khi không trả thì sẽ phải chịu hậu quả”.

Milo rút điện thoại trong túi ra, bây giờ là 22 giờ 20, còn khoảng hai giờ đồng hồ nữa mới đến giờ hẹn với Làm Một Choác. Chưa đến 5 phút trôi qua gã đã thay đổi quyết định. Milo đồng ý nhận vai nam chính trong màn đòi nợ này nhưng gã muốn mình sắp xếp mọi chuyện. Gã không muốn đóng vai người tốt nhưng cũng không muốn lôi thôi với đám T này. Gã không sợ trước những lời đề nghị mang tính uy hiếp. Gã nhận lời vì đây là nhân quả của việc va chạm giữa gã với Trắng mà muốn tránh cũng không được.

“Nhất trí”. T ngáp dài một cái nói. “Tiểu thư đừng õng ẹo nữa, nhanh chân xuống khỏi giường hộ tôi cái”. Trắng răm rắp làm theo lời T như một cái máy.

Bốn người rời khỏi phòng trực, đi đầu là T cùng chiến hữu, Trắng theo sau còn Milo thì tụt hẳn phía dưới một đoạn. Lúc này Làm Một Choác với y tá vừa này đi ngang qua. T huýt sáo khi trông thấy cô khiến Milo cảm thấy một sự khó chịu trào dâng bên trong. Trên tay nữ y tá là hoá đơn viện phí và giấy xuất viện, trông cô run cầm cập không dám nhìn T và tay đội mũ.

Milo nhận ra dường như Làm Một Choác và Trắng có vẻ quen biết nhau dù cả hai đều cố ý như không nhìn thấy người kia. Gã ký giấy, thanh toán viện phí rồi đưa lại cho y tá và nhận một cái nhìn trách cứ từ Làm Một Choác. Cô nắm tay y tá kéo đi thật nhanh như muốn tránh xa Milo vậy. Gã định cất lời nói gì đó. nhưng cô đã cách một khoảng rồi.

Từ sảnh chính bệnh viện ra bãi đỗ xe cách đó mấy chục met, Bên ngoài oi ả, hầm hực bởi tác động của đợt nắng nóng kéo dài cũng chẳng dễ chịu gì so với mùi sát trùng bên trong phòng cấp cứu. T và đàn em đi trước tạo ra một sức ép vô hình, làm ai cũng nhanh chân tránh đường không dám đi ngang qua. Milo đi ngay phía sau Trắng, cô không rời mắt khỏi điện thoại một giây nào mà cứu đi theo bản năng dẫn dắt. Milo nhận thấy rằng cô chẳng có vẻ gì lo sợ khi về nhà van xin bố mẹ trả nợ cả.

Bốn người ngồi trong chiếc Honda CRV màu đen do tay đội mũ lái, thẳng tiến tới nhà của Trắng cách không xa bệnh viện. Dọc đường phải cách một quãng mới có đèn cao áp chiếu sáng, khi chiếc CRV đi qua một doanh trại quân đội, một người lính gác lờ mờ hiện ra dưới ánh đèn. Trên đường đi, Milo hỏi Trắng chi tiết về tính cách của bố mẹ cô cũng như nói cho Trắng biết cô phải làm những gì và nói như thế nào. Trắng cho gã biết mẹ cô rất sợ dây dưa và sẽ chấp nhận trả nợ ngay, còn bố cô thì đa nghi, không dễ bị đe doạ và thoả hiệp. Mẹ Trắng là người giữ chìa khoá két sắt, nhưng bố cô mới là người ra lệnh mở két hay không.

“Lần thứ mấy bố mẹ phải trả nợ cho cô rồi?”. Milo hỏi, mắt đang chú ý đến chiếc xe tải đang bấm còi inh ỏi đòi vượt. Gã không tò mò chuyện đời tư người khác, nhưng nếu đây không phải là lần đầu thì cách giải quyết sẽ khác. Trắng túm chặt hai tà áo lí nhí đáp đây này là lần thứ ba.

Nhà Trắng nằm trong một ngõ lớn, ô tô hai chiều đi thoải mái, có cả quán cà phê và cửa hàng thời trang, gần 11 giờ đêm mà trong ngõ vẫn khá sầm uất, đông người qua lại. Vào ngõ xe đi khoảng hai trăm mét nữa là đến ngôi nhà bốn tầng nằm ngay mặt ngõ với mặt tiền rộng tới chục mét, cùng các lan can ban công bằng sắt uốn lượn kiểu Âu đẹp mắt. Mỗi ban công đều có gắn đèn ngoài trời hai bên và treo những chậu hoa nhỏ. Milo mở cửa ra khỏi xe trước tiên, rồi đến Trắng. Gã nhắc lại một lần nữa những gì Trắng sẽ thứ tự lần lượt nói với bố mẹ, Trắng nhẩm đi nhẩm lại trước khi mở cửa vào trong thông báo.

T và chiến hữu cũng ra khỏi xe, cả hai mỗi người một góc, rút điện thoại ra gọi và hút thuốc trong khi chờ đợi. Milo đi vòng tròn trước ngôi nhà, gã vừa đi vừa đếm bước chân, đúng 100 bước lại đếm lại từ đầu. 5, 10 rồi 15 phút trôi qua mà cánh cửa vẫn chưa mở. T cùng tay đội mũ hút thuốc nhiều đễn nỗi khói thuốc đặc quánh lại trong không khí không tan được. Đúng lúc này thì tiếng bản lề kêu két một tiếng, Trắng bước ra cùng với mẹ và bố mời Milo vào nhà nói chuyện.

Bố mẹ Trắng với diện mạo của đôi vợ chồng tri thức trung tuổi sắp về hưu điển hình, đeo kính, vóc dáng tầm thước, không trang sức, có những khoản thu nhập ngoài lương lậu và chú ý đến trang phục khi tiếp khách. Dù tối muộn nhưng bố Trắng vẫn mặc áo sơ mi cộc tay có túi trước ngực dắt một cây bút, quần soóc dài quá gối còn bà mẹ diện váy dài màu xanh lam ra tiếp khách. Cả hai dù đã chuẩn bị tinh thần nhưng có vẻ vẫn giật mình khi thấy chủ nợ của con gái.

“Trắng, lại đây”. Milo đứng khoanh tay gọi con nợ với giọng điệu không thể kiên nhẫn được nữa, mắt gã nhìn thẳng vào Trắng làm cô giật mình. Đúng theo kịch bản, Trắng vội tiến tới đứng cạnh Milo để bố mẹ cô trong ba người ai là chủ nợ. “Đã nói rõ với bố mẹ chưa?”. Cô gật đầu như một cái máy.

Thấy con gái tỏ vẻ cúc cung trước Milo thì mẹ Trắng tới bên đỡ lời “Em nó đã nói hết rồi. Mời cậu vào nhà nó chuyện”. Milo không nói không rằng, đi thẳng tới cửa sau khi nói với T “Lát nữa em gọi anh”. Theo thói quen, bố Trắng chìa tay ra bắt nhưng ngần ngừ vì không biết hợp với tình cảnh không. Milo bắt tay ông bố một cách hờ hững có chủ ý, ánh mắt thể hiện sự mất kiên nhẫn, đi song song với chủ nhà vào bên trong. Một vụ dàn dựng tương tự như cướp nhà băng, có êm xuôi trót lọt hay không nằm ở những tiểu tiết nhỏ bé nhất. Trắng với mẹ theo sau.

Ngồi ngả lưng trên chiếc sofa màu hổ phách, uống một hơi hết nửa cốc trà mà mẹ Trắng rót vào chiếc cốc thuỷ tinh, Milo từ tốn trả lời mọi câu hỏi của bố Trắng tập trung vào lý do tại sao lại cho Trắng vay một số tiền lớn mà bản thân cô mới ra trường chưa có việc làm. Gã thản nhiên nói rằng vì Trắng cam kết nếu không trả được thì bố mẹ sẽ trả và nhà cô có tiền.

“Trắng, xác nhận với bố mẹ em giúp anh”. Milo nhếch môi cười, cái cười của đao phủ dí dao vào yết hầu nạn nhân. Bố Trắng thở dài khi con gái nói vâng. Tuy nhiên ông vẫn chống trả lần cuối trước khi buông xuôi. Ông nói Trắng đã nằm trong danh sách đen nợ xấu của mấy ngân hàng và không tin là Milo không biết điều đó và tại sao lại vẫn cho Trắng vay số tiền lớn như vậy.

“Đó là công việc của cháu và là cách cháu kiếm cơm”. Milo lạnh băng nói. Bố Trắng buông cờ đầu hàng, không vặn vẹo nữa nhưng Milo tin rằng những lời ông lầm bầm chắc đang trù ẻo gã những lời độc địa nhất.

Không nói không rằng, bố Trắng chỉ vợ lấy chiếc ca táp để ngay cạnh tivi, lấy ra mấy cọc tiền đặt trước mặt Milo. Có cọc tiền vẫn còn nằm nguyên trong một chiếc phong bì lớn mà Milo nhìn thấy rõ ràng tên người gửi. Bố Trắng rút chiếc bút bi ở túi áo sơmi kèo theo một tờ giấy đặt xuống bàn ngay cạnh mấy cọc tiền. Ông muốn Milo viết xác nhận đã nhận đủ tiền nợ. “Cháu viết rõ rằng số chứng minh, điện thoại và địa chỉ nhà vào xác nhận cho bác”.

Milo khẽ giật mình, định thốt ra điều gì đó nhưng gã lại ngậm miệng lại. Tim gã đập nhanh bất thường như báo hiệu cơ thể bất chợt bị một căn bệnh xâm phạm mà không thể ngăn cản. Gã cảm giác rằng mọi tế báo bên trong gã đang bị huỷ hoại, đồng thời màn kịch sẽ đổ bể khi những rung động nhỏ nhất của cơ thể khiến đôi mắt săm soi của bố Trắng phát hiện thấy.

Milo mỉm cười, gã cầm bút, nhanh tay viết từng dòng từng chữ từ “Cộng hoà xã hội… Số nhà xxx… Đã nhận đủ tiền… Xin chịu mọi trách nhiệm trước pháp luật… ký tên.. Milo”.

Ký xong Milo nhẹ nhàng gấp đôi tờ giấy lại đặt vào tay bố Trắng. Gã cầm từng cọc tiền đếm nhanh với một thái độ thờ ơ, dửng dưng trước từng tờ bạc 500 ngàn. Đếm xong, gã đứng dậy, hai bàn tay dang rộng cầm mấy cọc tiền trên bàn đi chậm rãi về phía cửa sau khi đã chào gia chủ. Trắng ngay lập tức theo sau lí nhí nói “Để em ra mở cửa”. Trông cô rạng rỡ sau khi được bố mẹ thanh toán nợ nần dù vẫn còn run.

Ra ngoài thì Milo mới biết là đã hơn 11 giờ đêm. Mọi âm thanh từ tiếng người và tiếng xe đã vãn đi nhiều, ánh đèn từ toà chung cư phía xa chỉ còn trơ trọi vài căn. Gã đàn em của T đang ngồi trong xe lắc lư theo tiếng nhạc, T thì gọi điện ra lệnh cho một cấp dưới khác mai chuẩn bị quà bánh đi tới một trung tâm từ thiện ở ngoại ô. Khi thấy Milo và Trắng bước ra khỏi cửa, gã chép miệng một tiếng hài lòng sau khi hoàn thành công việc dù vẫn đang sắp xếp chuyến từ thiện ngày mai.

Milo đi ngang qua gã, lẳng lặng đặt từ cọc tiền lấy nắp capo chiếc CRV, tay đàn em T hạ cửa kính xuống hất đầu nói “Thằng em được việc đấy”. Lúc này T đã gọi điện xong, gã tiến tới vỗ lên vai Milo nói “Con bé bảo chú mày diễn như thần”. Mặc cho Milo quay lại nhìn mình và Trắng vì chưa hiểu rõ lời vừa nói, T cầm một cọc tiền đếm qua rồi ném cho Trắng cách đó dăm bước. “Phần còn lại của tiểu thư. Ông bà già tiểu thư xộp thật đấy. Đã trả hết nợ lại còn kênh ra một khoản để tiêu”.

Milo loá mắt vì thiên tài trong màn kịch cuối cùng đã xuất hiện. Những sợi thần kinh hiện rõ trên hai thái dương gã vì bị khích động trước đoạn cuối này. Lồng ngực gã căng ra và nhói lên những cảm giác vừa khó chịu vừa đau đớn như có ai đạp vào. Những hiện tượng này cũng đánh thức một con người khác, con người trước đây nhuốm đầy bệnh tật trong Milo đang kêu gào gã phản kháng lại. Milo hít một hơi sâu để nói nột đoạn thoại cuối cùng trong vai của mình.“Xong xuôi rồi thì em về đây”.

Gã phải nhanh chóng rời khỏi đây, chạy trốn thật xa những kẻ mang mầm bệnh tai ương rồi. Không phải, mà là tất cả đều đã nhiễm bệnh hết rồi và sắp bị nó chiếm đoạt cả thể xác lẫn linh hồn rồi.

T nói nếu Milo quay lại bệnh viện lấy xe thì mình cũng tiện đường qua đó, nhưng gã từ chối vì muốn đi bộ. T rảo bước theo sau Milo dúi vào tay gã mấy tờ 500 ngàn cùng cạc-vi-sit của công ty mình.

“Nếu muốn đổi nghề thì cứ gọi cho anh”.
“Tiền gì đây?”.
“Phần của chú mày đó. Gọi cho taxi mà về”.

Milo đi ngược lại con đường đã đưa gã tới nhà Trắng, sân khấu chính của màn kịch. Trên quãng đường quay trở lại bệnh viện, Milo từ chối nhiều lời chào mời của taxi hay Grab bike. Ánh sáng lúc này chỉ còn trên những cột đèn cao áp nhưng soi rõ cả các góc khuất nhất của đống đổ nát vốn là những ngôi nhà vừa đập bỏ để làm đường cao tốc. Milo vừa rảo bước đi qua một bãi rác thải bốc mùi mà ngay cạnh đó cắm một biển gỗ tự chế sơ sài “Người văn minh thì không đổ rác ở đây!” viết bằng phấn trắng. Con đường với những nhu nhà đổ nát kết thúc ở ngã tư lớn với cầu vượt vắt ngang, bên kia là một công trường với những nhịp cầu lớn dành cho tàu cao tốc đang chậm rãi ráp lại với nhau. Một ngã tư nữa là tới bệnh viện.

Những tờ tiền bạc mà T đưa cho Milo đang nằm gọn trong túi quần gã dù gã chưa bao giờ đòi hỏi cát xê cho vai diễn. Những tờ bạc này từ đâu mà ra, kiếm được bằng lương thiện, chăm chỉ hay bằng cách khác là một câu hỏi siêu hình mà Milo không muốn nghĩ đến. Giống như một người cất bước rời khỏi rạp chiếu khi phim kết thúc, gã cũng quên đi một vài tình tiết chẳng quan trọng trong phim dủ rằng chính mình đóng một vai quan trọng. Milo so sánh chuyện vừa diễn ra với những chuyến đi tỉnh xa của gã. Gã cũng được phân vai và làm đúng mọi thứ gã phải làm, mà chẳng bao giờ quan tâm những tình tiết khác dù biết cũng nhưng không phải việc của gã.

Tất cả đều thở chung một bầu không khí, rồi đến khi bầu không khí đó bị khua khoắng bởi một chủng virus nào đó rồi dần dần lan toả như một dịch bệnh đổ xuống nhân sinh. Nếu đã không chừa một ai thì liều thuốc cho căn bệnh này không phải là ai nhiễm ai không, mà là ai sẽ sống chung được với nó. Nhưng bằng cách nào để sống chung được mà không bị căn bệnh lạ này thao túng?

Milo tin rằng câu trả lời nằm ở Làm Một Choác. Gã đang đứng ở ngã tư thứ hai, bên trái là toàn nhà mang tên một nữ thần Hi Lạp, bên phải là hướng tới bệnh viện và hồ nhỏ bên cạnh. Milo rẽ bên phải đi thẳng tới khu ký túc xá nằm sau bệnh viện dù gã chẳng biết đường đi nước bước.

Lúc Milo tìm đến được sân của ký túc xá thì Làm Một Choác đã ở đó. Cô đang tập những bài cơ bụng trên chiếc thảm yoga màu đỏ. Ngay cạnh ký túc xá là một sân bóng với những đèn chiếu công suất lớn vẫn bận để dọn dẹp khi các đội bóng đá nghiệp dư giải tán. Làm Một Choác cũng vừa tập nốt những hiệp cuối cùng. Cô nói rằng mình đã ở đây được 30 phút, nhưng hẹn Milo sau đó để tập nốt. Lúc này cô không còn khoác chiếc bluse trắng nữa, chỉ còn bộ đồ tập thấm đẫm mồ hôi và vết sẹo ngay trên rốn.

“Anh định hỏi tôi với Trắng có quan hệ gì với nhau phải không nào?”. Làm Một Choác chống hay tay lên hông nghiêng đầu nói.
“Và ý nghĩa của vết sẹo của cô nữa”. Milo gật đầu
“Đây là lần đầu tôi nghe thấy một người nói rằng vết sẹo cũng có ý nghĩa đấy”. Làm Một Choác cười. “Nhưng đúng là nó có ý nghĩa thật đấy”.

Làm Một Choác chỉ về chiếc ghế đá, cô ngồi xuống trước, Milo cũng ngồi theo nghe cô kể lại câu chuyện từ lúc mình bị nhiễm bệnh. Cô và Trắng trước đây là hàng xóm, bạn học cùng lớp với nhau. Cô nổi tiếng là đứa đập phá, du côn, bỏ học đi chơi với bọn con trai triền miên còn Trắng là lớp trưởng, năm nào cũng là học sinh xuất sắc, thậm chí còn có cả học bổng của thành phố. Làm Một Choác nói rằng cô không nhớ nổi bao nhiêu lần mình ăn cắp đồ trong siêu thị, bùng tiền chơi nét cùng hàng tá trò quậy phá khác. Cả lớp lẫn giáo viên đều thấy cô hỏng bét và không thể đào tạo được. Thậm chí dù Làm Một Choác không làm gì cả, nhưng trong lớp có ai mất tiền hoặc đồ thì giáo viên sẽ khám người cô đầu tiên.

“Trước thời điểm thi tốt nghiệp và đại học, tôi biết mình bị nhiễm bệnh vô phương cứu chữa. Căn bệnh đã ăn sâu vào mọi ngóc nghách bên trong tôi suốt mười mấy năm. Mỗi ngày nó dần dần đong đầy tôi bằng Bảy mối tội đầu là đố kị, căm tức, tham lam, lười biếng, dâm dục, kiêu ngạo và có lẽ cả phàm ăn nữa. Tôi khao khát được sinh ra trong gia đình như Trắng, học giỏi và được bạn bè quý mến như thế, nhưng tôi lại chẳng muốn làm gì để đạt được điều đó cả. Dù là điều nhỏ nhoi nhất, tôi thích hưởng thụ chứ chẳng nghĩ tới phải hành động để có được thành quả”. Làm Một Choác mỉm cười khi phô bày con người trước đây của mình.

“Dù biết mình là một đứa không ra gì nhưng tôi vẫn sợ và muốn khỏi bệnh. Bằng cách nào đây? Tôi sẽ không biết và mãi mãi không bao giờ biết nếu không phải có ngày mà tôi mình trần đứng trong chiều mưa bão đó”.

“Nghĩa là cô không mặc áo theo đúng nghĩa đen”. Milo cắn môi, hai đôi vai khẽ rung lên dù đôi tay gã đang khoanh chặt lấy. Làm Một choác vuốt mấy sợi tóc đang rủ xuống mặt khẽ gật đầu.

Cô đứng dậy, không nói không rằng cầm lấy tay thuận của Milo đặt lên vùng bụng phẳng lì vẫn còn dinh dính mồ hôi sau buổi tập. Cô nhẹ nhàng nắm lấy ngón trỏ của Milo, đưa nó chầm chậm trườn dọc theo vết sẹo của mình, từ trên rốn, luồn qua chiếc áo tập lên tới xương ức. Milo định rụt ngón trỏ lại khi nó chạm đến vào bầu vú bên trái nhưng Làm Một Choác nắm chặt lấy cổ tay gã khe khẽ nói “Không sao cả, tiếp tục đi”. Gã cảm nhận sự săn chắc của bầu vú cỡ bằng qua cam, nhưng cũng kinh sợ khi biết viết sẹo tiếp tục đi theo hình lưỡi liềm liếm gần trọn vú trái của Làm Một Choác. Ngón tay Milo cũng khẽ rung lên mỗi khi trái tim của cô đập từng nhịp đều đều căng đầy nhựa sống.

“Ai đã làm chuyện này?”. Milo hỏi tựa như không tin vào những gì mà ngón tay gã càm nhận được.

“Chính tôi đã tự cầm dao, một con dao găm sắc bén tạo nên vết sẹo mà anh vừa sờ”. Làm Một Choác bình thản nói.

Hôm đấy bão về Hà Nội, mưa như trút nước, nhiều nơi bị ngập và cô kẹt lại ở con đường trũng mình hay lang thang với những ngôi nhà xen lẫn trong khu tập thể ít neo người qua lại. Làm Một Choác nói rằng mưa ngập như thế này càng hay, vì lúc đó cô cũng muốn kiểm tra mức độ bệnh tình của mình ra sao. Cô sợ không muốn nói một ai và cũng không mong chờ ai cứu giúp mình với sự góp sửa của trận mưa bão. “Tôi cởi chiếc áo sơ mi trắng ướt nhẹp vì nước mưa, chiếc áo lót màu đen thuổng trong chợ rồi từ từ rạch từ dưới lên trên. Máu và nước hoà lẫn vào nhau nhưng tôi không đau một chút nào cả, nỗi sợ bệnh tật lấn át cả nỗi đau trong tôi”.

“Tại sao?”

“Vì tôi muốn lấy trái tim của mình ra trước khi nó bị căn bệnh tấn công trong một ngày mà sự tuyệt vọng của tôi lên tới đỉnh điểm không thể chịu đựng được nữa. Tôi sợ chết nhưng lại làm một việc thừa sức giết chết mình. Và trước khi bất tỉnh vì mất quá nhiều tôi biết dù không xứng đáng nhưng mình vẫn được cứu rỗi.”.

Làm Một Choác cười rồi ngồi xuống ghế. Chuyện đó đã xảy ra mấy năm trước nhưng ánh sáng cứu độ của nó vẫn làm cô cảm thấy như thể vừa được tái diễn.

“Vài giờ sau tôi tỉnh dậy thì trận mưa chỉ nhỏ hơn chứ không kết thúc và trời chuyển tối đen kịt. Cho tới bây giờ tôi vẫn nhớ rất rõ cái vị của đất cả, nước mưa hoà lẫn với máu sộc vào miệng khi tỉnh dậy. Cả mặt đất tràn ngập nước cứ như đang trải qua dư âm của trận Hồng Thuỷ thời cổ đại. Vết rạch không giết chết được tôi, trái lại tôi còn cảm thẩy rằng những tế bào ác tính của căn bệnh cũng theo dòng máu chảy hết ra ngoài khi tôi bất tỉnh. Tôi dường như đã chết để rồi sống lại trong trận mưa lớn. Tôi nhận ra là trái tim tôi vẫn khoẻ mạnh và nhịp đập của nó như muốn nói với tôi rằng hãy sau cho xứng đáng sau lần dại dột này. Tôi nhặt chiếc nịt vú cùng áo sơ mi lên mặc lại, ôm lấy ngực vẫn đang rướm máu đi về nhà khi nước ngập đến bắp chân. Sau đấy thì mọi chuyện đi theo một hướng khác và anh thấy rồi đấy”.

Giọng cô nhè nhẹ kể lại biến cố với sự ngọt ngào để người nghe không bị chấn động bởi sự đau đớn mà mình đã trải qua. Dư âm của câu chuyện để lại giống như đầy mộng mị làm Milo cứ như đang đọc một trích đoạn sách Sáng Thế.

“Vậy câu trả lời của cô cho câu hỏi thứ hai của tôi là…”. Milo bất giác sờ vào vết sẹo sau lưng mình, gã nhận ra rằng dường như câu trả lời của Làm Một Choác cũng chính là điều mà mình đang nghi ngờ và cân nhắc.

“Dù là kẻ bệnh tật nhất cũng đều có cơ hội khỏi bệnh và tiếp tục sống nếu tin rằng mình sẽ được cứu rỗi. Đó là điều đưa đẩy tôi học trường Y vì tôi không muốn mình chỉ nói mà còn trong cả hành động nữa. Ít nhất thì tôi cũng mổ xẻ cho ai đó không xấu xí như cho chính mình”. Làm Một Choác nè lưỡi khi gợi nhớ lại kỉ niệm cũ.

“Cô đã làm được rồi đấy. Mà này, cô đã buồn ngủ chưa?”.Milo tựa tay lên thành ghế hỏi vu vơ.

“Cũng khá buồn ngủ rồi nhưng sao thế?”. Làm Một Choác làm bộ ngáp một cái.

“Cô có muốn nghe câu chuyện cũng liên quan đến một vết sẹo không?” Milo tủm tỉm cười, gã rất hiếm khi mở miệng kể về chuyện đó.

Làm Một Choác, chân duỗi thẳng chống tay lên thành ghế, đôi mắt hết nhìn Milo rồi lại nhìn lên bầu trời đêm ước lượng thì thầm với gã.

“Anh kể mau lên nhé, bảo vệ sắp đi tuần vào đây rồi đấy”.

Photo Raiko

Lan tỏa nếu thấy hay nhé:

Viết một bình luận