CHUYỆN Ở HỒ LUÂN HỒI

 

1. Nusi và người áo trắng.

Tôi chia tay Nusi vào ngày 23 Âm lịch. Ban đầu là tình đơn phương, về sau thì yêu thật nhưng ngắn ngủi lắm.

Tôi tin chắc chuyện này sẽ tạo nên hàng tràng cười vỡ ruột cho đám bạn, nếu bất chợt cao hứng tôi để lộ ra khi chia tay vào một ngày đặc biệt như thế. Ngày mà ba người trong truyện dân gian cổ xưa đã chết cho vẹn chữ tình với nhau.

Tôi và Nusi, viết tắt của ngu si, biệt danh mà nàng – tức người yêu cũ – tức Nusi đặt cho mình. Còn Nusi có ngu thật không thì tôi không chắc

Nusi hay cười nắc nẻ mỗi khi có ai đó ngẩn ngơn khi bị nụ cười với hàm răng trắng đẹp của nàng đánh gục. Tất nhiên những chiếc răng trắng không thể nào có ma lực như vậy nếu thiếu đi sự ngây thơ rất tự nhiên khi nàng cười. Ôi, chính vì nụ cười ấy, khuôn mặt ấy mà tôi đã yêu Nusi kể cả khi nàng đã có bạn trai. Một tay liên tục được ngắm nhìn thân thể nhỏ nhắn, hôn lấy hôn để lên đôi môi mềm và có vị ngọt của nàng mỗi khi hai người ngủ với nhau trong đêm. Vậy đấy, trong khi tôi chỉ một lần lo lắng vì nàng mặc chiếc áo sơ mi quá mỏng để lộ áo lót ren màu vàng đi phỏng vấn thì Nusi cáu kỉnh nói :

“Kệ em. Anh quan tâm đến em như vậy cũng đâu khiến em ngủ với anh một lần được?”. Ồ, tôi có tổn thương nhưng vẫn yêu Nusi. Mù quáng thật.

Khoan đã, tại sao tôi biết môi nàng ngọt ư? Trước khi chúng tôi yêu nhau vỏn vẹn trong ba tuần, tôi chỉ hôn lướt lên đôi môi của Nusi khi đưa nàng ra ga Hàng Cỏ. Nàng cười rồi hẹn tôi 3 hôm sau lúc 4 giờ sáng đứng ở đây đón nàng.

“Nhớ đón em đấy. Nghe chưa”.

Tôi đã làm đúng như Nusi nói. Đêm hôm đó rất lạnh, gió thổi ù ù khiến cho những cành của cây hoa sữa trước cửa nhà tôi quật liên tục vào tường. Tôi không ngủ được. Ý nghĩ được đi chơi đêm với Nusi làm tôi cương cứng liên tục. Vì quá yêu và đong đầy cảm xúc về nàng. Đến giờ tôi mặc ba chiếc áo, chiếc bên ngoài dày và dài hơn bên trong, kèm theo chiếc khăn len màu xanh rêu rồi lẳng lặng dắt xe ra khỏi nhà với sự nhẹ nhàng nhất có thể. Lúc đó là 3 giờ 30 phút. Trước đó ngoài cương cứng ra thì tôi đọc sách, nghe nhạc để giết thời gian. Hôm đó là 26 tháng 12, ngày lễ Giáng Sinh vừa mới kết thúc được mấy tiếng.

Ngoài đường vắng tanh, nhiệt độ xuống tới 12-13 độ. Buốt đến mức hai thái dương của tôi cứ giật giật. Đi gần tới công viên trung tâm thì một màn sương bao phủ khắp công viên, lan tới cả hồ Luân Hồi cách đó hai làn đường. Dù đường vắng tanh, nhưng tôi vẫn đi chậm, vì có lần tôi phóng nhanh trên đoạn đường này suýt nữa thì đâm chết người. Tôi không biết có phải là sự ám ảnh đang làm nhiễu đi giác quan của tôi không. Sau vụ suýt xảy ra tai nạn, mỗi khi đi qua công viên và hồ Luân Hồi vào lúc muộn, tôi luôn nhìn thấy người mặc áo trắng. Người đó khi thì ngồi ở ghế chờ xe bus, lúc lại đứng trong bãi cỏ nhìn về phía hồ phẳng lặng trong đêm tối.

Lần đi đón Nusi ở ga Hàng Cỏ cũng thế, người mặc áo trắng đang ngồi trên ghế đá và vẫn nhìn phía hồ. Đó có lẽ là một cô gái vì lần này tôi thấy mái tóc đen để xoã dài tới ngang lưng.

“Phong cách gái xưa à?”. Tôi thầm nghĩ khi đứng đợi đèn đỏ. “Lỗi mốt quá rồi”.

Mấy phút sau khi gặp người áo trắng, tôi đã nhìn thấy chiếc taxi đầu tiên đang bật nhạc đợi khách. Tiếng còi tàu từ xa vọng lại như báo hiệu đêm sắp kết thúc. Người bán rong, đám lái xe tụ tập bên những quán trà là mấy chiếc bàn nhựa cũ kĩ. Vài tốp khách du lịch mắt xanh mũi lõ đeo những chiếc balo chật ních đồ cầm bản đồ và điện thoại và nhẹ nhàng bàn luận với nhau. Mùi khoai nướng và ngô luộc làm tôi nuốt nước miếng, nhưng Nusi đã nhắn tin nói tôi hãy đợi để ăn hạt dẻ nàng mua trên vùng cao với mình. Nusi bảo có chuyện muốn nói với tôi.

Đúng 4 giờ, tiếng loa thông báo chuyến tàu Lào Cai – Hà Nội đã có mặt ở ga. Mấy phút sau Nusi xuất hiện, nàng mặc áo cổ lọ màu cam, đeo găng, tay cầm hạt dẻ, chiếc balo màu hồng phấn sau lưng. Từ xa nàng cưới hớn hở với tôi. Có những thứ đơn giản có thể giết người theo nghĩa bóng. Nụ cười của Nusi là một kiểu giết người không dao như vậy.

Nusi cầm gói hạt dẻ chạy chỗ tôi dừng xe và tránh được cái ôm của tôi. Nàng cởi găng tay, nhẹ nhàng vuốt má tôi. Lòng bàn tay nàng ấm, làm tan sự giá buốt của đoạn đường từ nhà tới ga đang đọng lại trên khuôn mặt tôi.

“Đi tìm chỗ nào ngồi đi. Em rất muốn hỏi anh câu này”.

Nụ cười của nàng một lần nữa toả sáng. Tôi nhận thấy Nusi muốn trao cho tôi thứ gì đó, thứ mà tôi muốn nhưng không còn quan trọng nữa ở nàng. Tôi nhạy cảm với những đổi thay rất khe khẽ và nhẹ nhàng của người khác. Chỗ tôi chọn để ngồi nghe nàng là hồ Luân Hồi, rất gần với ga tàu. Dù đã cố gắng tìm chiếc ghế đá lẩn khuất và kín đáo nhất nhưng tôi vẫn gặp người áo trắng. Cô đang ngồi ở bờ kè chạy dọc hồ, cách tôi và Nusi một quãng khá xa nhưng vẫn nhìn thấy nhau. Tôi định nói với Nusi là cứ đi qua đây lúc đêm muộn là gặp người áo trắng, nhưng nàng đã cất lời nói trước.

Ba hôm đi Lào Cai, Nusi đã tước đi quyền được mân mê bầu ngực nàng của tay bạn trai. chuyện tình cùa nàng với gã đã kết thúc, rồi Nusi hỏi tôi có còn yêu nàng không?

Anh có.

Tôi và Nusi thôi không bóc và ăn những viên hạt dẻ nữa mà lao vào hôn nhau. Tôi với Nusi đều hôn không tệ, đều đam mê những nụ hôn ướt át nhưng rõ ràng là có sự gượng ép và không thoải mái. Tôi với nàng hôn liên tục cho tới khi có những người đi bộ đầu tiên xuất hiện mới buông nhau ra. Lúc đó tôi không thấy người áo trắng đâu nữa. Có thể cô ta đang chạy bộ một vòng hoặc tan biến vào làn sương giá lạnh rồi.

Từ lúc đó cho tới 23 Âm lịch, tức là hơn 3 tuần tôi và Nusi làm những chuyện của người yêu nhau hay làm ngoài trừ làm tình. Tôi vẫn cương cứng còn Nusi nhiều lần khóc về chuyện chia tay. Mỗi lần tôi đưa tay vào bên trong hay hôn lên đôi môi có vị ngọt của Nusi tôi chẳng cảm thấy gì cả.

“Ở Em có gì đó đã chết”. Tôi khẽ nói khi tôi với Nusi không thể hôn nhau được nữa. Nàng gục đầu vào vai tôi và bắt đầu khóc.

Tôi yêu Nusi nhưng không phải là Nusi nhạy cảm và tan vỡ này. Một sáng chúng tôi cãi nhau về chuyện vớ vẩn mà tôi đã quên mất. Hôm đó ngoài đường rất đông người qua lại đến ngạc nhiên. Khi tới chỗ làm tôi thấy có cành đào và chậu cá chép để sẵn trước bàn thờ đặt ở trong sảnh toà nhà, mới biết là 23 Âm. Hai đứa không nói gì cho đến tối, nàng gọi tôi bảo muốn đi dạo. Tôi lấy xe qua đón nàng lượn lờ một vòng Hà Nội cho tới khi đi qua hồ Luân Hồi thì Nusi nói dừng lại. Thật tình cờ lại là nơi này, có ai tin được không.

Tôi với Nusi nói với nhau rất nhiều chuyện vui vẻ mà 3 tuần vừa rồi chưa chắc đã cười nhiều như thế khi đi dạo một vòng quanh hồ Luân Hồi. Nàng còn chỉ cho tôi thấy những cặp đôi khác đang ôm hôn nhau rồi cả hai cứ cười mãi không thôi. Khi quay trở lại chỗ ban đầu, Nusi cầm tay tôi hỏi.

“Dù ngắn nhưng bọn mình đã có một khoảng thời gian đáng nhớ anh nhỉ?” Nusi dịu dàng nói.

Tôi gật đầu.

“Sắp tới em sẽ làm gì khi không có anh?”

“Chuyển tới một nơi khác nhưng thi thoảng sẽ gọi điện cho anh. Như thế có được không ạ?”. Nàng ra vẻ suy nghĩ rồi cười, áp môi vào tai tôi thủ thỉ.

Tôi có thể làm gì ngoài ôm chặt và hôn nàng lần cuối nữa đây.

Trong khi đội mũ bảo hiểm chuẩn bị đưa Nusi về, tôi gặp lại người áo trắng. Lần này cô đưa tay chào tôi rồi đi về phía ngược lại. Cô tiến sát bờ hồ, cúi xuống làm gì đó mà tôi không nhìn rõ nữa. Lúc này tiếng chuông vang lên từ điện thoại của Nusi. Bạn cùng phòng rủ nàng đi ăn đêm trước khi về quê ăn Tết.

Đó là lần cuối cùng tôi gặp Nusi. Sau đó hai năm nàng gọi cho tôi nói rằng ngày mai là ngày cưới của mình. Còn về người áo trắng, tôi cứ đi qua hồ Luân Hồi là gặp, bất kể đêm hay ngày. Vào ngày 22 Âm lịch mấy năm sau, cô có việc nhờ tôi.

2 . Hiền nhân câu cá, hội cờ bạc và tay đóng vai Ngọc Hoàng.

Số phận là cái gì đó không thể hiểu nổi và chẳng né tránh được khi nó đến. Mấy năm sau tôi chuyển sang một công ty khác ở ngay gần hồ Luân Hồi. Công việc nhàn nhã, lương cũng khá khẩm, tôi có nhiều thời gian mang sách ra hồ đọc trong giờ làm việc. Trong những năm này, tôi đã có hàng trăm giờ quan sát, đi lại và phát hiện cả một thế giới nhỏ trong hồ Luân Hồi.

Ở hồ Luân Hồi có một nền kinh tế vận hành theo kiểu “Lấy mỡ nó rán nó” bên cạnh những sạp hàng bán đồ ăn cắp ngay giữa thanh thiên bạch nhật. Thứ đồ ăn cắp đó đa số đều dụng vì một trong số đó có thể là một chiếc iphone dính icloud, nhưng là thứ đồ ưa thích của đám lừa đảo dành cho ai đó nhẹ dạ. Mà người nhẹ dạ, cả tin và ham rẻ nhiều có khác gì cá vàng đâu. Nhưng đám người sống bằng nghề ăn cắp này không phải là điều tôi quan tâm nhất ở hồ Luân Hồi.

Nền kinh tế này hoạt động được là nhờ cá, mà có quá nhiều cá trong hồ Luân Hồi. Nhất là vào ngày 23 tháng Chạp hàng năm, lượng cá người ta phóng sinh nhiều đến nỗi thò tay xuống nước cũng bắt được cá, và đủ cho đám thợ câu quanh năm. Có nhiều người câu cá ở hồ nhưng chỉ có một người mà tôi lặng lẽ quan sát trong hàng trăm giờ đã qua. Tôi chưa bao giờ nói chuyện với ông ta dù ngồi đọc sách hay đi dạo quanh hồ vô số lần. Tất cả mọi thông tin tôi biết về ông đến từ những mẩu chuyện vụn vặt tình cờ nghe thấy và lặng lẽ quan sát từ xa. Tôi gọi ông là hiền nhân câu cá.

Hiền nhân câu cá là một cựu quân nhân trên dưới 60 tuổi lúc nào cũng mặc bộ quân phục bạc phếch, tóc húi cao, đi đôi giày bata chi chít những vết rách. Ông rất đam mê cờ bạc bên cạnh cái tài câu cá. Ông ham đến mức phải bán nhà đi để chơi. Sau khi trắng tay, ông kéo vợ và hai đứa con đã lớn sống vất vưởng trên ghế đá, hàng ngày câu cá làm kế sinh nhai. Ông có thể rất đen trong cờ bạc, nhưng là tay khét tiếng trong việc câu được cá to.

Tôi chứng kiến ông câu được cả cá Koi mà ai đó phải giàu có lắm mới mang đi phóng sinh. Câu được cá ông bán cho ai một người đi bộ nằng nặc đòi mua với giá cao. Có tiền ông bỏ câu chạy tới xới bạc mà đám người quanh quẩn ở hồ tụ tập chơi dấm dúi rồi bỏ chạy tán loạn mỗi khi bảo vệ hồ đi tuần qua. Đánh đâu thua đó, hết tiền thì ông lại quay về hồ câu cá với vẻ kiên nhẫn của một hiền nhân.

Hội cờ bạc là một tập hợp đủ các thành phần qua lại ở hồ Luân Hồi gồm giáo sư về hưu, người chạy bộ, thợ xây, ăn mày giả mạo, đứa lừa đảo, bà cô rảnh rỗi… nhiều lắm mà tôi không liệt kê hết. Ai cũng có đam mê với đỏ đen và tin rằng mình được các Đấng chọn là người thắng cuộc. Cơ hội đó được chia đều cho tất cả trừ hiền nhân câu cá. Ông đã luôn câu được cá lớn rồi chả lẽ còn được ban cho cái tài đánh bạc nữa sao? Tất nhiên là chẳng vị thần nào ưu ái như thế cả.

Nhưng trong hội cờ bạc, lại có một tay người phàm khoảng 50 tuổi thích đóng vai Ngọc Hoàng dù gã luôn tuyên bố “Gặp thần giết thần, gặp Phật giết Phật. Chỉ có thần Tiền là tồn tại” giữa sới bạc. Sẵn là một kẻ vô thần nên gã rất hợp với nghề sát sinh vô tội vạ. Gã là chủ nhà hàng cá đối diện hồ Luân Hồi. Cá chép, cá quả, cá rô phi, cá vàng, bất cứ con gì bơi được gã đều đưa lên thớt biến thành đặc sản.

Tôi công nhận gã có tướng làm Ngọc Hoàng khi cao gần 2 met, nặng hơn một tạ, đầu tròn trọc lót, đôi lông mày mỏng dài sát thái dương. Gã hành nghề đồ tể nhưng lại thích diện những bộ vest sặc sỡ. Màu đỏ, lam, tím Ngọc Hoàng đều diện tất. Bụng gã to như miệng trống nên gã không bao giờ cài khuy. Ngày ngày Ngọc Hoàng dạo quanh hồ để mua cá và cho người trong hội cờ bạc vay tiền. Gã thực sự là Ngọc Hoàng tái thế của hồ Luân Hồi khi bỏ tiền để duy trì nền kinh tế cũng như cuộc sống của những con người quanh hồ. Gã khoái trá khi hội cờ bạc sát phạt nhau rồi cười hề hề lúc cả bọn chạy tán loạn mỗi khi bảo vệ hồ tới.

“Bắt hết bọn khốn nạn đó đi”. Lần nào Ngọc Hoàng cũng hét lên như thế mỗi khi hội cờ bạc bị đuổi.

Một lần thân hình hộ pháp đó ngồi xuống cạnh tôi hỏi thất nghiệp hay sao mà hay ra đây đọc sách. Tôi chỉ mỉm cười đáp “Vâng” rồi đọc tiếp mặc kệ gã đang khoe khoang mình sáng nay đã thu gom mấy chục cân gã với giá bèo bọt thế nào. Lần nào Ngọc Hoàn ngồi cạnh tôi, gã đều có chuyện muốn bàn với hiền nhân câu cá. Gã là khách hàng đồng thời cũng là chủ nợ lớn nhất của ông. Gã có thể oang oang với tôi nhưng khi bàn chuyện với hiền nhân câu cá thì Ngọc Hoàng có lúc lại nhỏ giọng như sợ ai đó nghe lỏm thiên cơ.

Dù ngồi cùng với nhau nhưng tôi quả thật chẳng nghe rõ Ngọc Hoàng và hiền nhân thì thầm cái gì cả. Mọi thứ chỉ rõ ràng khi quan sát người đánh cá hành động. Mỗi lần nhận được tin mật của Ngọc Hoàng, hiền nhân đánh cá đều bắt được cá to rồi bán lại cho gã, sau đó cầm tiền đó đi tìm hội cờ bạc để sát phạt.

À tôi quên mất một chi tiết xuất hiện mỗi khi tôi ra hồ Luân Hồi đọc sách và thấy người ta câu được cá, thì người áo trắng lúc thì đứng ở rìa hồ, lúc thì ngồi bệt xuống thảm cỏ, lúc thì cô cạnh tôi lặng lẽ quan sát. Thi thoảng cô thở dài và mắt ngấn lệ.

“Cô khóc vì thương cá đó à?”. Tôi hỏi câu đó khi lần đầu tiên khi người áo trắng ngồi cạnh

“Em khóc cho cả con người nữa”. Người áo trắng nhỏ nhẹ đáp. Giọng cô nghe êm ái vô cùng. “Cá và người có gì là khác nhau đâu. Đều sống trong cái vòng lẩn quẩn mà thôi”.

Tôi và cô im lặng một lúc. Cả hai chăm chú nhìn người ta câu cá, đập cá, róc vảy, chặt cá thành từng khúc ngay tại chỗ rồi bán cho Ngọc Hoàng hay bất cứ ai hỏi mua.

“Nếu cuộc sống hết kiếp này đến kiếp khác tạo thành một vòng luân hồi không bao giờ dứt, thì liệu có cách nào để kết thúc đây?”. Tôi hỏi cô nhưng cũng tự hỏi chính mình.

Cô gật đầu công nhận, nói rằng vẫn có cách.

“Khi mọi thứ lên tới đỉnh điểm thì sự lẩn quẩn sẽ bị phá vỡ anh ạ”.

“Bằng cách nào?”

“Bây giờ chưa phải lúc”.

“Và ai sẽ làm?”.

Cô nhìn tôi đầy cảm thông vì sự ngây thơ và vô tri của tôi nói

“Nếu anh nghĩ không phải là mình, vậy thì là ai khi đến lúc phải làm?”.

Tôi chịu không biết phải nói gì cả. Lại mất một lúc lâu tôi mới thở ra một câu hỏi khác.

“Nếu bây giờ chưa phải lúc thì là bao giờ?”.

“Khi hồ đã đầy cá và người câu sẵn sàng. 22 tháng Chạp sang năm là lúc đó anh ạ”.

Khi về văn phòng, tôi ghi lại những gì người áo trắng nói để xem 1 năm nữa sẽ ra sao. Trong năm tiếp theo, tôi và cô không ngồi với nhau lần nào nữa. Tôi thấy cô đi dọc hồ vớt cá chết và những phần thân thể cá người ta ném xuống hồ đem đi đâu đó không biết. Ngày nào cũng vậy.

3. Cá rồng, kẻ hành động và chiếc hũ tro.

Hôm nay là 22 tháng Chạp Đúng như người áo trắng nói, hồ đầy ắp cá. Chưa tới 23 mà nhiều người, nhiều nhà đã đi thả cá về chầu.

Tôi gặp lại Nusi khi nàng đưa con trai đi dạo ở Hồ Luân Hồi. Nusi đã cắt tóc ngắn, trông nàng trẻ hơn tuổi 28 rất nhiều. Chắc hẳn Nusi đã có một cuộc hôn nhân hạnh phúc, công việc ổn định.

“Anh thì chưa biết bao giờ mới được như em”. Tôi xoa đầu con trai Nusi thực tâm thấy vui cho nàng.

“Có lẽ định mệnh muốn anh hoàn thành một việc gì đó rồi mới cho phép anh cưới vợ. Ôi, em nói vui thôi nhé”. Nàng đưa tay che miệng cười.

Chuyện gì đang xảy ra thế này. Tôi giật mình khi nhớ lại chuyện trước đây mà người áo trắng nói “Khi mọi thứ lên tới đỉnh điểm thì sự lẩn quẩn sẽ bị phá vỡ”.

“Không đâu. Em nói đúng”. Tôi đưa tay lên trán đáp.

Nusi sau đó xin phép được con trai về, nàng chúc tôi vạn sự như ý khi Tết sắp đến. Tôi tìm đến chiếc ghế đá, giở sách ra nhưng không đọc được chữ nào. Ngọc Hoàng trong bộ vét màu cá vàng lại đến ngồi cạnh tôi. Tôi ra vẻ đọc còn gã đang phấn khích kể cho tôi nghe về người hàng xóm nuôi cá rồng. Người đó yêu cá như con, nhân dịp hồ đầy ắp cá đã lén thả ở hồ Luân Hồi để ăn các con cá khác. Ngọc Hoàng rất muốn bắt cá rồng, nhưng tay hàng xóm cứ đứng ở đó canh chừng nên gã cần một trợ thủ giúp mình.

“Chú có biết tại sao anh lại kể với chú không? Anh muốn thằng chó chết ấy biết cảm giác cá mình bị người khác ăn như thế nào, giống như cá của nó ăn cá người ta như vậy”.

“Nhưng người ta có biết cá mình bị ăn đâu”. Tôi cự lại.

“Chú dốt thế. Nó cũng đâu biết được ai ăn cá của nó. Anh muốn thấy thằng đó phát điên khi mất cá”. Gã cười mãn nguyện dù chuyện chưa thành. Tôi thì biết Ngọc Hoàng đã phát điên trước rồi.

Một lúc sau, hiền nhân câu cá từ dưới đường kè đi về chỗ tôi với Ngọc Hoàng đang ngồi. Ông kéo theo một bao tải nhung nhúc cá lớn cá bé. Ngọc Hoàng xuỳ một tiếng rồi kéo ông lại nói về kế hoạch bắt cá rồng. Hiền nhân ban đầu không chịu nhưng khi Ngọc Hoàng dúi vào tay ông phong bao mừng tuổi, thì ông tặc lưỡi bảo phải chuẩn bị đồ nghề đã, sáng 23 sẽ bắt. Sau khi bàn chuyện xong xuôi, cả hai biến mất.

Tôi ngồi một lúc lâu nhìn hết toán này đến toán khác thả cá xuống hồ. Cá nhiều đến nỗi lúc nhúc tranh nhau đớp mồi của cả trăm thợ câu trên bờ. Có người mang cả xô, lội xuống hồ bắt cá cho nhanh. Cuối cùng người áo trắng cũng đã xuất hiện, cô đến ngồi cạnh tôi ôm một chiếc hũ nhỏ. Tôi hỏi tại sao cô lại biết chuyện này từ 1 năm trước. Cô chỉ cười.

“Trong hũ có gì thế?”

“Tro bụi của những con cá đã chết năm ngoái”. Cô đáp.

“Để làm gì vậy?”.

“Kết thúc sự lẩn quẩn của hồ Luân Hồi”.

“Và tôi sẽ là kẻ hành động khi đúng thời điểm đúng không?” Đó là những gì tôi suy nghĩ khi đợi người áo trắng tới. “Vì định mệnh này dành cho tôi vì nếu tôi không làm thì sẽ chẳng có ai làm phải không?”

“Vâng, sự lẩn quẩn chỉ kết thúc khi đúng người đúng thời điểm ạ. Dù bản thân em muốn làm nhưng cũng không thể. Em chỉ là người chuẩn bị còn anh là người hành động”.

“Tôi phải làm gì tiếp theo?”.
“Đem tro cá rải khắp hồ ạ”
“Ngay bây giờ sao?”.
“Khi trời mưa ạ. Em đi chào các bạn em đây. Tạm biệt anh”.

Người áo trắng nói rồi đứng dậy đi về phía hồ mặc cho tôi gọi với theo. Tôi chưa rõ tạm biệt ở đây phải hiểu như thế nào. Nhưng tôi không thấy cô đâu nữa cả. Một lúc sau trời mưa to. Người thả cá lẫn câu cá chạy nháo nhác. Trong chốc lát chỉ còn mỗi mình tôi. Mưa to như trút nữa, tưởng như là cơn thịnh nộ của trời xanh.

Tôi đứng dậy dắt cuốn sách vào cạp quần, kéo mũ trùm lên, mở nắp tro hũ tro ra đi rải khắp một vòng xung quanh hồ. Khi rải xong thì mưa ngớt dần và tạnh hẳn. Tôi ướt nhẹp nên trở lại văn phòng thu dọn đồ đạc xin phép về trước.

Sáng 23, cá trong hồ Luân Hồi chết sạch. Mùi thối nồng nặc cả một khu. Khi tôi đến đó chỉ có ba người đàn ông chịu đựng được mùi chết chóc. Ngọc Hoàng và hiền nhân mặt cắt không còn một giọt máu thẫn thờ nhìn người nuôi cá rồng đang nằm khóc vật vã bên cạnh xác cá. Cả hai sau đó cũng quỳ xuống lạy trời, lạy đất như lo sợ quả báo sắp tìm đến mình. Riêng người áo trắng thì tôi không gặp, sau này cũng không bao giờ gặp lại cô.

Qua Tết mấy hôm, tôi đi qua hồ Luân Hồi, lúc này đã dọn sạch cá chết. Có người đang cởi trần ngồi thiền trên thảm cỏ. Đó là Ngọc Hoàng. Nghe đâu gã đã cho giải tán nhà hàng cá. Còn hiền nhân câu cá thì mặc đồng phục bảo vệ, ra sức xua đuổi đám bạn cờ bạc trước đây.

Tôi gửi xe, đi bộ một vòng, hồ đã không còn mùi thối nữa. Khi đi tới chỗ gần ghế đá mà tôi hay ngồi với người áo trắng, thì một con cá nhỏ cỡ bằng nắm tay trắng muốt xuất hiện. Cá bơi xung quanh mấy vòng nhỏ như muốn nói gì đó với tôi. Tôi cúi xuống, thả tay xuống nước chạm vào cá, cá đớp đớp vào ngón tay tôi mấy cái rồi chầm chậm lặn xuống hồ.

Lan tỏa nếu thấy hay nhé:

Viết một bình luận