LẤY CHUYỆN LUYỆN GÀ NÓI VỀ VIỆC KỶ LUẬT BẢN THÂN

Ngày xửa ngày xưa bên đất Bắc có người luyện gà chọi lầy lững bốn phương tên là kỳ Sảnh. Vua Tuyên Vương của nước Tề liền cho mời Kỷ Sảnh để huấn luyện một con gà chọi mà mình rất thích.

Được chục bữa, vua hỏi:
“Gà đã đem chọi được chưa?”.

Kỷ Sảnh đáp.
“Chưa được, gà hăng lắm, nghe tiếng gà khác gáy đã ngứa cựa đạp lung tung rồi”.

Kỷ luật bản thân cũng thế. Tranh cãi, bàn luận đến cùng với người trái với quan điểm của bản thân hay chê bai những cái mình đến cùng chẳng đem lại ích lợi gì. Thậm chí bạn có thể trở nên hung hăng, mất kiểm soát về những chuyện chẳng liên quan tới bản thân mình.

Trong tranh cãi, có thể bạn đúng, nhưng đó cũng chỉ những lời nói, những dòng sẽ ngay lập tức tan biến vào hư vô. Còn trong trường hợp bạn sai thì sao? Chà, sẽ phiền phức đấy, vì những gì người khác sẽ vin vào đó mà chỉ trích bạn với thái độ căng thẳng nhất.

Cách mười hôm nữa, vua lại hỏi:
“Gà đã đem chọi được chưa?”

Kỷ Sảnh lắc đầu.
“Chưa sếp ơi, gà còn hăng, mới thấy bóng gà khác đã muốn đá lồng nhảy ra rồi”.

Bóng gà khác tượng trưng cho những sự việc sắp tới, những việc chưa thành hay ẩn chứa nhiều rủi ro mà bạn chưa cân nhắc, chuẩn bị kỹ lưỡng nhưng lại tự tin thái quá đã lao vào thực hiện rồi. Trong những việc quan trọng như lựa chọn công việc, cân nhắc những khó khăn khi đi theo đam mê hay khởi nghiệp đều cần thời gian và suy tính thận trọng trước khi đưa ra quyết định, nếu không con gà có tên Cuộc đời sẽ đá nốc ao bạn.

Thêm mười hôm, Tuyên Vương một tay khoác vai mỹ nhân, tay kia cầm cái giò heo quay đến hỏi:

“Gà đã chọi được chưa chú mày”

Kỷ Sảnh nhún vai.
“Chưa được, gà còn hơi hăng, trông thấy gà khác đã muốn chọi rồi”.

Ý rằng vừa thấy ai đó, nghe thấy ai đó nói gì hấp dẫn, làm gì thú vị khiến bạn có cảm giác cần phải làm cái gì đó chứng tỏ bản thân mình không. Ví dụ trong một cuộc họp ở chỗ làm, hoặc tụ tập với bạn bè mà cái mọi người nói khiến bạn cảm thấy lập luận hay phân tích của mình tốt hơn nhiều, điều này khiến bạn nôn nóng muốn trình bày để chứng minh bản thân. Nhưng dù vậy, hãy cố gắng kiểm soát và thật điềm tĩnh, thời gian họp bàn hay nói chuyện còn dài, bạn vẫn có thể nói lên những gì mình muốn nhưng không khiến ai phải khó chịu cả.

Mười hôm sau, vua lại hỏi.
“Gà đã đem chọi được chưa?”

Kỷ Sảnh gật đầu, mỉm cười đắc ý.

“Được rồi đại ca, gà bây giờ, cho nghe tiếng gà khác không còn hung hăng tự hồ như không hề nghe, cho trong thấy gà khác cứ thản nhiên như không thấy. Dẫu bị khiêu khích cũng không nóng vội. Trông thì tựa như gà gỗ, mà thực thì đủ các ngón đòn hiểm hay. Gà khác coi cũng đủ sợ, chưa chiến đã bỏ chạy”.

Hiểu mọi sự nhưng bản thân vẫn bình thản và lắng nghe xung quanh. Biết chuyện nhưng lại vẫn điềm tĩnh chờ đợi thời điểm để nói và làm. người xưa đã nói “Kẻ có tài lại thu cái tài vào khuôn phép nén cái khí vào tâm thần, chỉ cốt trong mình cho đầy đủ, không có ý gì tranh cạnh với ai, mà thiên hạ hồ dễ ai cạnh tranh nổi”.

Việc kỷ luật bản thân cũng vậy, lợi ích lớn nhất mà bạn có được khi đưa mình vào kỷ luật chính là sẽ nhanh chóng tiến bộ hơn, xây đựng được những thói quen tốt hơn, tinh thông các kỹ năng bạn có hơn và có cái nhìn về mọi sự tinh tế và đúng đắn hơn. NHƯNG kể cả đạt được những thành tựu đó, bạn vẫn phải coi như không, vẫn phải cố gắng, vẫn phải nỗ lực trong mỗi ngày và quên những gì bạn đã làm được  đi. Mọi thứ sẽ dừng lại ngay khi bạn cảm thấy thoả mãn.

Hãy nhớ, thắng người thì dễ còn thắng mình thì khó. Người nói mình biết thực ra lại là người không biết. Kẻ nói mình không biết thì tự chính mình đã biết một điều quan trọng.vì không biết nên không dừng lại, vẫn cứ tiếp tục để mở rộng giới hạn của bản thân và thế giới quan của mình.

Photo : ukwanghyun

Lan tỏa nếu thấy hay nhé:

Viết một bình luận