LỢI ÍCH CỦA VIỆC ĐỌC ĐA THỂ LOẠI

LỢI ÍCH CỦA VIỆC ĐỌC ĐA THỂ LOẠI

18 tháng trước, mình có post một tấm ảnh chụp la liệt sách dưới sàn nhà kín cả bốn góc ảnh lên một group sách. Bức hình đó đã nhận được hàng trăm like cùng hàng chục comment.

Trong số đó, mình vẫn nhớ tới bây giờ comment của một bạn viết rằng “Bản thân mình cũng là người đọc và mua nhiều sách, nhưng trong số sách bạn mua mình chỉ nhận ra được vài cuốn :)”.

Mình khá vui với ngạc nhiên chứ không phải hãnh diện vì có một gu mua và đọc sách riêng, có sự cá nhân hoá ngay cả đối với những người đọc và có cả một tủ sách lớn khác.

Tại sao mình nói là ngạc nhiên, vì mình luôn nghĩ rằng những cuốn sách mình có cũng thực sự cần mua và đáng để đọc với những bạn khác. Nhưng rồi mình biết được là có rất nhiều bạn mua sách cũng nhiều hoặc hơn cả mình, nhưng đa số mọi người chỉ tập trung vào thể loại sách mình thích như văn học hoặc sách selfhelp chứ không phải đa thể loại, cũng như dựa trên những cuốn mình muốn và cần đọc. Mình thì đã và đang đọc nhiều cuốn không thích, nhưng đổi lại mình đã tiến bộ hơn rất nhiều. Mình có thể áp dụng nhiều điều hữu ích đọc từ những cuốn sách đó trong cuộc sống lẫn công việc.

Thậm chí mình đã từng thấy những bạn khoe bộ sưu tập Tam Quốc,Harry Potter hay loạt sách trinh thám của Dan Brown đủ mọi phiên bản, từ bản giới hạn, đặc biệt cho tới phổ thông. Ngoài ra, có bạn lại thích mua những cuốn được giới thiệu, quảng bá rầm rộ trên internet như Homo Sapiens, Muôn kiếp nhân sinh, Nhà giả kim…

Cuối cùng, mình đã nhận ra rằng rất nhiều người mua sách sẽ xây dựng tủ sách của mình theo những tiêu chí sau thay vì việc đọc dàn trải mọi lĩnh vực như mình:

1. Chỉ mua sách theo thể loại mình thích.
2. Mua sách theo trào lưu.
3. Mua sách phục vụ cho công việc, chuyên ngành của mình.
4. Mua sách vì đam mê sưu tập.
5. Mua những cuốn người khác giới thiệu hoặc xem quảng cáo trên mạng.

Tất nhiên, mua sách theo tiêu chí nào thì cũng rất tốt và mình chẳng có lý do gì để nói rằng việc đọc dàn trải của mình là hợp lý nhất. Mọi người đều tự do lựa chọn và tiêu tiền theo cách của mình mà. Thực tế, nếu mua sách kiểu dàn trải, đa lĩnh vực như mình có khi lại dẫn tới việc người đọc sợ đọc sách.

Tại sao ư, vì khi bạn chuyển từ văn học sang khoa học hay sinh học thì 90% nội dung bạn không biết mình đang đọc là cái gì. Việc đọc sang một thể loại mới cũng chính là cách để bạn mở rộng giới hạn tư duy và trí tuệ của mình. Điều này khiến bạn cảm thấy mình ngu ngốc khi vật vã đọc từng trang sách một mà vẫn nhớ trước quên sau, đồng thời hai bên thái dương căng ra và đau nhói như bị ai đó cầm búa gõ vào.

Quan trọng nhất là việc đọc thể loại mới khiến bạn không thoải mái và cho rằng nó làm mất giá trị tinh thần của sách khi nhiều người quan niệm rằng đọc sách là để giải trí và thư giãn. Tất nhiên, hai lợi ích đó vẫn luôn trường tồn với sách như văn học, thơ ca nhưng lại không đúng với đa thể loại.

Có những cuốn sách dài 700 trang khổ 16×24 về y học như “Ung thư – hoàng đế của bách bệnh” mình đọc rất kĩ, rất chậm mà vẫn cảm thấy có quá nhiều kiến thức khó nắm bắt. Nhưng bù lại, mình đã biết nhiều điều mới mẻ, thú vị từ hàng nghìn năm trước, người sáng lập y học ở Ai Cập và cũng là thầy thuốc nổi tiếng nhất trong thế giới cổ đại – Imhotep đã bắt đầu nghiên cứu về ung thư và lắc đầu thở dài khi không biết phải làm thế nào để chữa trị.

Và cũng chẳng có một ai chuyên viết về văn học và content cho khách hàng mà lại rảnh rỗi như mình để dành ra nhiều giờ đồng hồ đọc ngấu nghiến một cuốn thuộc lĩnh vực năng lượng là “Dầu mỏ, tiền bạc và quyền lực”.

Cái lợi khi đọc về ung thư và dầu mỏ – những thể loại tưởng chừng như chẳng liên quan đến viết lách nhưng đem tới cho mình nhiều kiến thức mới, thông tin mới đã đem tới những ý tưởng viết truyện sáng tạo hơn là điều hiển nhiên và không thể nghi ngờ. Nhưng đó chưa phải là tất cả.

Vì đọc đa thể loại hơn mà mình đã có những cuộc đối thoại, trò chuyện, chia sẻ sâu sắc và thú vị với mọi người mình gặp. Đa số là những người lần đầu tiên, nhưng bọn mình đã ngồi hàng giờ với nhau để nói chuyện về những chủ đề như công nghệ, kinh tế, văn hoá – lịch sử Nhật Bản… Trước đây mình ưu tiên mua sách văn học, còn bây giờ cứ 10 mua cuốn thì mình chỉ mua 2 cuốn thuộc thể loại văn học.

3 năm trước, H – một cậu bạn cấp 2 hẹn cà phê sau quãng thời gian dài không gặp nhau thì mình mới biết cậu ấy đang là chuyên gia kỹ thuật về dầu khí ở giàn khoan ngoài biển. Thế là ngoài những chuyên về đám bạn cũ, cuộc sống, yêu đương thì mình đã vận dụng được những gì mình đọc về dầu mỏ để trò chuyện với cậu ấy.

H nói rằng cậu ấy biết Mỹ đi đầu trong những hoạt động khai thác dầu mỏ một trên thế giới, nhưng lại không biết giếng dầu thương mại được khai thác đầu tiên ở Pithole thuộc bang Pennsylvania. Ngoài ra, H cũng rất ngạc nhiên khi mình nói trước khi người Mỹ tìm ra và khai thác dầu mỏ, thì họ đã tàn sát cả triệu con cá nhà táng để lấy dầu cá làm nến, xà phòng…

Cuối cùng, mình có kết luận dựa trên trải nghiệm của cá nhân mình rằng : đọc đa thể loại cũng là một kỹ năng quan trọng để có thể đo lường giới hạn của bản thân, cũng như là bài kiểm tra xem xem bạn đã tiến bộ ra sao thông qua việc đọc. Vì đọc thì dễ nhưng đọc được nhiều thể loại thì cần cả sự cố gắng lẫn kiên nhẫn. Còn nếu dựa trên nền tàng thích đọc thì chưa chắc đã có ích trong việc đọc thể loại xa lạ với bạn.

Như mình đã chia sẻ ở trên, việc bạn đọc sách trong thế loại mình thích hay theo cách nào khác thì cũng là một điều tốt. Nhưng cuộc sống là sự chuyển động và tái tạo không ngừng. Bạn sẽ chỉ mọi thứ thú vị khi đặt chân vào trong rất nhiều mặt khác nằm bên ngoài giới hạn dễ chịu của mình. Và để biết nhiều hơn những gì bạn không biết, việc đọc đa thể loại chính là cách giúp bạn mở ra cánh cửa bước vào lĩnh vực mới, thế giới mới.

Lan tỏa nếu thấy hay nhé:

Viết một bình luận