NÓI VỀ NHỮNG LỜI GÓP Ý : LỜI KHUYÊN MANG TÍNH ĐÓNG GÓP HAY PHÔ BÀY CÁI TÔI

Giá trị của việc thức cả đêm để hoàn thành một bài viết hay một truyện ngắn là bạn đã tập trung cả tinh thần và sức lực để hoàn thành những gì tốt nhất có thể trong khi viết. Điều này không chỉ đem đến cả những hiệu ứng bên ngoài như : Có bao nhiêu người đọc, bao nhiêu like, share và comment… Mà còn cả giá trị nội tại cho chính bạn.
 
Đó là sự tự hào về bản thân khi chắp nối, lắp ghép những mảnh rời rạc trong tâm trí và vài cuốn sách thành một thứ hoàn chỉnh. Việc hoàn thành một bài viết cũng bao hàm hai yếu tố : Bạn có thể bắt đầu từ những gì nhỏ nhất và đem nó chia sẻ với cả thế giới về những gì mình. Cả hai đều có lợi.
 
Vậy điều gì tiêu cực nhất bạn sẽ nhận được khi công khai 1 bài viết hay 1 tác phẩm văn học?
 
Đối với mình là những lời góp ý của các nhân mang tính áp đặt, thể hiện cái tôi và sự hiểu biết của mình hơn tác giả. Đồng thời cái nhìn và suy nghĩ của họ chưa chắc đã đúng, và chẳng có cơ sở nào để chứng minh như 1 bài viết để so sánh mà chỉ biết góp ý suông.
 
Mình cũng giải thích luôn là mình không sợ hay ngại những lời góp ý giúp bài viết hay hơn và đưa mình viết tốt hơn các bài tiếp theo. Vì việc 1 lời góp ý mang tính xây dựng và kết nối với người viết nó khác hoàn toàn so với lời góp ý tiêu cực. Nói thẳng ra là xúc phạm đến cá nhân người viết. Và khác nhau như thế nào thì mình sẽ phân tích ngay sau đây.
 
Lý do mình viết về chuyện này một phần là chia sẻ những gì tiêu cực xung quanh nhiều điều tiêu cực khi mình quyết định sẽ thường xuyên viết và chia sẻ với mọi người. Lý do thứ hai là thông qua bài viết này sẽ giúp cho các bạn đã bắt đầu hay có ý định trở thành người viết, tạo nội dung không bị dao động, tâm lý hay sa vào việc tranh cãi với những lời góp tiêu cực.
 
NHẬN BIẾT NHỮNG LỜI GÓP Ý TÍCH CỰC VÀ GÓP Ý MANG NẶNG CÁI TÔI.
 
Nói về những lời góp ý tích cực thì mình chia thành hai kiểu:
 
– Các lời khen, động viên ngắn gọn như “Bạn viết hay”, “Cảm ơn bạn đã chia sẻ”…
 
– Những lời góp ý kèm theo động viên như “Bạn viết ở cái này, mục này. Nếu như bạn có thể viết thêm hay làm rõ hơn thì tốt…” hay “Truyện có cái tốt, cái kia chưa tốt, bạn có thể cân nhắc những điểm đó cho truyện tiếp theo”.
 
Tất nhiên trong những lời góp ý tích cực chắc chắn sẽ cả xã giao, chiếu lệ và cả sự ẩn ý là bạn làm chưa tốt. Nhưng mọi thứ vẫn có thể chấp nhận được vì rõ ràng có sự thiện ý và khích lệ ở đây. Ít nhất bạn sẽ không cảm thấy bực bội hay tệ hơn là cảm thấy bị xúc phạm khi thấy 1 bình luận “Viết chẳng ra gì mà đòi viết à?”. Có một sự thật là tất cả chúng ta vẫn là giống loài ưa ngọt và nhẹ nhàng. Đó là điều không thể phủ nhận được.
 
Còn những góp ý tiêu cực, mang tính công kích cá nhân, xúc phạm và thể hiện cái tội mình sẽ thế nào? Mình sẽ lấy ví dụ cụ thể từ chính mình qua các bình luận dưới đây, và giải thích từng tình huống.
 
1. “Bạn tóm tắt sách thế là sai hết. Bạn chỉ nêu 1-2 điều được nhắc đến chứ không phải là tất cả…”
 
Trong bài review sách đó mình đã ghi rất rõ ràng là chỉ dẫn chứng 1-2 điều cốt lõi, người đọc có thể tìm hiểu thêm. Và bạn này chắc chỉ đọc lướt qua và bức xúc trước những gì mình không đề cập và quy chụp cho mình là không nhắc đến. Ngoài ra bạn ấy nói mình tóm tắt sách cuốn sách sai, nhưng dựa vào đâu để biết mình sao và bạn ấy đúng hoặc review khác đó đúng thì bạn ấy không chỉ ra được.
 
Mình có lịch sự nói rằng nếu mình sai, bạn ấy có thể viết một bài khác cùng một chủ đề, dẫn chứng ra và để tất cả cùng đọc. Và bạn ấy đã biến mất mang theo cái tôi áp đặt của mình lên người khác.
 
2. “Em mô tả dealer chia bài và viết về cách chơi poker sai. Và chẳng ai hút cigar lại châm bằng zippo”.
 
Đây là một nhận xét khác về truyện ngắn mình viết có liên quan đến poker. Nhưng nó chỉ là một yếu tố tạo nên nội dung trong truyện chứ không phải là tất cả. Và người cũng sai khi cho rằng zippo không dùng để chậm cigar được. Nó là tuỳ từng gu của mỗi người và cách mồi lửa (cái này do 1 anh bạn mình quen cũng chuyên về cigar nói).
 
Nhưng điều này không quan trọng bằng việc người đọc này chẳng quan tâm đến nội dung trong truyện, mà đi thẳng tới việc công kích và tuyên xưng cái tôi của mình. Một người khác có bình rằng “Cứ từ từ góp ý, em nó sẽ sửa”, thì người kia điềm nhiên nói “Thì tôi đang góp ý đấy thôi”. Đó không phải là góp ý, đó là thể hiện cái biết của mình.
 
3. “bạn diễn giải bộ phim sai bét! Bạn đã làm bóp méo hết ý nghĩa của bộ phim xyz”.
 
Trong 1 bộ phim với nhiều tầng lớp nội dung và chi tiết ẩn dụ đan xen nhau cùng 1 cái kết mở thì việc ai đó viết bình luận phim dựa trên quan điểm và cái nhìn của mình là điều rất bình thường. Lúc mình viết review phim đó thì ít nhất 20 người khác đã làm và theo mình biết tất cả đều có cái nhìn tương đối khác nhau. Và trong bài review phim đó mình đã viết ngay đầu tiên là “Đây là quan điểm của riêng mình”.
 
Bạn góp ý kia có nói lý do tại sao mình lại sai bét, vì mình đã bỏ qua cái nhìn của bạn ấy và những người khác. Sau đó bạn ấy nói về một chuỗi cái tình tiết phi logic trong phim và đi đến kết luận là nó logic dù cái logic đó cũng chẳng xuất hiện trông phim. Và bạn kết luận đúng là phim không xuất hiện tình tiết đó, nhưng qua cái nhìn của mình và những người khác nó sẽ là thế!
 
Rồi bạn ấy quy kết review của mình chẳng có giá trị gì vì không chỉ ra cái logic đó. Mình đáp lại rằng “Vậy bạn viết ra đi”. Nếu bạn nói mình sai bạn phải có hành động cụ thể để chứng minh, chứ không chỉ đọc và phán xét người khác về 1 bộ phim cho phép người xem và người viết tưởng tượng về đa cái kết. Rồi cái nhìn của người khác bạn không hài lòng và bạn đi hét lên rằng “Nó sai bét”. Có thể mình không đúng thật, nhưng bài viết đó đã thu hút được hơn 1000 lượt like và hàng trăm bình luận lẫn chia sẻ trên facebook.
 
Đây chỉ là một vài ví dụ trong cả nghìn cách góp ý tiêu cực, hay chính xác hơn là thể hiện cái tôi, bản ngã và góc nhìn của mình áp đặt lên người khác cùng một áp lực không hề dễ chịu. Và những góp ý tiêu cực kiểu này mình nhận được không phải là ở những cái chợ hay group búa xua. Nó đến từ những nơi có vô số người có học thức, địa vị và đầy ắp văn hoá đọc và cư xử.
 
CHÚNG TA LÀ NHỮNG SINH VẬT BẬC CAO NHƯNG LUÔN MUỐN HÀNH XỬ NHƯ NHỮNG CON KHỈ ĐỘT.
 
Người Hy Lạp có câu “Khi bàn đến văn hoá, tất sẽ có chiến tranh” ngụ ý rằng mọi tranh luận, trao đổi giữa những con ưu tú nhất nếu không kiểm soát được sẽ biến tấu thành một lựa chọn khác để giải quyết hơn là tranh luận. Cuộc chiến của giống loài được thần Zeus ưu ái nhất với nhau.
 
Thời cổ đại chiến tranh luôn được che đậy bằng lý do tôn giáo, văn hoá, những điều tốt đẹp đến với dân tộc khác. Thì bây giờ, những lời góp ý và bình luận cũng chẳng khác gì đao kiếm cả. Không đâm vào da thịt nhưng thừa sức làm nổ tung những cái đầu bình tĩnh nhất.
 
Nguyên nhân phần lớn vì người đọc không chỉ không đồng ý với cái nhìn của người viết. Họ còn muốn mình được phép thay đổi cả cái nhìn, áp đặt cách họ hiểu về vấn đề và cả vì cái tôi vĩ đại cỡ một con khỉ đột của mình nữa. Và không ít những con người này họ không ngốc, không thất nghiệp, chẳng đi xe bus tới chỗ làm mỗi ngày và mỗi tuần vẫn đọc sách.
 
Chính vì cuộc sống của họ đã có thành tựu và tri thức, nên càng cái tôi càng lớn và tự cho phép mình nói lên suy nghĩ của cái tôi khi ai đó viết những gì họ không thích. Lúc này không chỉ là góp ý nữa, nó đã là nơi để thể hiện bản thân rồi.
 
Với tư cách là người viết, mình biết sự nhạy cảm và tinh tế của những ai viết nhiều như thế nào. Họ rất dễ bị rung động với những lời đánh giá mình viết chưa tốt, chứ nói đến sự áp đặt và xúc phạm của người khác dành cho mình. Và trong tình huống đó họ phải làm gì để bảo vệ mình ngoài cách chống trả lại, hoặc im lặng rồi suy sụp và dần dần từ bỏ việc viết. Kết quả việc đôi bên tranh cãi cũng không thể nói là tốt hơn.
 
Ai thắng ai thua thì việc đó cũng sẽ để ấn tượng xấu với tất cả những ai theo dõi. Nên nhớ rằng mạng xã hội là công cụ phát tán những chuyện như thế này rất nhanh. Và người viết luôn luôn sẽ chịu nhiều tổn thương hơn, bởi sự vĩ đại của cái tôi khỉ đột từ cá nhân nào đó.
 
INTERNET CŨNG GÓP PHẦN LÀM VIỆC GÓP Ý TIÊU CỰC ĐƠN GIẢN HƠN
 
Chính xác là cực kì dễ dàng.
 
Bạn có thể buông một lời vu vơ, một sự xúc phạm ẩn nấp dưới lời góp ý và biến mất với giọng điệu “Đó là tôi góp ý với bạn thôi” và bỏ đi mặc cho việc người kia có cảm thấy thế nào. Không có việc gì dễ dàng hơn như vậy.
 
Thậm chí trong thời đợi internet chúng ta ném vào mạng xã hội, cộng đồng và các mối quan hệ những câu nói khó nghe, sự xúc phạm nhau nhiều hơn là những gì có thể làm nhau dễ chịu. Nói gì việc có ai đó viết cái gì không làm hài lòng bạn, thì sao bạn có thể để yên?
 
Sự trầm cảm hay những ý định muốn tự tử đã đang là cơn ác mộng và nỗi ám ảnh với rất nhiều người dám viết, dám nói lên suy nghĩ của mình và chia sẻ nó đến với tất cả, rồi nhận lại rất nhiều chỉ trích, góp ý tiêu cực hay đơn giản “viết như l… mà đòi viết”.
 
Có những người viết đã ngây thơ cho rằng thế giới internet là môt nơi tốt đẹp và nhiều cơ hội. Điều đó đúng, nhưng mình muốn bổ sung là “Để có thể cảm nhận được điều tốt đẹp đó, đừng quên rằng trên internet đầy rẫy những con khỉ đột sẵn sàng ném cả tảng đá vào những gì bạn viết và chia sẻ”
 
Hãy tự bảo vệ mình và đừng để mọi thứ tiêu cực tác động lên những gì bạn làm. Hỡi người viết và những ai muốn viết. Hãy làm và bỏ qua tất cả.
 
Photo : Tranh của Jean Michel Basquiat
Lan tỏa nếu thấy hay nhé:

Viết một bình luận