REVIEW GIẾT CHỈ HUY ĐỘI KỴ SĨ – Ý TƯỞNG VÀ ẨN DỤ VỀ PHI THỜI GIAN VÀ SỰ LUÂN HỒI TRONG CÁC BỨC TRANH

Cho đến tận bây giờ, sau 2 ngày đọc xong Giết chỉ huy đội kỵ sĩ thì mình vẫn giữ quan điểm của cá nhân rằng : đây là một tiểu thuyết có nhiều sự mới mẻ mà lại không làm người đọc cảm lạ lẫm, nhiều khi còn cảm thấy bầu không khí quen thuộc như trong các tiểu thuyết Murakami nhưng vẫn có hấp dẫn riêng biệt.

Giết chỉ huy đội kỵ sĩ là tác phẩm mình đánh giá là hay nhất trong những cuốn gần đây của Murakami xuất bản sau 1Q84. Thậm chí, xét theo nhiều khía cạnh, thì thế giới của Giết chỉ huy đội kỵ sĩ còn đa chiều hơn 1Q84. Giống như mọi người trước khi cầm trên tay cuốn tiểu thuyết này, mình đinh ninh rằng Giết chỉ huy đội kỵ sĩ sẽ đậm đặc một bầu không khí phương Tây nhưng hoá ra lại không phải như vậy. Chắc hẳn Murakami sẽ rất tâm đắc khi đánh lừa độc giả bằng 1 cái tên như vậy trước khi họ ngẩn ngơ khám phá ra sự thật khi bị cuốn vào thế giới của Giết chỉ huy đội kỵ sĩ.

Đầu tiên nói về sự mới mẻ thì chắc chắn là về hội hoạ (dù tranh vẽ đã được đề cập tới trong Kafka bên bờ biển) – Chủ đề và là ý tưởng cốt lõi xuyên suốt Giết chỉ huy đội kỵ sĩ. Qua nội tâm của nhân vật Tôi thì Murakami đã không giấu giếm sự khâm phục mà ông dành cho nghệ thuật hội hoạ cùng với văn chương và âm nhạc. Cũng thông qua Tôi, Murakami truyền tải những triết lý, ý tưởng và ẩn dụ qua cái nhìn của ông về hội hoạ một cách trôi chảy đến thua vị trong Giết chỉ huy đội kỵ sĩ. Có thể đây chính điều mới mẻ duy nhất được Murakami thể hiện rõ nhất trong tác phẩm, nhưng đúng theo phong cách của mình, ông đã truyền đạt và giải thích kỹ lưỡng và dễ hiểu nhất có thể đến với người đọc về thế giới siêu thực của mình thông qua hội hoạ.

Còn về những điểm quen thuộc mà mình nhận thấy trong Giết chỉ huy đội kỵ sĩ với các cuốn sách khác của ông thì khá nhiều. Ngoài thú vui tự nấu ăn, nghe nhạc, tình dục, những đối thoại hài hước thì ẩn dụ về cái hố, cái chết, nỗi mất mát, sự cô độc, những quá khứ đau buồn, các sự kiện lịch sử (trong Giết chỉ huy là sự áp đặt của Đức quốc xã lên nước Áo cùng vụ thảm sát Nam Kinh của quân đội Nhật) và sự kết nối giữa thực tại và những thế giới ý tưởng của các chuỗi nhân vật chính. Ngoài ra Giết chỉ huy đội kỵ sĩ cũng xuất hiện yếu tố thần thoại như trong Kafka bên bờ biển (câu chuyện về Oedipus) là ẩn dụ về dòng sông với người lái đò vô diện được lấy cảm hứng từ sông Styx dưới âm phủ và gã lái đò Charon chỉ chở người qua sông nếu được hối lộ.

Dù Giết chỉ huy đội kỵ sĩ chia ra hai tập dài gần 1100 trang xuất hiện rất nhiều những tình tiết siêu thực, phi tuyến tính và ẩn dụ đa chiều về Dương thế lẫn Âm phủ nhưng mình không hề gặp khó khăn trong việc đọc cả. Thậm chí mình còn đọc nhanh hơn cả dự tính và có thể nói rằng cũng nắm bắt được khá nhiều tình tiết quan trọng của tiểu thuyết.

Giống như trong Rừng Na Uy, các tuyến nhân vật được gói trong mối quan hệ tay 3 như Watanabe Toru- Naoko – Kizuki, Watanabe Toru – Midori – Naoko hay Watanane Toru – Hatsumi – Nagasawa và Watanabe Toru – Naoko – Reiko, thì Giết chỉ huy đội kỵ sĩ cũng được Murkami xây dựng và phân vai theo mối quan hệ 3 người như thế. Duy có điều khác biệt ở đây là các mối quan hệ này đều được gắn liền với một bức hoạ quan trọng trong tiểu thuyết Ví dụ như Tôi – hoạ sĩ Amada Tomihiko – bức Giết chỉ huy đội kỵ sĩ, Tôi – Menshiki – bức chân dung Menshiki, Tôi – Akikawa Marie – Bức Giết chỉ huy đội kỵ sĩ (hoặc Người đàn ông trong chiếc Subaru Forester trắng)Tôi – Menshiki -Akikawa Marie cho tới những mối quan hệ giữa người với người như Tôi – Yuzu – Komichi, Tôi – Menshiki – Akikawa Marie…

Vì thế, dù liên tục xuất hiện những tình tiết ẩn dụ, siêu thực hay một khái niệm khó hiểu nhưng vẫn dễ theo dõi và không bị chồng chéo. Một điều mình rất hài lòng nữa là các nhân vật xuất hiện trong Giết chỉ huy đội kỵ sĩ được thể hiện có nội tâm và chiều sâu tốt nhưng lại rất dễ theo dõi chứ không bị rối hay khó nhớ.

Rồi từ việc dễ dàng nắm bắt sau khi phân chia thành các cụm nhân vật hay vấn đề này ra thì việc tiếp theo người đọc sẽ nhận thấy ngay được : Thông qua qua những bức tranh của người khác và chính nhân vật Tôi vẽ đã đưa người đọc đi qua một cuộc hành trình chứa đựng những bí ẩn, bí mật và nội tâm cũng như cuộc đời của các nhân vật.

Câu chuyện về những bức tranh Giết chỉ huy đội kỵ sĩ, Người đàn ông lái chiếc Subaru Forester trắng cho tới chân dung của Menshiki và Marie đối với cái hiểu mình rằng đó là những khái niệm được cụ thể hoá thành một dạng hữu hình nhưng chứa đựng ý tưởng và ẩn dụ về ý niệm hay bí mật quan trọng nhất của bản thân mỗi nhân vật. Rồi tất cả những ý tưởng và ẩn dụ này được xâu chuỗi, được mời gọi liên kết với nhau bằng luật nhân quả và sự luân hồi phi thời gian đã đưa nhân vật Tôi đi qua tất cả những không gian hư hư thực thực trong Giết chỉ huy đội kỵ sĩ. Tất cả đều được bắt đầu bằng tiếng chuông ngân vang dưới căn hầm – sự ẩn dụ cho thời điểm bấy cứ ai cũng phải đối diện với những vấn đề khó khăn nhất của mình khi thời khắc đó xảy đến dù có né tránh như thế nào đi nữa.

Qua cuộc hành trình ấy, nhân vật Tôi đã nhận ra rằng bất cứ ai cũng đều trải qua “ẩn dụ kép” mang tính chất hai mặt như sai lầm, nỗi đau và sự sợ hãi vượt trên cả cái chết, nhưng đồng thời ngay chính trong những điều tiêu cực ấy đều có điều tích tốt đẹp của nó, chính là mặt còn lại của “ẩn dụ kép”. Và việc chọn thế giới nào là toàn quyền của nhân vật Tôi. Trong đường hầm, Tôi đã nhận ra rằng ở bên trong mình luôn tồn tại hạt giống khởi phát niềm hạnh phúc sẽ bảo vệ và giúp họ vượt qua được những nỗi đau và sự sợ hãi để quay về với thực tại. Điều này đã được lặp lại ít nhất hai lần thông qua mối quan hệ cha con giữa Menshiki và Marie, giữa Marie và mẹ cô và giữa Tôi và Yuzu cùng cô con gái sau này.

Sau cùng cuộc hành trình của Tôi kết thúc đã khép lại một cái kết không thể đẹp hơn cho Giết chỉ huy đội kỵ sĩ. Và khi đọc đến dòng cuối cùng thì Murakami vẫn chưa chịu buông tha người đọc khi cài cắm một ý tướng – một ẩn dụ về việc Kết thúc hoá ra lại là khởi đầu của Giết chỉ huy đôi kỵ sị và ngược lại. Quá thú vị!

Đối với mình thì Giết chỉ huy đội kỵ sĩ không chỉ là một thế giới diễn ra nhiều thế giới phi tuyến tính khác, mà còn là một vòng vòng luân hồi với hai đầu cực có thể khiến người đọc xảy ra bất cứ chuyện gì, bất cứ một kết quả hay suy đoán nào đều có thể hợp lý trong Giết chỉ huy đội Kỵ sĩ thông qua ý tưởng và ẩn dụ.

Sẽ sớm thôi, mình sẽ phải đọc lại một lần nữa tác phẩm tuyệt vời này của Murakami.

Cảm ơn bạn đã đọc chia sẻ này. Nếu bạn thấy bài viết có ích hãy Like, Comment và Share để bài viết đến được với nhiều người hơn

Lan tỏa nếu thấy hay nhé:

Viết một bình luận