Võ Trọng nghĩa – Khởi nghiệp tuổi 30 cùng lý tưởng và sự tu tập.

Cá nhân mình từ khi biết và theo dõi kiến trúc sư Võ Trọng Nghĩa từ năm 2012 qua hình ảnh một công trình của anh là 1 trong 10 thiết kế nổi bật trên thế giới cho đến bây giờ. Một thời gian sau thì mình mới biết là cùng với công trình đó Võ Trọng Nghĩa cũng gửi đi dự thị giải thưởng kiến trúc quốc gia ở Việt Nam thì bị loại ngay từ vòng đầu. Khi biết rằng cùng một công trình đi dự thi nhưng được thế giới công nhận mà nước nhà thì không, Võ Trọng Nghĩa bình thản trả lời báo chí rằng có lẽ hiệp hội kiến trúc sư Việt Nam cảm thấy công trình của mình không phù hợp. Chỉ trong năm 2012, Võ Trọng Nghĩa đã đạt 7 giải thưởng Quốc tế và được bầu chọn là kiến trúc sư của năm.

Nhưng anh vẫn không hề có sự dừng lại hay tự mãn, các năm tiếp theo những công trình của Võ Trọng Nghĩa liên tiếp thắng nhiều giải Quốc tế và cá nhân anh cũng được mời được dạy học ở Nhật Bản, Singapore, Úc… Tuy nhiên ở Việt Nam thì anh vẫn chưa có cơ hội để cộng tác với các trường đại học giảng dạy cho sinh viên trong nước. Anh cũng là người hiếm hoi mà mình biết luôn được các trường đại học Mỹ, Canada và Pháp chào mời đến giảng dạy là Ngô Bảo Châu. Bật Youtube lên nghe anh nói tiếng Anh giảng dạy về kiến trúc, thiền và cuộc sống sẽ thế nào khi đưa tự nhiên vào bên trong từng ngôi nhà thật sự làm mình khâm phục

Trong con mắt của một người đã khởi nghiệp, đã chọn một con đường riêng thì đối với mình Võ Trọng Nghĩa là một niềm cảm hứng gần nhất nhưng mang một sức nặng không hề kém Elon Musk, Mark Zukenberg hay Bill Gates. Những gì mà Nguyễn Hà Đông làm được với Flappy Bird đúng là một cái tát với làng game thế giới, nhưng đó chỉ là một khoảnh khắc loé sáng hiếm hoi. Thực tế, khá nhiều sản phẩm, các công ty công nghệ Việt Nam thu hút được sự chú ý của thế giới nhưng cũng không kéo dài lâu. Còn đối với Võ Trọng Nghĩa và công ty anh thành lập, thành công liên tiếp và được công nhận chỉ là điều phải đến khi lý tưởng và ý chí được đền đáp.

Xuất thân của Võ Trọng Nghĩa cũng đủ biến anh trở thành niềm cảm hứng nặng ký chẳng kém những tên tuổi trong làng công nghệ, thể thao thế giới. Anh sinh ra trong một gia đình nghèo đông con ở Quảng Bình, vùng đất luôn chịu những cơn bão mạnh đến nỗi năm nào trường anh học cũng bị đổ và phải dựng lại. Cũng chính vì thế Võ Trọng Nghĩa đã định hướng cho lý tưởng của mình là sẽ xây dựng nên những ngôi nhà chắc chắn, chịu được sự khắc nghiệt của thời tiết. Thi đại học, anh đỗ ba trường Bách Khoa, Kiến trúc và Xây dựng Hà Nội. Võ Trọng Nghĩa đã chọn trường Kiến Trúc để bắt đầu ước mơ của mình.Anh chịu ảnh hưởng lớn của nền giáo dục Nhật Bản. Sau khi thi đỗ Đại học Kiến trúc Hà Nội, anh nhận học bổng Chính phủ Nhật năm 1996 theo học khoa Kiến trúc Học viện Kỹ thuật Nagoya và tốt nghiệp thủ khoa năm 2002.

Trong suốt 4 năm đại học, Võ Trọng Nghĩa chỉ đến lớp vào những tiết học mà bản thân cảm thấy cần thiết. Anh nói rằng “Tôi không thích những kiến thức sáo rỗng, khô cứng. Tôi chỉ học những gì mình thích nên thường chỉ nghiên cứu trong thư viện hoặc đến các văn phòng kiến trúc nổi tiếng ở Nhật xin làm thêm không cần thù lao. Tại Nhật, sinh viên khá tự do, nhưng cũng phải tự chịu trách nhiệm với những việc mình làm”.

Năm 2004, anh nhận Giải thưởng luận án thạc sĩ xuất sắc của Khoa xây dựng Đại học Tổng hợp Tokyo (Furuichi Award) và một năm sau đó là Giải thưởng của Tổng trưởng Đại học Tổng hợp Tokyo (Dean of The University of Tokyo Award) cho những nghiên cứu ở luận án tiến sĩ. Đồ án tốt nghiệp thạc sĩ tại Đại học Tokyo được hoàn thiện chỉ trong 3 tháng cuối cùng của khóa học kéo dài 2 năm vơi đề tại khí động học, gió và nước. Anh tiếp tục làm tiến sĩ tại đây và đoạt giải thưởng xuất sắc cho nghiên cứu ở luận án tiến sĩ. Nhưng anh nghe lời thầy, về nước lập công ty vì thày nói rằng đào tạo anh để làm kiến trúc sư chỉ không phải là nghiên cứu.

“Thầy nói, đi về học thất bại đi còn hơn là cứ thành công mãi. Tôi chấp nhận lời của thầy, và đó cũng là ý nguyện của tôi” Anh nói. Sau đó, Võ Trọng Nghĩa bỏ dở bằng tiến sĩ để quay về Việt Nam lập nghiệp ở tuổi 30. Đối với mình đây không chỉ là sự trùng hợp mà còn là bước đi quyết định, nhiều rủi ro giống như Mark Zukenberg và Bill Gates bỏ học Havard để khởi nghiệp. Võ Trọng Nghĩa ở tuổi 30 mới khởi nghiệp trong khi đối với nhiều tên tuổi trong làng công nghệ thì còn phải sớm hơn thế nhiều. Tuy nhiên Võ Trọng Nghĩa đã cho mình một sự vỡ lẽ rõ ràng hơn rằng “Khởi nghiệp ở tuổi bao 20 hay 30 không quan trọng, mấu chốt là có chấp nhận rủi ro và thất bại hay không”.

Năm 2007, anh làm ra Cafe Gió và Nước tại Bình Dương. Công trình ứng dụng nguyên tắc khí động học tiêu biểu, sử dụng năng lượng gió và khả năng làm mát của nước để tạo ra những chiếc máy điều hòa tự nhiên. Tiết kiệm năng lượng nhưng hình thái kiến trúc, xử lý kết cấu cũng được anh lưu tâm. Ngay lập tức, công trình gây được tiếng vang trong giới kiến trúc Việt Nam và thế giới. Anh là KTS Việt đầu tiên dám đưa tác phẩm dự thi quốc tế và đoạt giải.

Nhưng thành công dễ dàng và sớm bao giờ cũng đi kèm những vấp ngã.Với tính cách có phần hơi ngang ngược, lời nói thẳng thắn và những ấn tượng ban đầu không mấy thiện cảm với những người đối diện, Võ Trọng Nghĩa đã gặp khó khăn khi khởi nghiệp ở Việt Nam. Suốt 5 năm liền kể từ sau khi thành lập công ty riêng, anh hầu như không có khách hàng. Công ty kiến trúc Võ Trọng Nghĩa luôn trong tình trạng thua lỗ, gặp khó khăn rất lớn khi đến kỳ trả lương cho nhân viên nhưng lại muốn thuê những người có trình độ tốt nhất Anh nói rằng “Làm kiến trúc ở Việt Nam mà không bản lĩnh thì luôn luôn nghèo, muốn tạo ra những tác phẩm xuất sắc thì sẽ rất nghèo, thậm chí càng đam mê để tạo ra tuyệt tác kiến trúc thì còn nghèo kiết xác luôn

Mặc dù đoạt hàng chục giải thưởng danh tiếng nhất về kiến trúc của thế giới cho những công trình tại Việt Nam mà Võ Trọng Nghĩa là tác giả, nhưng công ty mà anh làm chủ luôn trong tình trạng khó khăn về tài chính. Nghĩa cho biết, sau 9 năm mở công ty, đến tháng 7/2015, tiền thiết kế phí mới đủ trả lương cho nhân viên.”Ở Việt Nam, người ta không sẵn sàng trả đủ phí thiết kế cho một công trình kiến trúc xuất sắc. Trên thế giới, phí thiết kế trung bình khoảng 10% giá trị công trình, với các căn nhà nhỏ thì tỷ lệ sẽ cao hơn; con số này ở Việt Nam rất thấp. Với nhiều công trình khó và đoạt giải quốc tế, phí thiết kế của mình bị kêu đắt nhưng không có mấy người tin là mức đó là bị lỗ nặng”

Cộng đồng kiến trúc sư Việt Nam có công nhận tài năng của anh, nhưng Võ Trọng Nghĩa lại ít mối liên hệ vì trong những năm đầu về nước anh được cho là rất kiêu ngạo. Bản thân anh khi phỏng vấn cũng nói rằng thời điểm đó anh tồn tại nhiều sự bực dọc trong mình nên có nhưng lúc phát tiết ra sự bực dọc ấy với người khác. Anh thường cũng không bao giờ đưa ra phát ngôn phản đối hay đồng tình với những ý kiến trong giới và báo chí về con người và các công trình của anh. Anh tiếp nhận những đóng góp đó một cách âm thầm và làm những gì mình cho là đúng. Anh nói rằng đừng mất thời gian quan tâm đến người khác nói gì về mình. Và trong thời gian đó, anh chọn giải pháp nỗ lực để khẳng định trình độ, tên tuổi và vị trí thông qua những giải thưởng lớn liên tiếp. Anh không bao giờ để cảm xúc của mình bị chi phối bằng lời nói của những người khác.

Hiện tại, công ty của  Võ Trọng Nghĩa đã ở quy mô lớn hơn và nhận được rất nhiều đơn đặt hàng từ các cá nhân cho tới công ty tư nhân và nhà nước. Ngoài ra mình cũng quan sát nhiều công ty kiến trúc khác cũng chịu ảnh hưởng ít nhiều từ phong cách của anh. Có thể nỏi rằng, viễn kiến của Võ Trọng Nghĩa đã ngày một rõ ràng dù trải qua nhiều bước tiến chậm. “Càng rất vội thì càng phải từ từ. Nếu cần nhanh, tốc độ như tên lửa thì phải bình tâm như không có gì, chứ cứ vội vàng thì sẽ thất bại. Muốn to trước hết phải nhỏ lại một chút”. Anh nói.

Võ Trọng Nghĩa tâm sự rằng anh nỗ lực để có nhiều công trình kiến trúc Việt Nam được xướng danh trên thế giới. Việc anh quyết tâm trở lại Việt Nam sau 10 năm ở Nhật Bản, bỏ qua nhiều lời đề nghị hấp dẫn, được anh khẳng định bằng một sự quả quyết: “Tôi là người Việt Nam và muốn cống hiến cho Việt Nam”. Đó là lý tưởng của anh.

Anh đã đào tạo và rồi “đuổi đi” nhiều kiến trúc sư tài năng. Hầu hết những kiến trúc sư này khi đứng “một mình một mặt trận” đã có những thành công bước đầu trên trường quốc tế. Anh kiếm được tiền từ kiến trúc nhưng cũng đầu tư ngược trở lại cho kiến trúc rất nhiều. Anh mời nhiều kiến trúc sư nước ngoài sang Việt Nam làm việc cùng các đồng nghiệp trẻ người Việt để đạt gần hơn mục tiêu đưa kiến trúc Việt Nam ra thế giới và đào tạo ra những kiến trúc sư trẻ có tài. Lý tưởng về những thiết kế trường tồn và được thế giới công nhận nhưng việc đào tạo ra những nhân tài kế tiếp cũng là một phần của lý tưởng đó.

Điều thú vị nhất ở Võ Trọng Nghĩa đối với mình không nằm ở tài năng hay những thành công bất chấp sự ghét bỏ của nhiều ngừoi trong nghề của Võ Trọng Nghĩa mà là cốt lõi trong hoạt động mà anh xây dựng trong công ty của mình. Đó là sự tu tập, hay còn gọi là thiền định hàng ngày song song với công việc kiến trúc. Ngày nay sự thiền định đã được khoa học chứng mình rằng sẽ giúp sáng tạo và tập trung hơn trong công việc. Ngay chính Steve Jobs cũng là một người hành thiền trong một thời gian dài. Có thể việc sản phẩm của Jobs luôn đơn giản, tập trung vào điều cốt lõi duy nhất và đánh trung vào thị giác của người dùng một phần nào đó là đến từ thiền.

Võ Trọng Nghĩa nói rằng “Cách đào tạo của tôi là phải truyền được cảm hứng cho người khác. Tôi truyền đạt cho những nhân viên của mình biết cách gần gũi, thân thiện và yêu thiên nhiên. Mỗi ngày, các nhân viên sẽ dành ra 1 giờ đồng hồ để thiền, buổi sáng từ 8h – 8h30, buổi chiều từ 5h30 đến 6h. Việc thiền định mỗi ngày giúp tâm mỗi người được tĩnh lặng, đầu óc trong sáng, sự giao thoa giữa người và thiên nhiên được tái tạo lại. Từ đó tình yêu thiên nhiên sẽ đến với mỗi người, và họ sẽ muốn làm được những kiến trúc xanh”. Thậm chí anh đã cho nghỉ việc rất nhiều người giỏi chỉ vì họ không thể thiền được. Đối với sự cực đoan này của Võ Trọng Nghĩa, anh lý giải rằng sự thành công của mình dựa vào 3 bí quyết là kiên nhẫn, sự tĩnh lặng trong tâm hồn và sống theo quy luật của tự nhiên. Đó cũng là quy luật của Thiền.

“Còn về ý tưởng cho một thiết kế, thú thật là tôi không dành thời gian để suy nghĩ ý tưởng, nó đến rất tình cờ. Chẳng hạn trong lúc thiền định, một ý tưởng bất chợt nảy lên và thế là tôi bắt tay vào làm ngay”.

Đừng nghĩ thiền là một việc dễ dàng, mình trong 2 năm trở lại đây thì việc nâng thời gian thiền từ 20 lên 30 phút một ngày là một quá trình đấm đá túi bụi với sự mất kiên nhẫn khi hành thiền. Đối với cá nhân mình thì việc thiền định hay tu tập chính là quá trình để nhìn thấu vào bản thân, càng rõ ràng tốt cũng như nhận ra rằng việc này không hề nhanh chóng, dễ mất kiên nhẫn và phải mất nhiều thời gian  mới dò đúng mạch sáng tạo mà thiền mang lại.

Bất cứ nhân viên nào đến làm việc với Võ Trọng Nghĩa cũng vậy, anh đều đưa họ đi thiền minh sát 10 ngày, mỗi ngày thiền 10 tiếng rồi mới bắt đầu làm thiết kế. Đó thực sự là một phép thử vượt ra khỏi giới hạn với bất cứ ai, giống như việc xin việc ở facebook bạn sẽ phải trả lời chính xác “Cần bao nhiêu cái bánh bích quy để lấp đầy bang California?”. Google cho phép nhân viên sử dụng 10-20 phần trăm thời gian làm việc để làm những gì mình muốn, thì công ty của Võ Trọng Nghĩa cho phép bạn thiền bao lâu cũng được trong giờ làm việc để làm trống tâm trí. “Khi trống rỗng thì cái mới sẽ đổ tràn đầy vào trong bạn”. Mình cũng đi theo cách chậm rãi, từ từ dù có những lúc những ý tưởng hay dự định thú vị bật ra khỏi đầu và chỉ muốn thực hiện ngay. Nhưng thời gian và sự cuồng nhiệt lắng xuống thì sẽ giúp mình có cái nhìn tốt hơn về một điều gì đó định làm. “Chịu đói, chịu khổ sau một thời gian dài là đến thời bùng nổ”. Võ Trọng Nghĩa nói về việc cách bản thân và công ty của anh hoạt động khi đưa thiền vào trong văn hoá công ty.

Võ Trọng Nghĩa làm việc vì đam mê và đam mê chưa có điểm dừng. Một ngày anh có thể làm việc từ 12 đến 15 tiếng. Anh ngủ sớm, dậy sớm, ngồi thiền, đi bơi và sau đó thì dành trọn một ngày cho công việc, không nhậu nhẹt, la cà. Mọi năng lượng của bản thân đều được dành cho công việc và không bị những thứ khác làm sao nhãng, ảnh hưởng đến sáng tạo.

“Thành công phải được xây dựng từ sự dũng cảm phá bỏ đi những thành công đã qua để đạt thành công mới”, Võ Trọng Nghĩa tâm niệm điều đó. Vì thế, anh ví mình là một game thủ: “Khi tôi làm việc, tôi hình dung mình là một người chơi game. Cứ khi nào đạt tới một level nhất định, tôi lại muốn vươn lên những tầm cao hơn, khó hơn nữa”.

Cuối cùng, một trong những lời khuyên để tập trung và sáng tạo lâu dài trong công việc của Võ Trọng Nghĩa là “Tôi có tivi nhưng tôi không xem. Tôi có máy tính nhưng không lệ thuộc vào nó. Đừng lệ thuộc vào những điều đó, nó sẽ giết chết sự sáng tạo. Vì con người nếu lạc trong thế giới ảo quá lâu, họ sẽ không thích giao tiếp với người bên cạnh, họ cắt đứt mối quan hệ với thiên nhiên, trở nên lạc lõng… Đó là nguồn gốc dẫn đến những xung đột giữa người với người”.

 

Lan tỏa nếu thấy hay nhé:

Viết một bình luận