NẾU MUỐN KHOẺ MẠNH ĐỂ CÒN CƯỚI VỢ THÌ TỪ BÂY GIỜ CHÁU HÃY NGỒI YÊN MỘT CHỖ
Hơn 6 năm trước, mình đã đi đi lại lại trong viện Huyết học Quốc gia đúng 1 tuần truyền huyết tương tăng tiểu cầu nhằm giảm đau, ngăn chặn quá trình chảy máu bên trong cơ bắp và giảm sưng viêm ở đầu gối. Tin mình đi,sự đau đớn của hiện tượng chảy máu bên trong là một trải nghiệm vượt xa cả khái niệm đau đớn mà bạn từng biết.
Mình xin chia sẻ một chút là mình bị máu khó đông do di truyền, đây là một căn bệnh khiến mình bị chấn thương hay chảy máu sẽ lâu bình phục và cầm máu lâu hơn so với bình thường. Thậm chí, dù mình không hoạt động thể chất mạnh hay gặp những chấn thương khi chơi thể thao (Hồi 16-17 tuổi, có lần đá bóng, mình bị rách cơ phải mất hơn 6 tháng thì mới khỏi và bắt đầu chạy được) vì bệnh máu khó đông có thể gây xuất hiện bên trong mà không cần lý do gì hết.
Do vậy, bác sĩ có dặn đi dặn lại mình rằng đừng bao giờ chơi thể thao, chạy bộ hoặc bất cứ hoạt động mạnh nào để hạn chế mọi rủi ro hết sức có thể rồi chỉ vào 1 bệnh nhân khác cũng đang trong phòng tiêm.
“Nếu mày muốn cưới vợ thì cứ ngồi yên, cấm chạy nhảy không thì lại tụ máu trong phải tháo khớp như thanh niên kia thì mất đời trai”.
Đó là một thanh niên còn rất trẻ, mới 19-20 tuổi hôm trước mình vào viện cậu ta còn nguyên hai chân, nhưng chân bên trái đã chuyển màu tím đen có cảm giác rất nghiêm trọng. Hoá ra cậu ấy bị chảy máu bên trong như mình, nhưng vì ở dưới quê lại nghĩ là gẫy xương nên bó bột khiến chân bị hoại tử, nhiễm trùng phải cắt bỏ.
Sau đó, ngay khi bác sĩ đi sang phòng khác thì mình đã bám vào tường, lết từng bước chân từ tầng 5 xuống sảnh bệnh viện để bắt taxi… đi chơi chứ không nằm nghỉ sau khi truyền huyết tương. Ngồi trong xe, dù tôn trọng ý kiến và chuyên môn của bác sĩ nhưng mình vẫn không chấp nhận sự thực đó, như bao định kiến hay những gì người khác nói mình không thể làm được trong cuộc đời này.
Mình bắt đầu tìm hiểu vấn đề bằng cách đọc sách về sinh học, cơ thể người cũng như về cách tập luyện, chia sẻ làm thế nào để tái cấu trúc lại cơ thể và quay trở lại thi đấu của những vận động viện thể thao. Thậm chí, mình còn tìm được những bài viết của các vận động viên chuyên nghiệp hay bán chuyên đang chạy bộ hay thi đấu thể thao thường xuyên cũng mang bệnh di truyền máu khó đông như mình. Tất nhiên về thuốc men, các quá trình phục hồi chức năng ở nước ngoài là những thứ mình không thể tiếp cận được ở Việt Nam. Ví dụ huyết tương và thuốc mình tiêm lúc đó là do Mỹ tài trợ, nếu tính ra gí tiền là 6-8 triệu (Mình nhớ là như thế) một liều và phải truyền cùng tiêm liên tục ít nhất từ 7 tới 10 ngày, có ngày 2 liều.
Nhưng bù lại có những điều mình có thể thực hiện được để thay đổi thể trạng và kiểm soát căn bệnh di truyền của mình như: Hạn chế hoặc không uống bia rượu đồ ăn có độ đạm cao như thịt chó, lòng lợn, tập luyện những bài tập đơn giản để nâng cao thể trạng và sức đề kháng của cơ thể như chống đẩy, những bài tập work out tại nhà hay bất cứ đâu mà không cần phải có dụng cụ. Thật may là mình cũng thường xuyên tập từ trước đó nên thói quen này không gây khó khăn cho mình. Cuối cùng là mình dừng việc uống thuốc khi có bất cứ triệu chứng sốt, ho, cảm cúm… Thay vì dùng thuốc, hãy để cơ thể tự đề kháng lại cũng như hệ thống bên trong sẽ sản sinh ra nhiều tiểu cầu hơn.
Trong thời gian đó, mình vẫn chưa chạy vì thứ nhất là lười, thứ hai mình chưa tìm được lý do để thuyết phục bản thân chạy mỗi ngày và 1 tuần chỉ đi bộ 1-2 buổi và không kéo dài quá 30 phút. Mình đã có những hành động cụ thể, nhưng chưa triệt để từ năm 2015 tới tận đầu tháng 2019. Tuy nhiên trong thời gian chỉ tập ở nhà và thi thoảng đi bộ cũng như cực kì hạn chế uống bia rượu và ăn đồ đạm cao thì quả thật là thể trạng mình đã thay đổi rất nhiều: Mình không còn ốm vặt nữa, khi bị sốt nhẹ, viêm họng, cảm cúm thì mình để cho cho bản thân có thêm thời gian nghỉ ngơi và ngậm chanh muối, bôi dầu tràm chứ không uống thuốc.
4 năm, kể từ 2015 tới đầu 2019, Hà Nội đã trải qua ít nhất 6,7 đợt dịch sốt siêu vi, sốt xuất huyết và đáng ngạc nhiên là một đứa dành tới 15-16 tiếng ở bên ngoài bất kể nắng nóng, mưa bão như mình mà lại miễn nhiễm với dịch bệnh. Đỉnh điểm nhất là năm 2017, nhiều người bạn mình hay chơi đều bị nhiễm sốt xuất huyết, từ đứa ngồi ở văn phòng, trong ô tô cả ngày mà vẫn bị. Tất nhiên có khả năng là mình ăn may (có thể thôi nhé), nhưng thực sự là thể trạng của mình đã cải thiện tới mức mình thấy còn tốt cả khi 20,22 tuổi.
Và rồi khi những gì mình đã áp dụng đã có tác dụng và đem tới lợi ích cho bản thân, thì mình quyết định quay lại với câu hỏi “Mình có thể chạy bộ được không và phải chạy như thế nào để không bị chấn thương?”.
Từ câu hỏi này, mình đọc lại cuốn Tôi nói gì khi nói về việc chạy bộ của Haruki Murakami và mua một cuốn sách mới liên quan đến chạy là Born to Run – Sinh ra để chạy. Một cuốn nói về việc chạy sẽ giải phóng áp lực viết lách cũng như việc phải có một thói quen hoạt động thể chất để duy trì được việc viết tiểu thuyết mỗi ngày. Cuốn còn lại cho mình cái nhìn thú vị về việc chạy bộ nó không phải là một thói quen hay điều gì quá đáng sợ với con người, chạy là bản năng sẵn có của chính chúng ta.
MÌNH HỌC ĐƯỢC GÌ TỪ HAI CUỐN SÁCH CHẠY BỘ?
Nội dung của Tôi nói gì khi nói về chạy bộ của Murakami xoay quanh vấn đề là Murakami muốn trở thành tiểu thuyết gia mỗi năm đều phải có sách xuất bản với chất lượng bản thao cao nhất. Nhưng ông ấy nhận ra vấn đề là các thói quen xấu như hút thuốc, khẩu phần chưa khoa học, thức đêm đã ảnh hưởng đến việc viết lách như thế nào, cũng như áp lực từ việc ngồi viết mỗi ngày khiến Murakami cảm thấy thật khó để có thể duy trì được việc viết 8 tiếng…mỗi ngày.
Vì thế Murakami đã chọn chạy bộ là hoạt động thể chất chính, thi thoảng ông cũng đi bơi nữa. Murakami giải thích rằng chạy bộ không phải cần quá nhiều kỹ năng và dụng cụ như các môn thể thao khác, cũng như ông cũng chẳng có hứng thú với đạp xe, bóng đá hay golf cả. Chỉ cần xỏ giầy là chạy. Và khi chạy, Murkami mô tả rằng mình không có suy nghĩ gì hết, chạy đối với ông ấy là một dạng thiền định giúp trí não thư giãn sau những giờ viết căng thẳng. Giống như mình, Murakami cũng bắt đầu chỉ chạy bộ khi đã xấp xỉ 30 tuổi và đến tận bây giờ ông ấy vẫn chạy, thậm chí là đã tham gia rất nhiều cuộc thi Marathon trên khắp thế giới song song với việc viết tiểu thuyết và truyện ngắn.
Còn cuốn Born to Run – Sinh ra để chạy thì đề cập đến những con người trên khắp thế giới xuyên suốt trong dòng thời gian và lịch sử có khả năng chạy tới 80-100 dặm 1 ngày như người Tarahurama trên những địa hình nguy hiểm, gồ ghề chứ không phải là bằng phẳng thường thấy hay những chiến binh săn linh dương ở Châu Phi bằng cách đuổi theo những sinh vật chạy nhanh nhất thế giới cho đến khi chúng kiệt sức thì thôi.
Trong hiện tại, có rất nhiều con người bình thường và vô danh có thể chạy ngang ngửa hoặc các vận động viên Olympic. Bản thân Christopher McDougall – tác giả Sinh ra để chạy trong quá khứ đã được bác sĩ cảnh báo thể trạng và đôi chân của anh có vấn đề nên không thể chạy được. Christopher McDougall đã tin như thế cho đến khi gặp những chuyên gia và người chạy bộ thường xuyên nhưng có vấn đề ở chân nghiêm trọng hơn cả anh mà vẫn có thể chạy hàng chục dặm mỗi ngày được. Sau khi được tư vấn và khích lệ, Christopher McDougall đã chạy được khoảng 15-20 dặm trong ngày hôm đó.
Nhờ đọc Sinh ra để chạy, mình được biết là khoa học cũng đã có nhiều nghiên cứu và thừa nhận rằng con người đã tiến hóa để chạy những quãng đường dài hơn trong nhiều giờ hoặc thậm chí nhiều ngày của thúc đẩy một loạt những thay đổi trong cơ thể của chúng ta, bao gồm ngón chân nhỏ hơn và sự phát triển của rất nhiều tuyến mồ hôi. Nhưng điều thú vị hơn cả là mình học được cách chủ nghĩa chạy tối giản dựa trên những nguyên tắc cơ bản khi chạy sau : Thẳng lưng – gập đầu gối khi chạy- tiếp đất bằng mũi chân thay vì gót (Điều này vẫn đang gây tranh cãi) và xỏ bất cứ đôi giầy nào bạn muốn chứ không cần thiết là một đôi dòng Runner của Nike hay Adidas. Trong Sinh ra để chạy có trích dẫn những sự giải thích rằng giày đặc chủng dành cho chạy thực sự không tạo ra quá nhiều khác biệt.
Thực tế, mình chạy bằng một đôi Adidas.. Stan Smith, một đôi giày vải thượng đỉnh và một đôi Converse cơ bản và chẳng có vấn đề gì khi chạy cả.
Sau khi đọc xong 2 cuốn đó thì ngay chiều ngày hôm sau mình bắt đầu đi chạy.
MÌNH ĐÃ CHẠY NHƯ THẾ NÀO TRONG 2 NĂM NAY?
Mình đặt ra mục tiêu là mỗi ngày chạy 30 phút.Ngày đầu tiên, mình chỉ chạy được 5 vòng xung quanh khu chung cư gần nhà và 25 phút sau là đi bộ. Tính ra tổng quãng đường mình chạy và đi có lẽ khoảng 2,5km. Khi về hai bắp chân của mình đau và mỏi, và có một vấn đề nữa là thói quen chống đẩy, tập ta hay cơ bụng mỗi ngày đã không để mình yên. Dù mỏi chân nhưng mình vẫn cẩm thấy có thể tập nhưng bài và động tác không tác động đến chân nhiều. Vì thế mình lại tập tiếp 20 phút nữa.
Chiều hôm sau mình có suy nghĩ rằng chỉ cần đi bộ để tạo thói quen đã rồi chạy sau. Mình đã làm như thế và cho tới phút thứ 26,27 thì mình mới bắt đầu chạy 2 vòng và đi về để tập tạ tay. Mình có thói quen là 1 ngày tập cơ bụng và chân, một ngày tập tạ tay nhưng luôn chống đẩy trong mỗi buổi. Cứ như vậy cho tới ngày thứ 5, mình đã chạy được 12 vòng, chia thành 2 lần, mỗi lần cách nhau 10 phút. Cứ mỗi ngày, mình lại tăng vòng chạy lên và giảm bớt thời gian đi bộ đi.
Sau hơn 1 tháng, mình đã có thể chạy trọn vẹn 30 phút với số phút đi bộ rất ít. Chưa tới 2 tháng, mình đã chạy từ 30 phút lên hơn 60 phút chia thành 2 buổi và lần đầu tiên chạy được 10km mỗi ngày trong khi vẫn duy trì việc tập luyện. Mình chỉ nghỉ chạy vào Chủ Nhật, nhưng vẫn đi bộ 5-7km. Sau một năm, kỷ lục cao nhất khi chạy bộ mình đạt được là 18km trong 121 phút chạy. Kể cả dịp Tết cổ truyền, mình vẫn chạy như ngày thường. Kỷ niệm mình nhớ nhất là chiều 30 Tết năm 2020 mưa to như trút, đồng thời nhiệt độ cũng giảm sâu nhưng mình lại cởi trần vì thân nhiệt tăng cao khi chạy liên tục trong khoảng 50 phút. Đến bây giờ, có những ngày mình bận viết lách mà không chống đẩy hay tập tạ được nhưng mình vẫn chạy.
Và tại sao mình lại chọn chạy bộ thì nó nằm ở việc giải phóng và hạ nhiệt não bộ của mình khỏi sự căng thẳng do đọc và viết mỗi ngày. Mình sẽ giải thích ở phần cuối cùng trong chia sẻ này.
CHẠY BỘ MỖI NGÀY SẼ ĐEM TỚI SỰ TIẾN BỘ LỚN LAO CHO BẠN
Có một thực tế khi bạn đọc, học, làm việc sâu với mức độ tập trung cao nhiều giờ thì từ não bộ đến cơ thể sẽ bị căng thẳng và quá tải. Lý do vì khi phải suy nghĩ về những vấn đề logic hay trừu tượng và phân tích ngông từ, con số thì những nơ rôn thần kinh sẽ bị đốt cháy dẫn tới việc thời gian càng ngồi lâu thì năng suất và sự hiệu quả giảm xuống do não bộ chạm tới giới hạn của nó.
Thông thường, mọi người sẽ chọn việc nghỉ ngơi và giải trí bằng internet, bằng facebook hay game nhưng những cách này thực sự không hiệu quả, trải lại nó còn làm giảm năng suất và làm chậm thời gian tái tạo năng lượng. Việc bạn lướt web hay xem ảnh ít (phim JAV và ảnh sex thì là lại ngoại lệ vì hai thứ này sẽ đổ vào bạn một lượng dopamine – một chất gây hưng phấn, thoải mải trong não đáng kinh ngạc khiến bạn có thể lại hứng thú hơn nhưng đồng thời sẽ nghiện và lạm dụng nó hơn) nhiều cũng sẽ bắt não bộ phải phân loại, đưa ra quyết định… Nhưng quan trọng nhất, việc sử dụng mạng sẽ khiến mức độ tập trung của bạn tụt xuống con số 0, lấy đi tinh thần và khả năng hoạt động thể chất của bạn khi não bộ đang thoải mái với những hình ảnh và thông tin mới.
Điều này nghe có vẻ lý tưởng nhưng thực chất sau 1-2 tiếng lướt mạng và facebook liên tục bạn sẽ rơi vào trạng thái vô thức, trống rỗng, không muốn làm gì cả ngoài việc sử dụng ngón tay lướt đi lướt lại bất cứ thông tin nào có thể hiện ra trước mắt. Mình gọi đây là hiện tượng não đã bị nhũn sau khi bạn đổ đầy vào não quá nhiều dopamine, hay nói cách nghiêm trọng hơn thì đây là một dạng biểu hiện giống như chứng nghiện ma tuý, tình dục, phim khiêu dâm…
Thay vì thế, việc hoạt động thể chất sau những giờ làm việc căng thẳng sẽ giúp bạn thoải mái hơn, đỡ mệt mỏi hơn và đẩy nhanh tốc độ tái tạo lại năng lượng để có thể tiếp tục đọc sách hay làm việc vào buổi tối. Cấu tạo của cơ thể người là dạng đứng và đi, chứ không phải là ngồi một chỗ với chiếc iPhone trong tay. Việc ngồi quá lâu sẽ dẫn tới nhiều chứng bệnh như béo phì, tiểu đường, lão hoá cũng như làm biến đổi chính cơ thể của bạn. Còn chạy bộ, tập luyện hay chơi thể thao sẽ thúc đẩy quá trình trao đổi chất tốt hơn và tái tạo tế bào mới nhanh hơn. Điều này bạn có thể quan sát bằng mắt, đa số những người có hoạt động thể chất hàng ngày sẽ trông trẻ hơn, khoẻ mạnh hơn cũng như sở hữu phom dáng mơ ước.
Bản thân chạy bộ và tập luyện cũng sản sinh ra dopamine – sự hưng phấn như internet nhưng ở dạng ít và đòi hòi nhiều cố gắng hơn. Thay vì lướt ngón tay trong 3 phút thì não bộ bạn đã tràn ngập dopamine thì các hoạt động thể chất cần tối thiểu 10-15 phút ban đầu để khởi động bộ máy hưng phấn. Tất nhiên cái dễ hơn thì mọi người sẽ thích làm hơn, nhưng sẽ bị phụ thuộc và nó cũng trở nên nghiện internet hơn, và khi đã nghiện bạn lại dành nhiều thời gian hơn cho những thứ gây sao nhãng và ảnh hưởng đến cuộc sống và tương lai của mình.
Đối với mình thì mình đồng ý với Murakami rằng việc chạy bộ có thể giải phóng sự quá tải và căng thẳng của não bộ sau hàng giờ viết. Mình chỉ muốn bổ sung thêm một điều nữa rằng chạy hay tập luyện sau khi viết giúp mình tái tạo năng lương, sạc đầy sức mạnh cho những nơ rôn thần kinh để tới tối lại ngồi viết và đọc với sự tập trung kéo dài cho tới khi ngủ thì thôi. Và việc kéo dài được thời gian tập trung sẽ khiến mình sẽ viết được nhiều hơn, đọc được nhiều hơn song song với việc có một sức khoẻ tốt.
Về lâu dài, việc bạn đầu tư thời gian để chăm sóc bản thân thông qua chạy bộ hay các hoạt động thể chất thì bạn đã đạt được thành công rồi đấy. Khi sức khoẻ được đảm bảo, khi bạn có thể tự tạo ra sự hưng phấn và năng lượng cho mình thì bạn đã cho phép bản thân hướng tới những mục tiêu lớn lao trong cuộc đời này.
“Kẻ nào quý trọng thân thể mình hơn cả việc có được thiên hạ thì có thể giao thiên hạ cho kẻ đó trị”.
-Lão Tử.