BẠN PHẢI LÀM GÌ TRONG MỘT NGÀY KHÔNG MUỐN LÀM GÌ HẾT?

Tuần trước, bạn T có inbox cho mình nói rằng :

“Tớ có một câu hỏi như thế này không biết cậu đã bao giờ trả lời nó trong một bài viết nào chưa, nếu có rồi thì gửi link cho tớ nhé, nếu chưa có thì hôm nào rảnh cậu viết ra nhé”.

Thật thú vị là mình đã nghĩ nhiều về vấn đề này và sẽ không chỉ có 1 bài mà vài bài viết thì mới có thể thoả mãn hết những gì mình chia sẻ dựa trên trải nghiệm của cá nhân mình.

câu hỏi của T như sau:

“Khi bắt đầu một ngày mới, bao giờ cũng thấy có rất nhiều việc để làm. Việc khó, việc dễ, việc cần tập trung 2 tiếng mới xong, việc lại chỉ cần 30 phút là xong. Vậy thì cậu sẽ xếp việc theo logic nào?

Ví dụ như tối qua, tớ mệt. Tớ có 2 đầu việc để làm toàn là việc lớn không, 1 việc phải 2 tiếng hơn, 1 việc phải 3-4 tiếng hơn. Cả 2 đều rất quan trọng với tớ. Tớ lằng nhằng mất một lúc rồi… ngủ, chả làm được việc nào.”

Và câu trả lời của mình là :

Mình có một To do list cho mỗi ngày, nhưng mình lại tuỳ biến những đầu việc theo tâm trạng, cảm hứng, áp lực của deadline hay của chính bản thân chứ không phải là cứng nhắc làm từ A đến Z, làm từ Khó tới Dễ hoặc ngược lại. Luôn viết to do list cho ngày hôm sau trước khi ngủ, nhưng tuỳ biến vào tinh thần, cảm xúc và động lực chứ không ưu tiên làm cái gì trước – đó chính là logic của mình.

Ví dụ vào buổi sáng hôm T hỏi thì mình đang ngồi ở nhà để viết tiếp dự án sách – một công việc khó khăn, đòi hỏi sự tập trung cao và ngốn nhiều thời gian. Lý do nằm ở tối hôm trước, khi động lực của mình vẫn được duy trì ở mức cao vì tiến độ chỉnh sửa bản thảo đang ở những khâu cuối cùng, vì thế sau một giấc ngủ thì mình lại có thể dễ dàng viết tiếp. Sau đó là những việc khác trong to do list như thiền, chạy, tập, đọc ít nhất 30 phút mỗi ngày đều dễ dàng hoàn thành.

Nhưng đó là trong trạng thái khi mình duy trì được nhịp điệu, còn những ngày thức dậy mà chẳng muốn nhấc một ngón tay để làm bất cứ việc gì thì sao? Đơn giản thôi, mình chọn việc dễ nhất trong to do list để làm như đi bộ, đọc sách 30 phút hoặc thiền 20 phút. Cả ba hành vi này đều là những thói quen mình dễ dàng thực hiện bằng sự vô thức mà không phải mất thời gian đưa ra quyết định hay đấu tranh tư tưởng cả.

Cái hay của những thói quen tốt chính là nó kích thích, tạo ra những thay đổi từ tinh thần cho tới cảm xúc, nhịp điệu làm việc của bạn, vì từ các hành động CÓ Ý NGHĨA được bạn thực hiện và lặp lại mỗi ngày sẽ làm tâm trí bạn nhận thấy sự tích cực từ những hành động đã hoàn thành đó. Rồi từ một tâm trạng thoải mái, sẽ khơi nguồn động lực để bạn tiếp tục thực hiện các công việc khó nhằn, tiêu tốn thời gian và sức lực hơn trong to do lít của mình.

Một thói quen tốt mà bạn duy trì mỗi ngày không chỉ làm cậu thực hiện hành vi khó một cách tự động, mà còn là nền tảng để khôi phục lại trạng thái làm việc và tập trung. Tất nhiên mỗi người sẽ có những cách khác nhau để thúc đẩy bản thân Nhưng mình cho là cứ làm 1 việc dễ nhất trong những ngày không có tâm trạng làm gì

Còn đây là những gì T đúc kết sau cuộc trao đổi với mình qua tin nhắn :

– Bắt đầu với việc DỄ để có cảm giác hoàn thành, chiến thắng, từ đó có động lực để tạo workflow và tiếp tục vòng quay.

– Ưu tiên cho các việc tới deadline, kiểu gì những cái “deadline” cũng là những cái ảnh hưởng tới người khác, họ đang cần phần của mình cho công việc chung. Nên tôn trọng deadline.

– Dù có là deadline hay ko, khi mình hoàn thành một việc lớn (kiểu 2 tiếng) thì mình cũng có cảm giác “sướng”, cảm giác này hỗ trợ tốt cho các công việc tiếp theo.

– Nên đan xen việc lớn và việc nhỏ, việc lâu & việc nhanh, như thế cái này sẽ bù trừ cái kia.

Cuối cùng là một số cách có thể giúp các bạn duy trì được nhịp điệu làm việc, học tập hiệu quả trong những ngày chẳng muốn làm gì hết

1. Lựa chọn những hành vi giúp bạn sạc đầy lại cảm hứng, động lực khi làm việc như sắp xếp lại bàn làm việc, viết ra những suy nghĩ, đọc lướt một vài trang sách…

2. Tránh thực hiện các hành vi vô thức gây suy giảm tâm trạng và mức độ tập trung của bạn như web, xem Facebook, Tik Tok… Mình chẳng có thù oán gì với internet cùng những ứng dụng giải trí cả, nhưng những điều này dễ gây nghiện và làm bạn buông xuôi ý chí “muốn làm gì đó có ích trong một ngày chẳng muốn làm gì hết”.

3. Buổi trưa khi tạm nghỉ công việc hay từ lớp về nhà hãy đi dạo một lát, vận động một lát để cơ thể bạn cảm thấy hứng thú hơn trong buổi chiểu trước khi làm một cái gì đó có ích.

4. Hãy chấp nhận trạng thái vô động lực ấy, không chống cự, không bị cuốn vào nó. Khi nó tới cứ để nó đến và để nó đi như một cơn mưa bất chợt.

5. Làm ơn nhấc mông lên, đi ra ngoài gặp gỡ, chia sẻ và tương tác với một ai đó đi. Và nói với họ rằng bạn biết ơn vì cuộc gặp gỡ này là điều có ý nghĩa đến thế nào trong một ngày tồi tệ của mình.

Lan tỏa nếu thấy hay nhé:

Viết một bình luận

Trần Đức Nhân