BÍ KÍP XÂY DỰNG THÓI QUEN TỪ DỄ TỚI HƠI KHÓ

Chính xác là bài viết này dành cho người siêu lười tới siêu thực thi trong việc xây dựng các thói quen mới.

Đầu tiên là vẫn phải nhắc lại lợi ích của việc xây dựng và duy trì những thói quen mới không chỉ cải thiện bản thân mà còn thay đổi cuộc đời bạn.

Khi sở hữu những thói quen tốt, bạn không kiếm được nhiều tiền hơn nhờ việc nâng cao và học được các kỹ năng mới, mà bạn còn giúp đỡ mọi người xung quanh để khiến cuộc sống có ý nghĩa hơn.

Nhưng tuỳ vào từng giai đoạn và động lực của mỗi người sẽ không thể áp dụng cùng một cách thức để kích hoạt những hành vi xây dựng thói quen. Nếu khó quá thì chỉ sau một ngày bạn sẽ bỏ cuộc. Nhưng dễ quá thì bạn lại nhận được những tín hiệu thay đổi.

Trong trường hợp bạn là một người nhận thức được những lợi ích của việc có những thói quen tốt, nhưng lại biết biết bạn đầu từ đâu, quá lười biếng, quá bận rộn hay quá mệt mỏi khi nghĩ đến việc cải thiện bản thân thì hãy làm theo những bước sau.

1. Viết ra những thói quen tốt bạn muốn bắt đầu xây dựng ngay hôm nay. 20-30 thói quen cũng được. Sau đó chọn MỘT thói quen dễ dàng nhất mà bạn có thể thực hiện để bắt đầu.

2. Chia nhỏ thời gian để bắt đầu thực hiện thói quen đó. Ví dụ bạn muốn chống đẩy 20 cái một ngày, vậy thì ngày đầu tiên hãy bắt đầu bằng 2 lần chống đẩy. Số lượng không quan trọng bằng việc để não bộ bạn bắt đầu thiết lập hành vi chống đẩy mỗi ngày. Vì 2 cái quá dễ nên bạn có thể tái thực hiện hành vi chống đẩy vài lần trong một ngày cho tới khi bạn quyết định nâng số lần từ 2 thành 4,6,8,10… cho tới 20.

3. Quay lại với bút và sổ hoặc mục ghi chú trên điện thoại. Bạn hãy viết ra thật cụ thể thời gian, địa điểm, sau lúc nào để bắt đầu thực hiện 2 cái chống đẩy đó. Ví dụ bạn đang ngồi trong phòng lướt fb cả tiếng đồng hồ và muốn đứng dậy vận động một chút cho tay chân thoải mái – Đây là thời điểm vàng để bạn bắt đầu thực hiện hành vi dễ hơn ăn kẹo đó.

4. Sau khi thực hiện hành vi mới là 2 cái chống đẩy, bạn hãy tự thưởng cho mình bằng bất cứ cái gì bạn muốn như rót 1 cốc nước, chơi 1 trận game, hay lướt fb đều được. Trước khi bạn có thể biết được những thói quen và hành vi cũ đem lại rất ít giá trị thì bạn hãy coi đó PHẦN THƯỞNG cho bản thân khi thực hiện những hành vi mới. Sau khi lướt mạng chống đẩy 2 cái, khi ngủ cả buổi chiều cũng chống đẩy 2 cái, khi ăn vặt xong cũng chống đẩy 2 cái.
Mấu chốt ở đây là bạn đã thiết lập một hành vi mới vào trong chuỗi hành động và thói quen cũ của mình. Và sớm hay muộn bạn sẽ nhận biết được hành vi và thói quen nào đem lại lợi ích lâu dài cho bạn.

Điều này quan trọng là khi ở giai đoạn đầu tiên nay, bạn hãy hạ mọi mức chuẩn và những khó khăn ngăn cản bạn thực hiện thói quen xuống. Nếu thói quen tốt là một con cá ngừ đại dương, thì bạn sẽ chẳng thể đánh chén được hết chỉ trong vài ngày. Thay vì thế, bạn xẻ con cá thành hàng nghìn phần ăn nhỏ, đóng gói cất vào tủ lạnh, mỗi lần thưởng thức một chút thì lâu tới đâu bạn cũng sẽ ăn hết con cá cỡ lớn đó.

Còn nếu bạn là người đã có 2,3 thói quen tốt, nhưng vẫn muốn xây dựng các thói quen mới và đưa vào trong mỗi ngày của mình, thì bạn sẽ không gặp vấn đề liên quan tới động lực hay phần thưởng nữa mà liên quan việc quản lý thời gian.

1. Viết ra những khoảng thời gian bắt buộc trong ngày bạn dành cho công việc, học tập, ăn uống hay ngủ nghỉ. Thông thường những điều này sẽ ngốn của bạn 16 tới 18 tiếng một ngày. Nhưng thực tế, bạn chỉ có thể có khoảng 30-60 phút để dành cho việc xây dựng thói quen mới. Và với khoảng thời gian này, bạn phải chấp nhận rằng việc thiết lập được một thói quen mới sẽ không nhanh chóng. Nhưng có còn hơn không.

2. Bắt đầu lên kế hoạch để tích luỹ thời gian xây dựng thói quen mới. Khác với những người bắt đầu xây dựng thói quen từ con số 0, thì bạn có thể dễ dàng tập trung để thực hiện trong khoảng 30 phút hoặc lâu hơn thế. Việc viết ra một kế hoạch, rồi một to do list mỗi ngày giúp bạn quản lý thời gian tốt hơn để tận dụng từng giây phút rảnh rỗi để thực hiện thói quen mới.
Ví dụ buổi sáng bạn phải viết 1 báo cáo trong tuần với thời hạn là trước 12 giờ trưa. Vì bạn đã chủ động đưa việc viết báo cáo vào to do list nên bạn nhanh chóng tập trung làm việc mà không bị xao nhãng bởi các yếu tố bên ngoài.
Do vậy khi bạn làm xong sớm hơn thời hạn, bạn sẽ có khoảng 1 giờ rảnh rỗi làm gì đó mình muốn. Bạn có thể chọn giữa việc bắt đầu viết bài blog đầu tiên là thói quen mới bạn muốn xây dựng) hoặc chủ động giải quyết tiếp đầu việc khác trong to do list trước giờ trưa. Khi bạn đã quản lý và theo dõi thời gian một cách chú tâm, thì dù bận rộn hay ngập lụt trong công việc đến đâu, bạn vẫn sẽ bố trí được thời gian để bắt đầu thực hiện những hành vi đầu tiên của thói quen mới.

3. Hãy thiết lập một không gian chỉ dành cho thói quen mới. Trong không gian này, bạn hãy chủ động ngắt kết nối với gia đình, bạn bè và nhất là internet. Nếu thói auen đó là đọc sách thì bạn hãy để điện thoại ở phòng khác.
Bạn chỉ kết thúc khoảng thời gian này khi nghe thấy tiếng chuông báo hiệu. Việc chạy bộ hay tập luyện cũng như thế, bạn có thể chạy và tập trong bất cứ khoảng thời gian nào, nhưng để đạt được hiệu quả tốt nhất thì bạn phải chủ động ngắt kết nối mọi thứ khiến bạn phân tâm đi. Bạn không thể đọc với một sự xao nhãng, và việc vừa chạy hay tập vừa trả lời tin nhắn sẽ khiến bạn bị chấn thương. Đơn giản là chỉ làm 1 việc trong 1 khoảng thời gian nhất định thôi. Điều này hoàn toàn đúng khi bạn bắt đầu xây dựng một thói quen mới.

4. Tạo mọi điều kiện để thực hiện thói quen mới. Nói ngắn gọn là bạn phải tận dụng mọi khoảng thời gian, cơ hội cũng như bất cứ công cụ để thúc đẩy bạn thực hiện thói quen mới trong mọi thời điểm. Khi đọc sách bạn tải ebook, sách nói, sách giấy để có thể đọc trong những khoảng thời gian chết như đợi thang máy, đợi mua đồ ăn, nghỉ trưa…
Đi bộ cũng vậy, hãy chọn vị trí xa cửa ra vào nhất chỗ bạn làm để dựng xe, từ đó đi bộ tới tháng máy. Sau đó bạn cũng bỏ qua thang máy luôn – leo cầu thang bộ lên tầng bạn làm việc. Hãy chủ động những khoảng thời gian giải lao, đứng dậy đi ra ngoài thay vì kiểm tra tin nhắn hay lướt tiktok. Tận dụng, tận dụng và tận dụng mọi khoảng thời gian có được để thực hiện hành vi tạo ra thói quen mới.

Khác với những người bắt đầu xây dựng thói quen đầu tiên là chia con cá thành nhiều phần nhỏ, thì bạn với tư cách là người đã nắm trong tay vài thói quen mới thì phải gia tăng mức độ thực hiện và thời gian dành cho một thói quen mới tiếp theo.

Bạn khác với đa số khi đã có một nền tảng nhất định nên không thể thực hiện hành vi mới một cách quá dễ dàng được. Nếu dễ quá thì bạn sẽ không có hứng thú và cảm thấy lợi ích của nó. Thay vì thế, bạn phải giữ cho thói quen đó ở mức vừa phải, không quá dễ nhưng cũng không quá khả năng của bạn. Sau 1-2 tuần đầu tiên, bạn có thể gia tăng thời gian dành chi thói quen mới. Từ 30 lên thành 40 hay 60 phút đọc sách. Còn với luyện tập thể chất thì chỉ cần từ tăng thêm 5 phút từ 20-25 phút cũng là quá thành công rồi.

Tổng kết lại là :
Đối với Người lười biếng, thiếu sự kiên nhẫn, cả thèm chóng chán nhưng vẫn muốn xây dựng thói quen đầu tiên thì chọn thói quen dễ không thể dễ hơn để bắt đầu. Sau đó chia nhỏ đến mức mà bạn lười đến đâu cũng có thể thực hiện được. Cuối cùng gắn cho hành vi nhỏ bé ấy một phần thưởng (Lướt fb cũng được, nhưng tốt hơn nữa là hãy lấy việc thực hiện hành vi đó làm niềm tự hào khi bản thân bạn đã bắt đầu có những chuyển biến). Nếu có thể, tái thực hiện hành vi này vài lần trong ngày.

Còn đối với những bạn có sẵn nền tảng từ những thói quen cũ thì phải liên tục thực hiện hành vi mới trong bất cứ khoảng thời gian nào có thể. Nhưng trước đó phải ước lượng thời gia trong ngày và sắp xếp lại lịch làm việc để biết được thời gian nào là tối ưu để bạn tập trung thực hiện các hành vi tạo ra thói quen mới.

Giờ thì bắt đầu thôi.

Photo : U2pic

Lan tỏa nếu thấy hay nhé:

Viết một bình luận