CON ĐƯỜNG CỦA SỰ THẬT

Wiliam xứ Rubruck là một nhà du hành và cũng là tu sĩ dòng Francisco (Phan Sinh) vào thế kỷ 13. Bằng niềm tin vào Chúa khi cho rằng mình sẽ cảm hoá rất nhiều kẻ man rợ đi theo vào đức tin của mình, William đã mạo hiểm chu du tới tận Mông Cổ và Trung Hoa trong vài năm và đem về Châu Âu những bản ghi chép làm kinh ngạc giới quân chủ và chức sắc nhà thờ.

Qua những người ghi chép công tâm về con người và xã hội Mông Cổ, vốn luôn được coi là một chủng người man di, tàn bạo và khát máu trong mắt người Châu Âu lại là một chủng người chịu khó học hỏi, có sự văn minh vượt xa đa số các dân tộc ở phương Tây và đặc biệt là họ có sự khoan dung trong tôn giáo hơn bất cứ nhà nước Ki-tô giáo nào mà William biết.

Khi du hành khắp đế chế Mông Cổ, Wiliam đã gặp gỡ vô số những chủng tộc như người Hồi, Ấn, Tây Tạng và tôn giáo như Phật giáo, Ki-tô giáo, Hồi giáo, Chính Thống giáo cùng đàm đạm với nhau một cách ôn hoà. Ở bất cứ thành phố nào cũng đều có các giáo đường và nhà chùa được cất lên để phục vụ đời sống tinh thần cho người dân. Cùng thời điểm này tại Châu Âu, thì quyền lực của giáo hội Công Giáo là bất khả xâm phạm. Việc đọc những bản kinh thư của ngoại giáo cũng phải được phép của nhà thờ, và cũng chỉ có các tu sĩ và cha xứ mới được quyền đọc và nghiên cứu.

Rất thận trọng trong những ghi chép đó, William kín đáo thừa nhận rằng văn minh và sự giàu có đích thực cả vật chất lẫn tinh thần là nằm ở phương Đông, chứ không phải là phương Tây. Nhưng chính Willialm cũng cưỡng lại được sự hấp dẫn của tự do trong tôn giáo mà đế chế Mông Cổ tạo dựng dưới thời hai hoàng đế Mông Kha và Hốt Tất Liệt. ông đã có những cuộc tranh luận những vấn đề thần học với các nhà sư Phật Giáo trong chuyến thăm viếng đế chế Mông Cổ.

William cũng nhận ra rằng những nhà sư Phật giáo và các tu sĩ Công giáo có rất nhiều điểm tương đồng. Cuộc sống của đôi bên đều giản dị, có những khổ hạnh và giáo luật nghiêm khắc. Khi nhà sư thiền định thì các tu sĩ cũng có hành vi tương tự gọi là tĩnh tâm hoặc cầu nguyện. Trong bầu không khí tu tập đó luôn xoay quanh những việc như đọc sách, ghi chép, xướng kinh hàng ngày.

Một lần Willam đã đi vào ngôi chùa ở Karakorum, ông đem theo những câu hỏi về Chúa nhưng sự quan điểm của phương Tây để tìm kiếm, hay nói cách khác là một thử thách dành cho các nhà sư của phương Đông.

“Các vị có niềm tin như thế nào về Chúa?”
“Chúng tôi chỉ tin rằng có một Chúa (Phật) duy nhất?”

“Các vị cho rằng Chúa là một thực thể tinh thần hay vật chất?”.William tiếp tục hỏi.

“Chúng tôi tin rằng Chúa chính là tinh thần”.
“Các vị tin rằng có linh hồn không?”

“Chúng ta ai cũng có linh hồn ở trong chính bản thể của mình”. Các nhà sư đáp và hỏi ngược lại William “Theo ngài thì Chúa ở đâu?”.

“Nếu các vị nói rằng linh hồn ngụ trong thể xác thì Chúa ngự ở khắp mọi nơi và nhận biết mọi thứ dưới sự vô hình và hữu hình của Người”. William trả lời.
“Vậy là ngài biết rồi đấy. Chúa là duy nhất, là tinh thần và là sự hiện diện ở khắp mọi nơi.

William ra về mà cuộc bàn luận kết thúc không có kết quả đúng hay sai. Thầy tu dòng Francisco cần những lời lý giải một cách đầy đủ và logic theo cách mà triết học và tôn giáo phương Tây luôn đòi hỏi. William còn cho rằng những nhà sư đã né tránh những câu hỏi cốt tử và chỉ đưa ra những lời chung chung để ông phải tự mình tìm kiếm câu trả lời.

Thực ra theo nhận biết của mình thì nếu nhìn theo con mắt của William thì “đó không phải là câu trả lời”, nhưng đối với người Á Đông thì “đó lại chính là câu trả lời”. Chúa hay Phật ở ngay đây, ngay lúc này. Còn cái hiểu, cái biết mới là một khái niệm không tồn tại.

Người ở phương Tây đi khắp bốn phương tám hướng để tìm kiếm câu trả lời.

Còn người phương Đông thì kiếm câu trả lời thông qua thế giới tinh thần và nội tâm của chính mình.

Phương Tây tin rằng cái phía trước quan trọng, còn phương Đông nhận thức rõ rằng ngay bây giờ mới là cái quan trọng.

Đối với mình thì đây chính là sự khác biệt rất lớn sự niềm tin và tinh thần của người Âu với người Á. Phương Tây luôn đòi hỏi một sự diễn giải hợp lý trong mọi thứ, bất kể đó có là về triết học, thần học hay khoa học.Trái lại, ông nhận ra rằng đối với phương Đông từ bản thân Chúa, Phật và Đạo đều là những khái niệm KHÔNG THỂ LÝ GIẢI MÀ CHỈ CÓ THỂ CẢM NHẬN. Thậm chí, các nhà sư còn né tránh tối đa những sự chất vấn của William về Chúa và Phật là như thế nào, triết lý của ai đúng hay sai. Đối diện với những câu hỏi vốn không bao giờ có câu trả lời rốt ráo bằng nhận thức của người phàm, các nhà sư im lặng và ngụ ý nói rằng “Ngài hiểu về Chúa chính là đã biết về Chúa”.

Câu hỏi chính là câu trả lời. Sự nhận biết không có đúng hay sai, nó bừng nở và lụi tàn ngay phút chốt.

Cái đã biết là khoảnh khắc loé sáng trong lòng, chỉ cảm nhận chứ không thể nói ra, hay như cách mà Socrates đã tuyên bố “Tôi chỉ biết một điều là tôi không biết gì cả”. Chúa hay Phật đúng là như thế, bạn biết bạn tin nhưng không cần lý giải hay phải nói rõ cho ai về điều đó cả.

Trong Đạo giáo cũng cắt nghĩa dứt khoát về Đạo rằng “Đạo khả Đạo phi thường Đạo. Danh khả Danh phi thường Danh”. Đạo không nói được mới là Đạo, Danh không xưng ra được mới là Danh.

Và chính Chúa Jesus đã nói “Thầy là sự thật và cũng là sự sống… Thầy ở đâu thì anh em ở đó, Thầy đi đâu thì anh em đã biết đường rồi”. Khi đã nhận biết Chúa thì Chúa ở đây hay đi đâu cũng tìm thấy Chúa. Có lẽ dù không tìm được những câu trả lời rốt ráo, nhưng Wiliam cũng đã biết dù ở những người khác tôn giáo với mình thì ông cảm thấy họ luôn tồn tại niềm tin về một Sự Thật và Tinh Thần. Chỉ là mỗi bên có cách lý giải khác nhau mà thôi.

Tự bản thân trong mỗi chúng ta đều có hạt giống tìm về Sự Thật hay Nhận Biết rồi. Khác biệt là chúng ta sẽ lựa chọn hay thông qua cách này hay cách khác để nhận biết được ánh sáng tinh thần trong chính bản thân chúng ta mà thôi.

Câu trả lời về mọi thứ luôn có sẵn trong bạn, nếu bạn cho phép mình thời gian để nhận biết khi khoảnh khắc đó xuất hiện.

Đạo là con đường, là sự thật và là sự sống. Còn bản thân bạn chính là chìa khoá để mở lối tiến vào con đường ấy.

Photo : kefan404

Lan tỏa nếu thấy hay nhé:

2 bình luận về “CON ĐƯỜNG CỦA SỰ THẬT”

  1. bài này có rất nhiều quan điểm và để làm rõ từng ý thì sẽ rất mất thời gian công sức.
    Vì không có thời gian nên tôi xin đưa vài phản biện ở mức độ tối thiểu:

    >Người ở phương Tây đi khắp bốn phương tám hướng để tìm kiếm câu trả lời.
    >Còn người phương Đông thì kiếm câu trả lời thông qua thế giới tinh thần và nội tâm của chính mình.
    Đây là một câu khái quát, đơn giản hoá. Mọi sự đơn giản hoá đều có mặt tốt và mặt chưa tốt của nó. Mặt tốt là nó có thể giúp rút ra mô hình một cách nhanh chóng, mặt chưa tốt là nó bỏ qua ko xem xét những thứ ko phù hợp với mô hình. Người thích đơn giản hoá thì cũng thích những gì “nhanh và ngắn”, thích những tác giả kiểu Thomas Friedman (Thế giới phẳng) và cũng dễ trở thành nạn nhân của Thiên Nga Đen (xem cuốn sách cùng tên) của lối suy nghĩ Plato hoá (xem Thiên Nga Đen). Các câu phía dưới tôi trích trong bài đại khái cũng vậy.
    Phát biểu trên cũng được, tuy không thực sự chính xác nhưng tôi tạm đồng ý

    >Phương Tây tin rằng cái phía trước quan trọng, còn phương Đông nhận thức rõ rằng >ngay bây giờ mới là cái quan trọng.
    Không hẳn vậy, disagree

    >Phương Tây luôn đòi hỏi một sự diễn giải hợp lý trong mọi thứ, bất kể đó có là về triết học, thần học hay khoa học.Trái lại, ông nhận ra rằng đối với phương Đông từ bản thân Chúa, Phật và Đạo đều là những khái niệm KHÔNG THỂ LÝ GIẢI MÀ CHỈ CÓ THỂ CẢM NHẬN.
    disagree, các xu hướng tâm linh là rất phong phú đa dạng, ở bất kỳ xã hội Phương Tây hay Phương Đông nào. Đây chỉ là quan điểm cá nhân của tác giả

    >Câu hỏi chính là câu trả lời.
    No, disagree, ko phải lúc nào cũng thế

    >Sự nhận biết không có đúng hay sai, nó bừng nở và lụi tàn ngay phút chốt.
    Đó chỉ là sự nhận biết cá nhân, chủ quan. Sự nhận biết của cá nhân là quan trọng, nhưng không đủ. Không đánh giá thấp nhưng cũng không nên đánh giá quá cao trực giác. Trong quá khứ, các nhà độc tài hay diệt chủng cũng bắt nguồn từ trực giác vậy

    >Chúa hay Phật đúng là như thế, bạn biết bạn tin nhưng không cần lý giải hay phải nói rõ cho ai về điều đó cả.
    No, disagree. Nếu không dạy/ nói rõ cho người khác thì không còn là Chúa hay Phật nữa. Hơn nữa, thực ra Chúa và Phật vô cùng khác nhau với những ai thực sự tìm hiểu sâu

    >Trong Đạo giáo cũng cắt nghĩa dứt khoát về Đạo rằng “Đạo khả Đạo phi thường Đạo. >Danh khả Danh phi thường Danh”. Đạo không nói được mới là Đạo, Danh không xưng ra được mới là Danh.
    No, disagree. Nghĩa của câu này không phải như vậy!

    >Câu trả lời về mọi thứ luôn có sẵn trong bạn, nếu bạn cho phép mình thời gian để nhận biết khi khoảnh khắc đó xuất hiện.

    No, disagree. Câu này nghe rất hay nhưng hơi sáo rỗng. Nó mang tính động viên cho những người thiếu tự tin trong cuộc sống thì nhiều hơn. Trong tâm linh, nó dẫn đến cách hiểu rằng Chúa đã có sẵn trong bạn, chỉ cần bạn nhận ra Chúa. Đó chỉ là một loại quan điểm “nhanh và ngắn” nữa mà thôi.

    >Đạo là con đường, là sự thật và là sự sống. Còn bản thân bạn chính là chìa khoá để mở lối tiến vào con đường ấy.

    Sự thật không mang tính cá nhân, có 100 người thì có 100++ sự thật. Không hiểu điều đó thì chẳng có Con đường nào cả.

    Trả lời
    • Cảm ơn bạn đã phân tích và chia sẻ quan điểm của mình.

      Nếu bạn ở Hà Nội hoặc có thể trao đổi qua email, messenger thì xin để lại địa chỉ để mình chủ động liên lạc và trao đổi nhé.

      Trả lời

Trả lời admin Hủy