NẾU NHỮNG GÌ BẠN LÀM KHÔNG ĐÁNG 1 XU TRONG MẮT CÔNG CHÚNG?

Hôm qua có một bạn gái trẻ tuổi tên A gửi tin nhắn khích lệ lẫn lo lắng cho mình rằng bạn ấy thích những gì mình viết, nhưng thật buồn cho mình vì chẳng ai biết tới. Nội dung tin nhắn như sau.

“Anh giỏi quá, dù có nhận được sự ca ngợi của xã hội này hay không thì em biết rằng anh cũng đã nhận được nhiều giá trị và ơn phước từ kiến thức của Thế Giới này rồi. Đôi khi em cũng tiếc cho anh nhưng thôi hoàn cảnh nào cũng có cái khó của nó…”

Mình trả lời A rằng “Sao lại phải tiếc cho anh nếu như những gì anh làm sẽ không được xã hội công nhận? Được hay không thì anh vẫn phải làm những gì mình muốn làm. Nếu để được khen ngợi, được công nhận thì mới làm những việc phải làm thì chúng ta đã đặt niềm vui, sự hạnh phúc hay ý nghĩa của cuộc đời này vào tay người khác mất rồi.

Thật tình cờ thì trong một cuốn sách gầy đây mình đọc cũng có viết về một câu chuyện tương tự của mình. Chỉ khác là câu chuyện này liên quan đến những bức tranh chứ không phải là văn chương hay những chia sẻ đời thường trên fb như mình.

“Trước đây tôi từng thấy nhiều trò cười và thứ vớ vẩn của đám nghệ sỹ, nhưng lần này thì thật quá sức chịu đựng của tôi khi có kẻ đòi cả một khoản tiền lớn cho việc quẳng một thùng sơn vào mặt công chúng”.

John Ruskin, một nhà phê bình nghệ thuật nổi tiếng cuối thế kỷ 19 ở Anh công khai lăng mạ hoạ sĩ James McNeill Whistler và bức tranh Nocturne in Black and Gold (đính kèm ở bên dưới) của ông. Vụ công kích này dẫn đến một phiên toà với kết quả là Whistler đòi lại được danh dự của mình cùng… 1 xu bồi thường tượng trưng.

Nhưng điều đó không còn quan trọng nữa, vì hơn 100 năm sau, bức tranh vốn bị coi là một thùng sơn đã được định giá lên tới hàng triệu đôla và vô số bản sao chép được được trừng bày trong nhiều phòng khách, phòng làm việc trên thế giới.

Chiến thắng trị giá 1 xu này của Whistler được người đời sau này công nhận rằng nó đã giúp những hoạ sỹ, nhà văn có quyền được thể hiện phong cách, sáng tạo, thậm chí là điên rồ trước sự gắt gỏng và giáo điều của những nhà phê bình tự cho mình có quyền áp đặt lên các nghệ sỹ.

Còn mình thì chẳng có lấy nổi 1 xu như Whistler từ những người luôn công kích và chê bai mình. Nhưng mình không quan tâm đến những chỉ trích đó vì ngay cả những chuyên gia cũng không hoàn toàn đánh giá đúng một tác phẩm mà họ được trả tiền để làm việc đó. Moby Dick – Kinh Thánh về thế giới của loài cá nhà táng khi xuất bản còn bị nói rằng tác giả phạm vô số lỗi cơ bản từ ngữ pháp, câu cú nhưng cuối cùng thì mọi chỉ trích cũng chìm xuống biển sâu chứ không phải là những trang tiểu thuyết về cá voi kia.

Đối với một người học tập và sống theo triết lý Khắc Kỷ thì anh ta hay cô ấy nên tập trung vào công việc, bản thân mình (Đối với mình là viết những gì mình muốn viết) và đừng lãng phí một giây phút nào vào những việc không phải của mình (Sự chê bai hay không công nhận của mọi người).

“Nếu bạn quan tâm đến người khác nói gì về bạn thì bạn sẽ chẳng làm được việc gì cả”.

Có lẽ nhiều người cho rằng đây là một lập luận tự an ủi khi không đạt được thành tựu gì đáng nói. Có thể những gì mình làm đã và luôn không bao giờ nhận được những gì xứng đáng, nhưng chỉ riêng việc mỗi ngày thức dậy để được làm việc mình muốn thì mình đã được trả công hậu hĩnh và đang sống một cuộc đời vui vẻ và tốt đẹp rồi.

Cảm ơn A đã lo lắng anh về chuyện sẽ chẳng có ai công nhận những gì anh làm. Cuộc đời của một người dựa trên việc người đó học hỏi, thực hành và tiến bộ mỗi ngày từ việc người đó làm chứ không phải trên sự nhìn nhận của công chúng. Và ai đó có thể tìm kiếm sự vui vẻ từ những gì bản thân làm hằng ngày, sẽ không quan tâm tới những gì người khác nói gì, nghĩ gì hay không công nhận những gì anh ta làm.

Photo Nocturne in Black and Gold của James McNeill Whistler.

Lan tỏa nếu thấy hay nhé:

Viết một bình luận