LÀM THẾ NÀO ĐỂ TRỞ THÀNH PHI HÀNH GIA KHI KHÔNG BIẾT BẮT ĐẦU TỪ ĐÂU?
Vũ trụ, không gian và phi hành gia trong thực tế khác hoàn toàn so với phim ảnh.
Những gì chúng ta được thấy trên màn ảnh đã lược bỏ đi 99% công đoạn từ một người bình thường cho đến việc trở thành phi hành gian có mặt trên vũ trụ.
Đơn giản vì đó là một công đoạn nhám chán, một quá trình trải qua hàng nghìn giờ tập luyện, tương đương với hàng thập kỷ để sẵn sàng bước vào không gian. Bạn sẽ phải học những kỹ năng phức tạp có khi chẳng có cơ hội sử dụng đến. Quan trọng hơn, bạn cần một thái độ sẵn sàng học tập hết lần này đến lần khác dù cả khi bạn nghĩ mình đã biết hết rồi.
Đó là điều mình được khai sáng khi đọc “Sổ tay phi hành gia” với tên gốc là An Astronaut’s guide to life on Earth của phi hành gia Canada Chris Hadfield. Đây là cuốn sách vừa là khoa học và hồi ký của một mơ ước viển vông và ngây thơ khi Chris Hadfield là cậu bé 9 tuổi bị chấn động khi theo dõi tàu Apollo 11 đổ bộ lên mặt trăng và Neil Amstrong đi trên đó qua ti vi.
Nhưng lúc đó Canada không có tài lực lẫn nhân lực để đầu tư vào vũ trụ và không gian. NASA cũng chỉ tuyển phi hành gia có quốc tịch Mỹ. Không có lớp học hay sách vở để theo đuổi cả. Dù biết ước mơ của mình rất phi lý đến mức nó còn chẳng có lấy một cái gì để bám víu vào, nhưng Chris Hadfield vẫn từng bước đi trên con đường vô định đó với “Suy nghĩ của một phi hành gia thực sự”.
“Điều bạn làm mỗi ngày sẽ định hình con người bạn sau này. Khi bạn không học, không có sách để đọc, hãy hình dung về những gì mà một con người bạn hướng đến sẽ phải làm. Mỗi ngày”.
Ở tuổi 18, Chris Hadfield nhập ngũ vì con đường để được NASA chấp nhận là thông qua quân đội, nếu như anh có cơ hội.
CON ĐƯỜNG CHUẨN BỊ ĐỂ ĐƯỢC CHỌN LÀ PHI HÀNH GIA VÀ CÂU HỎI “CẬU ĐÃ TỪNG NGHĨ ĐẾN VIỆC GIẾT MẸ MÌNH CHƯA?”.
Trong thời gian nhập ngũ, Chris Hadfield còn muốn trở thành phi công lái máy bay chiến đấu, kĩ sư thử nghiệm máy bay, đội trưởng của các nhiệm vụ phức tạp và tìm ra sự đột phá mới trong việc lái máy bay chiến đấu. Tất cả đều rất khó, nhưng đó lại rất gần với những gì Nasa đòi hỏi ở một phi hành gia.
Tỉ lệ tử vong khi trở thành phi công lái máy bay chiến đấu ở Canada lúc ấy là 1 người 1 năm. Nhưng vào thời điểm đó, mỗi năm Canada chỉ tuyển 20-30 phi công mới, và chỉ có 2 người giỏi nhất mới được gửi đi huấn luyện ở nước ngoài. Điều này có nghĩa rằng, một nhóm phi công ưu tú sẽ phải chấp nhận việc mỗi năm họ sẽ mất đi 1 đồng đội mà mình biết rõ.
Trong 1 năm là phi công, Chris Hadfield đã lái 32 máy bay các loại. Mỗi ngày đều bay ít nhất là vài lần. Lúc thì thử nghiệm, lúc thì trong trạng thái chiến đấu khi ngăn chặn máy bay của Liên Xô bay vào không phận Canada. Một lần bay ở độ cao 10.000 met, Chris Hadfield mới biết trong khoang lái có 1 con rắn. Anh và đồng đội ngồi sau đã mở tấm kính chắn gió, ném con rắn đi trước khi có chuyện gì xảy ra. Tổng cộng Chris Hadfield đã lái hơn 70 máy bay trong sự nghiệp quân đội.
Vận may đã đến với Chris Hadfield, khi năm 1992 Canada thành lập trung tâm nghiên cứu vũ trụ và đăng tuyển phi hành gia. Lúc ấy Chris Hadfield xấp xỉ 30 tuổi, có vợ và 3 đứa con cùng một sự nghiệp tốt trong quân đội, liên tục được gửi đi đào tạo ở nước ngoài, giành giải thưởng của quân đội Mỹ và lấy bằng thạc sỹ khi học tập ở đó. Ước mơ viển vông ngày nào của đứa trẻ 9 tuổi có thể trở thành hiện thực.
Lúc ấy có 5329 đơn ứng tuyển mà chính phủ chỉ chọn 5 người. Có nhiều ứng viên là nhà khoa học, bác sĩ, phi công máy bay… giống như Chris Hadfield, họ cũng giỏi rất nhiều kĩ năng.
Khi từ hơn 5 nghìn ứng viên được loại dần xuống còn 500 rồi 100 người, thì Chris Hadfield được chính phủ sắp xếp gặp một chuyên gia tâm lý trong khách sạn để nói chuyện. Người này đã hỏi anh rất nhiều câu liên quan đến hành vi và suy nghĩ. Trong đó có câu hỏi “Cậu đã bao giờ nghĩ đến việc sẽ giết mẹ mình chưa?”. Rồi từ 100 người xuống còn 50 và 20 người giỏi nhất. Trong đó có Chris Hadfield.
Cuối cùng Chris Hadfield đã chọn là 1 trong 5 người sẽ được đào tạo trở thành phi hành gia. Anh đã luyện tập, học hỏi rất nhiều kĩ năng phức tạp hàng nghìn giờ trong 21 năm tiếp theo để đổi lấy khoảng 150 ngày trong tàu vũ trụ, trạm không gian và 14 tiếng 53 phút 38 giây làm việc bên ngoài vũ trụ qua 3 sứ mệnh lên không gian của mình.
Năm 1995 Chris Hadfield bay lên vũ trụ chỉ là 1 phi hành gia bình thường, năm 2012 anh trở thành đội trưởng của trạm không gian Quốc tế ISS.
“Điều bạn muốn có thể không xảy ra, nhưng bạn nên làm những điều sẽ giữ cho mình đi đúng hướng. Hãy chắc chắn những điều đó làm bạn thấy hứng thú, dù cho có điều gì xảy ra thì bạn vẫn hạnh phúc. Hãy yêu quá trình bạn làm và thành quả chỉ là phần thưởng bổ sung”.
MỘT NGƯỜI VỢ 90%
Chris Hadfield suýt trở thành phi công dân dụng chứ không phải là phi hành gia nếu không phải nhờ Helene – người con gái anh cưới năm 21 tuổi ngăn cản khi cuộc sống của hai người quá khó khăn với 3 đứa con lúc chưa tới 30 tuổi.
“Anh đâu muốn trở thành phi công dân dụng. Anh sẽ không thể hạnh phúc và em cũng vậy. Anh đừng từ bỏ ước mơ trở thành phi hành gia của mình và em không cho phép anh làm như vậy. Hãy chờ đợi thêm một chút nữa thôi rồi sẽ ổn”. Helene động viên chồng mình.
Mình rất xúc động khi biết Helene trước khi cưới Chris Hadfield đang có 1 sự nghiệp môi giới bất động sản thành công khi còn rất trẻ. Đã mua được nhà riêng nhưng vì cưới Chris Hadfield nên chị đã từ bỏ tất cả để theo chồng sống trong những khu tập thể dành cho quân nhân. Lúc thì ở Canada, Mỹ, Pháp và Nga.
70% thời gian trong 21 năm là phi hành gia của Chris Hadfield không ở với vợ và các con. Đối với đa số các vợ chồng đây sẽ là lý đo khiến cuộc hôn nhân đổ vỡ. Helene cũng vậy, chị nói rằng Chris Hadfield phải xác định gia đình hay sự nghiệp là điều quan trọng với anh. Chị đồng ý gánh vác 90% mọi thứ khi anh vắng nhà nhưng không phải là 99%. Dĩ nhiên Chris Hadfield hoàn toàn đồng ý rằng thời gian khi anh ở nhà sẽ ở bên cạnh các con nhiều hơn. Anh chỉ còn cố gắng 10% còn lại thay cho vợ mình mà thôi
MỘT SỐ THÔNG TIN THÚ VỊ VỀ PHI HÀNH GIA.
Chi phí cho một dự án phóng tàu lên vũ trụ và một nhóm phi hành gia luôn lên tới hàng tỉ đô la. Nên việc tuyển chọn rất gắt gao để hạn chế tối đa thiệt hại về tiền thuế của người dân.
Một bộ đồ phi hành gia trị giá hàng chục triệu đôla nghiên cứu và phát triển.
Mỗi chuyến bay, các phi hành gia sẽ được tặng 1 chiếc Omega Speedmaster
8 phút 42 giây là thời gian tàu vũ trụ từ mặt đất ra khỏi vùng khí quyển và bước vào không trọng lực.
Hầu hết thời gian của 1 phi hành gia là tập luyện và đến rất nhiều lớp học và hỗ trợ phi hành gia trên vũ trụ ở trung tâm.
Capcom – liên lạc viên là cầu nối thông tin giữa trung tâm và các phi hành trên vũ trụ.
EVA – nhiệm vụ ngoài không gian là công việc khó khăn nhất. Phải trải qua hàng nghìn giờ tập luyện và kết nối với hàng trăm con người để hoàn thành việc đơn giản nhất như vặn ốc để tháo bulong được mô tả là “Thay lốp khi mang giày trượt băng và đeo găng tay thủ môn”.
Khoá học thường xuyên của phi hành gia là liên tục phải đưa mình đối mặt với cái chết và các tình huống tiêu cực khác.
NA SA rất thích ứng viên có tính cách khiêm tốn, hợp tác với người khác và làm chủ cảm xúc của bản thân.
Công việc thường xuyên trong trạm vũ trụ là sữa chữa toilet.
Có những phi hành gia không bao giờ được chọn đưa lên vũ trụ. Nhưng họ luôn chấp nhận tập luyện và sẵn sàng lên đường.
Việc lựa chọn phi hành gia đưa lên vũ trụ dựa vào ngân sách của các quốc gia đóng góp nhiều hay ít. Lúc Chris Hadfield lên vũ trụ vào năm 1995 thì ngoài Mỹ ra thì Canada đóng góp…2% chi phí.
Trước khi bay, các phi hành gia sẽ được cách ly 1 tuần trong môi trường vô trùng để tránh tối đa mọi lây nhiễm khi lên vũ trụ.
Khi Mỹ kết thúc kỉ nguyên tàu con thoi vào băm 2011 thì địa điểm phóng tàu vũ trụ chuyển sang Tranquility – Kazakhstan. Thay thế tàu con thoi là Soyuz của Nga, bé hơn rất nhiều so với tàu con thoi.
Người đầu tiên thiệt mạng trong sứ mệnh không gian là Komarov vào năm 1967 trên chính loại tàu Soyuz mà Chris bay vào năm 2012. Năm 2008, Soyuz đem theo mấy phi hành gia cũng nổ tung nhưng hệ thống đào thoát đã chia tách khoanh phi hành gia khỏi tàu vũ trụ kịp thời.
Trước giờ phóng, các phi hành gia phải thụt hậu môn và đóng bỉm.
Theo truyền thống ở Nga, các phi hành gia phải tè lên lốp xe bên phải chiếc ô tô đưa họ đến tàu vũ trụ. Các nữ hành gia sẽ chuẩn bị sẵn chai, lọ nhỏ hắt vào lốp xe.
Khi Liên Xô sụp đổ, Mỹ không muốn các dự án và thông tin về không gian của Liên Xô bị các nước khác mua lại nên đã tài trợ cho các dự án vũ trụ của Nga cho đến bây giờ.
Buồn nôn là không thể tránh khỏi vì cơ thể không quan với trạng thái không trọng lực.
Trên trạm không gian, thiết bị lọc nước tinh khiết từ chính nước tiểu của các phi hành gia.
Mất 2-6 tuần bạn mới làm quen được trạng thái không trọng lực.
Khi đánh răng trên vũ trụ, bạn phải nuốt toàn bộ vào trong miệng.
Trong môi trường không trọng lực một thời gian, bạn sẽ cao thêm vài phân vì xương sống không bị lực tác động và đè nén lên. Tuy nhiên cơ bắp sẽ rất yếu và khi trở lại Trái đất sẽ phải trải qua vài tuần hồi vật lý trị liệu.
Quần áo trong môi trường không trọng lực sẽ không bao giờ thực sự chạm vào cơ thể. Trung bình một phi hành gia chỉ thay đồ sau ít nhất vài tuần.
Bạn mất trung bình 5-10 phút để đi tè trong môi trường không trọng lực qua một đường dẫn. Hãy cẩn thận nếu không nước tiểu sẽ trôi lơ lửng trước mặt bạn và dính vào người khác.
Các thí nghiệm trên không gian đơn giản là không thể làm được dưới mặt đất. Để hiểu rõ hơn về các vật chất trong vũ trụ rồi ứng dụng vào các công nghệ mới từ y tế cho tới Robot bắt buộc phải đầu tư vào không gian.
Đồ ăn trên trạm không gian đều là đồ tiện dụng. Tất cả đều được nghiền nhỏ và dưới dạng lỏng vì trong môi trường không trọng lực các đồ ăn bình thưởng rất phiền toái.
Trạm không gian quay quanh Trái đất với tốc độ 17,500 dặm 1 giờ, 8km/phút, 90 phút 1 vòng, tức 1 ngày phi hành gia chứng kiến 16 lần bình minh.
Các thứ nhỏ bé như vụn bánh mỳ, hạt nước… nếu không cẩn thận sẽ chui vào bên trong các đường ống của trạm không gian và gây ra các nguy cơ nghiêm trọng.