CHÚNG TA ĐANG NUÔI 1 CON QUÁI VẬT TRONG NÃO MÌNH THÔNG QUA INTERNET

Trong cuốn Trí tuệ giả tạo – Internet đã làm gì chúng ta có mô tả một nghiên cứu thực nghiệm như sau. Các sinh viên trong khoảng thời gian 20-30 phút được tuỳ ý sử dụng smartphone để lướt web, truy cập facebook hay làm bất cứ gì họ muốn để những nhà nghiên cứu xem họ đọc và làm gì trên internet.

Kết quả là đa số sinh viên tham gia nghiên cứu chỉ chăm chú trước hình ảnh, video, các đoạn nội dung rất ngắn còn những bài viết thể thao, giải trí thú vị đến đâu nhưng dài trên 2000 chữ thì họ đều dùng ngón tay lướt qua bài viết và COI NHƯ ĐỌC RỒI.

Cuối cùng, sau khi xem lại toàn bộ video quay lại quá trình nghiên cứu và phỏng vấn từng sinh viên thì sự thật là họ KHÔNG ĐỌC chứ không phải là đọc ít hay rất ít. Nhiều người nói rằng, đã từ lâu họ cũng không đọc xong nổi 1 cuốn sách dù rất cố gắng.

Vấn đề ở đây nằm ở việc não bộ của các sinh viên này đã thay đổi (Thật ra đa phần con người trên thế giới) khi trong một khoảng thời gian dài liên tục sử dụng internet để cập nhập vô số các thông tin ngắn gọn, nhiều hình ảnh và video mà mài mòn mất khả năng đọc sâu và sự tập trung.

Ngược lại, nhờ vào Máy học và Trí tuệ nhân tạo, các nền tảng mạng xã hội hay video trực tuyến liên tục đưa ra gợi ý xem hết thông tin, hình ảnh và video đến người xem. Bản chất của việc gợi ý này không phải là giúp người dùng, mà là thay đổi khả năng tư duy và tiếp thu của chúng ta từ việc học hỏi lâu dài thành kiểu công nghiệp tiêu thụ thông tin ngắn và nhanh như mỳ ăn liền. Khi chúng ta xem nhiều video thì đám mạng xã hội mới thu lợi được từ quảng cáo.

Cũng không phải ngẫu nhiên trong mấy năm nay các nền tảng mạng xã hội cũ như facebook, instagram, youtube và bây giờ là snapchat cùng Tiktok lấy cốt lõi là video đẻ thu hút người dùng. Thậm chí thuật toán của fb cũng ưu tiên và khuyến khích người dùng đăng tải video dài lẫn video ngắn dưới dạng story.

Về lâu dài, nội dung của phương tiện truyền thông sẽ bớt quan trọng so với bản thân phương tiện đó trong việc tác động tới cách nghĩ và hành xử của chúng ta. Thói quen tiếp thu những thông tin ngắn dưới dạng hình ảnh, video với rất ít văn bản sẽ khiến bộ não mình xao nhãng, mất tập trung và biến thành một con quái vật thèm khát mọi thứ nó muốn. “Nó đòi hỏi được cho ăn theo cách Internet cho nó ăn – và càng được cho ăn, nó càng trở nên đói hơn”. Tác giả cuốn Trí tuệ giả tạo kết luận.

Việc đọc sâu thông qua sách hoặc bài viết dài một phần của tư duy và cả sự sáng tạo. Thực tế, từ hàng nghìn năm lịch sử, những con người có tư tưởng vĩ đại hay các nhà phát minh tài giỏi đều đồng ý rằng “Ý tưởng và sự sáng tạo sẽ dễ dàng xuất hiện hơn khi bộ não đã học được cách đọc và đang đọc.”.

Sự tập trung của chúng ta bắt đầu bị sa sút và phân tán khi internet xuất hiện. Bây giờ nhiều người trong chúng ta khi cầm sách lên sẽ đặt ngay xuống chỉ sau một, hai trang bất chấp thực tế rằng khả năng đọc sâu từng xuất hiện tự nhiên giờ bị thay thế bằng thú vui hấp thụ thông tin nhanh và ngắn do internet đem lại.

Mình viết chia sẻ này không hề phủ nhận những gì internet đã thay đổi và biến cuộc sống của chúng ta trở nên tốt đẹp, tiện lợi và mở ra nhiều liên kết hơn. Nhưng Internet cũng là con dao hai lưỡi, nếu chúng ta không kiểm soát được thời gian dành cho nó thì chúng ta đang nuôi dưỡng một con quái vật đơn điệu, nhàm chán chỉ biết chăm chăm nhìn vào màn hình điện thoại với ngón tay lướt lên lướt xuống.

Lan tỏa nếu thấy hay nhé:

Viết một bình luận